BTN – Tôi không phải là đứa cháu gái duy nhất của nội. Nhưng tôi sống chung với bà từ bé. Lại là cháu gái út nên tôi được nội cưng chiều lắm. Nội luôn dành những món quà đơn sơ nhưng chứa chan tình yêu thương ấm áp của bà.
Nụ cười của Nội. Ảnh: Đ.H.T
Ngày đó, nhà tôi có cả thảy sáu chị em. Ngoài việc lo ăn, mặc, còn phải lo cho chúng tôi đến trường nên ba mẹ tôi phải làm lụng quanh năm suốt tháng ngoài đồng. Bà nội là người chăm sóc tôi từ bé. Bà luôn chơi đùa và chăm chút tôi kể cả bận rộn với việc đan lát của mình. Bất cứ ai la mắng, bắt nạt tôi là nội giận. Giận đến nỗi không nói cũng không buồn ăn. Tôi không vì thế mà được nước, mà hư hỏng. Ngoan ngoãn quanh quẩn suốt ngày bên bà.
Vào những buổi trưa hè, sau bữa cơm trưa, hai bà cháu nằm trên tấm đệm trải ngoài vườn cau. Bà kể cho tôi nghe nào là chuyện Tấm Cám, Thạch Sanh… giọng bà như ru cùng với hương hoa cau dìu dịu, đưa tôi vào giấc ngủ say. Sau khi no giấc, tôi nhổ tóc sâu cho bà. Hát cho bà nghe những bài hát mà bà đã dạy cho tôi. Tiếng hát vang cả khu vườn hoà lẫn tiếng vỗ tay tán thưởng của bà. Hai bà cháu thích thú, nhìn nhau, cười tít mắt.
Thấm thoát rồi cũng đến ngày tôi vào lớp một. Ngày đầu tiên đến lớp, bà dắt tay tôi đi bộ trên con đường làng uốn lượn, quanh co đầy cát trắng, mịn mềm như dải lụa. Hai bên đường, lấp lánh những giọt sương đêm còn đọng lại trên cành cây, ngọn cỏ. Xa xa là những thửa ruộng lúa chín vàng còn ẩn mình trong sương sớm. Hai bà cháu vừa đi, bà vừa kể cho tôi nghe chuyện rùa và thỏ, tôi thích thú, quên đi nỗi sợ thầy cô giáo, sợ bạn bè lạ lẫm. Nhờ thế, những ngày sau đó, tôi quen dần và cùng đến lớp với các anh chị em tôi.
Vì mải tất bật với công việc làm đồng, một nắng hai sương mà ba mẹ tôi không thể lo cho chúng tôi bữa sáng. Nên ngày nào cũng vậy, dù bận rộn hay mệt mỏi đến đâu, bà cũng thức dậy thật sớm, khi thì luộc mớ khoai, khi thì đun nắm xôi nếp cho tôi lót dạ. Chưa bao giờ bà để tôi phải nhịn đói đến trường.
Cũng chính vì nghèo mà ba mẹ tôi không thể mua đủ cho mỗi người một cái cặp. Cứ hai người chung một cái cặp. Những ngày nắng ráo thì không sao. Có hôm mưa gió, tạt nhoè cả chữ, sách dính bết, khi tôi ôm mớ tập sách đứng trước hành lang chờ anh tôi về. Những lần như thế, bà đều ngồi bên bếp lửa, hong sách cho khô cứng từng trang rồi mới cẩn thận xếp lại cho tôi. Đêm đó, khi đang ngồi đan lát, bà như chợt nhớ ra điều gì. Bà vội vàng vào buồng, ngồi soạn đồ đạc trong chiếc rương. Lúc sau, bà mang ra một chiếc giỏ xách bàng nho nhỏ, màu xanh cốm, có thêu cành hoa đỏ rất đẹp. Bà bảo tôi dùng đựng tập sách đi học. Tôi vui mừng lắm. Cảm ơn bà rối rít và ôm chiếc giỏ ngủ. Đêm đó, tôi mơ thấy mình đến trường với chiếc giỏ đáng yêu mà bà đã tặng. Bạn bè tôi ai cũng trầm trồ, ra vẻ thích thú lắm.
Sáng hôm sau, tôi hãnh diện khoác chiếc giỏ đến trường. Nhưng kìa! Sao bạn bè tôi lại chế giễu tôi: A! Bà còng! Bà Còng đi chợ trời mưa… ahaha… rồi đám bạn chạy lại, giật giỏ xách của tôi, quăng luôn xuống vũng nước. Vừa tức giận, vừa tủi thân, tôi oà lên khóc nức nở. Họ đâu biết rằng, tôi yêu quý chiếc giỏ đến nhường nào. Cho dù họ có nói gì đi nữa, ngày ngày tôi vẫn đến trường với chiếc giỏ của nội. Tôi luôn có cảm giác như cùng nội đến trường vào ngày đầu tiên vậy.
Cuối năm đó, tôi đứng nhất lớp. Nội cười và khen tôi hết lời. Nội đào gốc khoai mì sau giàn nước, chà bột và chiên bánh cho tôi. Tôi chưa bao giờ được ăn những chiếc bánh thơm ngon đến vậy. Tôi thích thú vô cùng, vừa ăn, vừa hát, vừa nhảy chân sáo quanh nội. Nội tôi nhìn tôi cười. Nụ cười thật hiền từ.
Thế rồi, tôi cũng học hết cấp một. Chiếc giỏ năm nào đã cũ sờn, rách góc, cành hoa đỏ dần phai màu theo năm tháng. Nội tôi giặt thật sạch sẽ và cẩn thận cất vào chiếc rương cũ kỹ năm nào. Tôi không biết vì sao nội lại làm như vậy. Sau này, tôi mới biết đó là món quà duy nhất mà ông đã tự tay đan tặng bà trước lúc đi xa. Nội tôi yêu ông lắm và cũng yêu tôi nhiều lắm!
Thời gian trôi nhanh. Nội như cành hoa đỏ dần phai màu theo năm tháng. Tôi vẫn luôn giữ chiếc giỏ như giữ bà mãi bên cạnh mình. Với nội, tôi luôn là đứa cháu nhỏ cần được bà chăm chút, chở che. Nội ơi! Con thương nhớ nội nhiều lắm. Trên bàn thờ, nội tôi nhìn tôi cười. Nụ cười thật hiền từ.
Trần Thị Ngọc Tuyết