(ANTV) – Có nên đưa người già vào viện dưỡng lão không là câu hỏi được rất nhiều người đặt ra hiện nay. Theo quan niệm và của Châu Á nói chung, cha mẹ già sẽ cần con cái chăm sóc, và việc gửi cha mẹ vào các viện dưỡng lão luôn vấp phải định kiến “làm thế là bất hiếu”. Thế nhưng trong bối cảnh già hóa dân số, khi những viện dưỡng lão đang ngày càng được xây dựng nhiều ở đất nước tỉ dân như Trung Quốc, cùng với đó là sự phát triển các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho người già, đã khiến nhiều người có sự thay đổi về định kiến này.
Năm 2022, Trung Quốc chứng kiến sự sụt giảm dân số lần đầu tiên kể từ năm 1961, với số ca tử vong vượt qua số trẻ sơ sinh được sinh ra. Số người trên 60 tuổi tại nước này đã lên tới 290 triệu, tương đương cứ 5 người thì có 1 người cao tuổi. Trong bối cảnh dân số già hóa, các gia đình tại Trung Quốc đang gặp nhiều thách thức trong việc chăm sóc người già.
Bà Li Dongmei, người từng điều hành một chuỗi trường mẫu giáo, đã buộc phải chuyển đổi mô hình kinh doanh vào năm 2020 do tỷ lệ sinh giảm mạnh. Bà chuyển trường mẫu giáo thành trung tâm dành cho người cao tuổi, nơi cung cấp các hoạt động như ca hát, khiêu vũ, âm nhạc và nghệ thuật. Bà nhận thấy thị trường này rất tiềm năng, khi ngày càng nhiều gia đình tìm đến các dịch vụ chăm sóc người già chuyên nghiệp để giảm bớt gánh nặng trong việc chăm sóc cha mẹ lớn tuổi, đặc biệt là sau chính sách một con được thực hiện từ năm 1980 đến 2015.
Các dịch vụ chăm sóc người cao tuổi ở Trung Quốc hiện nay chủ yếu bao gồm viện dưỡng lão tư nhân với chi phí khoảng 30 triệu đồng mỗi tháng và viện dưỡng lão nhà nước với giá rẻ hơn, khoảng 7 triệu đồng. Tuy nhiên, việc đưa cha mẹ vào viện dưỡng lão vẫn còn là một quan niệm nặng nề với nhiều người, do lo ngại bị coi là bất hiếu. Ông Wu Yushao, Chủ tịch Hiệp hội chăm sóc sức khỏe và bảo trợ xã hội Trung Quốc, cho rằng nhiều người vẫn nghĩ rằng viện dưỡng lão chỉ dành cho người già bị con cháu bỏ rơi, nhưng thực tế hiện nay các cơ sở đang dần được cải thiện về chất lượng dịch vụ và cơ sở vật chất.
Tuy nhiên, quan niệm này đang dần thay đổi. Nhiều người cao tuổi Trung Quốc ngày càng sẵn sàng chấp nhận cuộc sống tại viện dưỡng lão, tìm kiếm sự độc lập và các hoạt động năng động khi về già. Một số người chia sẻ rằng cuộc sống tại viện dưỡng lão giúp họ cảm thấy vui vẻ và yên tâm hơn, thậm chí có người còn dự định sẽ cùng bạn bè sống tại cùng một viện dưỡng lão khi về già.
Hiện tại, khoảng 90% người cao tuổi ở Trung Quốc vẫn được chăm sóc tại nhà, 7% nhận sự hỗ trợ từ cộng đồng, và chỉ 3% sống trong các viện dưỡng lão. Mô hình này, gọi là “9073”, tạo ra nhu cầu về 40 triệu giường chăm sóc cho người già trong tương lai, ngay cả khi tỷ lệ này không thay đổi.