Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới.
Nguyên nhân của già hóa dân số ở Việt Nam không phải do tỷ lệ người già tăng cao, mà là kết quả của mức sinh đang giảm xuống mức báo động. Khi tỷ lệ sinh giảm mạnh, Việt Nam đang tiến vào một giai đoạn đầy khó khăn, đòi hỏi các giải pháp cấp bách và sáng tạo để đối phó với tác động lâu dài của hiện tượng này.
Các quốc gia phát triển trên thế giới phải mất hàng thế kỷ để chuyển từ giai đoạn già hóa dân số sang dân số già, còn ở Việt Nam giai đoạn này chỉ kéo dài 26 năm, do đó lọt vào top những nước già hóa dân số nhanh nhất thế giới.
Già hóa dân số đang tạo áp lực nặng nề lên nền kinh tế, gây ra một loạt các thách thức nghiêm trọng mà các quốc gia không thể xem nhẹ. Khi tỷ lệ người cao tuổi ngày càng gia tăng, lực lượng lao động sẽ chứng kiến một sự sụt giảm đáng kể, đồng thời quỹ hưu trí ngày càng chịu nhiều áp lực và căng thẳng hơn.
Sự gia tăng này không chỉ đặt ra một gánh nặng khổng lồ lên những người lao động trẻ tuổi, mà còn khiến chi phí sinh hoạt trở nên đắt đỏ hơn, thời gian làm việc kéo dài, và trách nhiệm chăm sóc người cao tuổi trở nên nặng nề hơn bao giờ hết.
Chính những áp lực xuất phát từ công việc và cuộc sống hiện đại đang khiến nhiều người trẻ lảng tránh những mối quan hệ xung quanh, lựa chọn lối sống cô độc, từ chối việc lập gia đình hay sinh con. Điều này tạo ra một vòng xoáy khép kín giữa già hóa dân số và suy thoái thoái kinh. Một vòng tròn được lặp đi lặp lại mà không tìm thấy lối ra.
Bên cạnh đó, già hóa dân số không chỉ là thách thức mà còn là động lực mạnh mẽ thúc đẩy sự phát triển và ứng dụng công nghệ. Khi nguồn nhân lực trở nên khan hiếm, nhu cầu cấp thiết về cải tiến và đổi mới công nghệ sẽ gia tăng. Điều này thúc đẩy quá trình nghiên cứu và phát triển, dẫn đến việc áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất một cách nhanh chóng và hiệu quả hơn.
Việt Nam chuẩn bị thích nghi với già hóa dân số – Ảnh: Internet |
Dù nhìn nhận theo khía cạnh tích cực hay tiêu cực, thực tế già hóa dân số ở nước ta là không thể phủ nhận. Vì vậy, Việt Nam cần có những chính sách để thích nghi với từng thời kỳ.
Để đối phó với thách thức của già hóa dân số, Việt Nam cần triển khai các chính sách khuyến khích phụ nữ sinh con nhằm gia tăng tỷ lệ sinh. Đồng thời, việc đẩy mạnh đầu tư vào giáo dục và đào tạo là rất quan trọng để phát triển nguồn nhân lực chất lượng. Điều này sẽ không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong việc thu hút và giữ chân nhân tài trẻ tuổi, mà còn góp phần tạo ra một lực lượng lao động năng động và sáng tạo, sẵn sàng đáp ứng các yêu cầu của nền kinh tế hiện đại.
Bên cạnh đó, Bộ Y tế đưa đề xuất triển khai các chương trình đào tạo và chuyển đổi nghề nghiệp cho người lao động trước khi họ bước vào tuổi nghỉ hưu, nhằm phù hợp với nhu cầu, sức khỏe và trình độ của từng cá nhân cũng như yêu cầu thị trường.
An sinh xã hội là một lĩnh vực thiết yếu cần được chú trọng để bảo vệ quyền lợi của người cao tuổi. Sự ra đời của Luật Bảo hiểm xã hội 2024, có hiệu lực từ ngày 1/1/2025, đánh dấu bước tiến quan trọng trong việc cải cách chính sách bảo hiểm, hưu trí và an sinh xã hội cho người dân.
Với số lượng người tham gia bảo hiểm xã hội ngày càng tăng, Nhà nước cần nhanh chóng xây dựng các chính sách phát triển đa dạng hình thức bảo hiểm dành cho người cao tuổi. Đồng thời, việc tăng cường dịch vụ y tế, mở rộng các cơ sở chăm sóc sức khỏe và phát triển ngành lão khoa là rất cần thiết. Các viện dưỡng lão, cơ sở chăm sóc ban ngày và dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại gia đình sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc cải thiện chất lượng cuộc sống của người cao tuổi và đảm bảo họ được chăm sóc tận tâm trong cộng đồng.