Tiếp nối tiền nhân gìn giữ bản sắc văn hóa nơi đình làng

Đến với đình An Hòa thuộc phường An Hòa, thị xã Trảng Bàng nơi bàn thờ tiền vãng, hậu vãng trên bảng lưu danh có nhắc đến cụ Trịnh Văn Đống (tên thường gọi là ông Thiện) là người đứng ra thành lập đình An Hòa vào năm 1863 Năm Quý Hợi; năm 1891 trùng tu lần thứ nhất do ông tiền hiền Trịnh Quang Võ, sinh 1848 và ông hậu hiền Nguyễn Học Văn, sinh 1853 đứng ra trùng tu….. là những vị có nhiều đóng góp cho việc gìn giữ nghi lễ và truyền thống của đình làng.

Ông Lê Thành Tánh thực hiện nghị thức xây chầu tại đình An Hòa

Trong quá trình hình thành và phát triển nơi mảnh đất Tây Ninh, các thế hệ luôn ghi nhớ các bậc tiền hiền đã có công khai khẩn, mở đất lập làng, các bậc hậu hiền có công khai cơ xây đình, lập chợ, đào kênh cùng các thiết chế văn hóa, xã hội trong làng. Tưởng nhớ đến công lao của các bậc tiền hiền, hậu hiền mà Nhân dân tôn phong làm thần Thành hoàng bổn cảnh hay lập bàn thờ trang trọng trong đình làng, quanh năm khói hương nghi ngút phụng thờ.

Ở hậu điện các đình làng Tây Ninh đều có bàn thờ tiền vãng, hậu vãng, viên quan, viên chức là những vị trong ban Khánh tiết đình, những người có công phụng sự đình khi quá vãng được thờ nơi này. Đến với đình An Hòa thuộc phường An Hòa, thị xã Trảng Bàng nơi bàn thờ tiền vãng, hậu vãng trên bảng lưu danh có nhắc đến cụ Trịnh Văn Đống (tên thường gọi là ông Thiện) là người đứng ra thành lập đình An Hòa vào năm 1863 Năm Quý Hợi; năm 1891 trùng tu lần thứ nhất do ông tiền hiền Trịnh Quang Võ, sinh 1848 và ông hậu hiền Nguyễn Học Văn, sinh 1853 đứng ra trùng tu….. là những vị có nhiều đóng góp cho việc gìn giữ nghi lễ và truyền thống của đình làng.

Kế thế các cụ, ở Trảng Bàng có ông Lê Thành Tánh, sinh năm 1953, hiện là Trưởng ban Khánh tiết Đình An Hòa là người am tường về nghi lễ đình làng, giàu tình yêu với văn hóa dân gian và luôn mong muốn lan tỏa các giá trị truyền thống đến với Nhân dân.

Ông Lê Thành Tánh được sinh ra trong gia đình giàu truyền thống Nho giáo, cha của ông là cụ Lê Văn Đủ – người đã lưu lại bút tích Hán Nôm và nhiều dấu ấn ở đình An Hòa, chùa Phước Lưu (thị xã Trảng Bàng). Mộ Phật từ nhỏ, năm lên 9 tuổi ông được gia đình cho đến quy y với Hòa thượng Tăng trưởng Thích Huệ Tánh ở chùa Phước Lưu, ông Tánh được Hòa thượng ban pháp hiệu Thông Bổn (là con thứ tám trong gia đình nên mọi người quen gọi ông là Tám Bổn), ông được Hòa thượng dạy chữ Nho, dạy đạo và cho tham gia các khóa luật, trường hương, trường kỳ ở các chùa vùng Tây Ninh và Nam bộ. Năm 1975, ông trở về gia đình và thường xuyên lui tới với Hòa thượng Thiện Lạc ở chùa Niết Bàn (phường An Hòa, thị xã Trảng Bàng), tham gia vào ban hộ niệm cầu an, cầu siêu cho gia đình phật tử và cư dân địa phương.

Đến năm 1994, ông tham gia vào tổ nghi lễ của ban Khánh tiết đình An Hòa, khi này đình An Hòa do cụ Võ Cung Dân làm Trưởng ban Khánh tiết, cụ Trần Ngọc Côn làm cố vấn và phụ trách chính về nghi lễ tại đình. Ông Tánh được cụ Ba Côn nhận làm học trò dạy về nghi lễ đình làng và dân gian.

