BTN – Dân công nhận gạo từ một kho chứa, để vào hai thúng, trên vai lót tay nải cho đỡ đau, một tay cầm chiếc gậy và bắt đầu gánh. Ban ngày, tất cả dân công gánh gạo đều ẩn nấp trong rừng núi; đêm đến, mọi người âm thầm gánh gạo lên đường.
Ông Cát (thứ 2, bên trái) bên gia đình.
69 năm đã trôi qua, chiến thắng Điện Biên Phủ (7.5.1954 – 7.5.2023) là mốc son chói lọi trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của quân và dân ta. Trong chiến dịch này, dưới sự lãnh đạo tài tình của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng, cùng với bộ đội lập nên những chiến công oanh liệt trên chiến trường còn có những đóng góp thầm lặng của lực lượng Thanh niên xung phong, Dân công hoả tuyến.
Năm nay, ông Nguyễn Văn Cát (ngụ ấp Tân Lợi, xã Tân Phú, huyện Tân Châu) đã 87 tuổi nhưng vẫn còn minh mẫn. Nhắc đến chiến dịch Điện Biên Phủ, giọng ông Cát vẫn đầy khí chất hiên ngang, hào hùng: “Quê của vợ chồng tôi đều ở tỉnh Thanh Hoá. Những năm chống Pháp, hầu hết thanh niên trong làng đều được vận động ra chiến trường. Lúc đó, tôi mới 17 tuổi, rất hăng hái tham gia làm công tác dân công hoả tuyến”.
Lực lượng Dân công hoả tuyến có cả nam lẫn nữ, đủ mọi thành phần, lứa tuổi. Ngày 3.2.1954, ông Cát bắt đầu lên đường làm nhiệm vụ gánh gạo. Mỗi lần, một dân công hoả tuyến được giao gánh 30kg gạo đưa ra chiến trường để nuôi quân. Cứ di chuyển được 5 ngày thì mỗi người nhận thêm 5kg gạo, dùng để nấu cơm ăn dọc đường. Dân công nhận gạo từ một kho chứa, để vào hai thúng, trên vai lót tay nải cho đỡ đau, một tay cầm chiếc gậy và bắt đầu gánh. Ban ngày, tất cả dân công gánh gạo đều ẩn nấp trong rừng núi; đêm đến, mọi người âm thầm gánh gạo lên đường.
Công việc vận chuyển gạo vô cùng vất vả. Có những đoạn đường rất khó đi, phải lần mò, nhích từng bước một, nếu sơ suất là trượt chân ngã xuống hố sâu, vực thẳm. Một lần, đơn vị của ông gánh gạo vừa ra khỏi căn cứ khoảng 10 phút thì máy bay khu trục của địch ném bom san bằng tất cả căn cứ.
“Nếu đi trễ 15 phút là cả đơn vị có thể thịt nát, xương tan”- ông Cát nói. Sau khi đến chiến trường, dân công hoả tuyến được giao nhiệm vụ đưa thương binh từ chiến trường về hậu cứ chữa trị. Việc tải thương cũng vất vả không kém, mỗi thương binh giao cho 1 tổ dân công gồm 3 người phụ trách. Chiến sĩ bị thương nằm trên võng.
Chiếc võng mắc vào một đoạn cây dài. Hai dân công hoả tuyến, mỗi người gánh một đầu võng, người còn lại đi theo sau, thỉnh thoảng đổi gánh khi có người bị mỏi. Cứ như thế cho đến khi đưa thương binh về tới trạm y tế giao cho đơn vị quân y. Sau đó, dân công tiếp tục nhận gạo và gánh lên chiến trường.
Vợ chồng ông Cát kể về khoảng thời gian tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ.
Ông Cát không thể nào nhớ được quãng đường gánh gạo dài bao nhiêu, ông chỉ nhớ cứ gánh gạo đi hết ngày này qua ngày nọ, ròng rã một tháng rưỡi. Khi chiến dịch Điện Biên Phủ thắng lợi, ông và hơn 60 dân công trong xã mới trở về nhà. “Có những lúc quá mệt, tưởng chừng không thể hoàn thành nhiệm vụ, nhưng tất cả chúng tôi đều cố gắng hết sức. Do thường xuyên ở trong rừng nên hầu hết dân công hoả tuyến đều mắc bệnh sốt rét rừng”- ông Cát bộc bạch.
