Nguồn gốc, ý nghĩa Ngày Môi trường Thế giới 5/6

Ngày Môi trường Thế giới được tổ chức vào ngày 5/6 hàng năm để thúc đẩy các hoạt động bảo vệ môi trường.

Ngày 5/6 hằng năm trở nên ý nghĩa và quan trọng đối với môi trường trên toàn thế giới bởi đây chính là “Ngày Môi trường Thế giới”. Vào ngày này, nhiều hoạt động bảo vệ môi trường được đẩy mạnh thực hiện, tuyên truyền.

Ngày Môi trường Thế giới được tổ chức lần đầu tiên vào ngày 5/6/1972 tại Stockholm của Thụy Điển. Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (United Nations Environment Programme) đã chính thức công bố sự kiện trọng đại này và được hơn 150 quốc gia trên thế giới hưởng ứng từ năm 1972 đến nay.

Vào dịp này, các hoạt động bảo vệ môi trường sẽ được đẩy mạnh tổ chức trong tuần lễ quanh ngày 5/6. Lễ kỷ niệm sẽ được tổ chức ở nhiều quốc gia khác nhau vào mỗi năm.

Góp mặt tham gia từ năm 1982, Việt Nam cũng đã hưởng ứng rất tích cực ngày hội lớn của thế giới này. Nhờ đó, nước ta có nhiều hoạt động ý nghĩa để dân tộc Việt Nam tham gia hưởng ứng, chung sức bảo vệ môi trường xanh. Đến nay, nước ta đã có nhiều đóng góp to lớn trong việc bảo vệ và giữ gìn môi trường sống xanh – sạch – đẹp.

Ngày Môi trường Thế giới có ý nghĩa cực kỳ lớn đối với môi trường sống của con người trên toàn thế giới. Đây chính là sự kiện giúp cả thế giới cùng nhau khơi lại nguồn cảm hứng, thúc đẩy tư tưởng và hướng về môi trường sống, cùng nhau chung tay thực hiện các hoạt động thiết thực để bảo vệ môi trường.

Mỗi năm sẽ có mỗi thông điệp chính thức khác nhau về ngày Môi trường Thế giới do Tổng thư ký Liên Hợp Quốc quyết định và được thông tin đến các quốc gia và người dân trên toàn thế giới. Thông điệp ấy sẽ bao gồm định hướng về các vấn đề môi trường và bảo vệ không gian xanh được đưa ra để tất cả các quốc gia đều đồng lòng ký kết thực hiện.

Ngày Môi trường Thế giới năm 2024: tăng cường hành động phục hồi đất đai, chống hạn hán và sa mạc hóa!

Ngày Môi trường Thế giới được tổ chức hàng năm vào ngày 5 tháng 6, bởi Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) vào năm 1972. Năm nay, Vương quốc Ả Rập Xê Út sẽ là quốc gia chủ trì tổ chức Ngày Môi trường Thế giới năm 2024, với chủ đề tập trung vào phục hồi đất đai, sa mạc hóa và chống hạn hán (land restoration, desertification, and drought resilience).

Suốt 5 thập kỷ qua, UNEP đã phát triển thành một trong những nền tảng toàn cầu lớn nhất cho việc tiếp cận môi trường với sự kết nối lên đến hàng chục triệu người tham gia trực tuyến và hoạt động vì môi trường, con người trên thế giới.

ngày môi trường thế giới 2024 sa mạc hóa

Vương quốc Ả Rập Xê Út là quốc gia đăng cai tổ chức Ngày Môi trường Thế giới 2024

Vào 05/06/2024, Vương quốc Ả Rập Xê Út sẽ là quốc gia chủ trì tổ chức Ngày Môi trường Thế giới năm 2024, với chủ đề tập trung vào phục hồi đất đai, sa mạc hóa và chống hạn hán.

Năm 2024 sẽ đánh dấu kỷ niệm 30 năm Công ước Liên hợp quốc về chống sa mạc hóa. Phiên họp thứ mười sáu của Hội nghị các bên (COP 16) của Công ước Liên hợp quốc về chống sa mạc hóa (UNCCD) sẽ được tổ chức tại thủ đô Riyadh của Vương quốc Ả Rập Xê Út, từ ngày 2 đến ngày 13 tháng 12 năm 2024.

Năm 2024 cũng sẽ là năm tất cả mọi người trên thế giới đồng hành cùng nhau sau Hội nghị thượng đỉnh G20 để thúc đẩy tăng trưởng, bền vững và toàn diện. Với các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDG) được đẩy nhanh tiến độ để một tương lai Xanh Bền Vững.

