Trung ương thống nhất cao về tinh gọn bộ máy

Tổng Bí thư yêu cầu bộ máy mới phải tốt hơn bộ máy cũ và đi vào hoạt động ngay; không để ảnh hưởng đến các hoạt động bình thường của xã hội, người dân…

Ngày 25-11, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã họp xem xét, cho ý kiến về nhiều vấn đề quan trọng.Đáng chú ý, Trung ương đã xem xét, thảo luận tờ trình của Bộ Chính trị về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 18/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”.

Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: TTXVN

Báo cáo Trung ương phương án sắp xếp bộ máy trong quý I-2025

Phát biểu bế mạc hội nghị, Tổng Bí thư Tô Lâm cho hay Trung ương thống nhất cao về nhận thức, quyết tâm thực hiện chủ trương tổng kết Nghị quyết 18 và một số nội dung gợi ý, định hướng để các cấp ủy, tổ chức Đảng, cơ quan, đơn vị nghiên cứu đề xuất tinh gọn, tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.

Ban Chấp hành Trung ương yêu cầu xác định quyết tâm chính trị cao nhất trong triển khai chủ trương tổng kết Nghị quyết 18 và sắp xếp, hoàn thiện tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. “Đây là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, là cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, cần thống nhất rất cao về nhận thức và hành động trong toàn Đảng và cả hệ thống chính trị” – theo Tổng Bí thư.

Tổng Bí thư yêu cầu các cấp ủy, tổ chức Đảng, cơ quan, đơn vị, các cấp, các ngành, trước hết là cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu cần gương mẫu, chủ động, quyết liệt trong thực hiện nhiệm vụ được giao theo tinh thần “vừa chạy vừa xếp hàng”; Trung ương không chờ cấp tỉnh, cấp tỉnh không chờ cấp huyện, cấp huyện không chờ cơ sở. “Quyết tâm hoàn thành việc tổng kết Nghị quyết 18 và báo cáo Ban Chấp hành Trung ương về phương án sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy hệ thống chính trị trong quý I-2025” – Tổng Bí thư nói.

Lưu ý quá trình thực hiện phải bám sát các nguyên tắc của Đảng, Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, hiến pháp, pháp luật và thực tiễn đặt ra, Tổng Bí thư nêu năm yêu cầu có tính nguyên tắc.

Thứ nhất, bảo đảm vận hành thông suốt, hiệu quả cơ chế tổng quát “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ”. Thông qua cải cách tổ chức, bộ máy để giải quyết hài hòa các mối quan hệ giữa các cơ quan Đảng – Quốc hội – Chính phủ – cơ quan tư pháp – MTTQ và các tổ chức chính trị – xã hội dựa trên cơ chế tổng quát này.

Thứ hai, việc tổng kết phải tiến hành khách quan, dân chủ, khoa học, cụ thể, sâu sắc, cầu thị. Theo đó, Tổng Bí thư lưu ý triển khai thực hiện khẩn trương nhưng bảo đảm thận trọng, chắc chắn, giữ vững nguyên tắc, tiếp thu ý kiến từ tổng kết thực tiễn, các chuyên gia, nhà khoa học, kể cả kinh nghiệm của nước ngoài…

Trên cơ sở đó đề xuất tinh gọn tổ chức bộ máy, bảo đảm tính tổng thể, đồng bộ, liên thông; xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, mối quan hệ công tác, cơ chế vận hành, trách nhiệm cụ thể trên cơ sở tính Đảng, tính hợp lý, tính hợp pháp, bảo đảm hoạt động thông suốt, hiệu lực, hiệu quả.

Tổng Bí thư cũng yêu cầu thực hiện nghiêm nguyên tắc một cơ quan thực hiện nhiều việc, một việc chỉ giao một cơ quan chủ trì và chịu trách nhiệm chính; khắc phục triệt để tình trạng chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ, chia cắt về địa bàn, lĩnh vực.

