(Thanh tra) – Một xã sau sắp xếp sáp nhập sẽ “gần như là một huyện nhỏ”. Còn sắp xếp, sáp nhập tỉnh sẽ tiến hành sau khi có đầy đủ cơ sở pháp lý là Hiến pháp; Luật sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức chính quyền địa phương và có nghị quyết của Quốc hội, theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà.
Thông tin mới về sáp nhập tỉnh, xã được cho biết tại Phiên họp lần thứ nhất Ban Chỉ đạo thực hiện sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, với sự chủ trì của Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình, chiều 13/3.
Mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, gồm cấp tỉnh (các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương) và cấp cơ sở.
Ban Thường vụ Đảng ủy Chính phủ trước đó đã thống nhất dự kiến trình cấp có thẩm quyền phương án giảm khoảng 50% số đơn vị hành chính cấp tỉnh và giảm 60-70% đơn vị hành chính cấp cơ sở so với hiện nay.
Một xã sau sắp xếp, sáp nhập “gần như là một huyện nhỏ”
Tại phiên họp, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo đã công bố Quyết định số 571 của Thủ tướng về việc thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.

Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo thực hiện sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp. Ảnh: Đ.X
Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ, sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp là việc rất hệ trọng của quốc gia, rất lớn, rất khó, rất phức tạp.
“Chúng ta phải thực hiện khối lượng công việc khổng lồ, đồng thời, tức khắc, nhanh, gấp, phải bảo đảm được yêu cầu để có thể triển khai ngay được”, bà Trà nói.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết, ngày mai Bộ Chính trị sẽ họp thống nhất chủ trương, sau đó Đảng ủy Chính phủ sẽ gửi đề án lấy ý kiến của các địa phương và gửi các bộ, ngành để cho ý kiến. Dự kiến khoảng trung tuần tháng 4/2025, Ban Chỉ đạo sẽ báo cáo Ban Chấp hành Trung ương.
Nói về việc tổ chức lại đơn vị hành chính cấp xã, bà Trà thông tin, hiện có 10.035 đơn vị, sẽ tổ chức lại quy mô chỉ còn khoảng 2.000 “gần như là một huyện nhỏ”. Việc sắp xếp này, thuộc thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, có thể làm ngay sau hội nghị Ban Chấp hành Trung ương.
Sáp nhập tỉnh sau khi sửa đổi Hiến pháp và các luật
Sau khi Hiến pháp sửa đổi; Luật sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức Chính quyền địa phương và các luật liên quan có hiệu lực, sẽ kết thúc hoạt động của chính quyền địa phương cấp huyện.
“Khi đã có đầy đủ cơ sở pháp lý là Hiến pháp, Luật sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức chính quyền địa phương và có nghị quyết nữa, chúng ta tập trung vào sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh… Sau đó sẽ triển khai các việc liên quan đến đại hội”, Bộ trưởng Bộ Nội vụ nói.

Toàn cảnh Ban Chỉ đạo thực hiện sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp. Ảnh: Đ.X
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh cho biết, sửa đổi Luật Tổ chức chính quyền địa phương để quy định về tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.
Theo đó, khi sửa luật phải phân định rõ nhiệm vụ giữa chính quyền cấp tỉnh và cấp cơ sở; các vấn đề liên quan đến chuyển tiếp thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của chính quyền địa phương khi sắp xếp, tổ chức lại thành 2 cấp.
Ông Ninh cho biết, Bộ Tư pháp sẽ trao đổi với các cơ quan của Quốc hội xem có cần thiết phải xây dựng một nghị quyết xử lý một số vấn đề khi tổ chức lại đơn vị hành chính giống như Nghị quyết số 190 của Quốc hội hay không.
“Phương án hoàn hảo nhất, khi sắp xếp tổ chức bộ máy chính quyền 2 cấp ở địa phương thì các bộ phải rà soát những nội dung thuộc thẩm quyền quản lý Nhà nước của bộ mình và đề xuất 1 luật sửa nhiều luật”, ông Ninh nói.
Bỏ cấp huyện phải tránh “ách tắc” trong quản lý
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy cho rằng, chúng ta đang quy định mô hình chính quyền địa phương 3 cấp. Trong đó, chính quyền cấp huyện có nhiều thẩm quyền và giải quyết rất nhiều thủ tục hành chính ở lĩnh vực chuyên ngành.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy. Ảnh: Đ.X
“Nhiều vấn đề về đất đai, an sinh xã hội, giáo dục, y tế… thuộc thẩm quyền của cấp huyện. Như trong Luật Đất đai, rất nhiều nội dung phụ thuộc vào cấp huyện, từ quy hoạch/kế hoạch sử dụng đất cấp huyện, cho đến cấp giấy chứng nhận lần đầu… Nếu giải quyết một luật sửa nhiều luật không thể kịp vào kỳ họp Quốc hội tháng 5 này”, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy nêu quan điểm.
Ông kiến nghị nên ban hành một nghị quyết của Quốc hội vào kỳ họp tháng 5 và sửa luật vào kỳ họp tháng 10.
“Nếu vấn đề này không xử lý kịp thời sẽ ách tắc rất lớn kể cả trong quản lý xã hội lẫn phát triển kinh tế- xã hội”, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường nhấn mạnh.
Bộ trưởng Đỗ Đức Duy đề nghị khi báo cáo Trung ương xong cũng cần thống nhất thời điểm dừng mô hình chính quyền cấp huyện để Chính phủ chủ động trong xây dựng các văn bản hướng dẫn và các nội dung khác đi theo.