HƯỚNG DẪN NGHIỆP VỤ CÔNG TÁC HỘI

1.Hội viên

a)Điều kiện gia nhập Hội:

– Công dân Việt Nam từ đủ 60 (sáu mươi) tuổi trở lên, tán thành Điều lệ Hội, tự nguyện gia nhập Hội, được chi hội hoặc Ban Chấp hành Hội Người cao tuổi cơ sở (nơi chưa có chi hội) đồng ý thì được công nhận là hội viên chính thức, được cấp thẻ hội viên .

–  Trường hợp công dân Việt Nam từ 55 tuổi đến dưới 60 tuổi, tán thành điều lệ Hội nếu tự nguyện tham gia Hội hoặc là cán bộ được cấp có thẩm quyền phân công làm cán bộ Hội thì được công nhận là hội viên chính thức.

– Công dân Việt Nam không có điều kiện là hội viên chính thức của hội, tán thành điều lệ hội, tự nguyện xin vào hội thì được công nhận là hội viên danh dự. Hội viên danh dự được được hưởng quyền và nghĩa vụ như hội viên chính thức, trừ quyền biểu quyết, bầu cử, ứng cử vào các cơ quan lãnh đạo, ban kiểm tra của Hội

– Người muốn gia nhập hội, kể cả hội viên danh viên danh dự phải có đơn xin vào Hội ( theo mẫu thống nhất )  báo cáo tổ hội, chi hội công nhận. Trường hợp có nguyện vọng vào Hội nhưng không viết được đơn thì gặp tổ Hội, chi Hội đề nghị; tổ hội báo cáo chi hội xem xét công nhận hội viên. Sau khi được công nhận là hội viên, chi hội báo cáo danh sách với Ban Chấp hành Hội Người cao tuổi cơ sở và ghi tên vào danh sách Hội viên. Nơi chưa có chi hội, tổ hội thì người xin vào Hội báo cáo trực tiếp lãnh đạo Hội Người cao tuổi cấp xã trình Ban Chấp hành Hội Người cao tuổi cơ sở công nhận hội viên.

b) Xoá tên hội viên và công nhận lại hội viên:

Hội viên vi phạm Điều lệ Hội; vi phạm pháp luật đến mức phải xoá tên hội viên do tổ hội  xem xét, báo cáo chi hội quyết định và báo cáo Ban Chấp hành Hội Người cao tuổi cơ sở. Người bị xoá tên thời gian ít nhất sau một năm, muốn được công nhận lại hội viên, phải có đơn, được tổ hội hoặc chi hội (nơi không có tổ hội) xem xét, chi hội công nhận và báo cáo Ban Chấp hành Hội Người cao tuổi cơ sở.

Việc xoá tên hội viên, công nhận lại hội viên phải có trên 50%  số hội viên của tổ hội, chi hội đồng ý. Nơi chưa có chi hội do Ban Chấp hành Hội Người cao tuổi cơ sở xem xét quyết định xoá tên, kết nạp lại hội viên.

  1. Thẻ hội viên:

-Thẻ hội viên do Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam thống nhất phát hành, Chủ tịch Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam đương nhiệm ký. Thẻ hội viên phát hành các nhiệm kỳ đều có giá trị như nhau.

– Hội viên được Hội Người cao tuổi cơ sở cấp thẻ, có trách nhiệm bảo quản thẻ, sử dụng thẻ trong sinh hoạt Hội và trong các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.  Hội Người cao tuổi cơ sở phát thẻ cho Hội viên thông qua chi hội, tổ hội. Trường hợp thẻ bị hỏng, mất, Hội Người cao tuổi cơ sở tổng hợp báo cáo với tổ chức Hội cấp trên để đổi hoặc cấp lại thẻ cho hội viên.

3.Về nhiệm vụ của hội viên

a) Sinh hoạt hội:

Hội viên tham gia sinh hoạt, hoạt động, thực hiện nghĩa vụ và quyền của hội viên tại một tổ chức cơ sở Hội. Hội viên có thể tham gia sinh hoạt câu lạc bộ người cao tuổi ở nơi khác theo tinh thần tự nguyện và chấp hành quy định của nơi đó.

– Hội viên tham gia Ban Chấp hành, Ban Đại diện Hội Người cao tuổi các cấp phải tham gia sinh hoạt Hội nơi cư trú và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ, quyền hạn của hội viên.