“Các cơ quan, tổ chức trước đây đã sắp xếp bước đầu cũng phải rà soát đề xuất lại; kiên quyết xóa bỏ các tổ chức trung gian” – Tổng Bí thư nói, đồng thời nhấn mạnh việc cải cách tổ chức bộ máy phải gắn với quán triệt, thực hiện có hiệu quả các chủ trương về đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, phân cấp, phân quyền mạnh mẽ cho địa phương, chống lãng phí, chuyển đổi số quốc gia, xã hội hóa các dịch vụ công…

Quang cảnh Hội nghị Trung ương sáng 25-11. Ảnh: TTXVN

Bộ máy mới phải tốt hơn bộ máy cũ

Về yêu cầu thứ ba, Tổng Bí thư Tô Lâm quán triệt thực hiện đồng bộ việc tinh gọn tổ chức bộ máy phải gắn với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực ngang tầm nhiệm vụ, có biên chế hợp lý. Bên cạnh đó, đổi mới mạnh mẽ công tác tuyển dụng, đào tạo, đề bạt, bổ nhiệm, luân chuyển, điều động, đánh giá cán bộ thực chất, vì việc tìm người, trên cơ sở sản phẩm cụ thể đo đếm được.

“Có cơ chế hữu hiệu sàng lọc, đưa ra khỏi vị trí công tác đối với những người không đủ phẩm chất, năng lực, uy tín; có chính sách thu hút, sử dụng đối với người có năng lực nổi trội. Thực hiện tốt chế độ, chính sách đối với cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động bị ảnh hưởng do sắp xếp lại tổ chức, bộ máy” – Tổng Bí thư nói.

Thứ tư, Tổng Bí thư cho rằng phải chủ động rà soát, hoàn thiện thể chế pháp luật bảo đảm đồng bộ; rà soát sửa đổi, bổ sung các chủ trương, quy định của Đảng cho thống nhất. Điều chỉnh kịp thời các quy định của pháp luật, các quy trình, quy chế trong công tác trên từng lĩnh vực; tăng cường cải cách các thủ tục hành chính, bảo đảm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp, góp phần nâng cao đời sống của nhân dân…

Thứ năm, triển khai sắp xếp tổ chức bộ máy, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ phải gắn với bảo đảm thực hiện tốt đồng thời cả hai nhiệm vụ quan trọng.

Nhiệm vụ đầu tiên là tăng tốc, bứt phá thực hiện các nhiệm vụ kinh tế – xã hội năm 2024, 2025 và cả nhiệm kỳ Đại hội XIII, tạo nền tảng đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới. Nhiệm vụ còn lại là chuẩn bị tốt các điều kiện tổ chức Đại hội Đảng các cấp và Đại hội XIV của Đảng.

“Yêu cầu bộ máy mới phải tốt hơn bộ máy cũ và đi vào hoạt động ngay; không để ngắt quãng công việc, không để khoảng trống về thời gian, không để bỏ trống địa bàn, lĩnh vực; không để ảnh hưởng đến các hoạt động bình thường của xã hội, của người dân…” – vẫn lời Tổng Bí thư Tô Lâm.

Trên cơ sở các nguyên tắc nêu trên và định hướng của Bộ Chính trị đã được Trung ương thống nhất, Tổng Bí thư yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp tục nghiên cứu, đề xuất cụ thể việc tinh gọn các ban Đảng, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Quốc hội, MTTQ và các tổ chức chính trị – xã hội.

Đồng thời, chủ động nghiên cứu mô hình bên trong từng cơ quan sau khi sáp nhập, hợp nhất; chuẩn bị phương án nhân sự và rà soát, điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ, mối quan hệ công tác của các cơ quan, tổ chức bộ máy mới để bảo đảm đi vào hoạt động hiệu lực, hiệu quả ngay.

Các đại biểu dự Hội nghị Trung ương khóa XIII. Ảnh: TTXVN

Thực hiện tốt chế độ, chính sách đối với cán bộ

Tổng Bí thư Tô Lâm giao Bộ Chính trị chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chức năng khẩn trương thực hiện một số nhiệm vụ cụ thể. Theo đó, Đảng đoàn Quốc hội, Ban cán sự Đảng Chính phủ; Đảng đoàn MTTQ Việt Nam, các Đảng đoàn tổ chức chính trị – xã hội… đề xuất, sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy, biên chế trong các cơ quan, đơn vị, tổ chức thuộc phạm vi, lĩnh vực lãnh đạo, quản lý.

Đồng thời sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các văn bản pháp luật, quy định, hướng dẫn theo thẩm quyền về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế, cán bộ, công chức, viên chức thuộc phạm vi lãnh đạo, quản lý…

Những cơ quan này cũng được giao nhiệm vụ xây dựng dự thảo quy định chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, mối quan hệ công tác, quy chế làm việc của cấp ủy trực thuộc Trung ương, cấp ủy ban, bộ, cơ quan, đơn vị, tổ chức sau khi sắp xếp; ban hành quy định về chế độ, chính sách bảo đảm quyền, lợi ích của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động khi thực hiện sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy.

