Lý Thị Kim Quyến
Email: ltkquyen@dthu.edu.vn
Trường Đại học Đồng Tháp
Tóm tắt
Bài viết tập trung phân tích thực trạng, các thuận lợi và khó khăn của chuyển đổi số (CĐS) trong chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại Đồng Tháp. Kết quả khảo sát 200 người cao tuổi thuộc đối tượng nghiên cứu cho thấy, chỉ 39% số người cao tuổi thực sự sử dụng các dịch vụ y tế số, do các rào cản chính là: Kỹ năng số hạn chế (48%); Giao diện ứng dụng phức tạp (36%) và Thiếu hỗ trợ kỹ thuật liên tục. Từ đó, nghiên cứu đề xuất các giải pháp bao gồm: Nâng cao kỹ năng số; Cải thiện giao diện ứng dụng; Nâng cấp cơ sở hạ tầng công nghệ và Xây dựng chính sách bảo vệ dữ liệu cá nhân, nhằm thúc đẩy quá trình CĐS trong chăm sóc sức khỏe người cao tuổi một cách hiệu quả và toàn diện tại địa phương.
GIỚI THIỆU
Chuyển đổi số trong chăm sóc sức khỏe là cuộc cách mạng toàn diện, đánh dấu bước chuyển quan trọng từ mô hình y tế truyền thống sang hệ sinh thái chăm sóc sức khỏe thông minh, linh hoạt và con người làm trung tâm. Kỷ nguyên số không chỉ là sự thay đổi công nghệ đơn thuần, mà còn là cuộc đổi mới sâu sắc về phương thức tiếp cận, quản lý và cung ứng dịch vụ y tế. Thông qua việc tích hợp các công nghệ tiên tiến, như: trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Bigdata) và hệ thống kết nối thông minh, CĐS hứa hẹn mang đến một mô hình chăm sóc sức khỏe cá nhân hóa, chính xác, chủ động phòng ngừa và có khả năng ứng phó nhanh chóng trước những thay đổi của hệ thống y tế và nhu cầu người bệnh (Malviya và cộng sự, 2024).
Việt Nam đang đối mặt với tốc độ già hóa dân số nhanh chóng, trong đó, tỉnh Đồng Tháp cũng không ngoại lệ. Người cao tuổi chiếm tỷ lệ lớn trong dân số và thường mắc các bệnh mãn tính, đòi hỏi sự chăm sóc y tế đặc biệt. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê (2025), dân số người cao tuổi từ 60 tuổi trở lên đã tăng đáng kể, từ 9,5 triệu người năm 2014 lên 14,2 triệu người năm 2024 và dự kiến sẽ đạt gần 18 triệu người vào năm 2030. Đáng chú ý, tỷ lệ người cao tuổi sống đơn thân, đặc biệt là phụ nữ, đang gia tăng nhanh chóng, với số cụ bà cô đơn cao gấp 5,44 lần so với cụ ông. Xu hướng này đặt ra nhu cầu cấp thiết về dịch vụ chăm sóc sức khỏe và hỗ trợ xã hội chuyên biệt cho người cao tuổi. Tuy nhiên, hệ thống y tế hiện tại chưa đáp ứng đủ nhu cầu này. Chỉ 49/63 tỉnh có khoa lão khoa tại các bệnh viện đa khoa tỉnh hoặc bệnh viện lão khoa, với khoảng 10.000 giường điều trị nội trú ưu tiên cho người cao tuổi và 1.791 nhân viên y tế được đào tạo về chuyên khoa lão khoa. Tại Đồng Tháp, tổng số người cao tuổi năm 2023 là 210.535 người, với 161.270 hội viên Hội Người cao tuổi (đạt 76,60%) và đang có xu hướng tăng nhanh. Trong bối cảnh này, việc nghiên cứu đẩy mạnh CĐS trong chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại Đồng Tháp là rất cần thiết nhằm làm rõ thực trạng, đánh giá kết quả và từ đó, đề xuất giải pháp tối ưu hóa việc ứng dụng công nghệ số, góp phần cải thiện công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại địa phương trong thời gian tới.
