Chuyển sang trồng hành hữu cơ
Sinh ra và lớn lên tại vùng đất biên giới Bến Cầu, ông Hồ Văn Nhanh gắn bó với nghề trồng hành từ khi còn rất trẻ.
Trước đây, giống như nhiều hộ nông dân khác, ông cũng trồng hành theo lối canh tác cũ, dựa vào phân hóa học và thuốc bảo vệ thực vật để tăng năng suất.
Tuy nhiên, sau nhiều năm, ông nhận ra mặt trái của cách làm này. “Đất đai ngày càng bạc màu, sâu bệnh phát sinh nhiều hơn, chi phí sản xuất tăng nhưng hiệu quả không tương xứng. Quan trọng nhất là mình luôn lo lắng về độ an toàn của sản phẩm”, ông Nhanh chia sẻ.

Là một nông dân trồng lúa, ông Hồ Văn Nhanh, thị trấn Bến Cầu, huyện Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh còn mạnh dạn trồng hành theo kiểu lạ, trồng hành hữu cơ. Ảnh: NVCC
Từ năm 2020, ông bắt đầu tiếp cận các lớp tập huấn kỹ thuật do Hội Nông dân phối hợp với ngành nông nghiệp tổ chức.
Tại đây, ông được giới thiệu về mô hình trồng hành an toàn, sử dụng phân hữu cơ vi sinh, chế phẩm sinh học, hạn chế phân hóa học và thuốc trừ sâu.
Dù ban đầu còn e ngại hiệu quả, nhưng với quyết tâm đổi mới, ông mạnh dạn cải tạo 1.000 m² đất để thử nghiệm mô hình mới.
Theo ông Nhanh, sau một thời gian áp dụng, hiệu quả của mô hình hành sạch khiến ông bất ngờ. Với mỗi công đất, ông giảm được khoảng 50 kg phân lân và 40 kg đạm ure so với cách trồng trước kia.
Đồng thời, số lần phun thuốc trừ sâu cũng giảm đáng kể, nhờ sử dụng chế phẩm sinh học và kỹ thuật luân canh hợp lý.
Điều đặc biệt là năng suất không giảm, thậm chí còn cao hơn. Trung bình, mô hình hành sạch cho sản lượng khoảng 2 tấn/công/vụ, trong khi trồng truyền thống chỉ đạt 1,2 tấn.

Ông Nhanh cho biết: Trung bình, mô hình hành sạch cho sản lượng khoảng 2 tấn/công/vụ, trong khi trồng truyền thống chỉ đạt 1,2 tấn. Ảnh: NVCC
Nhờ đó, lợi nhuận bình quân đạt 16 – 20 triệu đồng/công/vụ, tăng từ 30 – 50% so với trước.
Không chỉ vậy, chất lượng hành cải thiện rõ rệt, củ chắc, thơm và bảo quản được lâu hơn. “Khách hàng ngày càng tin tưởng, có người đến tận nhà đặt mua. Mình yên tâm vì đang làm ra thực phẩm sạch cho người tiêu dùng”, ông Nhanh chia sẻ đầy tự hào.
Không giữ bí quyết riêng, lan tỏa mô hình nông nghiệp sạch
Không giữ kiến thức cho riêng mình, ông Nhanh còn nhiệt tình chia sẻ kinh nghiệm, hướng dẫn kỹ thuật cho các hộ dân trong khu phố.
Mỗi năm, ông trực tiếp tư vấn, hỗ trợ khoảng 10 – 15 hộ thực hiện mô hình hành sạch, từ khâu làm đất, chọn giống, bón phân đến thu hoạch.
Ông thường xuyên tham gia các lớp tập huấn của Hội Nông dân, rồi về truyền đạt lại cho các hội viên, góp phần thay đổi nhận thức của cộng đồng nông dân về sản xuất an toàn.
“Mình làm được thì bà con cũng làm được. Chỉ cần thay đổi cách nghĩ, kiên trì thì chắc chắn sẽ có kết quả tốt. Làm nông bây giờ không thể làm theo kiểu cũ nữa, phải học hỏi, đổi mới để làm ra sản phẩm sạch, giữ đất tốt, bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng”, ông Nhanh tâm huyết nói.

Không chỉ là người sản xuất giỏi, ông còn là hội viên tiêu biểu trong các hoạt động xã hội, từ thiện tại địa phương.
Trong năm qua, ông đã vận động mạnh thường quân trao tặng 60 phần quà cho nông dân khó khăn trong khu phố, tổng trị giá 15 triệu đồng.
Ngoài ra, ông còn đóng góp hơn 40 triệu đồng để phát hành 32 thẻ bảo hiểm y tế cho người dân có hoàn cảnh khó khăn, góp phần lan tỏa tinh thần tương thân tương ái trong cộng đồng.
Ông Lê Văn Nhại, Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Bến Cầu, huyện Bến Cầu (tỉnh Tây Ninh) cho biết: “Hành trình chuyển đổi sang mô hình hành sạch của ông Hồ Văn Nhanh không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế mà còn góp phần thay đổi nhận thức và thói quen canh tác của nhiều nông dân tại Bến Cầu”.
Từ một người nông dân “dám làm khác”, ông đã chứng minh rằng sản xuất nông nghiệp bền vững hoàn toàn khả thi nếu biết áp dụng kỹ thuật và giữ chữ tâm trong từng luống rau củ.
Mô hình của ông đang được các cấp Hội Nông dân huyện và tỉnh quan tâm, khuyến khích nhân rộng, góp phần xây dựng nền nông nghiệp sạch – xanh – bền vững tại Tây Ninh và các vùng nông thôn trong cả nước.