Thạc sĩ Lê Ngọc Hoà – Tâm huyết dành cho khoa học

(BTNO) – Đam mê nghiên cứu văn hoá dân tộc, bà Lê Ngọc Hoà đã có nhiều công trình, đề tài, phản biện… góp phần gìn giữ và lan toả văn nghệ dân gian của tỉnh đến đông đảo mọi người.

Bà Lê Ngọc Hoà (thứ 5, từ phải sang) nhận giải Hội thi Sáng tạo Khoa học Kỹ thuật năm 2022-2023.

Miệt mài với nghệ thuật dân gian

Từng công tác tại Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch (VHTT-DL), giữ chức Phó Giám đốc Trung tâm Văn hoá tỉnh, Thạc sĩ Lê Ngọc Hoà có nhiều điều kiện tìm hiểu về văn hoá tỉnh. Là một người yêu văn hoá, đặc biệt là lĩnh vực văn hoá dân gian, bà đã dành nhiều thời gian nghiên cứu về nghệ thuật dân gian trên địa bàn tỉnh.

Bà tự mình đi tìm hiểu đời sống đồng bào dân tộc thiểu số để hiểu về những nét văn hoá của từng sắc tộc. Bà cũng gặp gỡ, trò chuyện với các nghệ sĩ đờn ca tài tử để cảm nhận được sức sống bền vững của một loại hình nghệ thuật đặc sắc Nam bộ; đồng thời dành nhiều thời gian đi tìm hiểu tường tận từng lễ hội dân gian, lễ hội tôn giáo, lịch sử cách mạng, làng nghề truyền thống…

Theo Thạc sĩ Lê Ngọc Hoà, các hoạt động văn nghệ dân gian ở Tây Ninh rất mạnh với những nét văn hoá đặc sắc gắn liền với lịch sử hình thành và phát triển của tỉnh, nhưng trước đây chưa có nhiều người quan tâm, nghiên cứu.

Nếu không có sự chăm chút, lưu lại, theo thời gian, lớp người đi trước mất đi, người trẻ không kế thừa, văn hoá dân gian dần mai một. Thế nên, bà đã đề xuất với Sở VHTT-DL, khi đó là Sở Văn hoá Thông tin, thực hiện các đề tài nghiên cứu để có định hướng cho công tác quản lý, phát triển và hơn hết là lưu giữ những nét văn hoá địa phương.

Có thể kể đến công trình văn nghệ dân gian của tỉnh có sự tham gia của Thạc sĩ Lê Ngọc Hoà, như Chủ nhiệm đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh “Khảo cứu các lễ hội ở Tây Ninh và định hướng phát triển, quản lý”. Đây là nguồn tư liệu quý giá, làm phong phú hơn cho di sản văn hoá phi vật thể của tỉnh, giúp người dân trong và ngoài tỉnh có thêm những hiểu biết về giá trị văn hoá lễ hội của Tây Ninh.

Bà Lê Ngọc Hoà (bìa trái) trao chứng nhận Nghệ nhân Dân gian cho nghệ sĩ đờn ca tài tử Đoàn Văn Sang, nghệ nhân Võ Văn Đội.

Với sự am tường về nghệ thuật đờn ca tài tử, bà Ngọc Hoà đã có nhiều nghiên cứu đối với lĩnh vực này. Năm 2010 bà là thành viên của nhóm tác giả nghiên cứu đề tài khoa học cấp tỉnh “Đờn ca tài tử Tây Ninh”.

Khi tỉnh cho biên tập lại quyển Địa chí Tây Ninh, bà bổ sung thêm tiểu mục nghệ thuật “Đờn ca tài tử” để đầy đủ hơn về vùng đất, con người vùng Đông Nam bộ nơi đây. Đây cũng là cơ sở để UNESCO công nhận Nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ là Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại. Bên cạnh đó, bà còn tham gia vào nhóm nghiên cứu đề tài khoa học về “Dân ca Tây Ninh” (in thành sách năm 2005), “Xây dựng đời sống văn hoá công nhân trong các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh” thực hiện năm 2011.

“Làm công tác văn hóa văn nghệ dân gian, ngoài việc nghiên cứu các tài liệu của thế hệ trước thì công việc cực kỳ quan trọng là phải đi sưu tầm, khảo sát điền dã. Công việc này đòi hỏi sự tỉ mỉ, óc quan sát, sự trung thực trong ghi chép, sự hòa nhập cộng đồng và nhạy bén trong so sánh đối chiếu với các nguồn tư liệu đã có. Đặc biệt là phải có kiến thức về văn nghệ dân gian”- bà Lê Ngọc Hoà chia sẻ.

Trí thức khoa học và công nghệ tiêu biểu tỉnh

Năm 2013, về hưu, không lựa chọn nghỉ ngơi, bà Lê Ngọc Hoà tiếp tục dành thời gian cho những nghiên cứu, phục vụ tại Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh. Với sự hiểu biết về văn hoá và văn nghệ dân gian, bà tiếp tục được các đơn vị mời tham gia phản biện nhiều nội dung như: Cuộc tổng điều tra di sản văn hoá phi vật thể trên địa bàn tỉnh; tổng điều tra về dân ca dân vũ; các lễ hội, hội thi về dân tộc thiểu số…

Năm 2024, tại buổi toạ đàm “Bảo tồn và phát huy giá trị di sản lễ hội Chol Chnam Thmay của người Khmer gắn với phát triển du lịch cộng đồng”, bà Ngọc Hoà tham gia và có những ý kiến thực tế, góp phần cùng Sở VHTT-DL có những định hướng trong quản lý và phát triển.

Bà Lê Ngọc Hoà tại lễ tôn vinh “Trí thức Khoa học và Công nghệ tiêu biểu”.

“Vừa qua, tôi được Sở VHTT-DL mời phản biện lễ cúng miếu của đồng bào Tà Mun trên địa bàn tỉnh. Lễ này có người còn gọi là lễ cầu bông. Tôi đã nêu rõ ý kiến của mình, cúng cầu bông chỉ là một nghi thức trong lễ cúng miếu của đồng bào Tà Mun.

Còn khi tham gia phản biện tài liệu, đề nghị Bộ VHTT-DL tỉnh công nhận nghề làm nhang của tỉnh là di sản văn hoá phi vật thể, tôi cũng đề nghị tỉnh cần nhấn mạnh lý do những nét rất riêng của nghề làm nhang ở Tây Ninh, đó là gắn liền với quá trình hình thành của vùng đất nơi đây, gắn liền với sự phát triển của tôn giáo Cao Đài, với tín ngưỡng của người dân mỗi khi đi núi Bà lễ Phật… Bởi, nếu không có những cái đó, nghề làm nhang ở Tây Ninh không khác gì so với Huế, với một số tỉnh phía Bắc”- bà Ngọc Hoà nói.

Bà cũng là người trực tiếp tham gia, hỗ trợ Sở VHTT-DL hoàn thiện 2 hồ sơ để Bộ VHTT-DL công nhận “Lễ vía bà Linh Sơn Thánh Mẫu – núi Bà Đen” và “Nghệ thuật chế biến món chay Tây Ninh” trở thành di sản văn hoá phi vật thể quốc gia.

Hiện nay, bà Ngọc Hoà là Chi hội trưởng Chi hội Văn nghệ Dân gian Tây Ninh, Chi hội trưởng Chi hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam tỉnh Tây Ninh (Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam). Với vai trò của mình, bà đã không ngừng truyền dạy văn nghệ dân gian đến thế hệ trẻ cũng như làm tốt công tác phát hiện những nhân tố mới.

Vừa qua, Chi hội Văn nghệ Dân gian Tây Ninh đã đề nghị Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam công nhận 2 nghệ sĩ đờn ca tài tử Đoàn Văn Sang, Võ Văn Đội (nghệ danh Út Đội) và nghệ sĩ biểu diễn bóng rỗi Nguyễn Thị Mướt là nghệ nhân dân gian.

Bà Lê Ngọc Hoà dành hết tâm huyết cho công tác khoa học.

Trong công tác Liên hiệp Hội, là cán bộ phụ trách Ban Thông tin phổ biến kiến thức, bà theo dõi, vận hành, duy trì website Liên hiệp hội Tây Ninh. Từ website, nhiều thông tin, kiến thức mới được cập nhật, chuyển tải đến mọi người.

Các cuộc thi Sáng tạo khoa học và kỹ thuật của tỉnh cũng từ đây được lan toả đến đông đảo mọi người. Bà cũng tham gia biên tập Tập san Khoa học và Đời sống của Liên hiệp Hội (4 số/ năm, 1.000 quyển/ số); ấn hành 10 số “Khoa học và Đời sống” chuyên đề đặc biệt về xây dựng nông thôn mới, bảo vệ tài nguyên và môi trường.

Bản thân là người đam mê với khoa học, bà Ngọc Hoà vẫn không ngừng học hỏi, tìm hiểu thêm kiến thức mới. Với bà, những nghiên cứu, phát hiện mới không phải là thành tựu của riêng bản thân, mà đó là tài sản của xã hội cần được phổ biến đến nhân dân và mang tính ứng dụng xã hội cao.

Những tác phẩm về văn nghệ dân gian với sự đóng góp của bà Lê Ngọc Hoà.

Nhận thấy Tây Ninh có ốc núi- món đặc sản rất hấp dẫn du khách, nhưng chỉ dựa vào nguồn tự nhiên sẽ không đảm bảo. Chính vì vậy, bà Ngọc Hoà đã nghiên cứu, thử nghiệm mô hình nuôi ốc núi Bà Đen sinh sản trong môi trường cận tự nhiên. Đây cũng là đề tài được Ban Tổ chức Hội thi Sáng tạo khoa học và kỹ thuật năm 2022-2023 đánh giá cao, đoạt giải Ba của Hội thi.

Với nhiều cống hiến của mình, bà được Nhà nước công nhận và được Chủ tịch nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba vào năm 2013; năm 2024, bà được Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam công nhận danh hiệu “Trí thức Khoa học và Công nghệ tiêu biểu”.

Khải Tường