Khi hai tỉnh từng thuộc phủ Gia Định xưa ‘về chung một nhà’, Việt Nam sẽ có thêm một cực tăng trưởng mới ở phía Nam

Nguyễn Thảo

Việc sáp nhập tỉnh Long An và Tây Ninh – hai địa phương từng thuộc phủ Gia Định xưa không đơn thuần là sự thay đổi về địa giới hành chính, mà còn là bước ngoặt chiến lược trong quy hoạch phát triển không gian kinh tế phía Nam.

Tái cấu trúc hành chính – đòn bẩy cải cách mạnh mẽ

Theo phương án tổ chức lại đơn vị hành chính cấp tỉnh đang được đề xuất, Tây Ninh và Long An sẽ hợp nhất thành một tỉnh mới mang tên Tây Ninh, với trung tâm hành chính – chính trị đặt tại TP. Tân An (Long An). Tỉnh mới sẽ có diện tích tự nhiên hơn 8.500km2, dân số trên 3,3 triệu người và bao gồm 96 đơn vị hành chính cấp xã.

Sự sáp nhập này là một phần trong lộ trình tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu quả điều hành theo chủ trương của Đảng và Nhà nước. Nhưng hơn thế, đó là cơ hội để tái cấu trúc không gian phát triển, tổ chức lại các trục giao thông, các hành lang kinh tế và vùng động lực, giúp tối ưu hóa nguồn lực vùng.

Khi hai tỉnh từng thuộc phủ Gia Định xưa ‘về chung một nhà’, Việt Nam sẽ có thêm một cực tăng trưởng mới ở phía Nam- Ảnh 1.
Một góc tỉnh Long An hiện nay. Ảnh: Internet

Long An – Tây Ninh: Sự kết nối của những giá trị tương hỗ

Nếu Long An là vùng chuyển tiếp giữa Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long, nổi bật với công nghiệp, logistics, hạ tầng và khả năng thu hút đầu tư; thì Tây Ninh lại là cánh cửa hướng Tây Bắc, giáp Campuchia, giàu tiềm năng du lịch tâm linh, sinh thái và năng lượng tái tạo.

Tỷ trọng cơ cấu kinh tế của hai tỉnh hiện nay khá tương đồng: công nghiệp – xây dựng chiếm trên 45%, nông – lâm – ngư nghiệp trên 15%, dịch vụ khoảng 26%. Tổng GRDP năm 2024 của hai địa phương đạt hơn 312.000 tỷ đồng. Sự hợp nhất kỳ vọng sẽ tạo ra một cấu trúc kinh tế cân bằng hơn, gia tăng giá trị bổ trợ giữa công nghiệp và nông nghiệp, giữa thương mại nội địa và giao thương biên mậu.

Về hạ tầng, cả hai tỉnh đều nằm trên các trục giao thông quan trọng như Quốc lộ 22, cao tốc TP. HCM – Mộc Bài, tuyến vành đai 3, 4 và hành lang kinh tế Xuyên Á. Việc quy hoạch chung một hệ thống hạ tầng liên vùng sẽ giúp giảm áp lực cho TP. HCM, đồng thời mở rộng không gian phát triển đô thị vệ tinh và khu công nghiệp sinh thái.

Khi hai tỉnh từng thuộc phủ Gia Định xưa ‘về chung một nhà’, Việt Nam sẽ có thêm một cực tăng trưởng mới ở phía Nam- Ảnh 2.
Đường Hồ Chí Minh đi qua 2 tỉnh Tây Ninh và Long An đang được thi công. Ảnh: THANH QUÂN

Bản đồ văn hóa – du lịch mới đang hình thành

Bên cạnh những lợi thế kinh tế, tỉnh hợp nhất còn là nơi hội tụ của những giá trị văn hóa – lịch sử phong phú. Tây Ninh với núi Bà Đen, tòa thánh Cao Đài, di tích lịch sử chiến khu D; Long An với làng cổ Phước Lộc Thọ, khu du lịch Cánh Đồng Bất Tận, rừng tràm Láng Sen, đền thờ Nguyễn Trung Trực… – tất cả sẽ tạo thành một chuỗi du lịch liên kết độc đáo, mang bản sắc sông nước, núi non và tâm linh.

Sự khác biệt về địa hình là Long An mang dáng dấp đồng bằng trù phú, trong khi Tây Ninh lại là vùng bán sơn địa càng làm nổi bật tiềm năng đa dạng hóa sản phẩm du lịch. Đây sẽ là điều kiện lý tưởng để phát triển du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái, văn hóa và tâm linh theo mô hình liên kết vùng.

Khi hai tỉnh từng thuộc phủ Gia Định xưa ‘về chung một nhà’, Việt Nam sẽ có thêm một cực tăng trưởng mới ở phía Nam- Ảnh 3.
Núi Bà Đen, Tây Ninh – Nóc nhà Nam Bộ. Ảnh: Internet

Bước tiến trong quản lý vùng và an ninh biên giới

Cả Long An và Tây Ninh đều là địa phương có đường biên giới với Campuchia, thuộc Quân khu 7, giữ vai trò trọng yếu trong thế trận quốc phòng – an ninh. Sự sáp nhập sẽ giúp thống nhất trong chỉ đạo, điều phối các lực lượng, đồng thời nâng cao năng lực kiểm soát tuyến biên giới dài và phức tạp.

Không chỉ là bài toán hành chính, việc hợp nhất còn thể hiện một tư duy chiến lược mới trong quản trị vùng biên: phát triển đi đôi với bảo vệ. Khi biên giới không chỉ là ranh giới an ninh mà còn là cửa ngõ giao thương, thì một cấu trúc quản lý thống nhất sẽ giúp nâng tầm năng lực cạnh tranh khu vực.

Cơ hội và thách thức cho thị trường bất động sản

Với quy mô mới, tỉnh Tây Ninh mở rộng sẽ trở thành điểm sáng mới trên bản đồ bất động sản công nghiệp và đô thị vệ tinh. Những khu vực giáp ranh TP. HCM như Đức Hòa, Bến Lức (Long An) hay Trảng Bàng, Gò Dầu (Tây Ninh) sẽ được hưởng lợi lớn từ chính sách liên kết hạ tầng và thu hút đầu tư.
Khi hai tỉnh từng thuộc phủ Gia Định xưa ‘về chung một nhà’, Việt Nam sẽ có thêm một cực tăng trưởng mới ở phía Nam- Ảnh 4.
Khu công nghiệp Thành Thành Công (TX.Trảng Bàng, Tây Ninh) nằm ngay ranh giới Tây Ninh và Long An. Ảnh: THANH QUÂN

Các dự án khu công nghiệp, khu đô thị sinh thái, logistics và hạ tầng dịch vụ sẽ là làn sóng phát triển chủ đạo trong giai đoạn 2025 – 2030. Tuy nhiên, để khai thác hiệu quả tiềm năng, chính quyền tỉnh mới cần có chiến lược quy hoạch tổng thể, tránh phát triển manh mún và phân mảnh lợi ích giữa các khu vực.

Sự kiện sáp nhập Long An – Tây Ninh mở ra một chương mới cho câu chuyện phát triển vùng Đông Nam Bộ. Không chỉ tái hiện ký ức phủ Gia Định xưa trong hình hài hiện đại, mà còn là bước đi hiện thực hóa khát vọng xây dựng một trung tâm tăng trưởng mới – nơi con người, thiên nhiên và công nghiệp cùng cộng hưởng, cùng phát triển.