Kỷ niệm 59 năm Ngày truyền thống ngành Nội chính Đảng 05/01/1966 – 05/01/2025

Ngày 05/01/1966, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 133-NQ/TW thành lập Ban Pháp chế Trung ương – Tổ chức tiền thân của Ban Nội chính Trung ương, đánh dấu sự ra đời chính thức của ngành Nội chính Đảng. Tiếp theo đó, ngày 10/9/2015, Ban Bí thư Trung ương Đảng quyết định lấy ngày 05 tháng 01 hàng năm là Ngày truyền thống ngành Nội chính Đảng.

Ngay từ ngày đầu được thành lập, trong điều kiện hết sức khó khăn, đất nước bị chia cắt, thù trong, giặc ngoài ráo riết chống phá ác liệt, là thời kỳ cách mạng miền Nam đang thực hiện cuôc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, miền Bắc vừa xây dựng chủ nghĩa xã hội (CNXH), vừa chống chiến tranh phá hoại, đồng thời phải làm hậu phương vững chắc để phục vụ chiến trường miền Nam. Trong hoàn cảnh khó khăn đó, nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, Ban Pháp chế Trung ương đã tham mưu có hiệu quả cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư lãnh đạo, chỉ đạo tăng cường công tác pháp chế xã hội chủ nghĩa (XHCN). Đã nghiên cứu, thẩm định trình trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư lãnh đạo, chỉ đạo Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành các pháp lệnh về trừng trị các tội phản cách mạng, về bảo vệ tài sản XHCN và bảo vệ tài sản của công dân. Pháp lệnh về danh hiệu Anh hùng các lực lượng võ trang; phối hợp cùng các ngành dự thảo một số Sắc luật cho Chính phủ lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Nghiên cứu đề xuất Bộ Chính trị về chương trình lập pháp dài hạn, thành lập Viện nghiên cứu khoa học pháp lý, Ủy ban Pháp chế của Hội đồng Chính phủ, tái lập Ủy ban Thanh tra Chính phủ; xây dựng Đề án Tuyên truyền, giáo dục pháp luật và phối hợp triển khai thực hiện; phối hợp với các cơ quan chuyên môn biên soạn và xuất bản sách về pháp luật, nhiều tài liệu, giáo trình và bài giảng cho một số trường đại học, v.v… Kết quả hoạt động của Ban Pháp chế Trung ương trong thời gian này đã góp phần to lớn vào công cuộc xây dựng CNXH ở miền Bắc và sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

 Sau khi chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử giành thắng lợi hoàn toàn, đất nước thống nhất. Trước yêu cầu mới của cách mạng, Ban Bí thư ban hành quyết định Quy định cụ thể về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức của Ban Nội chính Trung ương và thành lập Ban Nội chính các tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương. Đây là giai đoạn phát triển mới của ngành Nội chính của Đảng. Thực hiện các chức năng, nhiệm vụ được giao, trong giai đoạn này, ngành Nội chính Đảng từ Trung ương đến các địa phương đã chủ trì, phối hợp tham mưu có hiệu quả cho Đảng ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết quan trọng về công tác xây dựng pháp luật, cải cách tư pháp, phòng chống tham nhũng, lãng phí, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước.

Năm  2007, thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa X) về đổi mới, kiện toàn tổ chức, bộ máy cơ quan Đảng, Ban Nội chính hợp nhất vào Văn phòng cấp ủy và thành lập Văn phòng Ban Chỉ đạo về phòng, chống tham nhũng ở Trung ương và cấp tỉnh, thành phố. Trong giai đoạn này, ngành Nội chính Đảng đã nghiên cứu, thẩm định, tham mưu cho Đảng các chương trình xây dựng pháp luật; chủ trì, phối hợp tham mưu sơ kết, tổng kết, ban hành một số chỉ thị, nghị quyết quan trọng của Đảng về công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng, lãng phí; tham mưu, xử lý các vụ việc, vụ án nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm theo quy định của pháp luật.

Để đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới của đất nước về công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng, Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) đã thông qua Nghị quyết số 14-NQ/TW ngày 15/5/2012 và Kết luận số 21-KL/TW ngày 22/5/2012 về việc thành lập Ban Nội chính Trung ương và Ban Nội chính các tỉnh ủy, thành ủy. Ngày 08/4/2013, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Quy định số 183-QĐ/TW về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của Ban Nội chính tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương.

I. CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ BAN NỘI CHÍNH TRUNG ƯƠNG

1– Chức năng

Ban Nội chính Trung ương là cơ quan tham mưu, giúp việc của Ban Chấp hành Trung ương, trực tiếp và thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư về chủ trương và các chính sách lớn thuộc lĩnh vực nội chính, phòng, chống tham nhũng và cải cách tư pháp; đồng thời là cơ quan chuyên môn, nghiệp vụ về công tác nội chính của Đảng, cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng và Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương.

