Chiến tranh đã lùi xa, nhiều người con của Việt Nam đã ngã xuống vì chiến đấu cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Sự hy sinh của các anh hùng liệt sĩ trong các cuộc kháng chiến to lớn bao nhiêu, nỗi đau và sự hy sinh thầm lặng của những người phụ nữ ở hậu phương cũng lớn lao bấy nhiêu.
Đất nước hoà bình nhưng những đau thương, mất mát lớn lao vẫn còn đọng lại trong tâm trí của mỗi người chúng ta, nhất là với các Mẹ Việt Nam anh hùng.
Lặng lẽ hy sinh!
Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, cùng với cả nước, tại Tây Ninh hàng ngàn người mẹ đã tiễn chồng, con lên đường làm nhiệm vụ thiêng liêng với Tổ quốc. Ngày đêm lặng lẽ chăm sóc gia đình, làm hậu phương cho tuyến đầu, và rồi những người mẹ cũng không ngại hiểm nguy, âm thầm nuôi giấu cán bộ, làm liên lạc, tiếp lương, tải đạn; những người mẹ trực tiếp đối mặt với quân thù, đánh giặc, bị giặc bắt, tra tấn, tù đày… Những người mẹ âm thầm nuốt nước mắt vào trong, cạn khô dòng lệ khi “ba lần tiễn con đi, hai lần khóc thầm lặng lẽ”, dệt thêu nên những trang sử hào hùng, chói lọi của dân tộc.
Một ngày đầu tháng 3, chúng tôi đến thăm Mẹ Việt Nam anh hùng (VNAH) Phạm Thị Bé, ngụ ấp Năm Trại, xã Trường Đông, thị xã Hoà Thành. Mẹ có 3 người thân đã hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước là chồng, con trai và em trai.
Trong ngôi nhà nhỏ, Mẹ Phạm Thị Bé chậm rãi kể, Mẹ lấy chồng ở xã Thạnh Lợi, huyện Bến Lức, tỉnh Long An, chồng mẹ là liệt sĩ Phan Văn Rành, hoạt động cách mạng từ nhỏ. Khi nhà trai mới đi hỏi dâu được vài tháng thì ông bị địch bắt, giam giữ gần một năm mới thả.
Sau khi làm đám cưới, có với nhau 1 người con gái, Mẹ Phạm Thị Bé đang mang bầu lần thứ 2 được 6 tháng, chồng của Mẹ lại bị địch bắt, lần này ông bị đưa ra Côn Đảo, chịu biết bao tra tấn của địch.
Chung thuỷ chờ đợi chồng, chăm sóc gia đình, đến tận 6 năm sau, chồng Mẹ mới trở về trong niềm vui và hạnh phúc đoàn tụ. Thế nhưng hạnh phúc chẳng tày gang khi năm 1959, địch lê máy chém khắp miền Nam đàn áp phong trào cách mạng.
“Chồng Mẹ nói “Tôi ở nhà, chắc bị bắt nữa. Thôi thằng ba cũng đã lớn, bà cho tôi mang con vô chiến khu đặng rèn giũa nó thành người cách mạng”. Mẹ đau lắm, máu chảy ruột mềm mà, nhưng vì cách mạng Mẹ đồng ý cho chồng đem con đi”- Mẹ Phạm Thị Bé tâm sự.
Năm đó, chồng Mẹ đem người con trai mới lên 7 tuổi vào chiến khu sát biên giới Campuchia. Thời gian đầu, Mẹ còn nhận được tin của chồng và con trai, nhưng về sau, hai cha con biệt tin. Đến 1973, không mất mát nào có thể kể xiết, Mẹ liên tục nhận tin chồng, con trai và em trai đã hy sinh trong đợt chống càn.
Giọng run run, Mẹ kể: “Trong bối cảnh địch đang kìm kẹp, khủng bố ráo riết, Mẹ phải nuốt nước mắt vào trong, nén đau thương, mẹ đem con gái lớn lên Tây Ninh sống, làm việc không nghĩ tới thời gian để quên đi nỗi đau thương người thân đã hy sinh trong cuộc chiến tranh bảo vệ đất nước” .
Nỗi đau còn đó, nhưng Mẹ vẫn vẹn nguyên, sắt son một lòng vì nước, biết nén nỗi đau riêng vì cuộc đời chung. Tinh thần ấy, được Mẹ truyền cho thế hệ sau gìn giữ và phát huy.
Khi nước mắt hoá thành sức mạnh
Có thể nói, nếu như sự cống hiến, hy sinh của các liệt sĩ to lớn bao nhiêu thì nỗi đau và hy sinh thầm lặng của Mẹ, người vợ nơi hậu phương cũng lớn lao bấy nhiêu. Nhưng đau thương, mất mát ấy đã trở thành ý chí, nghị lực phi thường, giúp những người phụ nữ ấy vượt qua sự uy hiếp của họng súng kẻ thù, tiếp sức cho bộ đội, cho kháng chiến thành công.
