Nỗ lực bảo tồn làng nghề

Nghề rèn ở phường Gia Lộc có lịch sử phát triển lâu đời, lúc hưng thịnh có hơn 300 hộ làm nghề tập trung tại khu dân cư gọi Ô Lò Rèn, với đa dạng sản phẩm như liềm, cày, cuốc… phục vụ sản xuất. Khách hàng đến từ nhiều nơi trong và ngoài tỉnh. Nay, tại khu phố Tân Lộc, phường Gia Lộc, những lò rèn vẫn đỏ lửa nhưng không còn rộn rã như xưa, hiện tại nơi đây còn 13 hộ làm nghề, trong đó chỉ khoảng vài hộ làm nghề có quy mô tương đối lớn; còn lại chỉ làm nhỏ lẻ, giữ nghề, giảm rất nhiều so với trước. Bên cạnh đó, còn có khoảng 20 hộ chuyên sống bằng nghề buôn bán sản phẩm từ các lò rèn, do các lò sản xuất nhỏ lẻ, manh mún nên khâu tiêu thụ còn hạn chế; những người thợ cốt cán tại Ô Lò Rèn ngày nào giờ đều từ 60 tuổi trở lên; lớp trẻ không còn nối nghiệp gia đình mà tìm những công việc khác, vào khu công nghiệp lao động.

Dù lò vẫn làm việc mỗi ngày nhưng ông Hà Văn Đạm- một thợ rèn lâu năm tại khu phố Tân Lộc vẫn luôn tâm tư. Bởi vì nghề rèn của gia đình ông đã truyền qua 7 đời, đến đời ông thì các con không nối nghiệp nữa. Ông Đạm cho biết nghề rèn khoảng 7-8 năm trước thu nhập rất khá còn bây giờ thì khó khăn hơn do có nhiều cạnh tranh.

Lò rèn của ông chuyên rèn vật dụng làm nông nghiệp như cuốc, cày… có nhiều công đoạn vẫn phải dùng sức người là chính. Lâu năm trong nghề, ông Đạm có nhiều mối trong và ngoài tỉnh, nhưng cái khó lớn nhất hiện nay là thiếu vốn.

Ông nói: “Nếu đủ vốn mình sẽ đầu tư để làm nhiều hơn chứ không chỉ gói trong lượng hàng được đặt. Có mở rộng thì sẽ có thêm nhiều mối hàng mới vì chất lượng sản phẩm mình bảo đảm. Địa phương cũng có đủ nhân công để làm việc”.

Vui vẻ “khoe” vừa nhận được đơn hàng 100 lưỡi cày từ một mối quen cố định tại huyện Tân Biên, ông nói thêm, trước đây họ chỉ đặt vài chục lưỡi, nay số lượng tăng lên do chất lượng sản phẩm của ông đáp ứng yêu cầu của khách hàng.

Ông Đạm vẫn luôn tự tin làm nghề.

Cùng khu phố Tân Lộc, còn có một lò rèn được hiện đại hoá hơn của ông Lê Văn Mót, năm nay 60 tuổi và có hàng chục năm làm nghề truyền thống của gia đình. Nhà ông có 7 anh em trai thì hết 6 người theo nghề. Có điều, con trai ông Mót đã chọn làm nghề khác dù được truyền nghề, bởi nghề này không còn thịnh vượng như trước.

Ông làm sản phẩm theo đơn đặt hàng. Khi mối có yêu cầu, lò rèn mới “nổi lửa”, còn không thì tạm ngưng. Những năm gần đây, ông mạnh dạn đầu tư máy móc để làm các công đoạn như dập, mài, tiện… “Hầu như các công đoạn tại lò nhà tôi đều làm bằng máy rồi. Có máy hỗ trợ làm việc cũng đỡ mệt hơn rất nhiều”- ông Mót nói và cho biết thêm mình sống được với nghề. Nó như đã “ngấm” vào máu, và ông sẽ làm đến khi không làm nổi nữa mới thôi.

Lò rèn của ông Mót được hiện đại hoá giúp làm việc nhàn hơn.