An Hải
Xuất ngũ, ông về công tác tại Công ty Giống cây trồng, đây là bước ngoặc lớn trong cuộc đời lão nông Huỳnh Đoàn Thông.
“Trong thời gian làm việc tại đây, tôi thấy nhu cầu của nông dân về các loại hạt giống rau màu rất lớn, trong khi doanh nghiệp nhà nước chưa đủ điều kiện cung cấp giống.
Nhận thấy việc một nước nông nghiệp mà hằng năm phải bỏ ra hàng trăm triệu USD để nhập giống từ nước ngoài, tôi nghĩ, phải đẩy mạnh sản xuất hạt giống giúp ích cho nông dân”, ông chia sẻ.

Tỷ phú TP HCM, ông Huỳnh Đoàn Thông, một nông dân chuyên trồng các loại cây rau màu để sản xuất hạt giống bán tại thị trường trong nước, thị trường nước ngoài.
Nghĩ là làm, ông Thông huy động vốn từ bạn bè, gia đình và xin thành lập Công ty TNHH Chánh Phong chuyên sản xuất, lai tạo các loại hạt giống rau màu cung cấp cho thị trường.
Ban đầu, để có đất gieo hạt tạo giống, ông phải liên kết với những nông dân có kinh nghiệm, từng nhiều năm trồng rau màu ở huyện Củ Chi và các tỉnh.
Nông dân góp đất, góp lao động, công ty cung cấp hạt giống, hướng dẫn kỹ thuật, ứng vốn hỗ trợ bà con xây dựng hệ thống tưới, nhà màng và thu mua toàn bộ sản phẩm theo giá thỏa thuận.
Ban đầu, diện tích sản xuất của công ty chỉ khoảng 7ha đất, hàng năm cung ứng cho người trồng rau các tỉnh phía Nam khoảng 7 tấn hạt giống rau ăn lá và rau lấy củ.

7 năm trước, khi nông nghiệp TP HCM còn khá truyền thống thì ông Thông đã bắt đầu áp dụng máy móc vào sản xuất. Ảnh: T.L.
“Mỗi lần đi hội nghị, hội thảo ở nước ngoài, tôi tranh thủ hết thời gian để tìm hiểu, có lúc mình xin nguồn gen từ các viện nghiên cứu ở nước bạn, có lúc mình phải mua với giá hàng nghìn USD. Nhưng đó là nguồn gen quý, là cơ sở để mình nghiên cứu, cải tiến, phát triển các giống mình hiện có cũng như làm thêm giống mới” – ông Thông chia sẻ.
“Hiện nay với 12ha đất sản xuất, hàng năm, công ty cung ứng cho thị trường 20 tấn hạt giống rau màu các loại. Thị trường cũng được mở rộng ra cả nước và có một số đơn hàng được xuất bán ra nước ngoài”, ông Thông nói.
Tỷ phú Sài Gòn là nông nghiên cứu hạt giống ớt, hạt giống dưa lưới
Công ty của ông Thông đang làm hạt giống dưa lưới và hạt giống ớt. Riêng hạt giống ớt, sau khi thu hoạch sẽ được xuất khẩu sang Trung Quốc.
Giống ớt của ông cho ra trái ớt có vị rất cay, thơm, màu sắc đỏ bóng đẹp, trái cứng chắc, dù vận chuyển đường dài vẫn không ảnh hưởng chất lượng sản phẩm.

Ông Thông kiểm tra chất lượng quả bí đỏ sau khi được thụ phấn. Ảnh: T.L
“Bà con nông dân trồng đạt hiệu quả kinh tế cao nhờ đặc tính hạt giống sinh trưởng khỏe, kháng sâu bệnh. Năng suất 35-40 tấn ớt/ha, trước đây chưa lai tạo chỉ đạt khoảng 20 tấn/ha”, ông Thông so sánh.
Trong quá trình ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, ông Thông có hai giải pháp sáng kiến mang lại hiệu quả cao là “hạt giống ớt F1 số 1” và “hạt giống dưa lưới F1TL3”, giúp công ty của ông được công nhận có “Sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu cấp thành phố” năm 2018.
Với những nỗ lực của mình, ông Huỳnh Đoàn Thông đã được công nhận danh hiệu “Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi” cấp Trung ương giai đoạn 2012-2016.
Công ty Chánh Phong đang dùng phương pháp bất dục đực tế bào chất để sản xuất hạt giống. Theo phương pháp này, hệ thống bón phân, tưới nước nhỏ giọt hoàn toàn tự động và cơ giới hóa 100%.
Do vậy, trong quá trình vận hành giảm được 70% lượng phân, thuốc, nước mà vẫn cho sản phẩm mẫu mã đẹp.
Đồng thời cũng giảm được khoảng 50% chi phí nhân công lai tạo. Hiện Chánh Phong đang tự nghiên cứu và sản xuất được khoảng trên 10 loại giống rau, củ, quả chất lượng cao như ớt hiểm, ớt sừng, dưa leo, khổ qua, cà tím…

Năm 2024, ông Thông hướng dẫn hơn 80 hộ sản xuất nông nghiệp và hỗ trợ việc làm cho 60 hộ. Ảnh: T.L

“Với điều kiện trồng trong nhà màng nên không bị lẫn tạp và cho ra sản phẩm hạt giống tốt nhất. Đây cũng là những loại giống chủ lực của công ty, hiện đang được thị trường trong nước và xuất khẩu rất ưa chuộng.
Bên cạnh đó, Chánh Phong cũng đang triển khai ứng dụng mở rộng ra bên ngoài và ký hợp đồng bao tiêu với 7 hộ dân sản xuất các loại giống rau, củ, quả tươi theo công nghệ cao để xuất khẩu”, ông chủ Chánh Phong thông tin.
Với hệ thống sản xuất hạt giống chất lượng như trên, thu nhập hàng năm của ông Thông là 5 tỷ đồng, lợi nhuận sau khi trừ các chi phí thu về 2 tỷ đồng/năm.

Công nhân làm việc tại Công ty TNHH Chánh Phong do tỷ phú Sài Gòn-ông Đoàn Huỳnh Thông làm chủ. Ảnh: T.L.
Hai mươi năm trong nghề sản xuất, lai tạo hạt giống, ông chỉ có một định hướng duy nhất để thành công.
“Người sản xuất hạt giống luôn phải đảm bảo chất lượng, bởi giống tốt, nông dân mới có hy vọng có được vụ mùa bội thu.
Trong tình hình phát triển xã hội hiện nay, nhu cầu sản xuất của người nông dân lệ thuộc rất nhiều vào giống.
Sản xuất hạt giống nhất định không được chạy theo lợi nhuận mà làm qua loa, ngược lại phải thực hiện chi ly cẩn thận và chính xác từng công đoạn”, lão nông Huỳnh Đoàn Thông quan niệm.