Hiện nay, người cao tuổi (60 tuổi trở lên) nếu đảm bảo các điều kiện theo quy định thì được nhận trợ cấp xã hội hàng tháng.
Khoản 5, Điều 5 Nghị định 20/2021/NĐ-CP quy định người cao tuổi thuộc một trong các trường hợp quy định sau đây thì được hưởng trợ cấp xã hội:
a) Người cao tuổi thuộc diện hộ nghèo, không có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng hoặc có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng nhưng người này đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng;
b) Người cao tuổi từ đủ 75 tuổi đến 80 tuổi thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo không thuộc diện quy định ở Điểm a Khoản này đang sống tại địa bàn các xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đặc biệt khó khăn;
c) Người từ đủ 80 tuổi trở lên không thuộc diện quy định tại Điểm a Khoản này mà không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng, trợ cấp xã hội hàng tháng;
d) Người cao tuổi thuộc diện hộ nghèo, không có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng, không có điều kiện sống ở cộng đồng, đủ điều kiện tiếp nhận vào cơ sở trợ giúp xã hội nhưng có người nhận nuôi dưỡng, chăm sóc tại cộng đồng.
Theo quy định tại Điều 2 Luật Người cao tuổi 2009, người cao tuổi là công dân Việt Nam từ đủ 60 tuổi trở lên.
Như vậy, người đủ 60 tuổi thuộc diện hộ nghèo, không có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng hoặc có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng nhưng người này đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng; người đủ 60 tuổi thuộc diện hộ nghèo, không có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng, không có điều kiện sống ở cộng đồng, đủ điều kiện tiếp nhận vào cơ sở trợ giúp xã hội nhưng có người nhận nuôi dưỡng, chăm sóc tại cộng đồng thì được hưởng trợ cấp xã hội.
Ngoài ra, người đủ 60 tuổi là người khuyết tật nặng cũng được nhận trợ cấp xã hội.
Nghị định số 76/2024/NĐ-CP, mức chuẩn trợ giúp xã hội áp dụng từ ngày 1.7.2024 là 500.000 đồng/tháng. Mức hưởng của các đối tượng sẽ bằng mức chuẩn x với hệ số theo quy định.