Chiến thắng Rạch Gầm – Xoài Mút – nét đặc sắc của nghệ thuật tác chiến trên địa bàn sông nước
Cách đây 240 năm, trong cuộc chiến tranh chống quân Xiêm xâm lược, nghĩa quân Tây Sơn đã cùng nhân dân tiêu diệt và bắt sống trên 04 vạn tên địch, chỉ còn vài nghìn tàn binh chạy được về nước. Thắng lợi lẫy lừng đó đập tan mưu đồ xâm lược nước ta của chúng, là mốc son trong lịch sử chống ngoại xâm hào hùng của dân tộc ta, để lại những bài học kinh nghiệm quý về nghệ thuật tác chiến trên địa bàn sông nước.
Cuộc chiến tranh chống quân Xiêm xâm lược diễn ra trong bối cảnh nghĩa quân Tây Sơn mới bình định đàng trong chưa được bao lâu, nên có cả thuận lợi và khó khăn đan xen. Đáng nói là, để thực hiện được mục tiêu chiến lược giành quyền làm chủ đàng trong, trước đó Nguyễn Huệ đã khôn khéo dùng biện pháp ngoại giao, kìm chân quân Trịnh ở Thuận Hóa (đàng ngoài), tập trung binh lực bình định đàng trong bằng 05 đòn tiến công chiến lược (năm 1776, 1777, 1778, 1782 và 1783), tiêu diệt cơ bản lực lượng và bộ máy thống trị của nhà Nguyễn, thiết lập bộ máy chính quyền mới. Đến cuối năm 1783, nhà Nguyễn bị nghĩa quân Tây Sơn đánh bại, không còn đất dung thân, phải trốn chạy, cầu viện vua Xiêm, cam tâm “cõng rắn cắn gà nhà”, gây nỗi ô nhục không thể rửa sạch. Đứng trước cơ hội hiếm có, lại vốn có dã tâm bành trướng, xâm lược, mở rộng lãnh thổ, vua Xiêm lập tức khởi 05 vạn tinh binh tiến đánh nước ta. Được tàn quân Nguyễn Ánh dẫn đường, phối hợp tác chiến, tháng 7/1784, quân Xiêm chia thành 03 đạo: 02 đạo bộ binh (03 vạn quân) do Sa Uyển và Chiêu Chùy Bèn chỉ huy vượt qua đất Chân Lạp, tiến đánh từ hướng biên giới Tây Nam; đạo thủy binh do Chiêu Tăng và Chiêu Sương chỉ huy, theo đường biển tiến đánh bờ biển phía Nam nước ta.
Trước thế tiến công của quân xâm lược, với tài thao lược quân sự kiệt xuất, Nguyễn Huệ và Bộ Chỉ huy quân Tây Sơn đã đánh giá đúng tình hình mọi mặt, nhất là tình hình địch, địa hình, những thuận lợi, khó khăn khi tác chiến trên địa bàn sông nước, v.v. Trên cơ sở đó, quyết định không tiến công thẳng vào đại bản doanh thủy quân giặc ở Sa Đéc mà khéo lừa dụ chúng ra khỏi căn cứ, đến khu vực ta đã lựa chọn, tập trung lớn lực lượng đánh trận then chốt quyết định, kết thúc chiến tranh.
Thắng lợi của cuộc chiến tranh chống quân Xiêm xâm lược, đỉnh cao là trận đại chiến Rạch Gầm – Xoài Mút là chiến công chói lọi, niềm tự hào của dân tộc ta, là trận đánh mẫu mực, tiêu biểu với những nét đặc sắc của nghệ thuật tác chiến trên địa bàn sông nước.
1. Thực hiện phương thức tác chiến hợp lý, phù hợp với tình hình, đặc điểm địa bàn, so sánh lực lượng giữa hai bên. Đây là vấn đề rất quan trọng trong giai đoạn đầu của cuộc chiến tranh chống quân Xiêm xâm lược, nhằm tránh tổn thất lớn về lực lượng, giữ vững những khu vực, vị trí trọng yếu, tạo thế và lực chuyển sang phản công, tiến công khi có thời cơ, giành thắng lợi cuối cùng.
