Lao động đặc thù

PNO – Hiện nay, chúng ta chưa có trung tâm giới thiệu việc làm dành riêng cho người cao tuổi hoặc chỉ là một bộ phận nằm trong các trung tâm giới thiệu việc làm.

Người cao tuổi tái hòa nhập thị trường lao động đang là xu hướng ở nhiều nước. Năm 2021, ở Nhật Bản, có hơn 70% người trên 60 tuổi tham gia thị trường lao động.

Còn theo một nghiên cứu ở Trung Quốc, gần 63% người cao tuổi muốn tiếp tục làm việc sau khi nghỉ hưu. Các tỉ lệ này được dự đoán sẽ tiếp tục tăng khi tốc độ già hóa dân số ở các nước ngày càng nhanh và mức sinh vẫn thấp.

Theo một nghiên cứu về người cao tuổi năm 2019, tỉ lệ người nghỉ hưu tiếp tục làm việc ở Việt Nam chiếm khoảng 42% tổng số người trên 60 tuổi và hiện nay có thể cao hơn.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Những người cao tuổi có thể tham gia thị trường lao động thuộc nhiều nhóm ngành nghề khác nhau, như nhóm kinh doanh, buôn bán; nhóm tham gia nghiên cứu, tư vấn chuyên môn, gia sư, viết lách và dịch thuật; nhóm chạy xe công nghệ, bảo vệ, giúp việc hoặc các công việc khác.

Liên quan đến việc làm của người cao tuổi, tôi cho rằng, cần nhìn nhận sâu sắc ở các khía cạnh như người cao tuổi có khả năng, kinh nghiệm, muốn đầu tư sản xuất, kinh doanh nhưng lại thiếu vốn; làm sao để tạo môi trường phù hợp cho người cao tuổi tham gia đóng góp theo chuyên môn; người cao tuổi tham gia thị trường lao động một cách tự phát bằng những công việc vất vả, không phù hợp với sức khỏe, thu nhập thấp và không ổn định.

Hiện nay, chúng ta chưa có trung tâm giới thiệu việc làm dành riêng cho người cao tuổi hoặc chỉ là một bộ phận nằm trong các trung tâm giới thiệu việc làm.

Chính vì thế, quyền lợi, chế độ bảo hiểm và mức thu nhập cũng như các vấn đề tổ chức, quản lý các đơn vị cung cấp việc làm cho người cao tuổi chưa được triển khai theo kịp với nhu cầu của người cao tuổi và nhu cầu của xã hội.

Bên cạnh đó, rất cần thiết có giải pháp để người cao tuổi tiếp cận công nghệ, thậm chí nhìn xa hơn là những giải pháp hỗ trợ bắt đầu ở tuổi từ 50-60, nhằm giúp họ có nền tảng công nghệ cơ bản trong việc hội nhập với thị trường việc làm và bối cảnh số hóa.

Trong bối cảnh già hóa dân số ngày càng nhanh, việc giữ nguyên quan điểm người cao tuổi là nhóm đã “suy giảm thể chất, tinh thần và năng lực” cũng như việc người cao tuổi bắt buộc phải nghỉ ngơi sẽ làm hạn chế khả năng đóng góp, cống hiến cho cộng đồng và xã hội, nhất là những người từ 60-70 tuổi vốn còn sức khỏe, thạo nghề, có kinh nghiệm ứng xử và có nhiều mối quan hệ.

Chúng ta cần phải thay đổi định kiến xã hội về vấn đề này. Trong đó, chính người cao tuổi cũng phải tự tin vào trình độ, năng lực, hiệu quả công việc của bản thân. Việc tái đào tạo, chuyển đổi nghề cho người lao động là một phần nhằm củng cố cho họ sự tự tin, nhiệt huyết.

Việc tạo điều kiện cho người trên 60 tuổi tham gia lao động – bao gồm người có lương hưu và người không có lương hưu – theo tôi là chính sách lớn, đòi hỏi nhiều giải pháp phối hợp đồng bộ, linh hoạt và khả thi. Hơn nữa, các giải pháp này không chỉ giải quyết vấn đề ngắn hạn mà cần một tầm nhìn dài hạn khi Việt Nam có nguy cơ trở thành quốc gia có dân số già và siêu già.

Cần xem người cao tuổi là một thành phần lao động đặc thù và cần cấp bách có các chính sách lao động, việc làm cho nhóm dân số này. Cần xem xét, hỗ trợ cho các doanh nghiệp và đơn vị sử dụng lao động người cao tuổi.

Ngoài ra, các chương trình tái đào tạo, đào tạo nghề và kỹ năng cho nhóm lao động lớn tuổi phù hợp với nhu cầu sử dụng của thị trường việc làm cũng cần được triển khai; việc thúc đẩy môi trường kết nối giữa doanh nghiệp và người lao động cao tuổi cũng cần được thực hiện.

Thạc sĩ NGUYỄN QUANG VIỆT NGÂN – Phó trưởng khoa Địa lý kiêm Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu dân số và Phát triển, Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn TPHCM

Nhã Chân (ghi)