CƠ SỞ LÝ THUYẾT VÀ TỔNG QUAN NGHIÊN CỨU
Cơ sở lý thuyết
Theo Yoo và cộng sự (2012), CĐS trong chăm sóc sức khỏe là quá trình chuyển đổi từ các cấu trúc giao tiếp phi kỹ thuật số sang các cấu trúc sử dụng công cụ số, đòi hỏi những thay đổi sâu sắc về mặt xã hội và kỹ thuật, không chỉ đơn thuần là việc số hóa thông tin, mà còn là sự thay đổi toàn diện về cách thức cung cấp và tiếp nhận dịch vụ y tế. CĐS trong y tế được xây dựng dựa trên các lý thuyết về công nghệ thông tin và quản lý y tế. Các ứng dụng, như: Hồ sơ sức khỏe điện tử (EHR); Trí tuệ nhân tạo (AI); Internet vạn vật (IoT) và Telehealth là những công cụ cốt lõi giúp cải thiện khả năng tiếp cận và cá nhân hóa dịch vụ chăm sóc sức khỏe (Mumtaz và cộng sự, 2023).
CĐS trong chăm sóc sức khỏe người cao tuổi là một xu hướng quan trọng đang diễn ra trên toàn cầu. Theo Nikou và cộng sự (2019), CĐS trong chăm sóc sức khỏe người cao tuổi là việc ứng dụng các công nghệ số để nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, tăng khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe và hỗ trợ người cao tuổi sống độc lập lâu dài hơn tại nhà. Dựa trên mô hình lý thuyết về việc áp dụng công nghệ chăm sóc sức khỏe số cho người cao tuổi dựa trên khung tiếp cận năng lực của Amartya Sen, nghiên cứu này cho rằng, người cao tuổi quyết định sử dụng công nghệ số bằng cách xem xét liệu những công nghệ này có nâng cao khả năng sống độc lập của họ hay không. Đồng thời, Alruwaili và cộng sự (2023) đã đánh giá sự giao thoa giữa các can thiệp sức khỏe số và lão hóa khỏe mạnh, tập trung vào việc áp dụng, hiệu quả và trải nghiệm người dùng, cung cấp cái nhìn toàn diện về tiềm năng của công nghệ số trong việc cải thiện chất lượng cuộc sống của người cao tuổi.
Tổng quan nghiên cứu
Các nghiên cứu gần đây tập trung vào việc đánh giá tác động của CĐS đối với chất lượng dịch vụ y tế và khả năng tiếp cận của người cao tuổi. Đại dịch Covid-19 đã tạo ra động lực mạnh mẽ cho quá trình số hóa dịch vụ y tế, đặc biệt là telemedicine và các dịch vụ từ xa (Vainieri và cộng sự, 2023). Tuy nhiên, vẫn tồn tại khoảng cách số giữa các nhóm người cao tuổi, đặc biệt là ở khu vực nông thôn và vùng sâu vùng xa. Nghiên cứu của Finco và cộng sự (2024) về CĐS trong chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tập trung vào 3 khía cạnh chính: công bằng trong tiếp cận công nghệ, quyền riêng tư và trách nhiệm quản lý dữ liệu; đồng thời chỉ ra rằng, hơn 1/3 người trưởng thành từ 50 tuổi trở lên đã sử dụng công nghệ để duy trì sức khỏe và độc lập. Trong khi đó, Tortorella và cộng sự (2020) đã nhấn mạnh, CĐS trong các tổ chức chăm sóc sức khỏe chủ yếu cần xem xét 3 khía cạnh: (i) Xác định các công nghệ số khác nhau được triển khai; (ii) Lợi thế và lợi ích thu được từ việc triển khai các công nghệ số; (iii) Rào cản và thách thức liên quan đến việc triển khai các công nghệ số. Tuy nhiên, dù đã có nhiều nghiên cứu về ứng dụng công nghệ số trong chăm sóc sức khỏe, vẫn còn thiếu các nghiên cứu toàn diện về tác động của CĐS đối với chất lượng cuộc sống của người cao tuổi và đây là khoảng trống cần hướng tới lấp đầy.
PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
Đối tượng nghiên cứu bao gồm 200 người cao tuổi (trên 60 tuổi) tại tỉnh Đồng Tháp, được chọn mẫu ngẫu nhiên phân tầng theo giới tính, khu vực sinh sống (thành thị và nông thôn), đảm bảo tính đại diện của quần thể. Bên cạnh đó, công cụ thu thập số liệu bao gồm phiếu điều tra trực tiếp, phỏng vấn sâu và quan sát, được thiết kế để thu thập thông tin về mức độ sử dụng công nghệ số, trải nghiệm và rào cản tiếp cận dịch vụ y tế số. Đồng thời, thu thập và phân tích dữ liệu thứ cấp từ các báo cáo, nghiên cứu trước đây về chuyển đổi số trong ngành y tế.
