Cách nay hơn 40 năm- năm 1979, một sự kiện lịch sử tạo ra bước ngoặt quan trọng trong công cuộc phát triển kinh tế – xã hội cho tỉnh Tây Ninh và các tỉnh, thành lân cận, đó là luận chứng kinh tế kỹ thuật công trình thuỷ lợi hồ Dầu Tiếng được Chính phủ phê duyệt với kinh phí đầu tư lên đến gần 110 triệu USD thời bấy giờ.
Sau thời gian khẩn trương chuẩn bị, ngày 29.4.1981, tại huyện Dương Minh Châu, Phó Thủ tướng Chính phủ Huỳnh Tấn Phát đã đặt nhát cuốc đầu tiên phát lệnh khởi công công trình thuỷ nông có quy mô lớn nhất nước này. Chỉ 4 năm sau, ngày 10.1.1985, hệ thống thuỷ lợi Dầu Tiếng chính thức mở nước phục vụ tưới tiêu cho hàng chục ngàn ha đất ruộng đồng ở Tây Ninh.
Với diện tích mặt nước 27.000 ha, dung tích chứa hơn 1,5 tỷ m3 nước cùng hệ thống kênh các cấp có tổng chiều dài hơn 2.000km, nhiều năm qua, mỗi năm hệ thống thuỷ lợi Dầu Tiếng đã dẫn nước trực tiếp tưới tiêu cho hơn 100.000 ha đồng ruộng; cung cấp gần 100 triệu m3 nước ngọt cho các ngành công nghiệp và sinh hoạt, góp phần đáng kể trong việc phát triển sản xuất công nghiệp, cải thiện môi trường, an sinh xã hội.
Ngoài ra, hằng năm, hồ Dầu Tiếng còn cung cấp cho ngư dân cả ngàn tấn thuỷ sản, giúp hàng trăm hộ có cuộc sống ổn định. Để có được thành quả như ngày hôm nay, hệ thống thuỷ lợi Dầu Tiếng đã trải qua không ít thăng trầm, trắc trở cùng với sự nỗ lực lớn lao, không ngừng nghỉ của Trung ương và các địa phương- nhất là trong giai đoạn đầu sau khi mở nước phục vụ.
Nhớ lại những năm đầu sau khi khởi công xây dựng hệ thống thuỷ lợi Dầu Tiếng cách nay hơn 40 năm, nhiều người lớn tuổi ở Tây Ninh không khỏi cảm thấy tự hào. Bởi thời ấy, phong trào làm thuỷ lợi với khẩu hiệu “Ta đi xây dựng công trường, công trường xây dựng ta” diễn ra vô cùng sôi động. Thanh niên thời ấy hầu hết đều tham gia làm kênh trên toàn hệ thống thuỷ lợi Dầu Tiếng. Có nhiều thanh niên coi công trường thi công như là nhà bởi quanh năm suốt tháng luôn có mặt đào, đắp các tuyến kênh. Những lúc cần đẩy nhanh tiến độ, nhiều nơi thanh niên thắp đèn làm cả ban đêm, tiếng cuốc xẻng đào đất, tiếng đầm nện nén đất đắp bờ kênh hoà quyện tiếng cười đùa, hò hát vang vọng trong đêm khuya, tạo thành không khí vui tươi như ngày hội.
Thời đó, đoàn viên – thanh niên đóng vai trò nòng cốt trong việc thi công công trình thuỷ lợi này. Đến ngày công trình đưa vào vận hành, Tây Ninh và các tỉnh, thành lân cận đã huy động được hơn 450 ngàn lượt đoàn viên – thanh niên tham gia; thực hiện gần 15 triệu ngày công lao động; đào đắp được hơn 11,6 triệu m3 đất, xây lắp gần 54 ngàn m3 bê tông và đá xây… để xây dựng nên hàng ngàn km kênh và hàng ngàn công trình trên kênh.
Từ phong trào làm thuỷ lợi, hàng trăm đoàn viên đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua, 1.450 kiện tướng lao động; hơn 430 đoàn viên ưu tú được kết nạp vào Đảng, hơn 10 ngàn thanh niên được kết nạp vào Đoàn. Bên cạnh đó cũng xuất hiện nhiều đơn vị điển hình làm thuỷ lợi có năng suất cao, chất lượng tốt như xã Hiệp Tân (Hoà Thành), xã Hảo Đước (Châu Thành), xã Cẩm Giang (Gò Dầu), xã Lộc Ninh (Dương Minh Châu), xã Tân Hưng (Tân Biên), xã Bình Minh (Thị xã – bây giờ là thành phố Tây Ninh). Riêng 2 huyện Châu Thành và Hoà Thành thì nhiều năm liền giữ lá cờ đầu trên công trường, được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba.
Đầu năm 1985, nguồn nước từ hồ chứa Dầu Tiếng bắt đầu tuôn ra, theo 2 tuyến kênh chính Đông và Tây với tổng chiều dài hơn 80km, đổ vào cả ngàn km các tuyến kênh cấp 1, 2, 3 rồi lan toả ra kênh nội đồng đưa nước đến hàng chục ngàn ha đồng ruộng.
Không thể tả hết được niềm vui mừng của nhân dân lúc bấy giờ khi dòng nước kênh chảy ra những cánh đồng bao năm bỏ hoang trong mùa khô vì thiếu nước. Từ đó, nhiều cánh đồng lúa từ 1 vụ không chắc ăn, bỗng trở thành đất lúa 3 vụ mỗi năm, năng suất luôn ổn định. Nhiều cánh đồng “ngàn năm hoang hoá” đã biến thành những vùng sản xuất nông nghiệp trù phú.
Tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp toàn tỉnh trong năm tăng vọt gấp 2-3 lần so với trước khi có hệ thống thuỷ lợi Dầu Tiếng. Nhiều loại cây trồng có giá trị kinh tế cao được phát triển, nhiều vùng chuyên canh được hình thành… Hệ thống thuỷ lợi Dầu Tiếng đã đóng vai trò quyết định trong việc phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh Tây Ninh, góp phần nâng cao đời sống nhân dân trong nhiều năm qua.
Bê tông hoá kênh thuỷ lợi.
Tuy nhiên, để có được thành quả như hôm nay không phải là chuyện giản đơn. Trong gần hơn 40 năm qua, chính quyền các cấp và nhân dân đã phải hết sức nỗ lực trong việc đưa hệ thống thuỷ lợi Dầu Tiếng vượt qua những giai đoạn “thăng trầm” phát sinh sau khi đưa vào phục vụ và mỡ thêm diện tích tưới.