Dũng sĩ diệt Mỹ
Ngồi buồn thêu chữ bướm hoa/ Để làm kỉ niệm đời ta lao tù.
Hai câu thơ trên được ông Đặng Hữu Hiền, sinh năm 1943, hiện ở ấp 2, xã Nhựt Chánh, huyện Bến Lức, tỉnh Long An viết vào những năm ông bị địch giam cầm, tra tấn trong tù. Vừa đọc thơ, ông vừa nhớ về những tháng năm tuổi trẻ, vừa tròn 18 tuổi, ông đã lên đường tòng quân. Đầu năm 1961, vừa hoàn thành chương trình trung học đệ nhất cấp, ông Hiền khăn gói lên Huyện đội Bến Thủ (nay là Ban Chỉ huy Quân sự huyện Bến Lức và Ban Chỉ huy Quân sự huyện Thủ Thừa) nhập ngũ. Tiếp theo đó là những ngày luyện tập, vừa chiến đấu tại chiến trường trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước gian lao mà anh dũng.
Vốn chỉ biết ăn, học và phụ việc gia đình, nay lại phải trực tiếp cầm súng chiến đấu đối mặt với quân thù nhưng ông Hiền không mảy may lo sợ. Lúc bấy giờ, khí thế hào hùng của quân ta, nhiệt huyết của người trai trẻ đã lấn át cả nỗi lo sợ. Ông Hiền cho rằng: “Tôi nhớ lời Bác Hồ dặn: “Đồng bào chúng ta phải đoàn kết chặt chẽ, phải tranh đấu đến cùng vì để mưu cầu tự do, hạnh phúc cho dân tộc”. Tôi và đồng đội quyết tâm không vì điều gì mà thoái chí, nản lòng. Chúng tôi có niềm tin mãnh liệt rằng quân ta sẽ sớm ngày chiến thắng”.
Ông Đặng Hữu Hiền ở ấp 2, xã Nhựt Chánh, huyện Bến Lức xúc động khi nhớ về đồng đội đã hi sinh. |
Nhớ về những ngày sống trong lòng địch, hình ảnh những đồng đội xem nhau hơn cả anh em một nhà không khỏi làm ông xúc động. Có người đồng đội không có cơ hội trở về ăn bữa cơm chiều, có người ngã xuống mang theo ước muốn đoàn tụ gia đình. Sau bao trận đánh, lập nhiều thành tích, ông được phong tặng danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ. Mặc dù cầm súng không biết mỏi, thấy địch không biết sợ nhưng sự hi sinh của người đồng đội, đồng bào, đến bây giờ nhắc lại, ông vẫn không sao cầm được nước mắt.
Ông Hiền bồi hồi kể lại ngày ông bị địch bắt: “Tôi đang ở gần khu vực nắp hầm trú ẩn thì phe địch bất ngờ bắn hỏa tiễn cho nổ miệng hầm. Một tiếng nổ vang trời, khói bụi bay mù mịt và tôi bắt đầu cảm thấy đau đớn toàn thân. Hàng chục mảnh đạn lớn, nhỏ xuyên khắp người làm tôi bất tỉnh. Lúc tỉnh lại, tôi mới hay mình bị mất nửa cánh tay trái và bị địch bắt giam”. Ngừng một lúc, ông nói tiếp: “Tôi may mắn được chiến đấu và sống tiếp những ngày đất nước hòa bình. Năm tháng tù đày, nửa cánh tay bị mất, những mảnh đạn còn trong người nhắc nhở tôi phải sống và cống hiến thay phần những đồng đội đã hi sinh”.
Chuyện người lính quân y
Cho đến bây giờ, ông Nguyễn Ngọc Trai, sinh năm 1963, hiện ở ấp 4, xã Long Hòa, huyện Cần Đước, tỉnh Long An vẫn ám ảnh và day dứt vì năm xưa không cứu được đồng đội. Xa quê hương, gia đình khi vừa tròn 20 tuổi, ông nhận nhiệm vụ cứu chữa thương, bệnh binh trên chiến trường Campuchia đầy gian nan, nguy hiểm.
Ông Nguyễn Ngọc Trai ở ấp 4, xã Long Hòa, huyện Cần Đước luôn tự hào về những thành tích năm xưa. |
Ngày ấy, ông Trai một vai đeo túi y tế, một vai đeo súng AK xông pha ngoài trận tuyến. Ông luôn phải thực hiện song song 2 nhiệm vụ, chống lại quân thù và kịp thời cứu chữa cho đồng đội bị thương. Khi được hỏi lúc đó có sợ hãi không, ông Trai bộc bạch: “Những người lính Bộ đội Cụ Hồ không bao giờ biết sợ hãi. Tôi luôn chuẩn bị tinh thần hi sinh bất kì lúc nào. Khi bản thân sẵn sàng đón nhận, tôi như có thêm sức mạnh xông pha”.
Năm 1987, tuy bọn Pol Pot đã gần như bị đánh tan, phải trốn trong rừng sâu nhưng chúng vẫn liên tục hoành hành khắp các xóm làng để cướp bóc, gây rối loạn vào ban đêm. Ông Trai và đồng đội nhận nhiệm vụ mai phục trên các đường mòn, lối vào thôn, xóm cả ngày lẫn đêm để bảo vệ người dân.
Ông Trai nhớ như in, vào mùa nước nổi, nước dâng lên quá đầu người, bộ đội ta phải chèo xuồng vào rừng, ở lại đó cả tháng để canh gác không cho Pol Pot tràn vào. “Chúng tôi chiến đấu, ăn, ngủ ngay trên xuồng. Ban đêm, thay phiên nhau một người ngủ, người còn lại tát nước cho xuồng khỏi chìm. Xung quanh toàn là nước, nhiều lúc trời mưa, rừng cây lại thăm thẳm, không biết Pol Pot sẽ xuất hiện ở lối nào nên chúng tôi luôn phải tập trung đề phòng, quan sát” – ông Trai hồi tưởng.
Những năm xa nhà, đồng đội trở thành người thân kề cận. Bao lần chứng kiến anh em bị thương nặng hi sinh, ông Trai không khỏi ray rứt, trách mình không cứu được đồng đội mặc dù đó không phải lỗi của ông. Kể về giây phút đồng đội ngã xuống, dường như ông vẫn còn bàng hoàng, đau đớn.
Ông Trai kể: “Hôm đó, chúng tôi đang đi bộ vào rừng thì đồng chí Huỳnh Văn Đệ đạp trúng mìn. Một tiếng nổ lớn vang lên, đồng chí ấy bị rất nhiều mảnh kim loại ghim vào người, máu loang ra khắp nơi. Tôi nhanh chóng đỡ lấy đầu và tiêm ngay thuốc trợ tim cho đồng chí nhưng vừa xong thì đồng chí đã trút hơi thở cuối cùng trên tay tôi. Trước đó, tôi đã biết khó cứu nhưng cái chết đó vẫn ám ảnh tôi rất nhiều”.
Còn nhớ, trong đêm từ chiến trường Campuchia trở về Việt Nam, ngồi trên xe, ông vừa mừng lại vừa lo. Mừng vì sắp được đoàn tụ gia đình, lo vì quãng đường phía trước xa xôi, hiểm trở. Đã qua bao trận đánh ác liệt nơi chiến trường không làm bộ đội ta khiếp sợ, chỉ sợ phút giây sắp được gặp gia đình mà trên đường về lại gặp phải rủi ro.
Trải qua cuộc chiến đấu đầy nguy hiểm nhưng những người lính đều đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Kí ức hào hùng và gian khổ của người cựu chiến binh nhắc nhở thế hệ trẻ phải biết trân trọng bình yên ngày nay, phải học tập và cống hiến vì đất nước mai sau.