Sau trận chiến “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, ông Cát trở về địa phương, tham gia công tác Đoàn và được bầu làm Phó Bí thư Chi đoàn Thanh niên xã Quảng Trường. “Lúc đó mới gọi là Chi đoàn xã thôi chứ chưa gọi là Xã đoàn như sau này”- ông Cát giải thích. Trong quá trình công tác Đoàn, ông tìm hiểu và nên duyên chồng vợ với một đoàn viên trong Chi đoàn xã, tên Nguyễn Thị Bình. Những năm sau đó, cựu dân công hoả tuyến này lần lượt được bổ nhiệm làm cán bộ lương thực của tỉnh Thanh Hoá, được kết nạp vào hàng ngũ của Đảng. Sau 10 năm kết hôn, hai vợ chồng lần lượt có với nhau 6 người con.
Năm 1965, ông Cát nhập ngũ. Vào quân đội, ông được đơn vị đưa đi học chuyên ngành Cơ yếu tại Trường Cơ yếu, Bộ Tổng tham mưu (tỉnh Vĩnh Phúc). Thời điểm đó, miền Bắc đã giải phóng và bắt tay vào xây dựng xã hội chủ nghĩa, nhưng miền Nam còn chìm trong khói lửa chiến tranh. Tốt nghiệp ngành Cơ yếu, ông Cát được lệnh tăng cường vào Nam. “Ngày 30.6.1966, tôi từ biệt vợ con, vác ba lô lên đường vào miền Nam. Với chuyên môn cơ yếu, tôi theo sát đơn vị Bộ Tư lệnh tiền phương, chỗ nào có chiến dịch là đi. Phước Long, Đồng Xoài, kể cả Đông Bắc Campuchia tôi đều có mặt. Nhiệm vụ của tôi là dịch những tín hiệu morse ra văn bản rồi trình lãnh đạo. Ngược lại, khi có chỉ đạo, tôi dịch từ văn bản ra tín hiệu morse rồi giao cho nhân viên gõ tín hiệu truyền lệnh đến những nơi khác”- ông Cát nhớ lại.
Vợ chồng ông Cát và bức ảnh chụp cùng đồng đội khi xưa.
Suốt 10 năm ông Cát vào Nam, vợ ông- bà Nguyễn Thị Bình một mình ở nhà vất vả lao động nuôi đàn con thơ. Nhớ lại những năm tháng khó khăn đã qua, bà Bình bật khóc: “Thời điểm đó, tôi là xã viên Hợp tác xã Quảng Trường. Hằng ngày, sau khi đưa con đến trường, tôi về nhà dẫn trâu ra đồng cày cấy.
Nhiều lúc con đau ốm, trong nhà không có tiền, tôi phải nhờ vả các cô bên nội giúp đỡ. Những lúc như thế, hầu như đêm nào tôi cũng khóc. Tôi lo lắm. Không biết ông ra chiến trường còn sống hay đã chết. Nếu chồng có mệnh hệ gì, tôi không biết làm sao…”.
Sau ngày đất nước thống nhất, ông Cát đưa gia đình vào Tây Ninh sinh sống. Năm 1977, ông chuyển ngành sang công tác tại Sở Giao thông Vận tải. Năm 1980, ông làm việc tại Nông trường mía Tân Hưng (huyện Tân Châu). Năm 1990, ông nghỉ hưu, vui thú ruộng vườn, chăn nuôi gà, vịt. Hiện nay, cựu chiến binh này chuyên tâm với nghề trồng mai, mít, sầu riêng.
6 người con của ông đều lập gia đình, có kinh tế ổn định. Ngoài việc chăm lo cho gia đình, vợ chồng ông Cát còn tham gia Hội Cựu chiến binh của xã và luôn gương mẫu, nhiệt tình trong các hoạt động xã hội do chính quyền địa phương phát động.
Bà Lê Thị Vinh- Bí thư Chi bộ ấp Tân Lợi cho biết, mỗi khi địa phương vận động phong trào, các cựu chiến binh đều xung phong tham gia. Vừa rồi, địa phương vận động chi phí xây dựng khu dân cư, các cựu chiến binh đều đóng góp mỗi người 1-2 triệu đồng. Hội Cựu chiến binh thành lập quỹ được 71 triệu đồng.
Các thành viên trong Hội có hoàn cảnh khó khăn, đau ốm bệnh tật được vay tiền từ quỹ này với lãi suất thấp để trang trải chi phí. Vào những ngày lễ, tết, hoặc có người bệnh tật, ốm đau, Chi bộ thay mặt cấp uỷ đến thăm, tặng quà động viên tinh thần các cô, chú và cảm ơn các cựu chiến binh đã đóng góp công sức của mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc.
Theo thống kê của Hội Cựu chiến binh tỉnh, Tây Ninh có 9 dân công hoả tuyến từng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, 5 người còn sống, 4 người qua đời vì tuổi cao sức yếu.
Đại Dương