BTN – 64 tuổi, nhưng hầu như ngày nào ông Tạ Văn Nghiệp, ngụ ấp Trảng Trai, xã Tân Hoà, huyện Tân Châu cũng dành thời gian thăm nom những khu rừng trồng của mình. Nhờ những cây rừng này, gia đình ông vượt qua khó khăn.
Anh Đặng Quang Thắng (thứ 2 bên phải) tham quan khu rừng của ông Nghiệp và hướng dẫn ông thực hiện các biện pháp phòng, chống cháy rừng vào mùa khô.
Thu nhập ổn định
Quê ông ở Long An, năm 1978, lũ tràn khắp miền Tây, gia đình ông Nghiệp rời quê, lên Tây Ninh tìm kế sinh nhai. Thời gian đầu, chân ướt chân ráo ở vùng đất mới, gia đình ông Nghiệp gặp nhiều khó khăn.
Không đất đai, không nghề nghiệp, ông Nghiệp chỉ biết ra sức làm thuê kiếm sống. Thời điểm này ở Tây Ninh có chủ trương trồng cây gây rừng, gia đình ông nhận đi trồng rừng thuê cho bà con ở xã Tân Hoà, huyện Tân Châu.
Với bản tính cần cù, dần dần ông trở thành “đầu công” được nhiều người biết đến. Sau nhiều năm chí thú làm ăn, ông tích cóp được một số tiền sang nhượng lại đất để canh tác khoai mì.
Lúc đó, ở địa phương có nhiều hộ dân hợp đồng trồng rừng với Ban Quản lý khu rừng phòng hộ (RPH) Dầu Tiếng, nhưng bà con muốn sang nhượng cho người khác. “Bà con không hiểu về trồng rừng, thấy thu hoạch chậm nên nản, nhượng hợp đồng trồng rừng với giá rất rẻ, chỉ vài trăm ngàn đồng/ha”- ông Nghiệp nhớ lại.
Nhờ có quá trình tham gia vào việc trồng rừng, ông Nghiệp hiểu được giá trị gỗ, hiểu được tầm quan trọng của cây xanh đối với môi trường, với cuộc sống nên ông liền dốc hết số tiền dành dụm sang nhượng lại những hợp đồng này.
Sau vài năm tiếp tục chăm sóc, những đám rừng trồng của ông đã tới kỳ thu hoạch. Khi thanh lý 8 ha cây tràm đầu tiên, gia đình ông Nghiệp thu về 1,4 tỷ đồng. Lão nông này phân tích, trồng mì, nặng vốn đầu tư, nặng công chăm sóc hơn, nhưng thu nhập khá bấp bênh.
Ông Nghiệp thổi lá cây rừng ra xa khỏi gốc cây để phòng, chống cháy rừng.
Năm nào được mùa, đặng giá còn kiếm sống được; năm nào mưa sớm, sâu rầy phá hoại hoặc mì rớt giá, không lỗ hoặc huề vốn đã là may. Trong khi đó, trồng rừng thì được Ban Quản lý khu RPH Dầu Tiếng hỗ trợ cây giống, kỹ thuật, chi phí phòng chống cháy rừng.
Mặc dù phải chờ đến 5-7 năm sau mới thanh lý, nhưng lời được 50-70 triệu đồng/ha. “Tính ra, so với việc canh tác cây mì thì trồng cây lâm nghiệp cho thu nhập cao và ổn định hơn”- ông Nghiệp nói.
Góp phần bảo vệ môi trường
Theo lời ông Nghiệp, ngoài lợi ích kinh tế có thể nhìn thấy được, việc trồng rừng còn mang đến nhiều lợi ích vô hình khác, đó là góp phần bảo vệ môi trường, chống xói mòn, điều tiết nước cho công trình thuỷ lợi Dầu Tiếng, tạo nguồn gỗ nguyên liệu dồi dào cho ngành công nghiệp chế biến gỗ, v.v…
Từ thực tế nêu trên, vợ chồng ông Nghiệp quyết tâm đầu tư, sang nhượng thêm nhiều hợp đồng trồng rừng khác. Tính đến nay, lão nông này đã có trong tay hơn 80 ha rừng trồng hợp đồng với nhiều mô hình xen canh, chuyên canh các loại cây lâm nghiệp ngắn ngày như tràm bông vàng, keo tai tượng, keo lá tràm với những loại cây lâm nghiệp lâu năm như cây sao, dầu.
Ông Nghiệp chỉ cho chúng tôi xem, vợ chồng ông vừa kêu thương lái đến bán xong một đám tràm theo kiểu “gối đầu”. Ông giải thích, ngay sau khi gỗ của đám tràm này được chở đi, ông cho nhân công dọn dẹp cành nhánh và trồng lại lứa cây tràm khác.
Chờ 6-7 năm sau, đám tràm này lớn lên sẽ thu hoạch tiếp. Tuỳ theo đất tốt hay xấu, thu hoạch tràm được 3-4 lần là những hàng cây sao, dầu này cao to, khép tán. Lúc đó ngưng trồng tràm, chờ thêm khoảng 30 năm nữa là hết thời hạn hợp đồng và đến kỳ thu hoạch những cây lâm nghiệp dài ngày này.
Ông Nghiệp nói: “Ngủ một đêm thức dậy, mỗi cây rừng này lớn lên 0,1mm thì hàng ngàn cây rừng đang sinh trưởng trên 80 ha đất lâm nghiệp của tôi sẽ cho số lượng gỗ không nhỏ. Mặt khác, cây rừng càng lâu năm, càng có giá trị gỗ và góp phần bảo vệ môi trường càng nhiều. Đây là những lợi ích vô hình mà không phải ai cũng nhận thấy”.
Lão nông này tâm sự, ngoài việc dành hơn nửa cuộc đời cho rừng, những năm qua, ông còn lan toả tình yêu thiên nhiên đến những người con. Vợ chồng ông Nghiệp có 3 người con trai, 2 người con gái. Hiện tại, các con ông đã lớn và xây dựng gia đình riêng. Nhờ sự giáo dục của ông về lợi ích của rừng, các anh chị đều noi gương cha, gắn bó với rừng.
“Hiện nay, mỗi đứa con tôi hợp đồng trồng từ 5-10 ha rừng. Chúng cũng dành nhiều thời gian chăm sóc, bảo vệ cây lâm nghiệp rất tốt”- ông Nghiệp cho biết.
Ông Nghiệp với niềm vui khi thấy cây rừng của mình sinh trưởng tốt.
Để bảo vệ 80 ha rừng trồng của gia đình và hàng chục héc-ta rừng của các con, ông Nghiệp luôn chú trọng công tác phòng, chống cháy rừng (PCCR).
Ngay sau khi dứt hạt mưa cuối cùng trong năm, tranh thủ đất rừng còn mềm, cha con ông Nghiệp đưa xe cơ giới vào cày những luống đất trống giữa các hàng cây rừng. “Việc làm này để tạo đường băng cản lửa, tạo sự thông khí cho cây rừng “thở” và vùi lớp thực bì xuống cho đất để đất không bị bạc màu”- ông Nghiệp giải thích.
Vào những ngày nắng nóng cao độ, hằng ngày, ông đều dành nhiều thời gian vào rừng để kiểm tra, nếu phát hiện nơi nào có nhiều lá rụng, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra cháy rừng, liền xử lý. Những cành nhánh khô rơi rụng xuống quanh gốc cây rừng đều được ông dọn dẹp. Mớ lá rừng héo úa vừa rụng xuống được ông dùng máy thổi bay ra xa khỏi gốc cây.
Nơi nào lá rừng rụng nhiều, tạo lớp thực bì dày, nguy cơ xảy ra hoả hoạn, ông liền điều xe cơ giới đến cày úp một lần nữa để bảo đảm an toàn cho rừng cây. Nhờ sự tích cực chăm sóc, hơn 30 năm nay, trên toàn bộ diện tích rừng trồng của gia đình ông Nghiệp chưa xảy ra vụ hoả hoạn nào.
Là người có thâm niên công tác trong ngành lâm nghiệp, anh Đặng Quang Thắng- Phụ trách Phòng quản lý chuyên trách Ban Quản lý khu RPH Dầu Tiếng nhận xét, gia đình ông Nghiệp tham gia công tác trồng rừng, bảo vệ rừng rất tốt.
Bên cạnh đó, ông Nghiệp còn tích cực tham gia các hoạt động do Ban Quản lý khu RPH Dầu Tiếng tổ chức. Tại hội thảo vừa qua, lão nông này trình bày tham luận về lợi ích của việc trồng rừng, được nhiều người đánh giá cao.
Hơn 30 năm qua, gia đình ông Nghiệp đã góp phần đáng kể vào việc phủ xanh đất lâm nghiệp, bảo vệ môi trường vùng đất đầu nguồn hồ Dầu Tiếng. Cũng nhờ đầu tư vào việc trồng rừng, gia đình ông vượt qua khó khăn, trở thành gia đình có kinh tế khá giả ở địa phương. Hiện nay, vợ chồng ông đã xây nhà rộng đẹp, khang trang, mua xe ô tô để đi lại và làm dịch vụ.
Đại Dương
Ông Phạm Chí Trung- Giám đốc BQL khu RPH Dầu Tiếng cho biết, khu rừng này có tổng diện tích hơn 31 ngàn héc-ta, trong đó có 2.348 hợp đồng trồng rừng gần 8,2 ha, chiếm 27,5% tổng diện tích. Những người dân làm ăn, sinh sống ven rừng và những hộ nhận khoán trồng rừng đều có ý thức cao trong việc bảo vệ rừng, PCCR.