TS. Trương Xuân Cừ, Đại biểu Quốc hội khóa XV, Phó Chủ tịch Hội NCT Việt Nam chủ trì Hội thảo. Tham dự có ông Nguyễn Xuân Lập, Trưởng ban Chăm sóc NCT Trung ương Hội; ông Đỗ Quang Sơn, Trưởng BĐD Hội NCT tỉnh Cao Bằng; bà Đinh Thị Sơn, Trưởng BĐD Hội NCT tỉnh Bắc Kạn; ông Đỗ Quang Sơn, Trưởng BĐD Hội NCT tỉnh Cao Bằng; ông Phạm Huy Hoàng, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Bắc Kạn; ông Dương Bằng Giang, Phó Giám đốc Sở Lao động- Thương binh và Xã hội tỉnh Bắc Kạn, cùng đại diện Hội NCT các huyện của 2 tỉnh Bắc Kạn và Cao Bằng.
Phát biểu khai mạc hội thảo, TS. Trương Xuân Cừ cho biết: “Việt Nam là một trong các quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Trong Tháng hành động vì NCT, các cấp hội NCT tiếp tục thi đua triển khai rất nhiều hoạt động sôi nổi để chăm sóc và phát huy vai trò NCT. Nhằm đa dạng hóa nguồn lực, tháng 10 vừa qua, các cấp Hội NCT trên cả nước đã vận động xã hội hóa được 284 tỉ đồng, riêng Trung ương Hội vận động hơn 80 tỉ đồng để triển khai nhiều hoạt động thiết thực chăm sóc và phát huy vai trò NCT.
Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Nguyễn Loan. |
Công tác chăm sóc NCT là nội dung đặc biệt quan trọng luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm. Tuy nhiên, việc chăm sóc cho NCT không thể chỉ tập trung tại các trung tâm dưỡng lão. Tại Nhật Bản hiện có 3 hình thức gồm: đối với người không đủ sức khỏe để tự chăm sóc bản thân thì đưa đến cơ sở dưỡng lão. Đối với người vẫn còn đủ sức khỏe thì sáng có xe đưa đón để sinh hoạt với cộng đồng rồi chiều trở về nhà. Ngoài ra, còn có dịch vụ đưa người đến tận nhà chăm sóc người cao tuổi. Thực tế hiện nay cho thấy Việt Nam vẫn còn rất thiếu nguồn lực để tổ chức các hoạt động chăm sóc sức khỏe cho NCT tương tự như Nhật bản. Vì lẽ đó, tại hội thảo này, tôi mong muốn lắng nghe ý kiến của các đại biểu cùng tham gia trao đổi để xây dựng kế hoạch tập huấn cho các cấp hội một cách thiết thực và hiệu quả nhất để triển khai công tác chăm sóc cho NCT.”
TS. Trương Xuân Cừ phát biểu khai mạc hội thảo. Ảnh: Nguyễn Loan. |
Trưởng ban Chăm sóc Hội NCT Việt Nam Nguyễn Xuân Lập chia sẻ: “Theo thống kê, tính đến ngày 7/3, Việt Nam hiện có hơn 16 triệu công dân từ 60 tuổi trở lên, chiếm gần 17% dân số. Riêng 2 tỉnh Bắc Kạn và Cao Bằng có tỉ lệ NCT đều chiếm 14,8% dân số toàn tỉnh. NCT có sức khỏe, trí tuệ vẫn tham gia các hoạt động phát triển kinh tế – văn hóa – xã hội, tiếp tục chung tay cùng cộng đồng xây dựng đất nước. Hiện có hơn 80 loại hình CLB, đặc biệt có CLB Liên thế hệ tự giúp nhau để NCT tham gia sinh hoạt. Nhân Tháng hành động, có 868.000 NCT được tặng quà; việc chúc thọ, mừng thọ cho NCT cũng được quan tâm. Về mạng lưới dịch vụ chăm sóc NCT, hiện nay toàn quốc có 615 cơ sở chăm sóc NCT trong đó có hơn 100 cơ sở do Nhà nước quản lý. Ngoài ra, có một số cơ sở dưỡng lão tư nhân song chi phí chăm sóc khá cao, trung bình từ 18 – 24 triệu đồng/người/tháng, phần lớn NCT khó lòng chi trả để sử dung dịch vụ lâu dài được.”
