Phố xá, ruộng đồng nào cũng quê hương: ‘Anh Tây Ninh, em Long An’ đã là kỷ niệm

YẾN TRINH

Tây Ninh - Ảnh 1.

Bến đò Lộc Giang nối Long An và Tây Ninh cũ nay đều là Tây Ninh – Ảnh: YẾN TRINH

Kể từ hôm nay, ngày 1-7-2025, những câu chuyện này đã trở thành quá khứ để mở ra trang mới với nhiều kỳ vọng phát triển.

Từ người miền Tây thành miền Đông

Theo quốc lộ 22, chúng tôi rẽ đường tỉnh 787 vào Khu công nghiệp Thành Thành Công (thị xã Trảng Bàng, Tây Ninh). Qua cổng chào đoạn ngắn là xã Lộc Giang, huyện Đức Hòa, Long An cũ. Địa phận hai tỉnh cũ ở khúc này từng ngăn cách bằng con kênh với chiếc cầu Quan. Xã này cùng với hai xã An Ninh Đông và An Ninh Tây hợp nhất thành xã An Ninh.

Một khu chợ nhỏ mọc lên xôm tụ ngay phía bên kia kênh phục vụ công nhân, người lao động trong các nhà máy. Hai bên là các sạp thịt, tiệm tạp hóa, cửa hàng điện thoại… Không khí vùng giáp ranh yên ả trong một ngày mưa.

Từ khu chợ nhỏ đi thẳng xuống ngã ba là chợ Lộc Giang. Vừa cân chôm chôm cho khách, bà Phạm Thị Phụng (60 tuổi) vừa sôi nổi kể cuộc sống gia đình mình. Bà cho biết mình sống ở đây từ nhỏ, cha là liệt sĩ, mẹ làm ruộng nuôi bà và năm anh chị em khôn lớn.

Khi được hỏi chuyện không còn tên Long An nữa bà đáp: “À không, ở đâu cũng quê hương mình mà”.

“Mang danh Long An chứ tôi ở đây đi Tây Ninh mua sắm không à. Tôi không biết đi xe máy, con gái chở đi qua khỏi cổng khu công nghiệp là tới Trảng Bàng. Còn hồi đó chưa có cầu Quan, muốn qua bển phải ngồi ghe. Giờ khỏe rồi”, bà nói.

Con trai lớn của bà hồi THPT cũng học ở Trảng Bàng, cách nhà khoảng 10km.

“Bữa ông chú hàng xóm đi họp về ổng nói khu này mai mốt sẽ dồn thành xã An Ninh, trụ sở mới cách đây 7-8km”, bà kể tiếp. “Bà có mong sau này sáp nhập xong sẽ phát triển hơn?”, đáp lời chúng tôi, bà cười: “Mong chứ con, mong sao đời sống bà con sung sướng”.

Rồi bà dẫn chứng trước đây đường sá nhiều ổ gà ổ voi, từ khi khu công nghiệp phát triển, đường sá thêm rộng rãi. Sáp nhập bà nghĩ nhiều thứ sẽ thuận lợi hơn, như sau này cháu bà lớn lên đi học cấp III sẽ làm thủ tục nhanh chóng hơn so với thời hộ khẩu một nơi, học một nẻo.

Tây Ninh - Ảnh 2.

Người dân buôn bán nơi giáp ranh TP.HCM và Bình Dương cũ nay đều đã là TP.HCM – Ảnh: TRÚC QUYÊN

Ở Tây Ninh, làm dâu Long An cách một chuyến phà

Chúng tôi ghé bến đò Lộc Giang (xã Lộc Giang, nay là xã An Ninh) bên sông Vàm Cỏ Đông. Bờ bên kia là xã Phước Chỉ (thị xã Trảng Bàng, nay nhập chung với xã Phước Bình thành xã Phước Chỉ). Bà con ngồi xe máy qua phà, người đi công chuyện, người đưa rước con cái… Con đường dẫn xuống bến phà có chợ Bến Đò, buổi sáng nhộn nhịp các hàng bún, phở giá từ 20.000 đồng/tô. Trái cây, cá mắm bày ra tươi ngon. Còn có cây xăng di động trên chiếc phà cặp sát mé sông.

“Tây Ninh, Long An có tuyến ranh giới chung, nhiều điểm tương đồng”, ông Trần Sơn (75 tuổi, nguyên phó bí thư Đảng ủy xã Lộc Giang cũ) cho biết về lợi thế khi sáp nhập. Ranh giới này và việc qua lại giữa hai bến đò giúp cho mối duyên vợ chồng giữa ông và bà Nguyễn Thị Hạnh (67 tuổi) nảy nở. Con cháu đề huề, giờ chiều mát hai ông bà hay chở nhau ra quán nước gần bến đò uống cà phê, hóng gió.

Cũng như bà Hạnh, nhiều người ở mé Phước Chỉ qua bên này sông lấy chồng, lấy vợ. Sau một thời gian, họ nhập hộ khẩu thành người Long An, giờ lại trở về là dân Tây Ninh. Chỉ tay ra chỗ bà Võ Thị Bế (65 tuổi) bán vé số, bà Hạnh cho biết: “Bà đó lấy chồng cùng xứ với tôi đó. Qua lại quê chồng quê vợ Tây Ninh liền kề Long An cũ, bên nào cũng vui”.

Nghe nhắc tới mình, bà Bế quay trở vô, nói sang sảng: “Tôi theo chồng qua đây ở ấp Lộc Chánh cũ rồi nhập khẩu bên này luôn. Nhà cũng cặp mé sông. Ở đây phà qua lại liền liền sáng đêm, cỡ 10-15 phút là có chuyến qua lại hai tỉnh cũ”.

Là chủ quán nước sát bến đò, bà Nguyễn Thị Tiền (61 tuổi) cho biết người dân Phước Chỉ hay qua đây đi chợ. Sáng chợ họp từ 3h khuya đến 9h sáng.

Kế nghiệp cha mẹ từ sau năm 1975, bà cho biết tình hình buôn bán lai rai. Đang trò chuyện, bất chợt cơn mưa lớn trút xuống, đẩy những tảng lục bình trôi xuôi dòng. Bà lật đật kéo bớt cửa chắn mưa.

Nhìn ra con dốc nơi có người đang đợi phà, bà kể ba mình hộ khẩu Tây Ninh, mẹ hộ khẩu Long An cũ, “hồi đó vắng vẻ, nhập hộ khẩu qua đây con đi học đường sá dễ hơn, bên kia đi bộ quá trời luôn, giờ thì khỏi lo nữa”.

Ngày trước bà cũng không mường tượng được cảnh nhộn nhịp, trù phú này, cũng như không nghĩ có một ngày hai tỉnh dồn lại một. Bà còn nghe tin Nhà nước đang bắc cầu Tây Long nối liền hai tỉnh nên bà cũng chờ.