CÔNG TÁC KIỂM TRA – GIÁM SÁT
Phần I: CÔNG TÁC KIỂM TRA – GIÁM SÁT CỦA HỘI NGƯỜI CAO TUỔI
Thực hiện các quy định của Đảng, Nhà nước và Uỷ ban MTTQ Việt Nam về công tác Kiểm tra, giám sát;
Căn cứ chương V điều lệ Hội NCT Việt Nam do đại hội VI thông qua và các quy chế, quy định của Ban chấp hành, Ban Thường vụ Trung ương Hội; quy chế tổ chức và hoạt động của Ban Kiểm tra Trung ương Hội NCT Việt Nam khoá VI đã ban hành;
Căn cứ thực tiển hoạt động của Hội Người cao tuổi các cấp;
Công tác Kiểm tra, Giám sát trong hệ thống tổ chức Hội NCT tập trung thực hiện một số nội dung cụ thể sau:
1.Xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác Kiểm tra, giám sát:
– Cấp tỉnh, huyện:
+ Đối với Hội NCT: Đại hội Hội NCT cấp tỉnh, huyện bầu Ban Kiểm tra của cấp mình, gồm 3-5 uỷ viên. Trưởng ban Kiểm tra là uỷ viên Ban Thường vụ hoặc Phó chủ tịch Hội do Ban chấp hành bầu trong số uỷ viên Ban Kiểm tra. Phó ban Kiểm tra do Ban Kiểm tra bầu trong số uỷ viên Ban Kiểm tra.
– Cấp cơ sở: Đại hội Hội NCT xã, phường, thị trấn (gọi chung là hội cơ sở) bầu Ban Kiểm tra của cấp mình, gồm 3-5 uỷ viên. Trưởng ban Kiểm tra là uỷ viên Ban Thường vụ hoặc phó chủ tịch hội do Ban chấp hành bầu trong số uỷ viên Ban Kiểm tra. Phó trưởng ban Kiểm tra do Ban Kiểm tra bầu trong số uỷ viên Ban Kiểm tra.
2.Nguyên tắc Kiểm tra, giám sát:
– Công tác Kiểm tra, giám sát là nhiệm vụ của tổ chức, cán bộ, hội viên NCT nhằm thực hiện chức năng, nhiệm vụ, nghị quyết, quyết định và chương trình công tác của các cấp hội.
– Cơ quan kiểm tra chuyên trách, cán bộ thường trực làm công tác kiểm tra có nhiệm vụ làm tham mưu, thực hiện nhiệm vụ công tác kiểm tra, giám sát theo quyết định của Ban chấp hành Hội.
– Ban Kiểm tra các cấp chịu sự lãnh đạo của Ban chấp hành cùng cấp trực tiếp, thường xuyên là do ban thường vụ và hướng dẫn của Ban Kiểm tra Trung ương Hội, Ban Kiểm tra hoạt động theo pháp luật Nhà nước và điều lệ Hội.
– Đối tượng kiểm tra là tổ chức hội, uỷ viên ban chấp hành Hội cùng cấp, cán bộ, hội viên. Phương châm hoạt động Kiểm tra lấy phòng ngừa, ngăn chặn các vi phạm là chính; kiểm tra, xử lý kịp thời, nghiêm túc khi có dấu hiệu vi phạm.
3.Mục đích kiểm tra, giám sát:
– Xây dựng và thực hiện đúng các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của nhà nước.
– Kịp thời phát hiện sai sót, khuyết điểm, yếu kém, các nhân tố mới, các mặt tích cực để tiếp tục chỉ đạo hoặc kiến nghị sửa đổi, bổ sung các nhiệm vụ của Hội, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước cho phù hợp.
– Phát huy quyền làm chủ của cán bộ, hội viên NCT, góp phần xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch, vững mạnh và tạo sự đồng thuận xã hội.
4.Nội dung kiểm tra, giám sát:
a) Đánh giá kết quả thực hiện nghị quyết đại hội VI Hội NCT Việt Nam, thi hành điều lệ Hội NCT Việt Nam, chương trình công tác nhiệm kỳ, hàng năm:
– Kết quả thực hiện 3 nhiệm vụ trọng tâm, 3 chương trình công tác lớn của Hội đề ra trong nhiệm kỳ.
– Nhiệm vụ chính phủ giao: Triển khai thực hiện “ Tháng hành động vì NCT Việt Nam “; triển khai đề án nhân rộng mô hình câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau.
– Đánh giá thực hiện các chỉ tiêu Đại hội VI Hội NCT Việt Nam.
b) Đánh giá việc thực hiện luật NCT, việc thực hiện chính sách, pháp luật của nhà nước đối với NCT tại địa phương, những kiến nghị.
c) Thông qua Kiểm tra, giám sát nêu những khó khăn, hạn chế của Hội NCT địa phương trong nhiệm kỳ qua, đề xuất những kiến nghị cho nhiệm kỳ tới.
5.Phương pháp Kiểm tra, giám sát:
– Hàng năm tuỳ theo tình hình hoạt động của hội cấp tỉnh chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch kiểm tra, giám sát; thành lập đoàn hoặc phân công cán bộ trực tiếp thực hiện kiểm tra, giám sát theo thẩm quyền. Hướng dẫn Hội cấp huyện thực hiện công tác kiểm tra, giám sát theo tình hình thực tiễn của địa phương.
– Hội NCT cấp tỉnh chủ động tiến hành kiểm tra, giám sát ( 1-2 đơn vị cấp huyện, trong đó có 2-3 cơ sở xã, phường, thị trấn ); báo cáo Ban công tác NCT Tỉnh nội dung kiểm tra, giám sát xin ý kiến chỉ đạo, đề nghị hỗ trợ điều kiện cho công tác kiểm tra, giám sát.
– Đối với các địa phương có Ban chấp hành Hội NCT, sau kiểm tra, giám sát xây dựng báo cáo công tác kiểm tra, giám sát hàng năm, cả nhiệm kỳ của Ban kiểm tra trình hội nghị BCH thường kỳ và báo cáo tổng kết vào dịp đại hội và chủ động chuẩn bị nhân sự Ban Kiểm tra khoá mới báo cáo BCH khoá đương nhiệm trình đại hội.
– Sau mỗi đợt kiểm tra, giám sát, ban kiểm tra, hoặc đoàn kiểm tra, giám sát báo cáo bằng văn bản, tổng hợp ý kiến kết luận của trưởng đoàn, trong đó nêu rõ ưu, nhược điểm và giải pháp khắc phục, gửi cấp có thẩm quyền và đơn vị là đối tượng kiểm tra biết để khắc phục những hạn chế, phát huy những kết quả đạt được vào những năm tiếp theo.
6.Quyền và trách nhiệm của chủ thể kiểm tra, giám sát:
– Xây dựng kế hoạch: yêu cầu cơ quan, tổ chức được kiểm tra, giám sát cung cấp thông tin, tài liệu liên quan, báo cáo bằng văn bản.
– Xem xét khách quan những vấn đề liên quan đến nội dung kiểm tra, giám sát. Tổ chức đối thoại với đối tượng kiểm tra, giám sát để làm rõ nội dung kiến nghị
– Kiến nghị cơ quan có thẩm quyền áp dụng các biện pháp để bảo vệ lợi ích của nhà nước; quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của tổ chức Hội, cán, hội viên NCT; xem xét trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.
– Gửi báo cáo kết quả kiểm tra, giám sát bằng văn bản đến các cơ quan theo quy định; chịu trách nhiệm về những nội dung kiến nghị sau kiểm tra, giám sát.
– Theo dõi, đôn đốc việc giải quyết kiến nghị sau kiểm tra, giám sát.
– Báo cáo kết quả kiểm tra, giám sát 6 tháng/năm (gởi cấp có thẩm quyền).
7.Quy trình Kiểm tra, giám sát:
Bước 1: Chọn nội dung, đối tượng, phạm vi kiểm tra, giám sát
Bước 2: Xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát
Bước 3: Thực hiện kế hoạch kiểm tra, giám sát
Bước 4: Viết báo cáo kiến nghị sau kiểm tra, giám sát
Bước 5: Theo dõi việc thực hiện kết luận hoặc kiến nghị sau kiểm tra, giám sát
(Đối với việc kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm của tổ chức, cá nhân thì vận dụng thực hiện theo quy định của Đảng đối với đối tượng kiểm tra là cấp uỷ hoặc Đảng viên trong hệ thống Hội và cán bộ, hội viên, người cao tuổi là Đảng viên) và theo điều lệ Hội; các quy chế, quy định cưa Trung ương Hội.