Đầu tháng 08/1784, chỉ sau khoảng 01 tháng tiến đánh nước ta, nhờ ưu thế về lực lượng, lại được quân Nguyễn Ánh làm nội gián, nên 03 đạo quân Xiêm đã chiếm được Kiên Giang, Trấn Giang (Cần Thơ), Ba Thắc (Sóc Trăng), Đông Khâu (Sa Đéc), Trà Ôn (Vĩnh Long),… mà hầu như chưa vấp phải sự kháng cự quyết liệt nào. Tận dụng thế tiến công thuận lợi, chúng tỏa quân ra các hướng, địa bàn, với ý định nhanh chóng chiếm toàn bộ miền Tây Gia Định, tiến tới là miền Đông Gia Định, hướng tiến công chủ yếu: Mỹ Tho – Gia Định. Thời điểm này, lực lượng chủ lực của nghĩa quân Tây Sơn đang đứng chân ở phía Bắc, chưa kịp cơ động vào để ứng chiến, trong khi lực lượng tại chỗ ít, nên sẽ khó giành thắng lợi nếu đương đầu với địch theo kiểu “đôi công”. Vì vậy, nghĩa quân Tây Sơn đã chọn phương thức tác chiến hợp lý, khôn ngoan là: sử dụng một phần lực lượng chốt giữ, chặn đánh địch ở những vị trí, khu vực xung yếu, nhằm tiêu hao lực lượng và làm chậm bước tiến của chúng; phần lớn lực lượng tập trung phòng thủ, giữ vững khu vực quan trọng về chiến lược là thành Gia Định, miền Đông Gia Định. Từ đó, tạo thế đứng vững chắc trong tác chiến phòng thủ, giữ vững địa bàn, bảo toàn lực lượng, kéo dài thời gian chờ quân chủ lực từ phía Bắc vào. Với cách đánh đó, lực lượng tại chỗ của nghĩa quân Tây Sơn đã đánh bại ý đồ “đánh nhanh, thắng nhanh” của địch, lực lượng bị tiêu hao, buộc phải tạm dừng để củng cố, chuẩn bị các mặt bảo đảm cho các đợt tiến công lớn tiếp theo. Vì vậy, đến tháng 12/1784, chúng mới chỉ đánh chiếm thêm được Xứ Lạch (Chợ Lách – Bến Tre), Long Hồ (Vĩnh Long), Trà Lọt, Trà Tân (trên sông Tiền). Nhờ vận dụng cách đánh phù hợp, lực lượng tại chỗ đã kịp thời kìm giữ sức tiến quân của địch, tạo thời cơ thuận lợi để lực lượng thủy quân Tây Sơn có đủ thời gian cơ động vào đóng ở Mỹ Tho, sẵn sàng nghênh địch. Mặc dù vậy, so sánh lực lượng hai bên thì quân Xiêm vẫn đông, mạnh hơn, lại đang ở thế tiến công chiến lược. Vì thế, nếu chỉ dùng “sức” đương đầu với địch, tiến công thẳng vào đại bản doanh Trà Tân, thực hiện tiến công ngay (đánh vào chỗ mạnh của địch) thì chưa chắc đã giành được thắng lợi, thậm chí còn thất bại, hoặc nếu có thắng thì tổn thất cũng rất lớn – chưa phải là lựa chọn đúng, tối ưu. Trên cơ sở phân tích, đánh giá tình hình, lực lượng địch – ta, Nguyễn Huệ xác định phải kết hợp cả “sức” và “trí” để đánh địch, phát huy sức mạnh tổng hợp, vận dụng sáng tạo hiệu quả các yếu tố “lực, thế, thời, mưu” trong tác chiến mới giành được thắng lợi triệt để. Và, thực tế trận Rạch Gầm – Xoài Mút, quân Tây Sơn đã minh chứng rõ điều đó, “quét sạch bè lũ cướp nước và bán nước”, giữ vững giang sơn.
2. Lựa chọn địa bàn tác chiến có lợi, kiên quyết tiến công tiêu diệt địch để giành thắng lợi quyết định. Khi đưa đại quân vào đến Mỹ Tho, Nguyễn Huệ đã tranh thủ thời gian, gấp rút tiến hành công tác chuẩn bị, tổ chức điều chỉnh lực lượng, trinh sát nắm tình hình địch (quy mô lực lượng, vị trí đóng quân, hướng tiến công chủ yếu), tình hình địa bàn (nhân dân, địa hình, thổ nhưỡng, thủy triều,…), trên cơ sở đó, lựa chọn phương pháp tác chiến (cách đánh) phù hợp trong điều kiện “lấy ít địch nhiều”. Ngay từ đầu, nghĩa quân Tây Sơn nhất quán tư tưởng kiên quyết tiến công tiêu diệt địch dù có những bất lợi về so sánh lực lượng, nhằm phát huy sức mạnh tinh thần, quyết tâm chiến đấu của đội quân chống xâm lược. Với tư tưởng trên, Nguyễn Huệ và Bộ Chỉ huy quân Tây Sơn chủ trương tổ chức trận quyết chiến chiến lược, đánh bại hoàn toàn quân địch, kết thúc chiến tranh trong thời gian ngắn nhất, ít tổn thất nhất – “đánh nhanh, thắng nhanh”. Đây là sự lựa chọn hoàn toàn sáng suốt của chủ soái Nguyễn Huệ, bởi lúc đó nghĩa quân Tây Sơn đang kẹt trong tình thế khó khăn, nhạy cảm, vừa phải đương đầu với quân xâm lược Xiêm, trong khi quân Trịnh đang uy hiếp ở Thuận Hóa, có thể tiến công đàng trong bất cứ lúc nào, thỏa thuận hòa chiến chỉ là tạm thời. Do đó, nếu kéo dài cuộc chiến chống Xiêm sẽ bất lợi về đại cục. Hơn nữa, cách đánh thần tốc, bất ngờ, tiêu diệt lớn quân địch bằng “một trận sạch không kình ngạc” là sở trường, nét đặc sắc trong nghệ thuật dụng binh của người “Anh hùng áo vải” Nguyễn Huệ, mà sau này chúng ta còn được thấy điều đó tái hiện trong cuộc đại phá quân Thanh năm 1789.
Để trận quyết chiến chiến lược đảm bảo chắc thắng, điều quan trọng nhất là chọn khu vực tác chiến có lợi, phù hợp với cách đánh của ta, phát huy cao nhất sức mạnh tổng hợp của các lực lượng, thực hiện “lập thế ta, phá thế địch”. Sau khi nghiên cứu kỹ tình hình mọi mặt, Bộ Chỉ huy quân Tây Sơn quyết định chọn khu vực tổ chức trận phục kích là đoạn sông Tiền từ Rạch Gầm đến Xoài Mút. Đây là khúc sông dài chừng 07km, rộng từ 01 – 02km, cách Mỹ Tho không xa, nơi mà quân Tây Sơn có thể lợi dụng thủy triều, sức gió, kết hợp với chặn đánh hợp lý, buộc địch dồn đống hàng trăm chiến thuyền lớn, tạo điều kiện thuận lợi cho ta tập trung tiêu diệt. Với việc bố trí thủy binh tinh nhuệ ở rạch Rạch Gầm và Xoài Mút, quân Tây Sơn đã tạo nên hai mũi tiến công vô cùng lợi hại, dễ dàng chặn đầu, khóa đuôi, trói chặt đội hình địch để giáng cho chúng những đòn chí mạng. Ở giữa khúc sông Tiền từ Trà Lọt đến Mỹ Tho nổi lên nhiều cù lao lớn, nhỏ, hai bên bờ sông cây cối um tùm, dân cư thưa thớt, rất thuận lợi cho việc bí mật bố trí quân mai phục, triển khai pháo binh, tạo thế trận vững chắc, hiểm hóc. Thực tế trận đánh đã diễn ra theo đúng kế hoạch đã liệu, chỉ trong 01 ngày quân Tây Sơn đã tiêu diệt toàn bộ thủy quân Xiêm – Nguyễn.