Các phương pháp thu thập số liệu bao gồm phỏng vấn trực tiếp, quan sát và điều tra bằng bảng hỏi được thiết kế để khảo sát chi tiết về mức độ sử dụng công nghệ số, trải nghiệm người dùng và các rào cản tiếp cận dịch vụ y tế số. Phương pháp này cung cấp thông tin chi tiết và sâu sắc về cảm nhận cũng như thái độ của người cao tuổi trong bối cảnh chuyển đổi số y tế.
THỰC TRẠNG CĐS TRONG CHĂM SÓC SỨC KHỎE NÓI CHUNG VÀ ĐỐI VỚI NGƯỜI CAO TUỔI TẠI ĐỒNG THÁP
Thực trạng
Nhằm thúc đẩy CĐS trong lĩnh vực y tế và chăm sóc người cao tuổi, tỉnh Đồng Tháp đã ban hành nhiều chính sách, như: Đề án Chuyển đổi số Y tế giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030, tập trung vào xây dựng hệ thống y tế thông minh với 3 trụ cột: chăm sóc sức khỏe thông minh, bệnh viện thông minh và quản trị thông minh. Ngoài ra, Kế hoạch số 126/KH-UBND, ban hành ngày 13/4/2022 của UBND Tỉnh về thực hiện Chương trình hành động quốc gia về người cao tuổi giai đoạn 2022-2030 cũng nhấn mạnh việc phát triển mạng lưới dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi tại cộng đồng và ứng dụng công nghệ số vào quản lý sức khỏe.
Về cơ sở hạ tầng, tỉnh Đồng Tháp đã xây dựng hệ thống thông tin điều hành y tế thông minh, kết nối 100% cơ sở khám chữa bệnh công lập. Hệ thống này giúp quản lý dữ liệu y tế điện tử, bao gồm hồ sơ sức khỏe của hơn 1,5 triệu người dân, với hơn 20 triệu lượt khám chữa bệnh được ghi nhận. Đồng thời, các bệnh viện đã triển khai phần mềm quản lý bệnh viện (HIS), hệ thống lưu trữ và truyền tải hình ảnh y tế (PACS) và bệnh án điện tử. Người dân có thể sử dụng các Kiosk thông tin để đăng ký khám bệnh hoặc truy cập ứng dụng “Y tế Đồng Tháp” để đặt lịch khám trực tuyến và tra cứu thông tin y tế. Do đó, CĐS trong lĩnh vực y tế không chỉ giúp nâng cao chất lượng dịch vụ mà còn giảm tải áp lực cho hệ thống y tế truyền thống, đồng thời tạo điều kiện để người dân, cũng như người cao tuổi nói riêng tiếp cận dễ dàng hơn với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe từ xa và quản lý hồ sơ y tế điện tử.
Kết quả khảo sát
Kết quả khảo sát của nhóm tác giả cho thấy, có sự phân bố không đồng đều trong việc sử dụng công nghệ số của người cao tuổi tại Đồng Tháp (Hình 1), cụ thể: (i) Điện thoại thông minh: Với tỷ lệ khoảng 74% người cao tuổi sử dụng, điều này phản ánh một sự tiếp cận rộng rãi với công nghệ di động. Điện thoại thông minh là thiết bị phổ biến nhất, có thể do tính tiện lợi và dễ sử dụng, phù hợp với nhu cầu liên lạc và giải trí của người cao tuổi; (ii) Tivi/Máy tính: Chỉ có khoảng 44% người cao tuổi sử dụng tivi thông minh hoặc máy tính có kết nối internet, cho thấy sự hạn chế trong việc sử dụng các thiết bị này, do khó khăn trong việc sử dụng hoặc thiếu nhu cầu. Kết quả này không phù hợp với xu hướng CĐS, vì các thiết bị này có thể hỗ trợ nhiều dịch vụ y tế số, như: theo dõi sức khỏe, tư vấn trực tuyến và giáo dục sức khỏe cho người cao tuổi; (iii) Hồ sơ sức khỏe điện tử: Mặc dù 78% người cao tuổi đã nghe nói về hồ sơ sức khỏe điện tử, nhưng chỉ có khoảng 39% thực sự sử dụng, cho thấy khoảng cách lớn giữa nhận thức và hành động, do