Cơ hội vàng
Hiện nay, Việt Nam có hơn 17 triệu NCT, con số này được dự báo sẽ còn tăng mạnh trong những thập niên tới. Đáng chú ý, NCT hiện nay không còn là hình ảnh của sự an dưỡng tĩnh tại mà ngày càng năng động, ham học hỏi, yêu thích trải nghiệm văn hóa, thiên nhiên và kết nối xã hội thông qua các hoạt động du lịch.
Chính vì vậy, du lịch không chỉ là nhu cầu hưởng thụ mà còn là nhu cầu nâng cao chất lượng sống, chăm sóc sức khỏe thể chất và tinh thần NCT. Nhiều quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức hay Pháp đã sớm nhận ra tiềm năng này và phát triển mạnh mẽ các loại hình du lịch dành riêng cho người già – từ du lịch nghỉ dưỡng kết hợp y tế, du lịch hành hương, trị liệu cho đến du lịch trải nghiệm nhẹ nhàng phù hợp với thể trạng và tâm lí tuổi già.
Thế nhưng, tại Việt Nam, nhóm khách này vẫn chưa được tiếp cận một cách bài bản. Các tour dành cho NCT đa phần mang tính tự phát, thiếu chiều sâu trong thiết kế hành trình, chăm sóc đặc biệt và các dịch vụ hỗ trợ sức khỏe. Thậm chí, không ít doanh nghiệp lữ hành còn ngại phục vụ nhóm khách lớn tuổi do lo ngại các yếu tố rủi ro về sức khỏe và yêu cầu dịch vụ cao.
![]() |
Thị trường tiềm năng của ngành du lịch là người cao tuổi. Ảnh minh họa |
Dễ dàng nhận thấy, phần lớn các tour du lịch hiện nay đều được xây dựng với lịch trình dày đặc, thời gian di chuyển kéo dài và thiên về khám phá – điều không thực sự phù hợp với NCT, vốn cần sự thoải mái, chậm rãi, an toàn và có yếu tố chăm sóc y tế song hành.
Trong khi đó, các dịch vụ phụ trợ như lưu trú, nhà hàng, phương tiện di chuyển lại ít quan tâm đến những yếu tố thiết kế thân thiện với NCT như thang máy, đường dốc, tay vịn, thực đơn dễ tiêu hóa hay nhân viên hỗ trợ y tế. Chính điều này khiến nhiều NCT e ngại, thậm chí từ bỏ ý định đi du lịch dù họ hoàn toàn có đủ điều kiện tài chính và thời gian.
Thêm vào đó, thị trường thiếu vắng các tour có yếu tố chăm sóc đặc biệt như nhân viên y tế đi kèm, tư vấn sức khỏe trước khi khởi hành, chọn điểm đến phù hợp với từng nhóm tuổi, bệnh lí, hay tổ chức các hoạt động gắn kết cộng đồng dành riêng cho NCT. Một thực tế không thể phủ nhận là: chúng ta đang để mất một “mỏ vàng” trong ngành du lịch – nơi mà các quốc gia phát triển đã và đang thu lợi lớn từ chính đối tượng tưởng như không “sôi động” này.
Trái ngược với định kiến xưa cũ cho rằng người già chỉ thích ở nhà, ngày càng nhiều NCT Việt Nam lựa chọn lên đường cùng gia đình, bạn bè hoặc tham gia các hội nhóm du lịch NCT. Họ tìm đến du lịch như một cách chữa lành, hồi phục sức khỏe tinh thần, kết nối xã hội và lưu giữ kí ức đẹp sau những năm tháng làm việc vất vả.
Nhiều khảo sát cho thấy NCT sẵn sàng chi tiêu cho du lịch nếu sản phẩm được thiết kế phù hợp, an toàn và đem lại cảm giác được quan tâm. Những hành trình mang yếu tố tĩnh lặng, thiên nhiên, gắn với kí ức tuổi thơ, tâm linh hoặc trải nghiệm văn hóa dân gian truyền thống luôn được nhóm khách này yêu thích. Đặc biệt, họ cũng mong muốn được đồng hành cùng con cháu trong các kì nghỉ gia đình – một xu hướng du lịch đa thế hệ đang nở rộ trên thế giới.
Chính vì vậy, các doanh nghiệp du lịch cần thay đổi tư duy thiết kế sản phẩm, không thể áp dụng công thức “một tour cho tất cả” mà cần phân khúc rõ ràng, chuyên biệt hóa từng dịch vụ từ lịch trình, bữa ăn, nghỉ dưỡng đến chăm sóc y tế và hỗ trợ tâm lí cho NCT.
Cần vào cuộc từ nhiều phía
Muốn khai thác hiệu quả thị trường này, trước hết cần sự vào cuộc của các doanh nghiệp lữ hành với tư duy cởi mở, sẵn sàng đầu tư cho dòng sản phẩm du lịch NCT một cách bài bản. Đồng thời, sự hỗ trợ từ cơ quan quản lí nhà nước cũng vô cùng quan trọng, nhất là trong việc ban hành chính sách khuyến khích phát triển du lịch chăm sóc sức khỏe, ưu đãi giá vé, xây dựng hạ tầng du lịch thân thiện với NCT, đào tạo nguồn nhân lực chuyên biệt.
Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh truyền thông, nâng cao nhận thức xã hội về vai trò của NCT trong tiêu dùng và phát triển kinh tế. Các tổ chức Hội NCT, Hội phụ nữ, các trung tâm văn hóa, y tế cộng đồng cũng có thể trở thành cầu nối đưa NCT đến với du lịch bằng những hoạt động trải nghiệm phù hợp, an toàn và ý nghĩa.
Thực tế cho thấy, khi các sản phẩm du lịch dành cho NCT được thiết kế đúng hướng, không chỉ mang lại doanh thu đáng kể mà còn góp phần thực hiện mục tiêu phát triển du lịch bền vững, công bằng và toàn diện.
Du lịch cho NCT không nên bị xem là thị trường “phụ” hay “kén khách”. Thay vào đó, cần được nhìn nhận như một mũi nhọn chiến lược trong xu thế dân số già hóa và du lịch sức khỏe toàn cầu. Mỗi bước chân của NCT trên hành trình du lịch, chính là minh chứng sống động cho sự kết nối giữa quá khứ và hiện tại, giữa trải nghiệm và sẻ chia, giữa chăm sóc thể chất và nuôi dưỡng tinh thần.
Đã đến lúc ngành du lịch Việt Nam cần mở cánh cửa còn bỏ ngỏ này bằng sự trân trọng, sáng tạo và hành động cụ thể. Không chỉ vì lợi ích kinh tế mà hơn hết, vì một xã hội văn minh, nơi NCT được sống vui, sống khỏe và sống trọn vẹn từng khoảnh khắc, kể cả trong những chuyến du lịch, dã ngoại.