Theo Liên đoàn Đái tháo đường thế giới (IDF) công bố năm 2021, cả thế giới có tới 537 triệu người mắc đái tháo đường, tương ứng với tỷ lệ cứ 10 người lớn độ tuổi 20-79 tuổi có 1 người mắc đái tháo đường; cứ 6 trẻ sinh ra có 1 trẻ bị ảnh hưởng bởi đái tháo đường trong giai đoạn phát triển thai nhi. Đặc biệt, có tới 50% số người trưởng thành mắc đái tháo đường mà không được chẩn đoán.
Tại Việt Nam, kết quả điều tra của Bộ Y tế năm 2021 cho thấy tỷ lệ mắc đái tháo đường ở người trưởng thành ước tính là 7.1% – tương đương với khoảng gần 5 triệu người đang mắc bệnh đái tháo đường.
Trong đó, số đã được chẩn đoán chỉ chiếm khoảng 35% và số đang được quản lý, điều trị tại các cơ sở y tế chiếm 23.3%. Theo dự báo, số mắc đái tháo đường của Việt Nam cũng như toàn thế giới sẽ tiếp tục tăng nhanh trong những năm tới.
Các chuyên gia nhận định đái tháo đường là một trong những nguyên nhân phổ biến gây tàn tật và tử vong sớm ở hầu hết các quốc gia…
Về nguyên nhân gây bệnh đái tháo đường, theo Đại tá, Tiến sĩ Nguyễn Kim Lưu – nguyên Giám đốc Trung tâm U Bướu và Y học hạt nhân cho biết, bệnh tiểu đường có 2 nguyên nhân: chủ quan và khách quan.
Đối với nguyên nhân khách quan (hay còn gọi là yếu tố không thể thay đổi được), gồm các nguyên nhân như: tuổi thọ tăng cao; một số vấn đề về ô nhiễm môi trường, không khí, nước, đất, thực phẩm, ánh sáng,… Ngoài ra còn có một nguyên nhân không thể thay đổi được đó chính là yếu tố gia đình, Tiến sĩ Nguyễn Kim Lưu cho rằng đối với những gia đình có nhiều người mắc bệnh đái tháo đường như ông bà, cha mẹ, anh chị em,… thì chắc chắc thành viên trong gia đình đó cũng có nguy cơ rất cao mắc bệnh tiểu đường (trên 50%).
Đối với nguyên nhân chủ quan (hay còn gọi là yếu tố có thể thay đổi được), bao gồm các nguyên nhân: dinh dưỡng, vận động sinh hoạt không hợp lý, khoa học; tình trạng béo phì, thừa cân; thực phẩm ăn nhanh gây dư thừa năng lượng; đảo nhịp điệu sinh học như ngủ không điều độ (thức quá khuya và dậy quá muộn). Đặc biệt, việc lạm dụng các thiết bị điện tử thông minh điện thoại, máy tính cũng là một trong những nguyên nhân chính gây ra bệnh đái tháo đường bởi các nghiên cứu đã chỉ ra mối liên hệ giữa ánh sáng nhân tạo vào ban đêm với tăng cân và béo phì, rối loạn chức năng trao đổi chất, tiết insulin và sự phát triển của bệnh tiểu đường cũng như các yếu tố nguy cơ tim mạch.
Năm 1991 Hiệp hội Đái tháo đường thế giới và Tổ chức Y tế Thế giới đã chọn ngày 14/11 hằng năm là “Ngày thế giới phòng, chống đái tháo đường”; và Ngày 14/11 cũng đã trở thành một ngày chính thức của Liên hiệp quốc vào năm 2006 để kêu gọi tất cả mọi người có trách nhiệm quan tâm đến bệnh đái tháo đường, nâng cao hiểu biết và đưa ra hành động cụ thể để kiểm soát căn bệnh thế kỷ này.
Chủ đề của Ngày Đái tháo đường thế giới giai đoạn năm 2021-2023 là “Tiếp cận chăm sóc bệnh đái tháo đường” với mục đích mang đến sự thay đổi cho hơn nửa tỷ người trên thế giới đang sống chung với bệnh đái tháo đường.