Phát huy hiệu quả to lớn của hồ Dầu Tiếng

Nhờ có nguồn nước từ hồ Dầu Tiếng, năng suất cây mì ở Tây Ninh ngày càng ổn định - Ảnh: VĂN PHONG
Nhờ có nguồn nước từ hồ Dầu Tiếng, năng suất cây mì ở Tây Ninh ngày càng ổn định – Ảnh: VĂN PHONG

Đổi thay ở vùng biên

Nằm ở khu vực miền Đông Nam bộ, giáp với nước bạn Campuchia, Tây Ninh có đất đai bằng phẳng tương tự các tỉnh ĐBSCL, với những dòng kênh mương thủy lợi dẫn nước từ hồ Dầu Tiếng tỏa đi khắp tỉnh để tưới mát ruộng đồng, tạo nên cảnh quan như miền sông nước. Hầu hết những con kênh chính nơi đây đều đã được bê tông hóa để làm tốt chức năng dẫn nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt cho người dân. Nhờ hệ thống thủy lợi hồ Dầu Tiếng, dù mùa nắng hay mưa thì ở Tây Ninh những ruộng lúa, vườn mía, khoai mì và cây ăn trái vẫn vươn lên xanh tốt. Anh Trần Minh Quốc trồng mãng cầu ta ở xã Tân Hưng, huyện Tân Châu, cho hay, kể từ khi hồ Dầu Tiếng hoàn thành đưa vào sử dụng đến nay đã giúp tăng năng suất cây trồng, đời sống người dân ngày càng được nâng cao. Điển hình như đối với cây mãng cầu, từ lâu nhà nông đã sử dụng nguồn nước từ hồ Dầu Tiếng dẫn về để lắp đặt hệ thống bơm tưới bán tự động, qua đó vừa tưới hiệu quả lại tiết kiệm nước. Nhờ có nước tưới đầy đủ nên mãng cầu Tây Ninh cho trái quanh năm, năng suất và chất lượng cũng tăng theo.

Hồ Dầu Tiếng với dung tích 1,58 tỷ m3 nước, ngoài việc bảo đảm nhu cầu cung cấp nước sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, sinh hoạt và dịch vụ, còn hỗ trợ đẩy mặn và điều tiết lũ khu vực hạ du sông Sài Gòn, góp phần phục vụ phát triển kinh tế các tỉnh Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước, Long An và TPHCM. Năm 2024, hệ thống thủy lợi Dầu Tiếng – Phước Hòa cung cấp diện tích tưới tiêu cho lúa, hoa màu, cây công nghiệp, nuôi trồng thủy sản là 161.991ha (trong đó tỉnh Tây Ninh 128.313ha, tỉnh Long An 10.500ha, TPHCM 23.178ha); Tổng khối lượng nước cấp cho công nghiệp, sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp công nghệ cao là 155,47 triệu m3 (tỉnh Tây Ninh 7,43 triệu m3 ).

Thêm động lực phát triển

Với tiềm năng đất đai và nguồn nước dồi dào từ hồ Dầu Tiếng, thời gian qua, tỉnh Tây Ninh đã thu hút nhiều doanh nghiệp lớn đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao như Tập đoàn De Heus (Hà Lan) và Tập đoàn Hùng Nhơn đã chọn Tây Ninh làm nơi triển khai chuỗi tổ hợp nông nghiệp công nghệ cao DHN Tây Ninh với quy mô tầm cỡ khu vực Đông Nam Á.

Tây Ninh nằm trong vùng Đông Nam bộ, nơi có diện tích trồng trái cây lớn, với nguồn nước dồi dào và môi trường đầu tư thuận lợi đã thu hút nhiều doanh nghiệp chế biến nông sản. Điển hình như Công ty cổ phần Biên Hòa – Thành Long triển khai xây dựng nhà máy sản xuất nước mía và các thức uống từ nông sản có tổng diện tích đất 37ha tại xã Thành Long, huyện Châu Thành với tổng vốn đầu tư 1.766 tỷ đồng. Dự kiến công trình nhà máy hoàn thành vào quý 1-2026. Nhà máy chế biến rau củ quả Tanifood của Công ty cổ phần Lavifood được xây dựng trên khu đất gần 15ha tại huyện Gò Dầu, Tây Ninh có tổng vốn đầu tư xấp xỉ 1.800 tỷ đồng, công suất chế biến hơn 60.000 tấn trái cây thành phẩm mỗi năm. Ngoài ra, Tây Ninh có nhiều cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh chế biến hàng hóa từ nông sản như bánh tráng, muối ớt tôm, trái cây sấy…

Hiện tại, tỉnh Tây Ninh tập trung đầu tư hoàn thiện các công trình thủy lợi trên địa bàn. Mở rộng hệ thống kênh mương cấp 1, 2, 3 để nâng tỷ lệ diện tích được tưới chủ động lên trên 85%, giảm phụ thuộc vào thời tiết. Mục tiêu là tạo động lực tăng trưởng cho ngành nông nghiệp, thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm. Đồng thời, tỉnh cũng tập trung thu hút đầu tư, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, nhằm nâng cao chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp.