BTN – Năm nay hơn 60 tuổi, cô Thân Thị Thu Thuỷ hiện ngụ tại ấp Suối Ông Đình, xã Trà Vong, huyện Tân Biên, gần 30 năm trước, khi tuổi ngoài 30, cô bắt đầu tham gia công tác Hội Phụ nữ ở địa phương.
Nữ trưởng ấp Thân Thị Thu Thuỷ thăm các chiến sĩ tình nguyện hè trên địa bàn ấp.
Vừa làm việc vừa làm nghề may, được vài năm, cô bỏ hẳn nghề may, tập trung vào công tác phụ nữ. Giữ chức Chủ tịch Hội LHPN xã cho tới ngày về hưu năm 2016, cô Thuỷ lại được bầu làm trưởng ấp Suối Ông Đình, đến nay đã qua nhiệm kỳ thứ 2.
Có người lo lắng cho cô, vì công việc này đối với nữ gặp khó khăn hơn, nhưng côThuỷ bảo: “Tôi không có gì băn khoăn khi nhận nhiệm vụ, quan trọng là mình có đủ quyết tâm để làm việc không”.
Thời gian qua, thực hiện Đề án 06 phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử, phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030, cô Thuỷ bận rộn hơn, vì thường xuyên hướng dẫn người dân trong và ngoài địa phương cài đặt, kích hoạt mã định danh.
Cô Thuỷ giải thích: “Đi đến đâu dân nhờ là mình phải hỗ trợ, mọi lúc mọi nơi. Trước đây tôi làm công tác phụ nữ, chị em cả 6 ấp đều quen biết nên gặp tôi ở đâu là họ nhờ, nhiều chị em còn tìm đến nhà, tôi đều sẵn lòng hướng dẫn”.
Cô Thân Thị Thu Thuỷ (trái) hướng dẫn người dân cài mã định danh điện tử.
Theo cô Thuỷ, những gia đình có thanh niên trẻ thì dễ, còn với những người lớn tuổi hơn phải hướng dẫn cặn kẽ. Để giải quyết những khó khăn trong công tác quản lý, thực hành chính sách, ấp thành lập 19 nhóm Zalo nhằm kịp thời thông tin đến người dân.
Bên cạnh đó, cô còn dùng tài khoản mạng xã hội cá nhân để thông báo công việc, vận động người dân. Năm nay đã 61 tuổi nhưng côThuỷ rất thành thạo trong việc sử dụng điện thoại thông minh, cài đặt các ứng dụng. “Tôi thấy rằng ứng dụng công nghệ rất tốt, không bất tiện gì”-cô Thuỷ nói.
Cô Thuỷ tặng quà cho người dân.
Ấp Suối Ông Đình có hơn 900 hộ dân. Ngoài vai trò trưởng ấp,cô Thuỷ còn là tổ trưởng tổ hoà giải ở địa phương. Thời gian qua, cô đã tham gia hoà giải nhiều vụ mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân, như tranh chấp đất, vay vốn, hôn nhân gia đình, nợ…
Từ đầu năm 2023 đến nay, cô đã hoà giải xong 13 vụ. Theo cô Thuỷ, công tác hoà giải đạt kết quả tốt, người dân càng ngày càng tin tưởng. Bên cạnh hoà giải theo đơn thư, bà còn hoà giải ngoài đơn, lên đến hơn chục vụ mỗi năm.
Từ khi còn tham gia công tác phụ nữ, cô Thuỷ là người thường xuyên sáng tác tiểu phẩm tuyên truyền để tham gia các hội thi biểu diễn văn nghệ quần chúng, hội thi của các ngành. Đến giờ, cô có trong tay vài chục tiểu phẩm.
Tháng 10 này, côThuỷ sẽ cùng nhóm thi huyện Tân Biên đại diện tỉnh tham gia Hội thi Hoà giải viên giỏi toàn quốc lần thứ IV, vòng thi khu vực phía Nam do Tây Ninh đăng cai tổ chức. Lần tham gia này, cô đảm nhiệm công việc viết tiểu phẩm. “Quá trình sáng tác, mình phải tích cực tìm hiểu kiến thức phù hợp với yêu cầu thực tiễn, để việc chuyển tải thông tin tuyên truyền hiệu quả”- côThuỷ cho biết.
Cô Thủy (giữa) tham gia hoạt động thể thao.
Không những công tác giỏi, cô Thuỷ còn biết làm kinh tế. cô cho biết, gia đình không có đất sản xuất, nhiều năm qua lấy chăn nuôi làm kinh tế chính. Cô mạnh dạn vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội để phát triển chăn nuôi, đầu tư chuồng trại, máy ấp trứng, bảo đảm chăn nuôi hiệu quả hơn. Hiện gia đình cô Thuỷ có trại chăn nuôi gà giống vài trăm con. Gà giống được bán cho người dân trong xã và các vùng lân cận.
Với sự nhiệt tình, xông xáo và luôn tích cực trong công việc, đến hiện tại, vị nữ trưởng ấp hơn 60 tuổi vẫn luôn nhận được sự tin tưởng của người dân và lãnh đạo địa phương.
Vi Xuân