– Hội viên phải chấp hành đầy đủ Điều lệ Hội, các nghị quyết của Hội. Đối với hội viên già yếu, đi lại khó khăn, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, miền núi… được miễn sinh hoạt nếu có nguyện vọng.         

b) Hội phí:

-Hội viên chính thức và hội viên danh dự đóng hội phí 2.000 đồng (hai ngàn đồng)/ tháng/ hội viên.  Hội viên là người già yếu, không nơi nương tựa, hoàn cảnh thực sự khó khăn có thể được miễn hoặc giảm 50% hội phí. Việc miễn, giảm hội phí do chi hội quyết định và báo cáo với Ban Chấp hành Hội Người cao tuổi cơ sở. Hội khuyến khích hội viên có điều kiện tự nguyện đóng hội phí nhiều hơn quy định. Việc thu hội phí của hội viên theo từng tháng có thể nộp theo quý, sáu tháng hoặc cả năm do chi hội quyết định.

– Căn cứ điều kiện cụ thể, Ban Chấp hành Hội Người cao tuổi cơ sở quyết định trích để lại cho chi hội hoạt động ít nhất 70% số hội phí thu được, số còn lại nộp cho Hội cơ sở. Hội phí được sử dụng vào các hoạt động của Hội: Hội họp, văn phòng phẩm, tài liệu học tập, báo chí, thăm hỏi Hội viên đau ốm và chi trả thù lao cho cán bộ chi hội nhưng phải được hội viên thảo luận đồng ý.

4.Quyền của hội viên

a) Hội viên được chi hội, tổ hội hướng dẫn, cung cấp thông tin về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước; quy định của địa phương liên quan tới Người cao tuổi

b) Hội viên được quyền chất vấn, phê bình, giám sát các cơ quan lãnh đạo hoặc cá nhân lãnh đạo của Hội về những vấn đề liên quan đến người cao tuổi và Hội Người cao tuổi. Khi phát hiện tổ chức Hội, cán bộ lãnh đạo các cấp của Hội có dấu hiệu vi phạm Điều lệ Hội, hội viên báo cáo với tổ hội, chi hội hoặc tổ chức Hội cấp trên xem xét giải quyết

c) Hội viên được thảo luận và biểu quyết công việc của Hội theo nguyên tắc thiểu số phục tùng đa số, nói và làm theo nghị quyết của tổ chứ Hội. Hội viên chính thức được ứng cử, đề cử, bầu cử vào Ban Chấp hành Hội Người cao tuổi cơ sở và lãnh đạo chi hội, tổ hội; ứng cử hoặc đề cử người tham gia tổ chức Hội cấp trên khi có yêu cầu.

d) Được phát huy uy tín, khả năng, kinh nghiệm sống trong gia đình và xã hội:

-Gương mẫu thực hiện và vận động mọi người cùng thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng; chính sách, pháp luật của nhà nước; góp phần tuyên truyền, giáo dục con, cháu trong gia đình và thế hệ trẻ về truyền thống tốt đẹp của dân tộc, của gia đình, dòng họ và địa phương

-Truyền thụ kinh nghiệm, kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp của bản thân cho con cháu trong gia đình, cộng đồng; tham gia xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở và các hoạt động của địa phương

-Tùy theo khả năng điều kiện, hội viên tham gia các chương trình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng, các quy định của địa phương và khu dân cư

-Được giúp đỡ khi gặp khó khăn, hoạn nạn; được thăm hỏi khi ốm đau, được chúc thọ, mừng thọ; phúng viếng, tiễn đưa khi qua đời theo quy định của luật Người cao tuổi

– Hội viên là Người cao tuổi được miễn các khoản đóng góp cho các hoạt động xã hội ở nơi cư trú, trừ trường hợp đóng góp tự nguyện

5.Chúc thọ, mừng thọ

Hội viên thọ 100 tuổi được Chủ tịch nước Cộng hòa XHCN Việt Nam tặng thiếp mừng thọ và tặng quà; Hội viên thọ 90 tuổi được Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chúc thọ và tặng quà; Hội viên thọ 70,75, 80, 85, 90, 95 và trên 100 tuổi do UBND xã, phường, thị trấn tổ chức mừng thọ và tặng quà theo quy định của Nhà nước. Tổ chức Hội Người cao tuổi các cấp tham gia phối hợp với cơ quan chức năng để lập danh sách báo cáo chính quyền, phối hợp với gia đình tổ chức mừng thọ, tặng quà, trao giấy mừng thọ của Hội, của lãnh đạo địa phương theo quyết định của chính quyền và phong tục, tập quán của địa phương.

6.Chi hội, tổ hội 

a) Tổ chức :

– Chi hội được thành lập tại thôn, ấp, bản, phum, sóc, khu dân cư, tổ dân phố… (gọi chung là thôn). Những Chi hội có đông hội viên tổ chức các tổ hội trực thuộc.

