Pháp luật của Hàn Quốc về quyền của người cao tuổi trước tác động già hóa dân số – Bài học kinh nghiệm cho Việt Nam

Trong những năm gần đây, dân số Hàn Quốc giảm mạnh, tỷ lệ sinh không có dấu hiệu phục hồi, dẫn tới một quá trình chuyển đổi nhân khẩu học đáng chú ý với sự gia tăng dân số già nhanh chóng. Cụ thể, trong 05 năm 2001 – 2005 và 05 năm (2006 – 2010), tỷ suất sinh trung bình ở Hàn Quốc là 1,19

1. Sự cần thiết ra đời hệ thống pháp luật của Hàn Quốc trước tác động của già hóa dân số
Trong những năm gần đây, dân số Hàn Quốc giảm mạnh, tỷ lệ sinh  không có dấu hiệu phục hồi, dẫn tới một quá trình chuyển đổi nhân khẩu học đáng chú ý với sự gia tăng dân số già nhanh chóng. Cụ thể, trong 05 năm 2001 – 2005 và 05 năm (2006 – 2010), tỷ suất sinh trung bình ở Hàn Quốc là 1,19; tỷ suất sinh bình quân trong 05 năm (2011 – 2015) đã tăng lên mức 1,23, tuy nhiên, tỷ suất sinh bình quân 05 năm (2016  – 2020) giảm xuống mức 0,99[1]. Trong một thống  kê khác, dân số của Hàn Quốc được dự báo sẽ giảm từ 51,7 triệu người trong năm 2019 còn 39 triệu người vào năm 2067 và đây là nguyên nhân dẫn đến tình trạng già hóa dân số[2].
Đề cập đến tình trạng già hóa dân số, theo Liên Hợp Quốc, nếu một quốc gia có tỷ lệ người từ 60 tuổi trở lên đạt tới 10% tổng dân số thì quốc gia đó được coi là bắt đầu bước vào quá trình già hóa; từ 20% đến dưới 30% thì gọi là “dân số già”; từ 30% đến dưới 35% thì gọi là dân số “rất già”; từ 35% trở lên gọi là “siêu già”[3]. Theo số liệu mới nhất của Cục Thống kê Quốc gia Hàn Quốc, Hàn Quốc là một trong số ít các quốc gia có tốc độ già hóa dân số diễn ra nhanh nhất trên thế giới, được thống kê với tỷ lệ 10% vào năm 2008, tỷ lệ 12,7% vào năm 2014, 13,8% vào năm 2017, theo dự đoán sẽ đạt 37% vào năm 2050 và 39,9% vào năm 2060[4]. Trong tương quan so sánh với quy chuẩn của Liên Hợp Quốc thì có thể thấy, Hàn Quốc bắt đầu bước vào thời kỳ dân số già hóa dân số năm 2008 và bước vào thời kỳ dân số siêu già từ năm 2050.
Hơn nữa, trong tương quan so sánh với các quốc gia thuộc Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) năm 2018 về tỷ lệ nghèo, tỷ lệ nghèo người cao tuổi ở Hàn Quốc là 43,4%, đạt ở mức cao nhất và gấp khoảng ba lần mức trung bình của OECD (Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế), trong khi, Mỹ (23,1%), Nhật Bản (19,6%) và Anh (14,9 %), Đức (10,2%) và Pháp (4,1%)[5]. Mặt khác, trong bản thống kê chỉ số người già của Hàn Quốc, năm 2020, tỷ lệ người già phụ thuộc ở Hàn Quốc là 21,7, tức là cứ 100 người ở độ tuổi lao động phải cấp dưỡng cho 22 người già và tỷ lệ này theo dự đoán sẽ tăng lên 102,4 người vào năm 2067, tức là cứ 100 dân số trong độ tuổi lao động lại phải cấp dưỡng cho 102 người già[6]. Thực trạng này đặt ra gánh nặng cho Chính phủ Hàn Quốc, đó là vấn đề trợ cấp xã hội, nguồn lực tài chính để giải quyết tình trạng già hóa dân số, chính sách việc làm, xây dựng hệ thống an sinh xã hội nhằm đáp ứng tình trạng này.
2. Một số đạo luật bảo đảm người cao tuổi ở Hàn Quốc trước tác động của già hóa dân số
2.1. Đạo Luật Y tế quốc gia năm 2021
Hàn Quốc đã áp dụng hình thức bao phủ bảo hiểm y tế toàn dân vào năm 1989, thông qua hệ thống bảo hiểm y tế quốc gia kết hợp giữa công và tư nhân. Mục tiêu bao phủ toàn bộ đã được thực hiện với một hệ thống bảo hiểm bắt buộc dựa trên tiền lương của người lao động trong khu vực tư nhân, nhân viên Chính phủ và người lao động tự do và một chương trình hỗ trợ y tế cho người nghèo do Chính phủ tài trợ. Bảo hiểm y tế bao gồm chăm sóc bệnh nhân ngoại trú, chăm sóc nội trú và dược phẩm kê đơn, nhưng không bao gồm bảo hiểm cho chăm sóc dài hạn. Thông qua bảo hiểm y tế toàn dân, mọi công dân đều có thể nhận được các lợi ích về phòng bệnh, chẩn đoán, điều trị và phục hồi chức năng để nâng cao sức khỏe tổng thể. Hệ thống bảo hiểm được hoạt động từ các khoản đóng góp từ công dân, trợ cấp của Chính phủ, phụ phí thuốc lá và Tổng công ty Bảo hiểm Y tế Quốc gia là cơ quan giám sát chính. Kể từ ngày 01/01/2021, tỷ lệ phí bảo hiểm áp dụng (bao gồm bảo hiểm chăm sóc dài hạn) là khoảng 7,65% tiền lương hàng tháng. Mọi công dân (bao gồm người cao tuổi) được tiếp nhận vào các bệnh viện chăm sóc dài hạn và chỉ phải chi trả tài chính cá nhân 10% – 20% trên tổng chi phí y tế.
2.2. Đạo luật bảo hiểm chăm sóc dài hạn dành cho người cao tuổi năm 2020
Mục đích của việc ban hành đạo luật này đó là giảm bớt gánh nặng và cải thiện chất lượng cuộc sống của người cao tuổi thông qua các nguyên tắc bảo hiểm xã hội. Tất cả công dân đều có nghĩa vụ đóng tiền vào bảo hiểm công cộng nhưng khả năng được hưởng quyền lợi của người trẻ tuổi bị hạn chế, khả năng được hưởng quyền lợi của người cao tuổi tăng lên góp phần vào tính bền vững tài chính của hệ thống bảo hiểm chăm sóc dài hạn. Mức đóng phí bảo hiểm chăm sóc dài hạn là 6,55% mức đóng bảo hiểm y tế; nói cách khác, bất kỳ ai đóng góp bảo hiểm y tế cũng đóng một khoản đóng góp bảo hiểm chăm sóc dài hạn.
Điều kiện để được hưởng bảo hiểm chăm sóc dài hạn đó là người lớn tuổi từ 65 tuổi trở lên hoặc công dân dưới 65 tuổi nhưng mắc bệnh mãn tính hoặc khuyết tật. Trong số này, những người gặp khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày từ 06 tháng trở lên mới đủ điều kiện nhận bảo hiểm chăm sóc dài hạn. Lợi ích của bảo hiểm chăm sóc dài hạn bao gồm cả lợi ích hiện vật và tiền mặt.
Các phúc lợi bằng hiện vật bao gồm dịch vụ chăm sóc tại nhà và chăm sóc tại cơ sở. Bảy loại dịch vụ chăm sóc tại nhà được quy định tại Điều 23 là: (i) Dịch vụ trung tâm chăm sóc ban ngày/ban đêm; (ii) Dịch vụ chăm sóc tại nhà của trợ lý Hệ thống bảo hiểm chăm sóc dài hạn; (iii) Dịch vụ thăm khám tại nhà để thúc đẩy các hoạt động nhận thức; (iv) Dịch vụ điều dưỡng tại nhà bởi y tá, nhân viên vệ sinh nha khoa hoặc trợ lý điều dưỡng; (v) Dịch vụ tắm tại nhà; (vi) Chăm sóc ngắn hạn; (vii) Cung cấp các thiết bị phúc lợi. Bên cạch đó, dịch vụ chăm sóc tại cơ sở là các viện dưỡng lão. Nếu như đa số các mô hình nhà dưỡng lão ở Việt Nam đều được Nhà nước bảo trợ thì các nhà dưỡng lão ở Hàn Quốc đều do các bệnh viện tư nhân đấu thầu xây dựng và có tính cạnh tranh cao, do đó, dịch vụ của các Viện dưỡng lão ở mức khá tốt. Điểm khác biệt giữa mô hình nhà dưỡng lão ở Việt Nam và mô hình viện dưỡng lão ở Hàn Quốc đó là, mô hình Viện dưỡng lão ở Hàn Quốc dành cho người già không có gia đình sống chung hoặc khi có gia đình sống chung nhưng lại sống với trẻ vị thành niên đáp ứng độ tuổi từ 65 tuổi trở lên, gặp tình trạng bệnh không có khả năng chăm sóc bản thân hoặc người dưới 65 tuổi và mắc các bệnh về già, chẳng hạn như bệnh sa sút trí tuệ hoặc bệnh mạch máu não… còn đối tượng thuộc mô hình Viện dưỡng lão ở Việt Nam là người cao tuổi thuộc hộ gia đình nghèo; không có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng, không có điều kiện sống ở cộng đồng; có nguyện vọng và được tiếp nhận vào cơ sở bảo trợ xã hội; nhóm đối tượng khác có nhu cầu được tiếp nhận vào cơ sở bảo trợ xã hội thì phải đóng toàn bộ chi phí (đối tượng được thụ hưởng còn rất ít).
Việc vận hành hệ thống bảo hiểm chăm sóc dài hạn không giống như chương trình Bảo hiểm Y tế Quốc gia, các lợi ích của Bảo hiểm chăm sóc dài hạn chỉ được cấp sau khi nộp đơn và phê duyệt bằng cách tính điểm phân theo 06 cấp độ thụ hưởng. Cụ thể, trong trường hợp người cao tuổi không có gia đình sống chung hoặc khi có gia đình sống chung nhưng lại sống với trẻ vị thành niên đáp ứng độ tuổi từ 65 tuổi trở lên, gặp tình trạng bệnh không có khả năng chăm sóc bản thân hoặc người dưới 65 tuổi và mắc các bệnh về già, chẳng hạn như bệnh sa sút trí tuệ hoặc bệnh mạch máu não mà có nhu cầu xin cấp giấy chứng nhận chăm sóc dài hạn (Điều 13), thì nộp đơn xin chứng nhận chăm sóc dài hạn lên Tổng công ty bảo hiểm cùng kèm theo một tuyên bố của dư luận do một bác sỹ y khoa chứng nhận tình trạng cần phải xin công nhận dịch vụ chăm sóc dài hạn. Trên cơ sở đó, Tổng công ty bảo hiểm sẽ tiến hành các phương thức điều tra, lập hội đồng xem xét đánh giá để đưa ra giấy chứng nhận chăm sóc dài hạn (Điều 22).
Theo quy định, các bác sỹ hợp đồng phải đến cơ sở hai lần mỗi tháng để khám lâm sàng cho người dân, yêu cầu điều dưỡng hoặc chuyển viện. Tuy nhiên, những bác sỹ này không được phép cung cấp bất kỳ dịch vụ y tế trực tiếp nào cho người dân ngoại trừ việc kê đơn, vì những nơi này không được chỉ định là cơ sở chăm sóc y tế theo luật.
Người cao tuổi theo Luật này được hưởng một số quyền lợi tiền mặt đặc biệt. Một khoản trợ cấp tiền mặt đặc biệt chỉ được phép dành cho những người bị hạn chế trong việc tiếp cận với các dịch vụ hiện vật; các khu vực khó tiếp cận được Bộ trưởng Bộ Y tế và phúc lợi chính thức chỉ địnhTheo Điều 24 Đoạn 1 của Đạo luật Bảo hiểm chăm sóc dài hạn cho người cao tuổi, Tổng công ty bảo hiểm y tế quốc gia có nghĩa vụ phải thanh toán một khoản tiền mặt cho người thụ hưởng thuộc bất kỳ đối tượng nào sau đây đã nhận được quyền lợi chăm sóc dài hạn: (i) Là một khu vực thiếu hụt đáng kể các cơ sở chăm sóc dài hạn như hải đảo và vùng sâu vùng xa; (ii) Những người được Bộ trưởng Bộ Y tế và phúc lợi công nhận rằng khó có thể sử dụng các quyền lợi chăm sóc dài hạn do các cơ sở chăm sóc dài hạn cung cấp do thiên tai hoặc các lý do tương tự khác; (iii) Một người cần được chăm sóc lâu dài từ một thành viên trong gia đình… do bất kỳ lý do nào sau đây:Trong trường hợp có nguy cơ lây nhiễm; người tàn tật, tâm thần.
2.3. Đạo luật thúc đẩy việc làm cho người cao tuổi sửa đổi năm 2008 (có hiệu lực năm 2020)
– Nghĩa vụ hỗ trợ việc làm dành cho người cao tuổi của Chính phủ: Tại Điều 3, pháp luật quy định Chính phủ có nghĩa vụ thiết lập và thực hiện chính sách ngăn ngừa phân biệt tuổi tác nhằm xóa bỏ hành vi phân biệt đối xử dựa trên tuổi tác trong việc làm, nâng cao hiểu biết của người sử dụng lao động và người dân về việc làm của người cao tuổi và thúc đẩy việc làm của người cao tuổi. Để đạt được ổn định việc làm, Chính phủ cần phải thực hiện các chính sách cần thiết như xây dựng và thực hiện các biện pháp thúc đẩy việc làm cho người cao tuổi và đào tạo phát triển năng lực nghề phải được thực hiện toàn diện và hiệu quả…
Bên cạnh đó, Chính phủ có nghĩa vụ thu thập thông tin tuyển dụng và tìm việc làm liên quan đến người cao tuổi, đồng thời, cung cấp thông tin việc làm đến người có nhu cầu tìm kiếm việc làm thông qua hoạt động của Trung tâm giới thiệu việc làm dành cho người cao tuổi. Mặt khác, Chính phủ sẽ giao cho Bộ trưởng Bộ Lao động thực hiện nhiệm vụ đào tạo phát triển năng lực nghề cho người cao tuổi, cung cấp thông tin và dữ liệu về tình trạng thể chất và tinh thần, khả năng nghề nghiệp… của người cao tuổi cho người sử dụng lao động thuê hoặc có ý định thuê người cao tuổi. Hơn nữa, Chính phủ sẽ hỗ trợ 01 phần hoặc toàn bộ chi phí từ ngân sách nhà nước (quỹ bảo hiểm việc làm) khi người sử dụng lao động cung cấp giáo dục hoặc đào tạo nghề cần thiết để thúc đẩy việc làm của người cao tuổi.
– Nghĩa vụ hỗ trợ việc làm dành cho người cao tuổi của người sử dụng lao động: Tại Điều 4 Luật này có quy định, người sử dụng lao động có nghĩa vụ không phân biệt đối xử về việc làm theo tuổi tác, tạo cơ hội việc làm cho người cao tuổi theo khả năng của họ và kéo dài tuổi nghỉ hưu bằng cách phát triển và nâng cao kỹ năng nghề của người cao tuổi và cải thiện phương tiện làm việc, nhiệm vụ… Trên cơ sở nguyên tắc này, Đạo luật xúc tiến việc làm cho người cao tuổi đặt ra nghĩa vụ đối với những người sử dụng lao động, đó là phải nỗ lực thuê người cao tuổi với tỷ lệ việc làm tiêu chuẩn hoặc cao hơn để mở rộng cơ hội việc làm cho người cao tuổi. Bộ trưởng Bộ Lao động nghiên cứu, điều tra và công bố một số ngành nghề ưu tiên dành cho người già. Tuy nhiên, trong trường hợp người sử dụng lao động chưa thực hiện được thì không phải trả tiền phạt hoặc thuế nếu vi phạm bởi đây chỉ là nghĩa vụ “nỗ lực”. Trong trường hợp người sử dụng lao động vượt quá tỷ lệ việc làm tiêu chuẩn quy định và sử dụng thêm người cao tuổi, thuế sẽ được giảm hoặc miễn cho các công ty thực hiện những nỗ lực này. Hơn nữa, Nhà nước sẽ cung cấp một khoản trợ cấp việc làm trong một thời gian nhất định cho người sử dụng lao động mới thuê người cao tuổi hoặc sử dụng nhiều người cao tuổi hoặc người sử dụng lao động thực hiện các biện pháp cần thiết để ổn định việc làm cho người cao tuổi. Ngoài ra, Bộ trưởng Bộ Lao động có trách nhiệm tiến hành các dự án nhằm thúc đẩy quyền làm việc của người cao tuổi như đào tạo phát triển năng lực nghề cho người cao tuổi, hướng dẫn việc làm cho người sử dụng lao động và hỗ trợ cải thiện môi trường lao động.
3. Một số bài học kinh nghiệm cho Việt Nam
 Một là, thay đổi tư duy trong chính sách làm luật liên quan đến người cao tuổi
Điều này có nghĩa là, khi xây dựng chính sách người cao tuổi, cần quan niệm quá trình già hóa dân số theo nghĩa “lão hóa tích cực”, cần phải đề cập đến những nỗ lực biến người cao tuổi, những người được coi là phụ thuộc, thành một nhóm dân số năng động, đóng góp cho xã hội. Nói cách khác, nó là một thuật ngữ được sử dụng để nhấn mạnh định hướng chính sách người cao tuổi không còn là gánh nặng của xã hội mà có thể trở thành nhân tố thúc đẩy sự phát triển của xã hội. Trên cơ sở đó, thúc đẩy người cao tuổi tự tin là thành viên của xã hội, cần phải hỗ trợ về kinh tế và vật chất.
