Tăng nguồn lực chăm lo người cao tuổi

Thiếu và yếu hệ thống y tế về lão khoa

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), nước ta nằm trong 10 nước có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Trong các quốc gia Đông Nam Á, tuổi thọ nam giới Việt Nam đứng thứ 5 và tuổi thọ phụ nữ đứng thứ 2. Tuổi thọ cao nhưng chất lượng cuộc sống của người cao tuổi (NCT) lại thấp đi, số năm trung bình sống khỏe mạnh chỉ khoảng 64 tuổi và tỷ lệ NCT bị mắc các bệnh mãn tính gia tăng.

Trung bình một NCT hiện phải sống chung từ 3-5 bệnh, trong đó NCT thường mắc các bệnh lý phổ biến: đái tháo đường, tăng huyết áp, thoái hóa khớp, Parkinson, sa sút trí tuệ, ung thư… Ngoài ra, có hơn 27% NCT cần trợ giúp cơ bản về vệ sinh cá nhân, mặc quần áo, đi lại, ăn uống; 90% cần hỗ trợ trong việc sử dụng điện thoại di động, phương tiện giao thông…

A1g.jpg
Nhân viên y tế chăm sóc, động viên tinh thần giúp người cao tuổi lạc quan, sống vui khỏe. Ảnh: MINH TRÍ

Thống kê của Bộ Y tế cho thấy, chi phí chăm sóc sức khỏe cho một NCT cao gấp 10 lần so với một trẻ em. Thế nhưng, việc xây dựng môi trường thân thiện với NCT và triển khai các loại hình chăm sóc sức khỏe dài hạn tại cộng đồng chưa được quan tâm đúng mức.

Hệ thống y tế lão khoa chưa đầy đủ và chưa đáp ứng được nhu cầu giải quyết các bệnh mạn tính – bệnh đặc trưng của NCT. Nhiều địa phương vẫn chưa bố trí kinh phí thực hiện chăm sóc sức khỏe cho NCT, như khám sức khỏe định kỳ, quản lý sức khỏe NCT từ y tế cơ sở…

Bên cạnh đó, do nguồn nhân lực bác sĩ, điều dưỡng chuyên ngành lão khoa bị thiếu nên chưa có nhiều hoạt động tư vấn, phổ biến kiến thức phòng và chữa bệnh cho NCT tại cộng đồng.

Ông Phạm Chánh Trung, Chi cục trưởng Chi cục Dân số – Kế hoạch hóa gia đình (Sở Y tế TPHCM), cho biết, từ năm 2017, số lượng NCT trên địa bàn thành phố có xu hướng tăng nhanh. Tính đến cuối năm 2023, số người trên 60 tuổi ở TPHCM là 1.338.680 người; tuổi thọ trung bình của dân số tại TPHCM năm 2023 là 76,3 tuổi, trong đó nam là 73,9 tuổi và nữ là 79,2 tuổi.

“Mức sinh thấp, tuổi thọ trung bình không ngừng được nâng lên khiến TPHCM có tốc độ già hóa dân số nhanh, việc đào tạo bác sĩ lão khoa chưa kịp thời. Hiện nay, nhân lực chăm sóc NCT chủ yếu dựa vào người nhà; lực lượng điều dưỡng, bác sĩ chuyên về lão khoa còn mỏng, thiếu kiến thức về lão khoa… dẫn đến việc chăm sóc cho NCT gặp nhiều khó khăn”, ông Phạm Chánh Trung thông tin.

Chuẩn bị cho tuổi già từ khi còn trẻ

Theo PGS-TS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TPHCM, từ giữa tháng 8-2023, ngành y tế thành phố đã triển khai hoạt động khám sức khỏe miễn phí cho NCT trên địa bàn nhằm phát hiện sớm, kiểm soát tốt các bệnh lý mạn tính và tiết kiệm chi phí điều trị.

Sau hơn 1 năm triển khai, ngành y tế thành phố đã khám, tầm soát cho hơn 233.051 NCT sinh sống trên địa bàn thành phố (chiếm tỷ lệ 19,5%) và dự kiến đến cuối năm 2024 sẽ thăm khám cho khoảng 280.000 NCT (chiếm tỷ lệ 23,4%). Kết quả thăm khám cho thấy, đa số NCT mắc bệnh về xương khớp, cao huyết áp, các bệnh về mắt và suy giảm trí nhớ. Nguyên nhân là do đa số NCT chưa có thói quen khám bệnh định kỳ, còn chủ quan trong điều trị bệnh và khi phát hiện bệnh thì thường ở giai đoạn muộn khiến việc chữa trị rất khó khăn.

Bên cạnh đó, hệ thống y tế chuyên về lão khoa chưa thực sự đầy đủ, trang thiết bị còn thiếu, đội ngũ cán bộ y tế chưa đáp ứng nhu cầu để giải quyết các bệnh đặc trưng của NCT.

A4a.jpg
Người cao tuổi được thăm khám sức khỏe miễn phí tại Trung tâm Y tế quận Bình Thạnh (TPHCM)

Hiện TPHCM có khoảng 20 trung tâm trợ giúp xã hội chăm sóc NCT, trong đó có 8 trung tâm ngoài công lập có thu phí; một số bệnh viện cấp quận, huyện, TP Thủ Đức cũng đã bắt đầu điều trị các bệnh lý lão khoa, thành lập Khoa Lão kết hợp với Khoa Nội.

Tuy nhiên, trên thực tế, vẫn chưa giải quyết được các nhu cầu ở NCT. Là đơn vị tư nhân đầu tiên tham gia mô hình chăm sóc NCT, bà Mai Thị Hương, Giám đốc Viện dưỡng lão Tâm An (TP Thủ Đức), cho biết, các cơ sở dưỡng lão không phải là các cơ sở y tế nhưng đóng góp rất lớn trong việc theo dõi, phát hiện sớm các nguy cơ rủi ro về mặt y tế đối với NCT; đồng thời giúp họ duy trì một lối sống tốt hơn.

“Các cụ ở đây đều được bác sĩ chuyên khoa thăm khám, theo dõi, nhắc nhở uống thuốc hàng ngày và đưa đến bệnh viện kiểm tra sức khỏe định kỳ hoặc hỗ trợ xử lý một số vấn đề y tế khác theo chỉ định. Bên cạnh đó, đời sống tinh thần của các cụ luôn được quan tâm, giúp NCT sống vui, sống khỏe, sống có ích và từ đó kéo dài tuổi thọ…”, bà Mai Thị Hương thông tin.

Theo một khảo sát của Bộ LĐTB-XH về chất lượng cuộc sống của NCT ở các viện dưỡng lão, hơn 80% người được hỏi cho biết hài lòng với dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại đây. Đa phần người được hỏi hài lòng vì họ được quan tâm và chia sẻ từ các cán bộ, điều dưỡng và từ những người bạn cùng sinh sống.

Thực tế này cho thấy, nhu cầu mở rộng dịch vụ chăm sóc, tiếp nhận NCT ở các viện dưỡng lão là cần thiết. Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ, khuyến khích dịch vụ này theo hướng đa dạng, chuyên nghiệp hóa với giá cả phù hợp.

Trong định hướng chiến lược về NCT giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, TPHCM xác định NCT là chủ thể tham gia tích cực vào sự phát triển xã hội; thành phố sẽ tiếp tục tập trung các mục tiêu trọng tâm: hạ độ tuổi hưởng chính sách xuống 75 tuổi (thay vì 80 tuổi như hiện nay); thực hiện bao phủ thẻ BHYT 100% đối với NCT…