Tại sao Phục hồi Đất được chọn làm chủ đề cho Ngày Môi trường Thế giới năm 2024?

Trãi qua hàng triệu triệu năm trước khi có sự sống xuất hiện, vòng lặp “đại tuần hoàn địa chất” là quá trình phong hóa để tạo thành mẫu chất. Từ khi Trái Đất xuất hiện sự sống thì vòng “tiểu tuần hoàn sinh học” ở quy mô nhỏ kết hợp với quá trình phong hóa mà hình thành đất mới, tạo những nhân tố cơ bản cho độ phì nhiêu cũng như dinh dưỡng trong đất.

Sự liên kết giữa hai vòng tuần hoàn là sự thống nhất tạo nên bản chất của quá hình hình thành đất.

Theo Công ước Liên hợp quốc về chống sa mạc hóa, có tới 40% đất đai trên hành tinh bị suy thoái, ảnh hưởng trực tiếp đến một nửa dân số thế giới và đe dọa khoảng một nửa GDP toàn cầu (44 nghìn tỷ USD). Số lượng các đợt và thời gian hạn hán đã tăng 29% kể từ năm 2000 – nếu không có hành động khẩn cấp, hạn hán có thể ảnh hưởng đến hơn 3/4 dân số thế giới vào năm 2050.

Phục hồi đất là trụ cột chính trong Thập kỷ về Phục hồi Hệ sinh thái của Liên hợp quốc giai đoạn 2021-2030, một lời kêu gọi tập hợp để bảo vệ và phục hồi các hệ sinh thái trên toàn thế giới, điều này rất quan trọng để đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững.

Chúng ta rất cần những hành động như vậy khi thế giới đang đối mặt với sự gia tăng đáng lo ngại của 3 cuộc khủng hoảng cấp hành tinh: khủng hoảng biến đổi khí hậu, khủng hoảng về thiên nhiên và mất đa dạng sinh học cũng như khủng hoảng ô nhiễm và lãng phí. Cuộc khủng hoảng này đang khiến hệ sinh thái thế giới bị tấn công. Hàng tỷ ha đất bị suy thoái, ảnh hưởng đến gần một nửa dân số thế giới và đe dọa một nửa GDP toàn cầu. Cộng đồng nông thôn, nông dân sản xuất nhỏ và người nghèo bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

Nhưng việc phục hồi đất có thể đảo ngược tình trạng suy thoái đất, hạn hán và sa mạc hóa. Mỗi đô la đầu tư vào việc phục hồi có thể mang lại tới 30 đô la Mỹ cho sự phát triển hệ sinh thái. Phục hồi thúc đẩy sinh kế, giảm nghèo và tăng khả năng phục hồi đất trước thời tiết khắc nghiệt. Phục hồi đất làm tăng hấp thụ carbon và làm chậm biến đổi khí hậu. Chỉ khôi phục 15% đất đai và ngừng chuyển đổi thêm có thể tránh được tới 60% nguy cơ tuyệt chủng.

Chúng ta có thể hi vọng khi các nước đã cam kết sẽ khôi phục 1 tỷ ha, diện tích lớn hơn cả Trung Quốc. Thông qua Ngày Môi trường Thế giới và thông qua việc đăng cai tổ chức Hội nghị của các bên về Công ước Liên hợp quốc về chống sa mạc hóa vào tháng 12 này, Vương quốc Ả Rập Xê Út có thể tạo động lực và hành động hướng tới các mục tiêu phục hồi này cùng các quốc gia trên thế giới.

Thông điệp dành cho Ngày Môi trường Thế giới 2024: 

Đất là sự sống. Đó là mặt đất nơi chúng ta đứng và đất nuôi sống chúng ta. Nhưng đất đai của chúng ta đang xuống cấp do hoạt động tiêu thụ, sản xuất nông nghiệp không bền vững và các vấn đề ô nhiễm. Suy thoái đất ảnh hưởng tiêu cực đến 3,2 tỷ người. Dù vậy, đất vẫn tha thứ cho chúng ta. Chúng ta có thể khôi phục nó bằng cách trồng cây và trồng đa dạng hơn. Chúng ta có thể tránh sử dụng các chất ô nhiễm và hồi sinh nguồn nước.

Nguồn: Môi Trường Á Châu tổng hợp