Hai là, xây dựng luật liên quan đến bảo hiểm chăm sóc dài hạn dành cho người cao tuổi
Hiện nay, để giải quyết vấn đề chăm sóc sức khỏe cho người dân, Chính phủ đã xây dựng hệ thống bảo hiểm y tế dành cho tất cả công dân Việt Nam, trong đó có người già. Tuy nhiên, theo Thông cáo báo chí kết quả chuyên sâu tổng điều tra dân số và nhà ở của Tổng cục thống kê năm 2019, Việt Nam chính thức bước vào thời kỳ dân số già từ năm 2026 và thời kỳ dân số già sẽ kéo dài trong 28 năm (giai đoạn 2026 – 2054), tương ứng với tỷ trọng dân số từ 65 tuổi trở lên chiếm từ 10,2% đến 19,9%. Tiếp đó là thời kỳ cơ cấu dân số rất già (giai đoạn 2055 – 2069) tương ứng với tỷ trọng dân số từ 65 tuổi trở lên chiếm từ 20% đến dưới 29,9%[7]. Vì thế, Chính phủ cần tính đến xây dựng thêm Hệ thống bảo hiểm chăm sóc dài hạn cho người cao tuổi, có thể coi phí bảo hiểm y tế bao gồm tổng phí tính cộng thêm phí bảo hiểm chăm sóc dài hạn dành cho người cao tuổi hoặc phân định rõ ràng 02 loại phí đóng này và quy định độ tuổi từ 65 tuổi sẽ được hưởng bảo hiểm chăm sóc dài hạn khi đạt giấy chứng nhận cần được chăm sóc dài hạn của Bộ Y tế. Điều này sẽ tăng thêm nguồn phí mới đó là phí bảo hiểm chăm sóc dài hạn, từ đó, nguy cơ vỡ quỹ bảo hiểm y tế sẽ được giải quyết. Đồng thời, khi xây dựng Luật này cần phải phân loại thành nhiều cấp độ khác nhau cần được chăm sóc dài hạn giống như Hàn Quốc chia thành 06 cấp độ, nhằm giải quyết kịp thời nhu cầu chăm sóc của người cao tuổi cũng như tiết kiệm được nguồn lực cơ sở vật chất.
Ba là, xây dựng nghị định liên quan đến việc làm lại cho người cao tuổi
Khi xây dựng các quy định của pháp luật về việc làm dành cho người cao tuổi nên tiếp cận nguyên tắc liên quan đến tôn trọng và bảo vệ quyền con người như Hàn Quốc “nghiêm cấm phân biệt đối xử về việc làm dựa trên giới tính, tuổi tác đối với người cao tuổi mà không có bất kỳ lý do hợp lý nào”. Hiện nay, Luật Người cao tuổi năm 2009 mới chỉ ghi nhận nguyên tắc “Cấm lăng mạ, ngược đãi, xúc phạm, hành hạ, phân biệt đối xử đối với người cao tuổi” (Điều 9) hay trong Bộ luật Lao động năm 2019 cũng đã giải thích hành vi phân biệt đối xử là hành vi dựa trên sự phân biệt, loại trừ hoặc ưu tiên dựa trên chủng tộc, màu da, nguồn gốc quốc gia hoặc nguồn gốc xã hội, dân tộc, giới tính, độ tuổi… Tuy nhiên, nguyên tắc này còn rất chung chung với đối tượng được bảo vệ bao trùm là người lao động. Trong nội dung của Nghị định này cần bao gồm việc thành lập các trung tâm giới thiệu việc làm dành cho người cao tuổi, quy định nghĩa vụ “nỗ lực” sử dụng lao động cao tuổi của người sử dụng lao động thông qua biện pháp khuyến khích như nếu sử dụng lao động cao tuổi đạt chuẩn hoặc vượt quá tiêu chuẩn phải nỗ lực thì sẽ được giảm thuế hoặc hỗ trợ một phần tài chính.
Bốn là, xây dựng các quy định pháp luật liên quan đến hình thức chăm sóc dài hạn tại nhà
Tại mô hình này, pháp luật cần phải pháp luật hóa một số hình thức chăm sóc dài hạn tại nhà như dịch vụ trung tâm chăm sóc ban ngày/ban đêm, dịch vụ điều dưỡng tại nhà bởi y tá, nhân viên vệ sinh nha khoa hoặc trợ lý điều dưỡng, dịch vụ tắm tại nhà và cung cấp các thiết bị phúc lợi. Đồng thời, quy định một cụ thể các tiêu chuẩn pháp lý liên quan đến các dịch vụ này.

ThS. Nguyễn Phương Nhung
Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh