Hà Nội chú trọng chăm sóc sức khỏe người cao tuổi

Nâng cao chất lượng cuộc sống cho người cao tuổi

Theo thông tin từ Cục Dân số, Việt Nam chính thức bước vào giai đoạn dân số già từ năm 2011 và dự báo sẽ trở thành nước có dân số rất già vào năm 2036 với tỉ lệ người cao tuổi từ 60 tuổi trở lên đạt 20,1%. Đến năm 2049, tỉ lệ người cao tuổi sẽ chiếm khoảng 25% dân số. Tại Hà Nội, tỉ lệ người cao tuổi cũng đang tăng rất nhanh, đòi hỏi những chính sách, biện pháp phù hợp và kịp thời nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Hà Nội chú trọng chăm sóc sức khỏe người cao tuổi
Quận Đống Đa tập huấn kiến thức về lão khoa, chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi cho cán bộ dân số, y tế.

Chi cục Dân số Hà Nội và Trung tâm Y tế các quận, huyện trên địa bàn Thành phố đã đẩy mạnh các đợt chăm sóc sức khỏe người cao tuổi. Điều này cho thấy sự quan tâm của các cấp, các ngành, địa phương trong toàn Thành phố đến sức khỏe người cao tuổi, qua đó, giúp họ được tiếp cận dịch vụ y tế, góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Năm 2023, 42 mô hình chăm sóc người cao tuổi ở cộng đồng đã được triển khai tại 42 xã, phường, thị trấn của 30 quận, huyện, thị xã trên địa bàn Thành phố. Bên cạnh đó, 40 câu lạc bộ người cao tuổi tự chăm sóc sức khỏe cũng được thành lập tại 40 xã của 9 huyện. Kết quả, tỉ lệ khám sức khỏe thông thường định kỳ cho người cao tuổi năm 2023 đạt 88,79% (tăng 2,4% so với năm 2022 và vượt chỉ tiêu Thành phố giao).

Các địa phương thường xuyên triển khai các hoạt động nâng cao nhận thức chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi. Mới đây, Trung tâm Y tế quận Đống Đa phối hợp với Chi cục Dân số Hà Nội tổ chức lớp tập huấn nâng cao năng lực về kiến thức chăm sóc sức khỏe cho hội viên Hội người cao tuổi.

Trong khuôn khổ chương trình tập huấn, bà Nguyễn Thị Vân, chuyên viên Trung tâm Đào tạo, bồi dưỡng và cung ứng dịch vụ dân số đã truyền đạt những kiến thức quan trọng về chăm sóc sức khỏe toàn diện cho người cao tuổi; giới thiệu các biện pháp can thiệp nhằm nâng cao khả năng hoạt động cho người cao tuổi, thiết lập chế độ tập luyện phù hợp, hỗ trợ dinh dưỡng và khuyến khích họ tham gia các hoạt động xã hội.

Các nội dung rèn luyện kỹ năng chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi, bao gồm kỹ năng giao tiếp, tư vấn sức khỏe và các biện pháp sơ cứu cơ bản. Đồng thời, chương trình cũng điểm qua các chính sách hiện hành về chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực hiện khám sức khỏe định kỳ và hướng dẫn phòng tránh các bệnh lý thường gặp ở người cao tuổi như tiểu đường, mỡ máu, cao huyết áp và bệnh tim mạch.

Trong buổi tập huấn, các học viên không chỉ lắng nghe mà còn tích cực tham gia thảo luận, trao đổi và chia sẻ những kinh nghiệm thực tiễn trong quá trình chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi tại cộng đồng.

Đây là một trong những hoạt động thiết thực thể hiện sự quan tâm, chăm lo ngày càng tốt hơn đối với sức khỏe của người cao tuổi trên địa bàn quận. Hoạt động chăm sóc, nâng cao sức khỏe cho người cao tuổi không chỉ góp phần hoàn thành tốt các chỉ tiêu, mục tiêu trong công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, giúp cac cụ sống vui, sống khỏe, sống có ích.

Nhân rộng các mô hình chăm sóc sức khỏe

Tại quận Long Biên, thời gian qua, công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi được chú trọng. Trung tâm Y tế quận tổ chức điều tra, khảo sát phân tích nhu cầu, lập hồ sơ sức khỏe của người cao tuổi trên địa bàn quận để có sự chăm sóc phù hợp với từng nhóm người; tổ chức tọa đàm nâng cao kiến thức chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi, tập trung vào từng nhóm đối tượng như: nhóm người bệnh tiểu đường; nhóm người bị tai biến,… để mỗi người được điều trị phù hợp, biết cách chăm sóc sức khỏe; tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho người cao tuổi; thực hiện Dự án hỗ trợ dự phòng chăm sóc sức khỏe người cao tuổi ứng phó với vấn đề già hóa áp dụng mô hình Tsuyama của Nhật Bản,…

Hà Nội chú trọng chăm sóc sức khỏe người cao tuổi
Người cao tuổi tiêu biểu vận động con cháu thực hiện tốt chính sách dân số được biểu dương, khen thưởng.

Từ nay đến năm 2030, Hà Nội vẫn trong giai đoạn cơ cấu dân số vàng, với tỉ trọng dân số trong độ tuổi lao động từ 15 – 64 tuổi khá cao, chiếm 61 – 63% tổng dân số của Hà Nội. Cơ cấu dân số vàng của Hà Nội sẽ kết thúc vào năm 2045, khi tỉ lệ người cao tuổi chiếm tỉ trọng cao hơn so với dân số trong độ tuổi lao động đặt ra nhiều thách thức.

Thời gian tới để đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, thích ứng với giai đoạn già hóa dân số, ông Vũ Duy Hưng, Chi Cục trưởng Chi cục Dân số Hà Nội cho biết thực hiện chương trình hành động quốc gia về người cao tuổi và chiến lược quốc gia bảo vệ chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân, từng bước nâng cao chất lượng dân số Thủ đô, từ Thành phố đến cơ sở đã vào cuộc thực hiện chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi bằng các chương trình, hành động cụ thể.

Trong giai đoạn tới, cần sự chỉ đạo vào cuộc của các cấp ủy đảng, chính quyền, ban ngành đoàn thể trên toàn Thành phố thực hiện nội dung của kế hoạch chăm sóc sức khỏe người cao tuổi. triển khai nhân rộng các mô hình chăm sóc sức khỏe dài hạn cho người cao tuổi, ưu tiên các mô hình chăm sóc tại cộng đồng, tạo môi trường thân thiện cho người cao tuổi.

Ngoài ra Chi cục Dân số Hà Nội kiến nghị với Bộ Y tế xây dựng hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn tổ chức quản lý các cơ sở chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, thí điểm mô hình chăm sóc sức khỏe người cao tuổi ban ngày tại các quận, huyện, thị xã…

N.Hoa