Trong mấy ngàn năm dựng nước và giữ nước, các thế hệ người cao tuổi Việt Nam đã có những cống hiến to lớn, góp phần vun đắp nên truyền thống vẻ vang của dân tộc. Trong thời đại Hồ Chí Minh, người cao tuổi được tôn vinh, chăm sóc và tiếp tục phát huy kinh nghiệm sống, uy tín, tiềm năng trí tuệ trong công cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá rất cao vị trí, vai trò của người cao tuổi trong sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta. Khi về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Bác đã viết bài Kính cáo đồng bào (6-6-1941), kêu gọi tổ chức những Hội cứu quốc chống Pháp, chống Nhật. Để phát huy truyền thống Diên Hồng, Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi phụ lão: “Mong các ngài noi gương phụ lão đời nhà Trần trước họa giặc Nguyên xâm lấn, đã nhiệt liệt hô hào con em tham gia sự nghiệp cứu quốc”. Tiếp đó, Người viết Lời hiệu triệu đoàn kết tất cả các bậc phụ lão: “Trách nhiệm của các vị phụ lão chúng ta đối với đất nước thật là trọng đại. Đất nước hưng thịnh do phụ lão gây dựng. Đất nước tồn tại do phụ lão giúp sức. Nước mất, phụ lão cứu. Nước suy sụp, phụ lão phù trì. Nước nhà hưng, suy, tồn, vong; phụ lão đều gánh trách nhiệm nặng nề”… Ngày 21-9-1945, trong Thư gửi các vị phụ lão, Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi thành lập Phụ lão cứu quốc hội… “để hùn sức giữ gìn nền độc lập của nước nhà”.

Kế tục truyền thống vẻ vang của Hội Phụ lão cứu quốc do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và lãnh đạo, lớp người cao tuổi Việt Nam ngày nay tiếp tục nêu cao vai trò của mình, sống, học tập, làm việc và cống hiến cho sự nghiệp đổi mới, ổn định đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng đã nêu quan điểm, định hướng chính sách đối với người cao tuổi: “Đáp ứng nhu cầu được thông tin, phát huy khả năng tham gia đời sống chính trị của đất nước và các hoạt động xã hội, nêu gương tốt, giáo dục lý tưởng và truyền thống cách mạng cho thanh niên, thiếu niên”.

Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng xác định: “ Phát huy trí tuệ, kinh nghiệm sống, lao động, chiến đấu của người cao tuổi trong xã hội và gia đình. Xây dựng gia đình “ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo”.

Bức trướng của Ban chấp hành Trung ương Đảng tặng Đại hội lần thứ II Hội Người cao tuổi Việt Nam có 18 chữ: “ Tuổi cao chí càng cao, nêu gương sáng vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, thể hiện đầy đủ quan điểm của Đảng và Nhà nước ta với người cao tuổi và Hội Người cao tuổi Việt Nam trong thời kỳ mới.

Từ ngày thành lập đến nay, Hội Người cao tuổi Việt Nam đã có những hoạt động thiết thực, hiệu quả, được Đảng, Nhà nước đánh giá cao, được nhân dân khẳng định: Phát triển sâu rộng phong trào “Tuổi cao chí càng cao, nêu gương sáng vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”; phát động cuộc vận động “Toàn xã hội chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi; tham gia đề xuất và giám sát thực hiện các chính sách đối với người cao tuổi; đẩy mạnh cuộc vận động xoá nhà tạm, nhà dột nát cho các hộ nghèo có người cao tuổi.; phát động toàn Hội xây dựng “Quỹ toàn dân chăm sóc người cao tuổi”; triển khai cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, xây dựng nếp sống văn hoá người cao tuổi; phối hợp có hiệu quả giữa Hội Người cao tuổi với Bộ Công an, Bộ Giáo dục, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Hội Khuyến học Việt Nam… Hội Người cao tuổi đã hai lần tổ chức Hội nghị toàn quốc người cao tuổi làm kinh tế; tổ chức thành công Hội nghị biểu dương Già làng tiêu biểu khu vực Tây Nguyên. Năm 2009, Hội mở cuộc vận động “Một triệu áo ấm tặng người cao tuổi nghèo”, được toàn xã hội hưởng ứng sôI nổi và đã thu được kết quả khả quan.

Nhiều đồng chí lãnh đạo của Đảng và Nhà nước đã có những phát biểu đánh giá cao vị trí, vai trò của người cao tuổi và Hội Người cao tuổi Việt Nam. Ngày 1-10-2002, tại lễ kỷ niệm Ngày quốc tế Người cao tuổi, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh phát biểu: “Chưa bao giờ lực lượng người cao tuổi nước ta lại đông đảo như ngày nay. Đảng, Nhà nước và nhân dân ta tự hào về lớp người cao tuổi nước ta với uy tín cao, sự mẫu mực về phẩm chất chính trị, đạo đức và lối sống cùng vốn trí thức, kinh nghiệm, kỹ năng lao động và nghiệp vụ phong phú, đa dạng của mình, người cao tuổi thực sự là một bộ phận hợp thành nguồn lực nội sinh quý giá của cả dân tộc. Chúng ta trân trọng, bồi dưỡng và phát huy nguồn lực ấy”. Đến dự Hội nghị biểu dương người cao tuổi tiêu biểu về lĩnh vực giáo dục, khoa học, công nghệ và y tế (2004), Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh nói: “Tôi hoan nghênh Ban chấp hành Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam đã có sáng kiến tổ chức, phát động phong trào thi đua “Tuổi cao chí càng cao, nêu gương sáng vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Nội dung phong trào thi đua của Hội bao gồm những vấn đề rất cơ bản, không những đáp ứng được yêu cầu, nguyện vọng của đông đảo người cao tuổi, mà còn rất phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước…”.

Qua quá trình tiến hành tổng kết Chỉ thị 59-CT/TW ngày 27-9-1995, “Về chăm sóc người cao tuổi” của Ban Bí thư, và Chỉ thị số 117/TTg ngày 27-2-1996 của Thủ tướng Chính phủ “Về chăm sóc NCT và hỗ trợ hoạt động cho Hội Người cao tuổi Việt Nam”, nhiều cấp ủy, đảng bộ cơ sở đánh giá Hội Người cao tuổi cơ sở, Hội Cựu chiến binh, Hội Phụ nữ… là những đoàn thể hoạt động hiệu quả nhất.