[VOV2] – Theo nghiên cứu của Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ, việc duy trì mối quan hệ bạn bè có mối liên hệ mật thiết đến sự hài lòng và mức độ hạnh phúc trong cuộc sống cao hơn ở người lớn tuổi.
Dù đã gần 80 tuổi, nhưng bà Đỗ Thanh Hà (ở Bắc Từ Liêm, Hà Nội) vẫn hàng ngày cùng tham gia sinh hoạt, tập thể dục cùng chi hội người cao tuổi tại nhà văn hóa tổ dân phố vào 6 giờ 30 phút mỗi sáng. Bên cạnh tập luyện để duy trì sức khỏe, bà Hà cùng các thành viên tại chi hội người cao tuổi cũng thường xuyên hỏi thăm, quan tâm tới hoàn cảnh gia đình của những người cao tuổi khó khăn tại địa phương. Từ lúc về hưu, bà Hà cảm thấy mình có nhiều thời gian hơn để tham gia các hoạt động xã hội, cũng như kết nối lại những mối quan hệ bạn bè từ thời trẻ mà nay mới có dịp hội ngộ.
“Khi nghỉ hưu, tôi mới thấy mình có nhiều thời gian hơn. Nên cũng tranh thủ tham gia vào chi hội người cao tuổi và kết bạn được với nhiều người bạn mới. Thế mới thấy việc kết bạn ở mọi lứa tuổi chứ đâu phải mỗi thời trẻ. Dù tuổi tác cao nhưng các ông, bà ở đây ai cũng nhiệt tình, luôn luôn yêu đời, truyền động lực tích cực cho nhau.” – Bà Hà chia sẻ.
Những trường hợp người cao tuổi sống đơn lẻ (goá vợ hoặc goá chồng) thường rơi vào tình trạng cô đơn. Đặc biệt trong thời đại 4.0, các con, cháu bận công việc, kiếm sống và học tập, nên người già càng trở nên cô quạnh.
Một nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu và Giáo dục người cao tuổi (CARE) tại Trường Y Duke thuộc Đại học Quốc gia Singapore thực hiện cho rằng, sự cô đơn làm tăng nguy cơ tử vong của người cao tuổi lên khoảng 7%. Còn theo nghiên cứu của Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ, việc duy trì mối quan hệ bạn bè có mối liên hệ mật thiết đến sự hài lòng và mức độ hạnh phúc trong cuộc sống cao hơn ở người lớn tuổi. Khi được tiếp xúc, chuyện trò cùng bạn bè sẽ giúp người cao tuổi giảm căng thẳng, mang đến tâm trạng tốt hơn so với việc ở nhà một mình suốt cả ngày.
Bà Nguyễn Thanh Tùng (72 tuổi, Ba Đình, Hà Nội) cho biết, thật may mắn khi có được những người bạn dù trải qua bao năm tháng tình bạn ấy ngày càng keo sơn, gắn bó; đến lúc tuổi già, lại trở thành tri âm, tri kỷ: “Khi trái gió trở trời, lúc ốm đau, hoạn nạn luôn có bạn sẻ chia, thăm hỏi động viên. Đó là liều thuốc tinh thần quý báu hơn mọi liều thuốc bổ trên đời.”
Những viên ngọc có thể quý giá nhưng tình bạn tri kỷ là vô giá không gì có thể sánh được. Tuổi trẻ thanh xuân và tuổi già của chúng ta vì gặp được nhau mà bỗng nhiên chẳng còn vô nghĩa. Có những tình bạn kéo dài suốt cả cuộc đời, trải qua suốt chặng đường dài luôn quan tâm gắn bó, thậm chí cao hơn tình bạn bình thường mà trở thành tri kỷ. Nên nhiều trường hợp, người cao tuổi chỉ có thể tâm sự cùng bạn bè thay vì con, cháu do khoảng cách thế hệ. Dù gần hay xa nhau, mỗi khi nhớ về những người bạn, những kí ức, những kỉ niệm đẹp cùng nhau bỗng ùa về trong tim khiến ta hạnh phúc. Cũng chính vì vậy mà người cao tuổi sống vui, sống khỏe, sống có ích cho gia đình và xã hội.
Tình bạn ở người cao tuổi là nhu cầu cần thiết như cơm ăn nước uống, như không khí để thở. Tuổi càng cao nhu cầu tâm sự với bạn già càng trở nên cần thiết, bởi vì sự cô đơn trống trải khó có thể giãi bày cùng người thân. Do đó, người cao tuổi rất cần có người bạn để chia sẻ tâm tư. Nếu họ tìm được người bạn tri kỷ là một điều hạnh phúc, bởi sẽ giải toả được nỗi cô đơn. Những hoạt động mang tính đoàn, hội cũng đem lại niềm vui cho người già. Khi nỗi buồn và sự cô đơn được giải toả sẽ đem lại sự tươi trẻ, chống lão hoá và cải thiện trí nhớ. Tình bạn già càng lâu bền càng chứng tỏ sự đồng cảm và hiểu biết lẫn nhau, nó đem lại niềm vui và có thể là nguồn hạnh phúc vô giá. Hãy khuyến khích và tạo điều kiện cho người cao tuổi kết bạn để sự giao tiếp tăng cường sức khoẻ phù hợp với mục tiêu “Sống vui, sống khoẻ, sống hạnh phúc”.