Xu thế già hóa, đặc điểm ở Việt Nam và khuyến nghị chính sách

Các khái niệm “Người cao tuổi” (NCT) hay “Già hóa”, “Dân số già”, “Dân số siêu già” chỉ mang tính tương đối, chứ không có tính “chính xác toán học”. Chẳng hạn, Liên Hợp Quốc và nhiều nước phát triển thường lấy tiêu chuẩn là từ 65 tuổi trở lên còn Luật NCT Việt Nam (2009) quy định những người từ đủ 60 tuổi trở lên là NCT, (bài viết sử dụng tiêu chuẩn này).

Tỉ lệ NCT ở các nước rất khác nhau: Năm 2021, ở Niger là 4 % nhưng ở Nhật Bản là 35,6%. Ở nước ta năm 2019, tỉ lệ NCT của tỉnh Bình Dương là 5,4% ; tỉnh Lai Châu: 6,6% còn ở TP Hải Phòng là 14,9% và tỉnh Thái Bình 18,7%. Căn cứ vào tỉ lệ NCT, tổng thể dân số của các quốc gia (hoặc các vùng lãnh thổ nào đó) được chia thành các nhóm (Bảng 1).

Bảng 1: Các nhóm dân số theo tỉ lệ NCT

Xu thế già hóa, đặc điểm ở Việt Nam và khuyến nghị chính sách

Chú ý rằng, các “ngưỡng” về tỉ lệ NCT để phân nhóm mức độ già của dân số cũng chưa thống nhất, nghĩa là mang tính tương đối, chủ quan.

NCT có đặc trưng chung với tổng thể dân số nhưng cũng có nhiều nét đặc thù. Khảo sát, nghiên cứu phát hiện đầy đủ đặc trưng kinh tế, sức khoẻ, tâm lí, xã hội,… của bộ phận dân cư cao tuổi là công việc phức tạp, khó khăn nhưng cần thiết để có chính sách phù hợp, hiệu quả thích ứng với xã hội có dân số già.

1. NCT trên thế giới: Quy mô lớn và “siêu bùng nổ” trong thế kỉ XXI

Do dân số ngày càng tăng, tuổi thọ ngày càng cao, tỉ lệ sinh đẻ ngày càng giảm nên NCT ngày càng tăng nhanh cả về số lượng và tỉ lệ. Số liệu bảng 2 cho thấy: Sau 50 năm (1950-2000), dân số tăng khoảng 2,44 lần, số NCT tăng 3,03 lần!

Bảng 2: Số lượng và tỉ lệ NCT trên thế giới

Xu thế già hóa, đặc điểm ở Việt Nam và khuyến nghị chính sách
Nguồn: + UN. World Population Prospects. The 2011 Revision 2022
Xu thế già hóa, đặc điểm ở Việt Nam và khuyến nghị chính sách

Đặc biệt, nửa đầu thế kỉ XXI, già hóa dân số diễn ra mạnh mẽ hơn. Tính toán từ Bảng 2 cho thấy: Giai đoạn 2000-2050, dự báo dân số chỉ tăng 1,59 lần, còn NCT sẽ tăng tới 3,47 lần! Cần chú ý thêm là, nếu 50 năm cuối của thế kỉ XX (1950-2000), NCT tăng thêm 404,5 triệu và tỉ lệ NCT chỉ tăng thêm 1,9% (từ 8,0% lên 9,9%) thì 50 năm đầu thế kỉ XXI, các số tương ứng là 1.495,3 triệu và 11,7% (từ 9,9% lên 21,6%)! Gần giữa thế kỉ này, thế giới sẽ có dân số già.

Như vậy, nếu nửa cuối thế kỉ XX, đã nói tới “bùng nổ NCT” thì nửa đầu thế kỉ XXI có thể gọi là thời kì “siêu bùng nổ NCT”. Đây là đặc trưng xã hội nổi bật của thế giới hiện nay. Các nhà khoa học thế giới cho biết: Dân số già và biến đổi khí hậu là 2 trong số những vấn đề cấp bách nhất trong chính sách của nhiều quốc gia .

2. Số lượng và tỉ lệ NCT tăng mạnh, Việt Nam thuộc nhóm quốc gia có dân số già hóa nhanh nhất thế giới.

Cùng với xu hướng chung của thế giới, NCT Việt Nam không ngừng tăng nhanh cả về số lượng và tỉ lệ (Bảng 3).