Ngoài ra, cần thực hiện tốt công tác chính trị tư tưởng và chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc phạm vi lãnh đạo, quản lý bị tác động khi thực hiện sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy.

Đòi hỏi sự hy sinh lợi ích cá nhân, vì lợi ích chung

Các cấp ủy, tổ chức Đảng, nhất là người đứng đầu, đặc biệt là ủy viên Trung ương Đảng, cần xác định quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn, gương mẫu chỉ đạo quyết liệt, mạnh mẽ các ban, bộ, ngành, lĩnh vực, địa phương được phân công phụ trách.

Nhiệm vụ sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy là công việc rất khó khăn, nhạy cảm, phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp đến mỗi con người trong từng tổ chức. Do đó đòi hỏi sự đoàn kết, quyết tâm cao, dũng cảm và cả sự hy sinh lợi ích cá nhân, vì lợi ích chung. Quá trình thực hiện cần theo dõi sát để phát hiện, nhân rộng những cách làm hay, hiệu quả; uốn nắn và kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh, bảo đảm việc triển khai theo đúng mục tiêu, yêu cầu và tiến độ đề ra.

Tổng Bí thư TÔ LÂM

*****

Tái khởi động chương trình điện hạt nhân tại Việt Nam

Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết Ban Chấp hành Trung ương thống nhất cao với chủ trương tái khởi động chương trình điện hạt nhân tại Việt Nam và tiếp tục nghiên cứu dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.

Đây là công việc quan trọng để phát triển hạ tầng năng lượng quốc gia, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước. Công việc này cần được thực hiện khẩn trương, đáp ứng yêu cầu cao nhất về bảo đảm an toàn và bảo vệ môi trường.

“Ban Chấp hành Trung ương giao Bộ Chính trị chỉ đạo các cơ quan khẩn trương thực hiện đồng bộ các giải pháp để hoàn thiện đồng bộ hạ tầng năng lượng quốc gia, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong tình hình mới” – Tổng Bí thư nêu.

*****

Trung ương cho ý kiến nhân sự Tổng thư ký Quốc hội, Bộ trưởng Tài chính, GTVT

Tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII vào sáng 25-11, Trung ương đã cho ý kiến về công tác cán bộ.

Theo đó, Trung ương Đảng đã cho ý kiến về nhân sự để Bộ Chính trị quyết định giới thiệu Quốc hội khóa XV phê chuẩn chức danh Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ trưởng Bộ GTVT; bầu Ủy viên Ủy ban Thường vụ, Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.

Nội dung về nhân sự sẽ được Quốc hội xem xét vào ngày 27 và 28-11 tại kỳ họp thứ 8.

Cũng tại hội nghị, Trung ương đã đồng ý cho thôi giữ chức ủy viên Trung ương Đảng khóa XIII đối với ông Bùi Văn Cường, nguyên Tổng thư ký Quốc hội, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk và ông Nguyễn Văn Thể, Bí thư Đảng ủy Khối Các cơ quan Trung ương, nguyên Bộ trưởng Bộ GTVT.

Hai ông đã vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; vi phạm quy định những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương. Những vi phạm đó đã gây hậu quả nghiêm trọng, nguy cơ thất thoát, lãng phí tiền, tài sản của Nhà nước, gây dư luận xấu, làm giảm uy tín của tổ chức Đảng, chính quyền địa phương và cơ quan quản lý nhà nước.

Nhận thức rõ trách nhiệm trước Đảng và nhân dân, hai ông Bùi Văn Cường và Nguyễn Văn Thể đã có đơn xin thôi giữ các chức vụ được phân công, nghỉ công tác và hưởng các chế độ, chính sách theo quy định.

Trước đó, Bộ Chính trị quyết định thi hành kỷ luật cảnh cáo đối với hai ông Nguyễn Văn Thể và Bùi Văn Cường.

Ban Chấp hành Trung ương Đảng cũng xem xét, kỷ luật bằng hình thức khai trừ ra khỏi Đảng đối với ba nguyên Ủy viên Trung ương, nguyên Bí thư Tỉnh ủy. Những người này gồm các ông Phạm Văn Vọng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc, nguyên Chủ tịch HĐND tỉnh Vĩnh Phúc; Ngô Đức Vượng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Phú Thọ và Nguyễn Doãn Khánh, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Phú Thọ.

ĐỨC MINH – NGUYÊN THẢO