khó khăn trong việc sử dụng hoặc thiếu hướng dẫn cụ thể. Kết quả này chưa phù hợp với mục tiêu CĐS, vì hồ sơ sức khỏe điện tử là một công cụ quan trọng để quản lý và theo dõi sức khỏe cá nhân; (iv) Dịch vụ y tế từ xa – Telehealth: Chỉ có khoảng 34% người cao tuổi từng tham gia khám chữa bệnh từ xa, thể hiện sự hạn chế trong việc sử dụng dịch vụ y tế từ xa, do nhiều yếu tố, như: thiếu hạ tầng công nghệ, khó khăn trong việc sử dụng công nghệ hoặc sự thiếu tin tưởng vào dịch vụ y tế từ xa. Kết quả này chưa phù hợp với xu hướng CĐS, vì Telehealth có thể giúp giảm thời gian chờ đợi tại bệnh viện và cải thiện khả năng tiếp cận dịch vụ y tế; (v) Ứng dụng y tế: Có khoảng 36% người cao tuổi sử dụng các ứng dụng y tế di động để theo dõi sức khỏe hoặc đặt lịch khám. Điều này cho thấy sự hạn chế trong việc sử dụng các ứng dụng y tế, do giao diện phức tạp hoặc thiếu hướng dẫn cụ thể. Kết quả này chưa phù hợp với mục tiêu CĐS, vì các ứng dụng y tế có thể hỗ trợ người cao tuổi trong việc quản lý sức khỏe cá nhân và tiếp cận dịch vụ y tế một cách tiện lợi. Bên cạnh đó, tỷ lệ sử dụng Telehealth (34%) và ứng dụng y tế (36%) còn thấp so với tiềm năng, chưa tương xứng với việc 100% cơ sở khám chữa bệnh tại Đồng Tháp đã được trang bị hệ thống kiosk thông tin và triển khai ứng dụng “Y tế Đồng Tháp”. Mặc dù có một tỷ lệ cao người cao tuổi sử dụng điện thoại thông minh và nhận thức về hồ sơ sức khỏe điện tử, nhưng việc sử dụng thực tế các dịch vụ y tế số vẫn còn hạn chế.
Hình 1: Mức độ sử dụng công nghệ số của người cao tuổi tại Đồng Tháp
![]() |
Nguồn: Kết quả khảo sát
Phân tích mức độ hài lòng và khó khăn của người cao tuổi trong sử dụng dịch vụ y tế số tại Đồng Tháp đã cho thấy bức tranh đa chiều về thực trạng CĐS trong chăm sóc sức khỏe. Với mức độ hài lòng đạt 62%, kết quả khảo sát khẳng định sự chấp nhận ban đầu của người cao tuổi đối với các dịch vụ y tế số, đồng thời, phản ánh những thách thức còn tồn tại trong quá trình tiếp cận và sử dụng công nghệ của người cao tuổi. Trong khi đó, gần một nửa người cao tuổi gặp khó khăn trong việc sử dụng công nghệ; đồng thời, tỷ lệ người cao tuổi gặp rào cản trong giao diện ứng dụng là tương đối (36%), cho thấy sự cần thiết phải cá nhân hóa các giải pháp công nghệ phù hợp với đặc thù nhóm đối tượng người cao tuổi. Những khó khăn này xuất phát từ nhiều nguyên nhân, bao gồm trình độ công nghệ hạn chế, giao diện ứng dụng phức tạp và sự thiếu hỗ trợ kỹ thuật liên tục.
Hình 2: Mức độ hài lòng và các khó khăn người cao tuổi sử dụng dịch vụ y tế số tại Đồng Tháp
![]() |
Nguồn: Tác giả tính toán từ kết quả khảo sát
LỢI ÍCH VÀ HẠN CHẾ CỦA CĐS TRONG CHĂM SÓC SỨC KHỎE NGƯỜI CAO TUỔI TẠI ĐỒNG THÁP
Lợi ích
Thứ nhất, thực hiện CĐS trên nền tảng ứng dụng khám chữa bệnh từ xa với nhiều tiện ích, hỗ trợ tốt cho người dùng (người dân, hộ gia đình, phòng y tế của các … từ xa kết nối với phòng khám (bệnh viện, bác sĩ) để phục vụ cho nhu cầu khám, chữa bệnh, mang đến cơ hội cung cấp dịch vụ chăm sóc y tế tại nhà cho bệnh nhân, đặc biệt đối với bệnh nhân là người cao tuổi, do đó giúp họ tiết kiệm thời gian và chi phí đi lại.
