‘Chúng tôi cần kiểm tra tài khoản ngân hàng của ông/bà, hãy chuyển tiền tiết kiệm thành vàng’ – đây là chiêu gọi điện thoại lừa đảo kiểu mới nhắm vào người cao tuổi trên khắp Nhật Bản.
Ngày 15/7, điện thoại reo tại nhà một phụ nữ khoảng 70 tuổi ở phường Nakamura, Nagoya. Một người đàn ông tự nhận làm việc cho công ty viễn thông thông báo: “Cảnh sát yêu cầu chúng tôi hủy dịch vụ điện thoại di động của bà”.
Bà lão không hiểu ý anh ta nhưng vẫn rất lo lắng cho đến khi nhận được một cuộc gọi khác, lần này từ một người tự xưng là cảnh sát. “Có lệnh bắt giữ bà”, người đàn ông nói. Sau đó, anh ta gửi hình ảnh lệnh bắt đó tới tài khoản mà bà cung cấp trên ứng dụng nhắn tin Line. Người này hướng dẫn: “Cảnh sát sẽ điều tra các tài khoản ngân hàng của bà. Hãy chuyển tiền mặt trong tài khoản của bà thành vàng”.
Quá hoảng sợ, người phụ nữ rút tiền tiết kiệm, mua một thỏi vàng nặng 1,3 kg trị giá 17,7 triệu yên (khoảng 124.000 USD). Năm ngày sau, một người đàn ông gọi lại, chỉ dẫn bà để thỏi vàng trước cửa nhà. Sau đó thỏi vàng biến mất.
Tại tỉnh Aichi, kể từ tháng 7, đã có ít nhất bốn trường hợp tương tự. Trong mỗi vụ, nạn nhân đều là người cao tuổi, số tiền mặt bị mất từ 2,5 triệu đến 20 triệu yên (khoảng 17.500 đến 140.000 USD). Các nạn nhân cũng đã được xác nhận ở nhiều tỉnh khác như Miyazaki và Osaka.
Ngày 12/9, Sở Cảnh sát Thủ đô (MPD) thông báo bắt ba người Đài Loan với cáo buộc đã lừa một người đàn ông 70 tuổi ở Kyoto để lấy số vàng thỏi trị giá 115 triệu yên (hơn 808.000 USD).
Trong các vụ lừa đảo tương tự, kẻ gian yêu cầu nạn nhân chuyển tiền vào tài khoản được chỉ định hoặc lừa lấy sổ tiết kiệm và thẻ ghi nợ của họ rồi dùng chúng để rút tiền mặt từ máy ATM. Nhưng trò “đổi tiền thành vàng” đang diễn ra thường xuyên hơn. Một quan chức cảnh sát cấp cao chỉ ra rằng kẻ gian coi đó là cách mới để tránh bị phát hiện.
Tại những nơi như ngân hàng và cửa hàng tiện lợi, nhân viên được đào tạo để chủ động quan sát và ứng phó với những người cố gắng rút số tiền lớn hoặc những người sử dụng ATM cùng lúc với điện thoại. “Nhưng nếu ai đó nói ”sẽ đổi tiền mặt của mình thành vàng’ thì thật khó để xác định liệu đó có phải là trường hợp lừa đảo hay không”, quan chức này chia sẻ.
Một yếu tố khác đằng sau sự lan rộng của trò lừa đảo này là giá trị vàng tăng nhanh và được xem là kênh đầu tư an toàn, cũng có thể được bán ở bất cứ đâu trên thế giới.
Toshihiro Uchida, giáo sư thỉnh giảng về kinh tế vĩ mô tại Đại học Chukyo, cho biết: “Các nhóm lừa đảo có thể đã chú ý đến sự gia tăng ổn định của giá vàng, một phần do đồng yên yếu. Dù có nhiều phương pháp khiến nạn nhân chuyển tiền sang tiền điện tử (tiền ảo), nhưng có lẽ mua vàng sẽ ít rào cản hơn”.
Một điều tra viên cấp cao nhấn mạnh: “Cảnh sát sẽ không bao giờ cho người dân xem hình ảnh lệnh bắt giữ trên ứng dụng Line hoặc yêu cầu chuyển tiền tiết kiệm thành vàng. Đừng bao giờ để bị lừa”.
Tuệ Anh (Theo Mainichi)