Đặc biệt, năm 1994 cũng là năm đầu tiên đình An Hòa tổ chức cúng Kỳ yên theo nghi thức đại lễ (tức có xây chầu, hát bội), là năm diễn xuất hát đầu tiên tại Tây Ninh từ sau ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, do gánh hát bội Ngọc Khanh phụ trách.

Sau lễ cúng đình An Hòa, cụ Trần Ngọc Côn dẫn theo học trò là ông Lê Thành Tánh đến Thượng Công miếu học nghi thức xây chầu với cụ Đỗ Văn Rỡ.

đến năm 40 tuổi ông Tánh được cụ Ba Côn giao cho việc thực hiện nghi thức xây chầu vào những năm đình An Hòa cúng đại lễ cho đến nay. Năm 1997, ông Tánh tham gia vào tổ nghi lễ của ban Khánh tiết đình Gia Lộc. Ông đã có những đóng góp quan trọng trong việc hỗ trợ nghi lễ cúng đình, nghi thức xây chầu tại nhiều đình ở Tây Ninh như đình Gia Lộc, đình An Tịnhđình Phước Hiệp, đình trung Gia Bình, đình Lộc Hưng (thị xã Trảng Bàng), đình Thanh Phước (huyện Gò Dầu), đình Thái Hiệp Thạnh, đình Hiệp Ninh (thành phố Tây Ninh) và các đình ngoài tỉnh như đình Phước Thạnh, đình Phước Hiệp (huyện Củ Chi, thành phố Hồ Chí Minh), đình Bến Súc, đình Bến Tranh (tỉnh Bình Dương), đình Hòa Khánh, đình Lộc Giang, đình An Ninh, đình Rừng Muỗi (tỉnh Long An),… Sự hỗ trợ của ông Tánh đối với các đình không chỉ giúp duy trì nghi lễ xây chầu mà còn góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của Nam bộ.

Hiện nay, ông Tánh đang đào tạo cho ông Nguyễn Văn Châu các nghi thức đình làng và sắp xếp lại ban Khánh tiết đình để tạo nguồn kế thừa chăm lo nghi lễ tại đình An Hòa.

Năm 2002, ông Lê Thành Tánh được tín nhiệm giữ chức vụ Phó trưởng ban Khánh tiết đình An Hòa phụ trách nghi lễ, tế tự tại đình. Với sự tận tụy và kinh nghiệm lâu năm, đến năm 2023, ông được bầu làm Trưởng ban Khánh tiết đình. Vào các năm 2022, 2023 ông đứng ra đại trùng tu đình An Hòa để bảo tồn giá trị kiến trúc nghệ thuật tại đình. Ông tham gia vào Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phường An Hòa, thị xã Trảng Bàng, tích cực tham gia công tác an sinh xã hội tại địa phương.

Ông Lê Thành Tánh tham dự Đại hội đại biểu Ủy ban MTTQ Việt Nam phường An Hòa nhiệm kỳ 2024 – 2029

Ở gia đình, ông Tánh là người chồng, người cha, người ông mẫu mực, luôn răn dạy con cháu những điều hay lẽ phải để trở thành những người có ích cho xã hội. Năm 2018, gia đình ông được chủ tịch UBND phường An Hòa tặng giấy khen đạt gia đình văn hóa tiêu biểu toàn diện.

Ông Lê Thành Tánh được chủ tịch UBND thị xã Trảng Bàng tặng giấy khen đã có thành tích xuất sắc trong công tác phối hợp liên ngành làm công tác dân vận năm 2023 và UBND phường An Hòa tặng giấy khen đã hỗ trợ đóng góp trong công tác an sinh xã hội phường An Hòa năm 2023.

Từ tình yêu quê hương, đất nước, lòng tôn kính và tiếp nối các bậc tiền nhân, ông Lê Thành Tánh đã có nhiều đóng góp cho việc bảo tồn, phát huy các nghi lễ đình làng, di sản tại đại phương và nhận diện bản sắc văn hóa tỉnh Tây Ninh.

                                                                     Minh Kha – MTTQ phường An Hòa