Thứ hai, CĐS đã mở ra những cơ hội mới trong việc tiếp cận dịch vụ y tế cho người cao tuổi. Với hệ thống thông tin điều hành y tế thông minh kết nối 100% cơ sở khám chữa bệnh, người cao tuổi giờ đây có thể truy cập hồ sơ sức khỏe điện tử, đăng ký khám bệnh trực tuyến và tra cứu thông tin y tế một cách dễ dàng.
Thứ ba, nâng cao chất lượng chăm sóc người cao tuổi: Việc ứng dụng các phần mềm quản lý bệnh viện (HIS), hệ thống lưu trữ và truyền tải hình ảnh y tế (PACS) và bệnh án điện tử giúp cải thiện quá trình chẩn đoán và điều trị, đặc biệt quan trọng đối với người cao tuổi thường có nhiều bệnh lý phức tạp.
Thứ tư, tạo sự tiện lợi trong đăng ký khám bệnh: Người cao tuổi có thể sử dụng các kiosk thông tin hoặc ứng dụng “Y tế Đồng Tháp” để đặt lịch khám trực tuyến và tra cứu thông tin y tế, giảm thời gian chờ đợi và di chuyển không cần thiết.
Những rào cản và hạn chế
Một là, người cao tuổi gặp khó khăn trong việc sử dụng các thiết bị công nghệ, như tivi thông minh, máy tính có kết nối internet. Tỷ lệ sử dụng các dịch vụ y tế số như hồ sơ sức khỏe điện tử, telehealth và ứng dụng y tế còn thấp do thiếu kỹ năng số cơ bản. Cụ thể, kết quả khảo sát đã chỉ ra các rào cản sau: (i) Khoảng cách số: Mặc dù 74% người cao tuổi sử dụng điện thoại thông minh, song chỉ có 44% sử dụng tivi thông minh hoặc máy tính có kết nối internet; (ii) Chênh lệch giữa nhận thức và thực hành: 78% người cao tuổi biết về hồ sơ sức khỏe điện tử, nhưng chỉ 39% thực sự sử dụng, do người cao tuổi thiếu hướng dẫn cụ thể và chi tiết để sử dụng các ứng dụng và dịch vụ này một cách hiệu quả. Tương tự, chỉ 34% đã từng sử dụng dịch vụ Telehealth và 36% sử dụng ứng dụng y tế. Mức chênh lệch này phản ánh sự cần thiết phải cải thiện khả năng tiếp cận và sử dụng các dịch vụ y tế số; (iii) Rào cản kỹ năng và giao diện: 48% người cao tuổi gặp khó khăn về kỹ năng số và 36% gặp vấn đề với giao diện ứng dụng. Điều này là do các ứng dụng y tế thường có giao diện phức tạp, không thân thiện với người cao tuổi, gây khó khăn trong việc sử dụng. Người cao tuổi cần sự hỗ trợ kỹ thuật liên tục để giải quyết các vấn đề phát sinh khi sử dụng công nghệ số, nhưng hiện tại, sự hỗ trợ này còn hạn chế.
Hai là, chính sách hiện hành chưa thực sự tạo môi trường thuận lợi cho người cao tuổi, thể hiện qua các hạn chế trong việc bảo đảm thu nhập, việc làm, học tập và rèn luyện sức khỏe. Luật Người cao tuổi tuy mang lại nhiều quyền lợi cho nhóm đối tượng này, nhưng vẫn chưa đi sâu vào thực tiễn, bộc lộ nhiều khoảng trống cần điều chỉnh. Hệ thống y tế vẫn còn định hướng chủ yếu vào lực lượng dân số trẻ, chưa có chiến lược toàn diện cho quá trình già hóa dân số đang diễn ra nhanh chóng. Bên cạnh đó, ngành y tế Đồng Tháp đang gặp thách thức lớn về nguồn nhân lực công nghệ thông tin. Đội ngũ cán bộ y tế còn yếu về kỹ năng số, hệ thống công nghệ thông tin chưa được đầu tư đồng bộ với nhiều thiết bị lạc hậu, không tương thích. Khó khăn tài chính, đặc biệt sau đại dịch Covid-19, càng làm giới hạn khả năng đầu tư vào các giải pháp chuyển đổi số.