Trưởng ban Chăm sóc Hội NCT Việt Nam Nguyễn Xuân Lập. Ảnh: Nguyễn Loan. |
Ông Vũ Dương Châu, Phó trưởng Ban Chăm sóc Hội NCT Việt Nam cho rằng: “Hệ thống cơ sở chăm sóc sức khỏe NCT đã bước đầu hình thành, phát triển, tuy nhiên vẫn chưa bắt kịp với tốc độ chuyển đổi nhân khẩu học, hiện tại chỗ dựa của NCT vẫn chủ yếu là gia đình, dòng họ, làng mạc theo kiểu “trẻ cậy cha, già cậy con”. Mặc dù Chính phủ đặt mục tiêu vào năm 2025 mỗi tỉnh có ít nhất 1 cơ sở dưỡng lão, nhưng thực tế cho thấy mục tiêu đó khó thực hiện, trong khi đó tại các thành phố lớn nhu cầu được chăm sóc tại các cơ sở dưỡng lão đang tăng lên và tâm lý xã hội cũng không còn quá nặng nề khi con cái đưa cha mẹ vào các cơ sở dưỡng lão. Việc xã hội hóa thành lập cơ sở dưỡng lão là một mô hình mới, tuy Nhà nước có hỗ trợ cho hoạt động của các trung tâm, viện dưỡng lão, nhưng hiện nay chưa có một mô hình mẫu chuẩn hay hướng dẫn chi tiết cụ thể.”
Đồng quan điểm trên, bà Đinh Thị Sơn, Trưởng BĐD Hội NCT tỉnh Bắc Kạn nói: “Tỉnh Bắc Kạn hiện có hơn 48.000 NCT, với hơn 1.200 NCT từ 90 tuổi trở lên nên nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho NCT ngày càng tăng. Tuy nhiên, hệ thống cơ sở dưỡng lão trên địa bàn tỉnh còn rất thiếu. Vì vậy, tôi rất mong UBND tỉnh Bắc Kạn sẽ sớm có quy hoạch khu vực phù hợp để xây dựng trung tâm dưỡng lão và chăm sóc sức khỏe dài hạn cho NCT địa phương. Đồng thời, tôi cũng đề xuất các ban, ngành Nhà nước xem xét xây dựng một đề án quốc gia cho NCT trong giai đoạn già hóa dân số như hiện nay nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai các nhiệm vụ, mục tiêu cụ thể để chăm sóc và phát huy vai trò NCT tốt hơn.”
Bà Đinh Thị Sơn, Trưởng ban đại diện Hội NCT tỉnh Bắc Kạn phát biểu. Ảnh: Nguyễn Loan. |
Ông Dương Bằng Giang, Phó Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Bắc Kạn chia sẻ thêm: “Hiện Bắc Kạn chưa có cơ sở dưỡng lão đúng nghĩa mà chỉ có 2 trung tâm bảo trợ là nơi để chăm sóc NCT có hoàn cảnh khó khăn, cô đơn, không nơi nương tựa song chế độ hỗ trợ cũng còn khá thấp. Trước thực trạng đó, việc triển khai xây dựng các cơ sở dưỡng lão là thực sự cấp thiết. Tuy nhiên vẫn còn gặp nhiều rào cản về cơ sở pháp lý, đất đai, nguồn lực,…”
Trước vấn đề này, các đại biểu kiến nghị, Nhà nước cần đưa cơ sở chăm sóc NCT vào quy hoạch đất đai tại các địa phương, các khu dân cư như trường học và trung tâm y tế; xây dựng chương trình đào tạo nguồn nhân lực chăm sóc với các trình độ khác nhau, kèm thêm chế độ về tiền lương để tạo thành nghề nghiệp chuyên môn trong xã hội, nhằm khuyến khích người lao động tham gia vào lĩnh vực chăm sóc NCT. Ngoài ra, có thể học tập những mô hình kinh nghiệm của các nước trong xây dựng cơ sở dưỡng lão và hoạt động chăm sóc NCT, đa dạng hóa các hoạt động chăm sóc NCT như: chăm sóc tại nhà, dưỡng lão bán trú, chung cư cho NCT, dưỡng lão chăm sóc dài hạn và dưỡng lão chăm sóc có y tế,…