Bảng 3: NCT của Việt Nam: Số lượng và tỉ lệ.

Nguồn: Ban chỉ đạo TĐT dân số và nhà ở Trung ương. Dân số Việt Nam 1/10/1979. Hà Nội, 1983.
Nguồn: Ban chỉ đạo TĐT dân số và nhà ở Trung ương. Dân số Việt Nam 1/10/1979. Hà Nội, 1983.

+ Ban chỉ đạo TĐT dân số và nhà ở Trung ương. Kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009. Hà Nội, 2010.

+ Central census steering committee. 1999 population and housing census:Sample results. The gioi publishers. Hanoi, 2000.

+ Tổng cục Thống kê. TĐT dân số Việt Nam -1989. Phân tích kết quả điều tra mẫu. Hà Nội, 1991.

+ TCTK và UNFPA. Dự báo dân số Việt Nam, giai đoạn 2019-2069. Hà Nội, 11- 2020.

Số liệu bảng 3 cho thấy: Nhịp độ tăng NCT ở nước ta rất nhanh và nhanh hơn nhiều nhịp độ tăng dân số. Trong 80 năm, từ 1979 đến 2059, dân số tăng 2,17 lần thì NCT tăng 8,5 lần, riêng dân số 80 tuổi trở lên tăng 24 lần. Theo Tổng cục Thống kê, tỉ lệ NCT của nước ta năm 2011, đạt 10%, nghĩa là bắt đầu bước vào quá trình già hóa và trở thành nước có dân số già vào năm 2038, khi có 22,284 triệu NCT, chiếm 20% tổng số dân. Như vậy, thời gian cần thiết để tăng gấp đôi tỉ lệ NCT ở Việt Nam chỉ mất 27 năm (2011-2038)! Vì vậy, nước ta thuộc nhóm quốc gia già hóa nhanh nhất thế giới (Chi Lê: 27 năm; Trung Quốc: 26 năm; Thái Lan: 22 năm; Brazin: 21 năm;…), so với Pháp: 115 năm (1865-1980), Thụy Điển 85 năm (1890-1975), Úc 73 năm (1938-2011),… Điều này cho thấy, thời gian chuẩn bị cơ sở vật chất, tâm lí xã hội cho dân số già của nước ta ngắn hơn rất nhiều so với các nước đã phát triển.

Khuyến nghị 1: Cần đẩy mạnh nghiên cứu, truyền thông về xu thế già hóa nhanh của nước ta để toàn xã hội nhận thức đầy đủ về thời cơ, thách thức của thời kì này, Đảng và Chính phủ sớm có chính sách phù hợp, hữu hiệu thích ứng với già hóa, nâng cao chất lượng cuộc sống của toàn dân nói chung và chất lượng cuộc sống của hàng chục triệu dân cao tuổi nói riêng.

3. Đặc điểm NCT Việt Nam

3.1 NCT ở nước ta số đông là nữ và nữ goá chồng

Năm 2019, trong tổng số 11.408.685 NCT thì có tới 6.631.691 cụ bà (chiếm 58%), còn lại là 4.776.994 cụ ông (chiếm 42%). Nói khác đi, cứ 100 cụ ông thì có tới 139 cụ bà! Cần chú ý rằng, tuổi càng cao thì số cụ bà càng nhiều hơn số cụ ông.

Có thể thấy rõ rằng: Đến tuổi 85 trở lên, số cụ bà gấp hơn 2 lần số cụ ông! Một điểm đáng lưu ý là: Năm 2019, tỉ lệ nam giới cao tuổi đang có vợ là 88% nhưng đối với nữ cao tuổi đang kết hôn chỉ có 53,3%! Đặc biệt, cả nước có 474.761 cụ ông goá vợ thì có tới 2.718.321 cụ bà góa chồng, nhiều gấp 5,7 lần so với cụ ông !

Rõ ràng, già hoá, chủ yếu là già hoá nữ, và phụ nữ khi về già thường thiệt thòi hơn nam giới: Sống đơn côi và phải có trách nhiệm với cha mẹ già và những đứa con chưa trưởng thành!