3. Xác định hình thức tác chiến hợp lý, phát huy sức mạnh tổng hợp của các lực lượng, phối hợp tác chiến chặt chẽ giữa thủy binh với pháo binh và bộ binh, tận dụng thời cơ sớm kết thúc chiến tranh theo cách có lợi nhất. Việc xác định hình thức tác chiến phục kích trong trận quyết chiến chiến lược là lựa chọn đúng của Bộ Chỉ huy nghĩa quân Tây Sơn. Với hình thức tác chiến đó đã triệt để tận dụng lợi thế địa hình tác chiến, phát huy cao nhất sức mạnh của thủy binh, bộ binh, pháo binh, tạo sức mạnh tổng hợp để tiến công quân địch, không cho chúng kịp trở tay và không thể đối phó.
Để chuẩn bị cho trận đánh quyết định, cùng với tiến hành công tác đảm bảo, tổ chức điều chỉnh lực lượng, bố trí thiết bị chiến trường,… Nguyễn Huệ cử sứ giả sang điều đình ngừng chiến riêng với Chiêu Tăng, Chiêu Sương, giả vờ xin thần phục, vừa gây tâm lý chủ quan, vừa tạo sự hoài nghi, mâu thuẫn trong nội bộ liên quân Xiêm – Nguyễn. Quân Xiêm cho rằng quân Tây Sơn chỉ muốn cầu hòa, sẽ không phòng bị cẩn thận, nhân cơ hội đó đem quân tiến đánh, hòng tiêu diệt lực lượng chủ yếu của đại quân Tây Sơn ở Mỹ Tho. Căn cứ vào tính toán thủy triều, con nước, hướng gió, đêm 19/01/1785, chúng tung toàn bộ thủy binh tiến xuống Mỹ Tho. Đúng như dự liệu và chỉ chờ có vậy, Nguyễn Huệ “tương kế, tựu kế” để thực hành trận phục kích chiến lược, vang danh sử sách. Khi chiến thuyền giặc tiến xuống phía trước Rạch Gầm, một số thuyền quân Tây Sơn ra đánh chặn, rồi giả thua, vừa đánh vừa rút về phía rạch Xoài Mút để dụ địch. Đến rạng sáng hôm sau, toàn bộ thủy binh địch đã lọt vào khu vực trận địa phục kích, binh thuyền bị dồn lại. Đúng thời điểm ấy, pháo binh nghĩa quân Tây Sơn bố trí ở hai bên bờ sông và trên các cù lao bắn mạnh vào thuyền giặc, kết hợp với các đội binh thuyền tinh nhuệ của quân Tây Sơn từ hướng Mỹ Tho chia thành 02 mũi theo hai bên cù lao Thới Sơn ập tới, tạo thành thế bao vây, chia cắt, tiến công mãnh liệt, đánh “tan tác” thủy quân địch. Tận dụng thời cơ đang trên đà thắng lợi và trong thế tiến công, thủy binh và bộ binh Tây Sơn phối hợp chặt chẽ, phát triển tiến công các đồn lũy địch từ Trà Tân đến Trà Lọt. Bộ binh địch ở đây vừa nghe tin thủy quân đại bại thì quân Tây Sơn ập tới nên đã kinh hãi, hoảng loạn vô cùng, phần lớn lực lượng nhanh chóng bị tiêu diệt hoặc bắt sống.
Chiến thắng oanh liệt của trận Rạch Gầm – Xoài Mút thể hiện tài thao lược kiệt xuất của Bộ Chỉ huy nghĩa quân Tây Sơn và thống soái Nguyễn Huệ về khả năng vận dụng sáng tạo, linh hoạt nghệ thuật quân sự trong quá trình tác chiến. Chiến tranh đã lùi xa, nhưng những nét đặc sắc của nghệ thuật tác chiến trên địa bàn sông nước vẫn còn đó, là những bài học kinh nghiệm quý cần tiếp tục được nghiên cứu, vận dụng và phát triển phù hợp với điều kiện mới của sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc.
MẠNH HÀ