Mẹ VNAH Lê Thị Mỉa, xã Bàu Năng, huyện Dương Minh Châu vốn xuất thân trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng. Gia đình của Mẹ có nhiều người đã dành cả tuổi thanh xuân để chiến đấu, bảo vệ quê hương. Khi tuổi đời còn khá trẻ, chồng của Mẹ- liệt sĩ Cao Văn Nở- đã anh dũng hy sinh, để lại người vợ trẻ và 4 đứa con nhỏ.
Vừa làm lụng nuôi con, Mẹ vừa tham gia cách mạng. Đến năm 1965, Mẹ Lê Thị Mỉa bị bắt, bị đánh đập, tra tấn nhưng bà kiên quyết không khai báo. Tháng 2.1966, trước tinh thần kiên trung của Mẹ, bọn chúng đành thả bà về. Trong khoảng thời gian này, con trai thứ hai của Mẹ là liệt sĩ Cao Văn Khọn, đang học lớp 11 cũng lên đường nhập ngũ. Trong một lần đi bắt liên lạc với cơ sở để mua máy đánh chữ, anh mãi mãi không về.
Nén nỗi đau mất chồng, mất con, người mẹ nhân hậu, tần tảo ấy lại mạnh mẽ đứng lên, Mẹ vừa lao động cật lực nuôi con, lại vừa tranh thủ hoạt động, hết lòng vì cách mạng, góp phần dệt thêu những trang sử hào hùng của vùng đất Tây Ninh anh dũng, kiên cường.
Hoà bình lập lại, Mẹ Lê Thị Mỉa vẫn sống giản dị và thường xuyên nhắc nhở con cháu giữ truyền thống gia đình cách mạng.
Còn với bà Vũ Thị Yên, ngụ khu phố 1, thị trấn Dương Minh Châu, năm 1979 khi mới tròn 24 tuổi, con thơ vừa chào đời được vài tháng, bà Yên đã nhận tin dữ khi chồng bà đã anh dũng hy sinh tại biên giới phía Bắc. Tuy nhiên, ở thời điểm đó, bà không tin là chồng mình đã mất cho đến khi nhận được giấy báo tử trên tay.
Nén đau, bà quyết định rời quê hương đưa con vào xã Suối Đá, huyện Dương Minh Châu lập nghiệp, bắt đầu một cuộc sống mới để nuôi con khôn lớn, trưởng thành. Vào quê hương mới, hai mẹ con bà Yên nhận được sự đùm bọc, yêu thương của họ hàng, làng xóm và sự quan tâm giúp đỡ của chính quyền địa phương như một sự chia sẻ, động viên, tri ân cho những mất mát hy sinh của gia đình bà.
Dù khó khăn vất vả song hình ảnh người chồng đã hy sinh anh dũng vẫn nhắc nhở bà phải cố gắng thay chồng làm tròn trách nhiệm với gia đình, tích cực tham gia công tác xã hội tại địa phương, góp phần nhỏ bé xây dựng quê hương đúng như lời dặn của chồng trước khi lên đường bảo vệ Tổ quốc.
“Vào quê hương mới, tôi nghĩ rằng mình sẽ phải đối mặt với vô vàn khó khăn, nhưng Đảng uỷ, Huyện uỷ quan tâm tạo điều kiện cho tôi được làm việc tại Văn phòng Uỷ ban, đi học thêm để nâng cao kiến thức, trình độ chuyên môn. Trong cuộc sống hàng ngày, mọi người cũng rất quan tâm và chia sẻ với tôi. Nhờ vậy tôi cũng nguôi ngoai nỗi đau, ổn định cuộc sống”– bà Yên chia sẻ.
Hoà bình lập lại, trong khúc khải hoàn ca chiến thắng, có máu và nước mắt của hàng ngàn người mẹ, người vợ trong cả nước – những người đã hiến dâng chồng, con, cháu của mình cho cách mạng và đã trở thành tượng đài thiêng liêng của dân tộc. Tinh thần “không khuất phục, không đầu hàng” của những người phụ nữ ấy đã và đang truyền cảm hứng cho các thế hệ phụ nữ Việt Nam hôm nay. Từ những bà mẹ tảo tần nuôi con ăn học, đến các nhà khoa học, doanh nhân nữ thành đạt, họ đều là minh chứng cho sức mạnh bền bỉ, kiên cường của người phụ nữ Việt Nam.
Túc Đồng – Vân Vũ