– Chi hội trưởng, chi hội phó; tổ hội trưởng, tổ hội phó được bầu theo nhiệm kỳ của Hội Người cao tuổi cơ sở

– Chi hội chịu sự lãnh đạo của chi uỷ và Ban Chấp hành Hội Người cao tuổi cơ sở. Chi hội, tổ hội họp thường kỳ 6 tháng một lần, họp bất thường khi cần.

-Chi hội có chi hội trưởng và một số chi hội phó, do Ban Chấp hành Hội Người cao tuổi cơ sở giới thiệu hoặc do chi hội bầu. Khi thay đổi chi hội trưởng, chi hội phó, chi hội báo cáo với Ban Thường vụ Hội Người cao tuổi cơ sở để bổ sung hoặc thay thế. Khi cần thiết, Ban Chấp hành Hội Người cao tuổi cơ sở chỉ định chi hội trưởng, chi hội phó.

– Tổ trưởng, tổ phó tổ hội do hội viên bầu hoặc do chi hội chỉ định.

b)  Nhiệm vụ :  Thực hiện theo quy định tại điểm 2, Điều23 Điều lệ Hội và hướng dẫn của tổ chức Hội cấp trên; phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện nhiệm vụ chăm sóc, phát huy vai trò người cao tuổi trong phạm vi chi hội quản lý. Chi hội thu hội phí của hội viên, quản lý và sử dụng có hiệu quả phần hội phí được để lại chi hội theo quy định của Ban Chấp hành Hội Người cao tuổi cơ sở.

7.Ban Chấp hành Hội cơ sở

a)Tổ chức:

– Ban Chấp hành Hội cơ sở do đại hội bầu cử từ 5 đến 17 ủyviên, trong đó có đại diện của một số chi hội và tổ chức có liên quan đến công tác người cao tuổi. Ban Thường vụ có từ 3-5 ủy viên nhưng không quá 1/3 số ủy viên Ban chấp hành, nơi có dưới 9 ủy viên Ban chấp hành chỉ bầu chủ tịch và phó chủ tịch, không bầu ban thường vụ. Đại hội bầu Ban Kiểm tra gồm từ 3-5 ủy viên gồm trưởng ban, phó ban và các ủy viên

– Ban Chấp hành Hội Người cao tuổi cơ sở chịu sự lãnh đạo của cấp ủy, quản lý của chính quyền cùng cấp và hướng dẫn công tác tổ chức Hội cấp trên

– Ban Chấp hành Hội Người cao tuổi cơ sở do Chủ tịch UBND cùng cấp quyết định công nhận. Kết quả bầu cử Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Ban Kiểm tra  phải báo cáo Ban Đại diện Hội Người cao tuổi cấp huyện.

Khi cần, Ban Chấp hành Hội Người cao tuổi cơ sở được bầu bổ sung uỷ viên Ban Chấp hành nhưng không quá một phần ba số uỷ viên do đại hội bầu; được cử lãnh đạo Hội cơ sở tham gia Ban Đại diện Hội Người cao tuổi cấp trên và sau đó thông báo cho các chi hội biết. Ban Chấp hành Hội Người cao tuổi cơ sở phân công ủy viên phụ trách các công tác: Văn phòng, tổ chức, thi đua khen thưởng, tài chính, chăm sóc, phát huy vai trò người cao tuổi, phụ trách chi hội. Ban Kiểm tra của Hội Người cao tuổi cơ sở thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn theo quy định của Điều lệ Hội Người cao tuổi Việt Nam.

b)Việc thôi tham gia Ban Chấp hành:

-Uỷ viên Ban Chấp hành khi chuyển khỏi nơi cư trú, khi thôi công tác Hội hoặc do sức khỏe yếu không đảm nhận được công việc, Ban Thường vụ xem xét, quyết định cho thôi ủy viên Ban Chấp hành, báo cáo UBND cùng cấp, tổ chức Hội cấp trên, đồng thời báo cáo Ban Chấp hành trong phiên họp gần nhất và thông báo cho các chi hội.

– Uỷ viên Ban Chấp hành vi phạm Điều lệ Hội tuỳ theo tính chất, mức độ, Ban Chấp hành  xoá tên trong danh sách Ban Chấp hành. Việc xoá tên ủy viên Ban Chấp hành phải có sự tán thành của trên 50% số uỷ viên Ban Chấp hành đương nhiệm, Ban Chấp hành phải báo cáo với cấp uỷ, chính quyền cơ sở, tổ chức Hội cấp trên trực tiếp và thông báo với các chi hội.