Ba là, nhiều bệnh viện và cơ sở y tế chưa tìm được phần mềm giúp số hóa hiệu quả lượng giấy tờ, hóa đơn, chứng nhận xét nghiệm cũng như hồ sơ, bệnh án. Vấn đề lưu trữ các hình ảnh y tế cũng là một bài toán khó.
Bốn là, người cao tuổi chưa thực sự quan tâm tới các dịch vụ y tế số, chưa quen với cách thức vận hành mới và lo lắng về mức độ bảo mật thông tin cá nhân. Đồng thời, người cao tuổi thiếu niềm tin vào nền y tế số, lo ngại về bảo mật và quyền sở hữu thông tin y tế, cũng như mức độ tin cậy của các thông tin được cung cấp trên các nền tảng y tế.
ĐỀ XUẤT GIẢI PHÁP
Từ những kết quả khảo sát thực tiễn, nghiên cứu đề xuất các giải pháp nhằm khắc phục các rào cản và phát huy những lợi ích của CĐS để cải thiện công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi. Cụ thể như sau:
Một là, nâng cao kỹ năng số cho người cao tuổi bằng cách tổ chức các chương trình đào tạo kỹ năng số thông qua các hội thảo và các buổi hướng dẫn sử dụng thiết bị số cần được tổ chức thường xuyên, đặc biệt là tại các trung tâm cộng đồng, nhà văn hóa hoặc trực tuyến với sự hỗ trợ từ đội ngũ tình nguyện viên công nghệ số. Các chương trình này nên được thiết kế phù hợp với khả năng tiếp thu của người cao tuổi, sử dụng ngôn ngữ dễ hiểu và có sự hỗ trợ từ các tình nguyện viên số. Việc phát triển các ứng dụng y tế cần được thiết kế với giao diện đơn giản, dễ sử dụng, với các nút bấm lớn, phông chữ rõ ràng và các hướng dẫn chi tiết. Các tính năng, như: nhắc nhở uống thuốc, theo dõi sức khỏe hàng ngày… cần được tích hợp để giúp người cao tuổi dễ dàng sử dụng. Đồng thời, cần có đội ngũ hỗ trợ kỹ thuật liên tục để giải quyết các vấn đề phát sinh khi người cao tuổi sử dụng công nghệ số thông qua các dịch vụ hỗ trợ trực tuyến.
Hai là, nâng cấp cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin tại các cơ sở y tế để đảm bảo khả năng kết nối dữ liệu liền mạch giữa bệnh nhân và bác sĩ, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa. Đồng thời, xây dựng các giải pháp phần mềm giúp số hóa hiệu quả hồ sơ bệnh án, hóa đơn, kết quả xét nghiệm và hình ảnh y tế. Điều này sẽ giảm thiểu thủ tục hành chính phức tạp cho người cao tuổi. Ngoài ra, sử dụng AI để hỗ trợ chẩn đoán bệnh chính xác hơn và cá nhân hóa dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi.
Ba là, chính quyền địa phương và các tổ chức y tế cần tìm kiếm các nguồn tài trợ, hợp tác với các doanh nghiệp công nghệ để đầu tư vào CĐS y tế, có thể bao gồm việc mua sắm thiết bị, phát triển phần mềm và đào tạo nhân lực. Ngoài ra, tăng cường đào tạo và thu hút các chuyên gia công nghệ thông tin và CĐS y tế để hỗ trợ và phát triển các giải pháp công nghệ phù hợp với nhu cầu của người cao tuổi.
Bốn là, xây dựng các chính sách bảo vệ dữ liệu cá nhân nghiêm ngặt để tăng cường niềm tin của người cao tuổi vào các dịch vụ y tế số. Các nền tảng cần minh bạch về cách thức sử dụng dữ liệu y tế cá nhân. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền về lợi ích của CĐS trong chăm sóc sức khỏe, để người cao tuổi hiểu rõ giá trị của các dịch vụ này, từ đó, thúc đẩy sự chấp nhận và sử dụng rộng rãi hơn.
Năm là, tích cực học hỏi, tham khảo các mô hình thành công, như: chương trình “Seniors Go Digital” ở Singapore hay chương trình hỗ trợ kỹ thuật số ở Seoul để xây dựng các chính sách hỗ trợ sức khỏe người cao tuổi phù hợp với điều kiện trong nước./.