Ngọc Huyền
Tại sao người cao tuổi thường té ngã
Té ngã là nguyên nhân hàng đầu của những lần đến các khoa cấp cứu liên quan đến chấn thương ở Hoa Kỳ với khoảng 14 triệu (khoảng 28%) người trưởng thành ở độ tuổi từ 65 trở lên, chiếm tổng số khoảng 36 triệu ca ngã mỗi năm.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thống kê năm 2012, té ngã là nguyên nhân chiếm 14% tỷ lệ tử vong do chấn thương, đứng thứ 21 trong các nguyên nhân gây tử vong trên toàn thế giới và dự báo đến năm 2030 sẽ tăng lên đến vị trí thứ 17.
Tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 1,5 – 1,9 triệu người cao tuổi bị té ngã mỗi năm. Trong đó, có 5% bệnh nhân phải nhập viện vì các loại chấn thương.
Chăm sóc người cao tuổi là quá trình lâu dài, đòi hỏi người thân và mọi người xung quanh cần có sự quan tâm, chia sẻ và thấu hiểu. Rất nhiều người cao tuổi mỗi bước đi rất khó khăn nhưng nhiều khi do tâm lý không muốn phiền con cháu nên thường chủ động trong sinh hoạt và dẫn đến dễ trượt chân, té ngã. Hậu quả nghiêm trọng của té ngã là tăng nguy cơ nhập viện và thời gian phục hồi kéo dài, dẫn đến tăng chi phí chăm sóc sức khỏe.
Theo bác sĩ CK1 Huỳnh Thị Phượng Hằng, người cao tuổi dễ bị té ngã do liên quan nhiều yếu tố kết hợp như giảm thị lực, thời gian phản ứng với yếu tố bên ngoài chậm, yếu cơ xương khớp. Ngoài ra, các bệnh mạn tính làm suy giảm khả năng thăng bằng và khả năng vận động như loãng xương, bệnh Parkinson, viêm khớp, thoái hóa khớp, sa sút trí tuệ… thậm chí do tác dụng phụ của thuốc điều trị bệnh mạn tính cũng gây té ngã không kiểm soát được bước đi.
Đa phần sau khi té ngã, nếu không có người thân xung quanh, người cao tuổi thường không chia sẻ thông tin hoặc cố tình che giấu. Khi việc té ngã không được đánh giá hậu quả và tìm ra nguyên nhân gần như chắc chắn sẽ có những lần té ngã tiếp theo và hậu quả nặng hơn. Vì vậy việc kiểm tra sau mỗi lần người cao tuổi té ngã là một trong những biện pháp ngăn chặn và phòng ngừa quan trọng.
Té ngã làm tăng nguy cơ chấn thương, nhập viện, tử vong ở người cao tuổi, cũng như hạn chế sinh hoạt hằng ngày.
Khả năng hồi phục xương của người lớn tuổi cũng chậm hơn so với người trẻ tuổi, thời gian hồi phục lâu hơn dẫn đến tăng nguy cơ biến chứng do nằm tại chỗ như loét, viêm phổi…
Dấu hiệu xương yếu là gì? Cần quan tâm theo dõi gì?
Yếu xương, loãng xương là một bệnh diễn tiến âm thầm, không có triệu chứng lâm sàng đặc trưng, chỉ biểu hiện khi có các biến chứng như đau xương, đau lưng cấp, mạn tính hoặc biến dạng cột sống: gù, vẹo cột sống, giảm chiều cao,
Đối với loại bệnh mạn tính, khi xem xét các tổ hợp bệnh mạn tính, các nhà nghiên cứu ghi nhận 2 nhóm bệnh tăng nguy cơ té ngã so với các nhóm bệnh khác là tăng huyết áp và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.
Hướng điều trị và phòng bệnh là kiểm soát tốt huyết áp, hạn chế các yếu tố dẫn tới đợt cấp COPD, tiêm ngừa cúm hằng năm, khám sức khỏe định kỳ. Khi có dấu hiệu bất kỳ có thể gây té ngã ở người cao tuổi, gia đình và người thân nên đưa đi khám để tìm rõ nguyên nhân. Ngoài ra, người cao tuổi nên đo mật độ xương định kỳ hằng năm.
Người cao tuổi cần bổ sung thực phẩm gì để tránh gãy xương
Nhằm hạn chế và phòng ngừa té ngã ở người cao tuổi, bác sĩ CK1 Huỳnh Thị Phượng Hằng tư vấn: Người cao tuổi có thể hạn chế té ngã qua việc bổ sung chất dinh dưỡng vào bữa ăn. Có thể bổ sung đầy đủ canxi, vitamin D và các dưỡng chất cần thiết chung cho cơ thể, nâng mức canxi lên 1.000 – 1.500mg/ngày từ các nguồn thức ăn như sữa và dược phẩm). Vitamin D nên bổ sung 800-1.000IU/ngày từ việc vận động, phơi nắng, thức ăn đến chế phẩm bổ sung.
Người cao tuổi nên tránh các yếu tố nguy cơ cao gây té ngã như: thuốc lá, cà phê, rượu bia… và tránh thừa cân hoặc thiếu cân.
Nên duy trì chế độ vận động thường xuyên giúp tăng dự trữ canxi cho xương, tăng sự khéo léo, sức mạnh cơ, sự cân bằng để giảm khả năng té ngã và gãy xương. Chế độ sinh hoạt nên duy trì tập thể dục vừa sức tối thiểu 30 phút/ buổi, 5 buổi/tuần. Hoặc thể dục có gắng sức nhiều tối thiểu 30 phút/buổi, 4 buổi/tuần.
Ngoài ra, gia đình cũng nên quan sát môi trường sống và sinh hoạt xung quanh để loại bỏ những yếu tố dễ làm người có tuổi té ngã như thảm trượt, cầu thang hay bậc tam cấp khó đi, sàn nhà hoặc nhà tắm trơn trượt…