8.Về xem xét, giải quyết đơn, thư khiếu nại trong hệ thống tổ chứ Hội

a) Thẩm quyền giải quyết:

– Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Ban Kiểm tra của Hội Người cao tuổi cấp cơ sở, cấp trung ương và Ban Đại diện Hội Người cao tuổi cấp tỉnh, cấp huyện có nhiệm vụ giải quyết khiếu nại trong hệ thống tổ chức Hội liên quan đến hội viên và tổ chức Hội.

–  Ban Thường vụ, Ban Kiểm tra của Hội Người cao tuổi cấp cơ sở có trách nhiệm xem xét khiếu nại của hội viên do chi hội đề nghị; trường hợp cần thiết, báo cáo với Ban Chấp hành cơ sở Hội hoặc Ban Đại diện Hội Người cao tuổi cấp trên giải quyết.

Tổ chức Hội Người cao tuổi cấp trên chỉ giải quyết những khiếu nại do tổ chức Hội cấp dưới trực tiếp đã giải quyết nhưng người khiếu nại chưa đồng tình. Đơn thư khiếu nại vượt cấp chuyển lại cho tổ chức Hội Người cao tuổi cấp dưới xử lý theo thẩm quyền và thông báo cho người khiếu nại biết.

–  Khi nhận được khiếu nại, tổ chức Hội Người cao tuổi thông báo cho tổ chức và người khiếu nại biết, trường hợp thuộc thẩm quyền xử lý của mình, chậm nhất trong vòng 45 ngày phải xem xét xử lý xong.

b) Không giải quyết các trường hợp khiếu nại:  Những khiếu nại đó được cấp có thẩm quyền cao nhất xem xét, kết luận mà không có chứng cứ mới; việc khiếu nại đã được Toà án thụ lý hoặc đã được giải quyết bằng bản án, bằng quyết định của Toà án theo quy định của Luật Khiếu nại.

9.Giải quyết tố cáo đối với tổ chức Hội và hội viên

Cán bộ, hội viên phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, khi tố cáo về những việc làm sai trái của tập thể và cá nhân, phải nói đúng sự thật, ghi rõ họ, tên, địa chỉ, chịu trách nhiệm về nội dung tố cáo của mình và chỉ gửi đến những cơ quan có thẩm quyền giải quyết.

a) Thẩm quyền giải quyết: Tổ chức Hội các cấp có nhiệm vụ giải quyết tố cáo đối với tổ chức Hội và cán bộ, hội viên theo phân cấp quản lý cán bộ.

Khi nhận được đơn thư tố cáo của tổ chức Hội và cán bộ, hội viên phải có trách nhiệm xử lý kịp thời: Chậm nhất là 60 ngày đối với Ban Đại diện Hội cấp tỉnh, huyện và Ban Chấp hành Hội Người cao tuổi cơ sở, 90 ngày đối với Ban Thường vụ Trung ương Hội; hết thời hạn mà chưa giải quyết xong thì phải thông báo cho người tố cáo biết lý do.

b) Trách nhiệm giải quyết tố cáo: Không để người bị tố cáo chủ trì giải quyết tố cáo liên quan đến bản thân, không để người tố cáo chủ trì giải quyết nội dung mình tố cáo. Nghiêm cấm và kiên quyết xử lý những tổ chức và cán bộ lãnh đạo Hội trù dập người tố cáo.

Tổ chức Hội không xem xét giải quyết những đơn, thư tố cáo giấu tên, mạo tên, không rõ địa chỉ; không có nội dung cụ thể, không có căn cứ thẩm tra, xác minh.

Khi tiến hành giải quyết, tổ chức Hội, cán bộ, hội viên bị tố cáo phải giải trình sự việc một cách trung thực, rõ ràng, đầy đủ, kịp thời với tổ chức Hội hoặc cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Đối với những nội dung tố cáo không thuộc thẩm quyền giải quyết của Hội, tổ chức Hội sẽ chuyển đơn thư tố cáo đó đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết và thông báo cho người tố cáo biết hoặc trả lại cho người tố cáo gửi đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết.

10.Về tài chính, tài sản của Hội

Hàng năm, tổ chức Hội từng cấp lập dự toán kinh phí hoạt động của năm sau, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định; thực hiện việc quyết toán thu chi và kiểm kê tài sản của đơn vị mình theo quy định của Bộ Tài chính và pháp luật Nhà nước.

Ban Thường vụ Hội Người cao tuổi cơ sở kiểm tra công tác tài chính, tài sản của chi hội. Ban Đại diện Hội Người cao tuổi các cấp kiểm tra công tác tài chính, tài sản của Văn phòng Hội cấp mình, tổ chức Hội và đơn vị sự nghiệp trực thuộc (nếu có).