2– Nhiệm vụ, quyền hạn

1. Nghiên cứu, tham mưu

a) Chủ trì hoặc phối hợp nghiên cứu, tham mưu những quan điểm, chủ trương, định hướng của Đảng về công tác xây dựng pháp luật, trọng tâm là những đề án liên quan đến lĩnh vực nội chính, phòng, chống tham nhũng và cải cách tư pháp.

b) Chủ trì hoặc phối hợp nghiên cứu, tham mưu một số chủ trương, chính sách lớn về an ninh quốc gia, phòng, chống tham nhũng và cải cách tư pháp; phối hợp nghiên cứu, tham mưu về tổ chức và hoạt động của các cơ quan nội chính (viện kiểm sát, toà án, tư pháp, thanh tra, công an, quân đội), Hội Luật gia Việt Nam, Liên đoàn Luật sư Việt Nam và một số cơ quan, tổ chức có liên quan trong lĩnh vực nội chính, tư pháp ở Trung ương.

c) Chủ trì hoặc phối hợp với các cơ quan có liên quan nghiên cứu, tham mưu với Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng và Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương lãnh đạo, chỉ đạo sửa đổi, bổ sung, khắc phục những sơ hở, bất cập về cơ chế, chính sách, pháp luật trong lĩnh vực nội chính, phòng, chống tham nhũng và cải cách tư pháp; cho chủ trương, định hướng xử lý một số vụ việc, vụ án nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm theo quy định.

d) Tổng kết thực tiễn, nghiên cứu khoa học, góp phần xây dựng lý luận về công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng và cải cách tư pháp.

2. Hướng dẫn, kiểm tra, giám sát

a) Phối hợp với Uỷ ban Kiểm tra Trung ương tham mưu, giúp Bộ Chính trị, Ban Bí thư xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình, kế hoạch kiểm tra, giám sát hằng năm thuộc lĩnh vực nội chính, phòng, chống tham nhũng và cải cách tư pháp.

b) Chủ trì, phối hợp hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát các cấp uỷ, tổ chức đảng trong việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về lĩnh vực nội chính, phòng, chống tham nhũng và cải cách tư pháp.

c) Chủ trì hoặc phối hợp với các cơ quan liên quan giúp Bộ Chính trị, Ban Bí thư kiểm tra, giám sát việc thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước ở các cơ quan nội chính, Hội Luật gia Việt Nam, Liên đoàn Luật sư Việt Nam.

d) Chủ trì hoặc phối hợp với các cơ quan liên quan chỉ đạo, hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc xử lý một số vụ việc, vụ án được Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng giao.

đ) Chủ trì hướng dẫn, bồi dưỡng nghiệp vụ công tác cho các ban nội chính tỉnh uỷ, thành uỷ và đội ngũ cán bộ làm công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng và cải cách tư pháp của các cấp uỷ, tổ chức đảng; tham gia về phương hướng, nhiệm vụ công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng và cải cách tư pháp của các tỉnh uỷ, thành uỷ và các cấp uỷ, tổ chức đảng trực thuộc Trung ương.

e) Thực hiện các nhiệm vụ khác về kiểm tra, giám sát trong lĩnh vực nội chính, phòng, chống tham nhũng và cải cách tư pháp theo quy định của Đảng.

3. Thẩm định

Thẩm định hoặc tham gia ý kiến đối với các đề án, các chủ trương thuộc lĩnh vực nội chính, phòng, chống tham nhũng và cải cách tư pháp trước khi trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

4. Tham gia về công tác tổ chức, cán bộ

a) Phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương hướng dẫn về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của ban nội chính tỉnh uỷ, thành uỷ trực thuộc Trung ương.

b) Phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương và các cơ quan liên quan thẩm định, tham gia ý kiến về công tác cán bộ đối với các chức danh cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý và các chức danh khác theo quy định.

5. Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn Cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương theo quy định của Bộ Chính trị, Quy chế làm việc của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng và Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương.

6. Hợp tác quốc tế về lĩnh vực nội chính, phòng, chống tham nhũng và cải cách tư pháp theo chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền.

7. Thực hiện các nhiệm vụ khác do Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương giao.

8. Để thực hiện chức năng, nhiệm vụ, Ban Nội chính Trung ương được quyền:

a) Yêu cầu các cơ quan nội chính, tư pháp Trung ương và các cấp uỷ, tổ chức đảng trực thuộc Trung ương báo cáo định kỳ hoặc đột xuất để thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao; yêu cầu các cấp uỷ, tổ chức đảng, cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan làm việc, báo cáo, cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến việc thực hiện nhiệm vụ.

b) Tham dự các phiên họp của các tỉnh uỷ, thành uỷ, ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng uỷ trực thuộc Trung ương có nội dung liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của Ban Nội chính Trung ương.