Già hóa dân số và thanh niên “hai không”

SGGP

Cục Thống kê vừa công bố báo cáo tình hình lao động việc làm quý 1-2025, chỉ ra một con số “chấn động” khi có hơn 1,35 triệu thanh niên trong độ tuổi từ 15-24 không có việc làm, cũng không tham gia học tập, đào tạo.

Tỷ lệ thanh niên “hai không” (không đi làm, không đi học) đã tăng 84.400 người so với quý trước, lên tới 10,4% tổng số thanh niên, với sự chênh lệch rõ rệt giữa khu vực thành thị (8,2%) và nông thôn (11,7%). Thực trạng thanh niên “hai không” là một nghịch lý, càng trở nên nghiêm trọng vì Việt Nam đang bước vào giai đoạn già hóa dân số.

Nghịch lý là bởi trong khi dân số đang già hóa nhanh chóng, lực lượng lao động trẻ vốn được kỳ vọng sẽ trở thành trụ cột trong tương lai lại đang bị lãng phí nghiêm trọng với 10,4% là thanh niên “hai không”. Thay vì trở thành nguồn lực chính, họ lại chưa được trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng và định hướng để tham gia vào thị trường lao động. Điều đó tiềm ẩn rủi ro “gánh nặng kép” – vừa thiếu hụt lao động chất lượng, vừa tạo ra áp lực an sinh xã hội đè nặng lên nhóm lao động đang hoạt động.

Rất nhiều thanh niên “hai không” vẫn đang sống cùng cha mẹ, vì thương con hoặc vẫn còn tư tưởng “nuôi ăn đến khi lấy vợ/chồng” nên không tạo áp lực học hành và lao động. Một số “ở ẩn” trong thế giới online, sống trong các phòng trọ, chơi game, sống ảo, rơi vào trạng thái trì trệ, mất định hướng, nhưng cũng không chủ động tìm cách thoát khỏi tình trạng đó. Một số khác vay mượn để duy trì cuộc sống tạm thời, đặc biệt ở đô thị (vay app, vay nóng…), rất dễ rơi vào vòng xoáy nợ nần… Những thanh niên này không được trang bị kỹ năng, không có việc làm ổn định, sẽ khó tích lũy tài chính, khó tự lo cuộc sống khi về già, dẫn tới dễ rơi vào “vòng luẩn quẩn” của thất nghiệp và nghèo đói, tiềm ẩn gánh nặng an sinh xã hội trong tương lai.

Để giải quyết thực trạng này, trước hết, chúng ta nhìn nhận lại vấn đề từ gốc rễ. Hệ thống giáo dục của Việt Nam mặc dù được đánh giá cao về mặt phổ cập, nhưng vẫn thiếu sự liên kết với nhu cầu thực tiễn của thị trường lao động. Chương trình học thiếu sự định hướng nghề nghiệp rõ ràng từ sớm, khiến nhiều thanh niên sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông hoặc trung học cơ sở không biết hướng đi tiếp theo.

Trong khi đó, giáo dục nghề, dù là một lựa chọn hợp lý và khả thi, vẫn chưa được coi trọng đúng mức trong xã hội. Hơn nữa, thị trường lao động hiện nay còn thiếu tính linh hoạt, với nhiều công việc có sẵn nhưng lương thấp và điều kiện làm việc kém, khiến thanh niên không mặn mà. Điều này đặc biệt rõ ràng ở khu vực nông thôn, nơi mà nhiều người trẻ đã bỏ qua cơ hội phát triển sự nghiệp tại quê nhà để tìm kiếm công việc ở thành phố lớn, song không dễ dàng có được công việc ổn định.

Một giải pháp toàn diện bao gồm việc xây dựng một cơ sở dữ liệu quốc gia về thanh niên “hai không”, để các cơ quan nhà nước và địa phương có thể tiếp cận và phân loại hiệu quả các bạn trẻ này, từ đó triển khai các chương trình hỗ trợ phù hợp. Các chương trình đào tạo ngắn hạn, linh hoạt và có hỗ trợ tài chính sẽ giúp thanh niên trang bị những kỹ năng thiết thực như kỹ năng nghề, kỹ năng số và kỹ năng mềm để nhanh chóng hòa nhập vào thị trường lao động.

Đi kèm với đó, thay đổi nhận thức xã hội về giá trị của giáo dục nghề nghiệp, khuyến khích thanh niên học nghề thay vì chỉ chạy theo bằng cấp sẽ là một bước tiến quan trọng trong việc giải quyết tình trạng thanh niên “hai không”. Những chương trình tư vấn tâm lý, hỗ trợ tinh thần cũng cần được triển khai mạnh mẽ hơn nữa để giúp thanh niên, đặc biệt là nhóm không có định hướng, tìm lại mục tiêu sống và trở thành những công dân có trách nhiệm với xã hội.

Việt Nam đang ở trong giai đoạn cuối của “cửa sổ dân số vàng”, nếu không tận dụng tốt lực lượng lao động trẻ ngày hôm nay, chúng ta sẽ phải đối mặt với một tương lai có nhiều người già hóa, nghèo đói và những gánh nặng an sinh xã hội không thể gánh vác. Giải quyết vấn đề thanh niên “hai không” không chỉ là trách nhiệm của hôm nay mà còn là nhiệm vụ quan trọng để bảo vệ tương lai của một xã hội đang ngày càng già đi.