BTNO – Không chỉ được biết đến là tấm gương “Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi”, nhiều năm qua, ông Nguyễn Văn Luỹ (SN 1949, ngụ ấp Rạch Tre, xã Biên Giới, huyện Châu Thành) còn được mọi người yêu mến, quý trọng bởi tấm lòng nhân ái, sẵn sàng giúp đỡ người nghèo.
Ông Luỹ sửa chữa máy gặt đập liên hợp chuẩn bị cho vụ mùa.
Ông Luỹ chia sẻ, những năm trước đây, vào mùa mưa, ấp Rạch Tre giống như một cù lao, việc đi lại đều phải bằng ghe. Việc canh tác nông nghiệp của bà con vô cùng vất vả, đất nhiễm phèn, mùa khô thiếu nước, mùa mưa ngập úng; gia đình ông Luỹ cũng chịu cảnh làm ăn thất bát như các gia đình nông dân khác ở địa phương. Năm 2000, chính quyền xã Biên Giới mở con đường nối ấp Bến Cầu với ấp Rạch Tre rộng 6m, dài hơn 3km, kênh rạch được nạo vét giúp người dân yên tâm lao động sản xuất với 2 vụ lúa mỗi năm, hàng hoá nông sản được vận chuyển dễ dàng.
Ông Luỹ có 3 ha đất trồng lúa, do thiếu vốn, lao động thủ công theo cách truyền thống nên năng suất thấp, lợi nhuận chưa cao. Vất vả lao động nhưng cuộc sống gia đình vẫn còn nhiều bấp bênh, ông Luỹ nhiều đêm trằn trọc suy nghĩ phải làm như thế nào để thay đổi được cách làm ăn mới.
Cơ duyên đã đến khi ông Luỹ được tham gia các buổi hội thảo, lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật về khuyến nông, hơn nữa lại được Hội Nông dân xã cho vay 50 triệu đồng từ vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Cùng với số tiền tích luỹ nhiều năm qua, ông mua thêm 5 ha đất sản xuất lúa hai vụ.
Nhờ biết ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất và sử dụng giống lúa chất lượng, đạt năng suất cao, với 8 ha trồng lúa 2 vụ, trừ chi phí, mỗi năm ông Luỹ thu lời từ 300-350 triệu đồng. Có nguồn vốn ổn định, ông Luỹ đầu tư mua sắm các công cụ phục vụ sản xuất. Đến nay, ông đã mua được 4 chiếc máy cày, 6 máy gặt đập liên hợp, máy bơm nước, máy phun thuốc vừa phục vụ cho gia đình vừa đi làm mướn cho người dân trong xã, đồng thời tạo việc làm cho 8-12 lao động nhàn rỗi ở địa phương, thu nhập mỗi tháng từ 5-7 triệu đồng/người.
Nhận thấy nhiều hộ nông dân có 2-3 ha đất nhưng vẫn để không vì thiếu vốn sản xuất, ông Luỹ bàn bạc với Hội Nông dân xã sẽ bao trọn vụ từ cày, xới, chăm sóc, thu hoạch và vận chuyển, thu mua nông sản cho các hộ nông dân nghèo thiếu vốn, khi chi trả tiền thuê sau thu hoạch, nông dân sẽ được hưởng phần lời. Với chi phí “trọn gói” khoảng 20 triệu đồng/1ha thì người nông dân vẫn còn thu lời từ 10-15 triệu đồng mỗi vụ.
Dù tuổi cao, ông Luỹ vẫn cùng con cháu lao động.
Không chỉ lao động giỏi, ông Luỹ còn hướng dẫn cho 16 gia đình hội viên trong ấp biết cách sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trên cây trồng và trao đổi kinh nghiệm sản xuất, chăn nuôi, phát triển kinh tế gia đình. Hàng năm, ông giúp đỡ từ 6-8 hộ nông dân có hoàn cảnh khó khăn trong ấp vay không tính lãi với số tiền gần 100 triệu đồng, hơn 1.200 cây, con giống.
Mỗi dịp tết đến, xuân về, gia đình ông Luỹ hỗ trợ trên 50 phần quà, mỗi phần trị giá từ 300.000-350.000 đồng cho hộ khó khăn, gia đình chính sách, người già neo đơn, nạn nhân da cam… trên địa bàn; hỗ trợ xây dựng quỹ hội nông dân 5 triệu đồng. Trong năm 2021, gia đình ông ủng hộ hơn 4 triệu đồng và trên 250kg rau, củ, quả cùng địa phương phòng chống dịch Covid-19
Với đức tính cần cù, siêng năng trong lao động, luôn quan tâm giúp đỡ mọi người, nhất là những người có hoàn cảnh khó khăn, ông Luỹ xứng đáng là tấm gương điển hình trong phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi và Tuổi cao – Gương sáng của xã Biên Giới.
Với những việc làm tích cực, vì cộng đồng thời gian qua, ông Nguyễn Văn Luỹ được các cấp, ngành, địa phương và trung ương khen thưởng, như: “Gương ông bà, cha mẹ mẫu mực” các năm 2013, 2017, 2019; “Hội viên Hội Người cao tuổi ấp Rạch Tre hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ 5 năm liền 2015-2020″; Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tặng Bằng khen có thành tích trong phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi 3 năm liền (2012-2014); Hội Nông dân tỉnh Tây Ninh khen tặng hộ nông dân tiêu biểu trong chương trình xây dựng xã nông thôn mới trên địa bàn xã Biên Giới.
Hà Quang