Trong khi đó, vấn đề tái giá của người già, nhìn chung không được ủng hộ: 58,6% số người được hỏi cho là không nên, 18,3 % không quan tâm, 5 % không có chính kiến, chỉ có 18 % tán thành, tức là cứ 5 người mới gần có 1 người chấp nhận.

Khuyến nghị 2: Chính sách đối với NCT, hoạt động của Hội NCT cần chú ý nhóm nữ, nhất là nhóm nữ góa chồng.

3.2 NCT ở nước ta chủ yếu sống ở nông thôn, đa số không có thu nhập thường xuyên

Tổng điều tra Dân số năm 2019 cho thấy: 67,2% NCT sống ở nông thôn. Tổng cục Thống kê dự báo: Đến giữa thế kỉ, tỉ lệ này vẫn chiếm khoảng 56%. Cư trú ở nông thôn, nên thế hệ cao tuổi ngày nay phần lớn làm nông nghiệp, là nông dân, hầu hết không có lương hưu. Trong khi đó, ở nông thôn ruộng đất ít, năng suất, thu nhập thấp, ít có tiết kiệm. Vì vậy, năm 2021, tỉ lệ NCT có thu nhập chính từ hỗ trợ từ con cháu/người thân là cao nhất: 38,5%. Thu nhập từ lao động của chính họ có vị trí thứ hai: 32,4%. Chỉ có 23% NCT hưởng lương hưu hoặc trợ cấp từ nguồn Quỹ Bảo hiểm xã hội. Tỉ lệ NCT có nguồn thu khác có không cao, chẳng hạn: 9,8% NCT được hưởng trợ cấp người có công; 10,4% NCT có tiết kiệm; 13% nhận trợ cấp xã hội hằng tháng ;… nhưng mức hưởng thấp. Thí dụ, mức trợ cấp xã hội cho những người 80 tuổi trở lên, không có lương hưu hoặc bất kì khoản trợ cấp xã hội nào là 360.000 đồng/tháng. Hơn nữa, quy định trợ cấp xã hội đối với NCT hiện hành có hai điểm đáng xem xét.

Một là, theo Ngân hàng Thế giới (WB), năm 1967, GDP/người của thế giới chỉ có 664 $ nhưng ngay từ năm đó, Công ước quốc tế “về trợ cấp tàn tật, tuổi già và tiền tuất” đã đề nghị trợ cấp cho những người từ 65 tuổi trở lên. Trong khi đó, năm 2022, GDP/người của Việt Nam là 4.163 $ nhưng Luật NCT vẫn quy định phải đủ 80 tuổi trở lên, như nói ở trên.

Hai là, tuổi thọ theo giới, theo vùng của dân số Việt Nam chênh lệch rất lớn.

Năm 2019, tuổi thọ của nữ TP Hồ Chí Minh là 79,3; tuổi thọ của nam Lai Châu chỉ có 62,9 tuổi nhưng 2 nhóm dân cư này đều có chuẩn chung để được hưởng trợ cấp xã hội là 80 tuổi. Đối với nhiều nhóm dân số có tuổi thọ thấp, trợ cấp cao tuổi chỉ là chế độ “treo”. Tỉ lệ NCT sống trong hộ nghèo là 3,6% và hộ cận nghèo là 11,6%. Các tỉ lệ tương ứng của cả nước là 2,93% và 2,78%.

Theo dự báo đến năm 2060 cũng chỉ có 10 triệu người hưởng hưu , chiếm 31,8% NCT. Như vậy, an ninh thu nhập của NCT không chỉ là thách thức lớn hiện nay mà còn cả trong tương lai xa.

Khuyến nghị 3: Thực hiện nhiều giải pháp để đa dang hóa nguồn thu nhập của NCT, đặc biệt là tăng tỉ lệ NCT có lương hưu; tăng tỉ lệ NCT có việc làm (nếu có khả năng và có nhu cầu), tăng tỉ lệ NCT được hưởng trợ cấp xã hội. Giảm độ tuổi tối thiểu được hưởng trợ cấp xã hội xuống 70 và phân biệt “chuẩn về tuổi hưởng trợ cấp xã hội” theo nhóm tỉnh căn cứ vào tuổi thọ trung bình. Hội NCT có giải pháp, mô hình hỗ trợ hội viên và khuyến khích hội viên giúp nhau làm kinh tế.

3.3 Sức khoẻ NCT nước ta không ngừng được cải thiện

Cùng với sự phát triển nhanh của nền kinh tế và sự tiến bộ xã hội, tuổi thọ trung bình của người Việt Nam năm 2021 đã đạt 73,6 năm cao hơn thế giới (71 năm). Sức khỏe NCT được cải thiện rõ rệt. Tuổi thọ tăng thêm của những người đạt 65 tuổi trung bình là 16,4 năm (thế giới 16,2 năm). Tình trạng sức khỏe do NCT tự đánh giá cũng tiến triển tốt dần lên.

Mặc dù so với thế giới, tuổi thọ trung bình của dân số Việt Nam cao hơn nhưng tuổi thọ khỏe mạnh lại thấp hơn. Năm 2019, nam 60 tuổi của Việt Nam bình quân sống thêm được 12,9 năm khỏe mạnh; nữ là 16,4 năm; các số tương ứng của thế giới là 14,8 và 16,6 năm .

Tình trạng NCT mắc bệnh khá phổ biến, chẳng hạn: 48,5% NCT bị viêm khớp, đau dây thần kinh hoặc thấp khớp; 40,9% bị tăng huyết áp; 37,5% bị đau nhức cơ thể (thường xuyên); 30,3% bị đau lưng mạn tính; 18,8% bị bệnh về tiêu hóa ;… NCT cũng thường có hành vi có hại cho sức khỏe, như uống rượu và hút thuốc lá, thuốc lào,…

Khuyến nghị 4: Đa dạng hóa các mô hình chăm sóc sức khỏe NCT tại cộng đồng, như: Lập sổ theo dõi sức khỏe NCT; Khám sức khỏe định kì tại Trạm Y tế xã/phường;… Phát triển hệ thống cơ sở chăm sóc dài hạn, cơ sở y tế khám chữa bệnh cho NCT; phát triển và đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về lão khoa, phục hồi chức năng cho nhân viên, tình nguyện viên chăm sóc sức khỏe NCT.

Hội NCT cần lồng ghép nội dung chăm sóc sức khỏe vào hoạt động của các câu lạc bộ NCT; hướng dẫn các thành viên giữ gìn, bảo vệ và tăng cường sức khoẻ, tổ chức các hoạt động rèn luyện nâng cao sức khoẻ, hạn chế hút thuốc và uống bia, rượu.

3.4 Cứ 100 NCT thì có 38 người tham gia lực lượng lao động.

Tuổi thọ, tuổi thọ khỏe mạnh ngày càng cao, tỉ lệ có thu nhập thường xuyên và mức hưởng thấp nên nhiều NCT có khả năng lao động và có nhu cầu làm việc. Theo Tổng điều tra Dân số 2019, khoảng 4,41 triệu NCT tham gia lực lượng lao động (LLLĐ), chiếm 7,9% LLLĐ của cả nước và bằng 38% số NCT. Khu vực nông thôn, LLLĐ cao tuổi chiếm 9,2% LLLĐ của khu vực, còn ở đô thị, tỉ lệ này là 5,2%. Năm 2020, số NCT có việc làm chiếm 8,7% tổng số lao động có việc làm của cả nước, với số tuyệt đối là 4,7 triệu người.

Hàng triệu NCT đang hoạt động kinh tế vừa phản ảnh khả năng, vừa phản ảnh nhu cầu có việc làm của NCT, đồng thời là đóng góp lớn cho nền kinh tế quốc dân. Tuy nhiên, phần lớn NCT tham gia LLLĐ khó khăn trong tiếp cận việc làm (81,8% đối với nam giới và 69% đối với nữ giới).

Việc làm cho NCT chẳng những có ý nghĩa kinh tế, an ninh thu nhập, sức khỏe, nhân văn đối với NCT, giảm bớt khó khăn cho gia đình có NCT mà còn đóng góp lớn cho tăng trưởng kinh tế quốc gia.

Khuyến nghị 5: Nhà nước cần đa dạng chính sách thu hút, khuyến khích, hỗ trợ NCT và doanh nghiệp sử dụng lao động cao tuổi. Gia đình và xã hội ủng hộ NCT tiếp tục làm việc phù hợp khả năng sức khỏe, chuyên môn. Chú trọng đào tạo nghề và đào tạo chuyển đổi nghề cho NCT.

3.5 Phần lớn NCT sống với con nhưng tỉ lệ này đang giảm nhanh.

Mối liên hệ giữa các thế hệ trong văn hóa truyền thống Việt Nam là “Trẻ cậy cha, già cậy con”, gia đình thường có “tam, tứ đại đồng đường”. Yếu tố văn hóa và yếu tố kinh tế đã trình bày ở trên vẫn thể hiện rõ trong sắp xếp cuộc sống của NCT. Khảo sát năm 2018 cho thấy 61,3% NCT đang sống cùng ít nhất một người con. Tuy nhiên, quy mô gia đình Việt Nam không ngừng giảm: Từ 5,22 khẩu/hộ (năm 1979) chỉ còn 3,6 khẩu/hộ (2019). Thậm chí, một số tỉnh có tỉ lệ dân nông thôn lớn nhưng quy mô gia đình rất nhỏ, như: Thái Bình, Nam Định đều chỉ có 3,1 khẩu/hộ; Hà Nam; Hải Dương, Bến Tre đều 3,2 khẩu/hộ,… Năm 2009, tỉ lệ NCT ở riêng (sống một mình hoặc chỉ sống với vợ /chồng) là 18,37% đã tăng lên 27,83% năm 2019. Xu hướng này đồng nghĩa với việc NCT sống cùng con cháu giảm nhanh. Một đặc điểm của thời đại ngày nay là phụ nữ tham gia LLLĐ gần ngang bằng với nam giới. Năm 2029, tỉ lệ nữ trong LLLĐ của cả nước là 47,3%.

Như vậy, việc “tự cung, tự cấp chăm sóc NCT” sẽ ngày càng khó khăn do thiếu nhân lực gia đình.

Khuyến nghị 6: Cần khuyến khích đa dạng hóa nơi ở của NCT và đa dạng hóa các hình thức chăm sóc NCT. Bên cạnh hình thức “tự cung, tự cấp chăm sóc NCT” nên hình thành và phát triển nhanh “dịch vụ chăm sóc NCT”. Nhà nước cần có chính sách khuyến khích, hỗ trợ việc xây dựng, phát triển và đa dạng hóa các Trung tâm nuôi dưỡng, chăm sóc NCT (có chính sách ưu đãi về đất đai, vốn vay, đào tạo nguồn nhân lực,…).

3.6 Khác biệt thế hệ, mâu thuẫn thế hệ và xung đột thế hệ

Thế hệ tuổi trẻ (sinh sau Đổi mới 1986) và thế hệ cao tuổi (sinh trước năm 1964) ở Việt Nam sinh ra và lớn lên trong bối cảnh hết sức khác biệt.

Sự khác biệt nói trên được phản ảnh trong từng gia đình, cộng đồng và xã hội. Nếu không vượt qua được sự khác biệt giữa 2 thế hệ, không có sự chia sẻ, thấu hiểu những đặc điểm của NCT như đã trình bày ở trên sẽ dẫn đến mâu thuẫn giữa thế hệ trẻ và thế hệ già. Không giải quyết được mâu thuẫn sẽ dẫn đến xung đột. NCT yếu thế về nhiều mặt sẽ luôn là nạn nhân của xung đột. “Trong giai đoạn 2009 – 2017, tổng số vụ bạo lực gia đình các địa phương đã phát hiện, tổng hợp báo cáo là 292.268 vụ, tính trung bình mỗi năm tổng hợp được 36.534 vụ bạo lực, nạn nhân là phụ nữ chiếm hơn 70%, trẻ em là 15% và người già khoảng 10%”.

Khuyến nghị 7: Nhà nước và Hội NCT tăng cường giáo dục, truyền thông cho cả hai thế hệ để các thế hệ lắng nghe nhau, thấu hiểu nhau và luôn luôn chia sẻ. Luật NCT khi sửa đổi, cần có mục “Bảo vệ NCT” (bảo vệ thân thể, tinh thần, nhân phẩm, tài sản,… của NCT)

GS.TS Nguyễn Đình Cử
Nguyên Viện trưởng Viện Dân số và các vấn đề xã hội Đại học Kinh tế quốc dân