Theo tài liệu tạp huấn cán bộ Hội của Trung ương Hội NCT Việt Nam
năm 2024
PHẦN II: HƯỚNG DẪN CÔNG TÁC KIỂM TRA, GIÁM SÁT CỦA HỘI NGƯỜI CAO TUỔI CƠ SỞ
i.MỤC ĐÍCH CỦA KIỂM TRA, GIÁM SÁT:
– Qua kiểm tra thấy được thực trạng hoạt động của các cấp hội trong việc chấp hành, thực hiện Nghị quyết, Chương trình công tác của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Trung ương Hội và Hội các cấp về công tác xây dựng tổ chức Hội, hoạt động chăm sóc, hoạt động phát huy vai trò NCT ở cơ sở để từ đó đề xuất với các cơ quan lãnh đạo Hội các cấp có chủ trương chỉ đạo hoạt động của Hội NCT cơ sở cho phù hợp.
– Qua giám sát để phát hiện việc thực hiện ở cơ sở các chính sách của Nhà nước đối với NCT của chính quyền địa phương theo quy định Luật NCT và các Nghị định của Chính phủ, các Thông tư hướng dẫn của các bộ, ngành, từ đó tổng hợp, kiến nghị, tham mưu với các cơ quan chức năng của Nhà nước sửa đổi, bổ sung các chính sách và xem xét, xử lý, quyết định các vấn đề cụ thể, bảo đảm cho NCT được hưởng quyền và lợi ích hợp pháp theo quy định.
II.NGUYÊN TẮC KIỂM TRA, GIÁM SÁT:
Thực hiện đúng thẩm quyền, nhiệm vụ của Ban Chấp hành, của Ban Kiểm tra Hội NCT cơ sở được quy định trong Điều lệ Hội và Quy chế tổ chức và hoạt động của Ban Kiểm tra.
Bảo đảm sự lãnh đạo của cấp uỷ Đảng, quản lý của chính quyền địa phương phù hợp với Hiến pháp, Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở cơ sở (xã, phường, thị trấn) và quy định về Thanh tra nhân dân.
Dân chủ, công khai, khách quan.
Phối hợp chặt chẽ giữa Hội NCT cơ sở với các tổ chức, đoàn thể có liên quan, nhất là các đoàn thể có đông hội viên là NCT (Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh…).
III. NỘI DUNG KIỂM TRA, GIÁM SÁT:
1.Kiểm tra việc chấp hành, thực hiện Nghị quyết, quyết định của BCH, Ban Thường vụ Trung ương Hội và Hội Người cao tuổi các cấp:
– Kết quả thực hiện các Nghị quyết, quyết định của Trung ương Hội và các cấp Hội về công tác chăm sóc và phát huy vai trò NCT ở cơ sở.
– Công tác xây dựng tổ chức Hội: về phát triển hội viên, về sinh hoạt BCH, sinh hoạt chi hội, đóng hội phí, chân quỹ… theo quy định của Điều lệ Hội.
– Hoạt động chăm sóc NCT ở cơ sở: Về vật chất, tinh thần, sức khỏe; triển khai hoạt động về chăm sóc sức khỏe cho NCT; Kết quả xây dựng, sử dụng Quỹ Chăm sóc và phát huy vai trò NCT và việc xã hội hóa các hoạt động chăm sóc NCT, kiến nghị bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của NCT.
– Hoạt động phát huy vai trò NCT ở cơ sở: Hội NCT phối hợp các đoàn thể trong các hoạt động phát huy vai trò NCT, tham gia xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở, triển khai xây dựng các câu lạc bộ về văn hoá, văn nghệ, thơ ca…Tham mưu cho cấp ủy và chính quyền các cấp hỗ trợ hoạt động của NCT.
2.Giám sát thực hiện ở cơ sở các chủ trương chính sách của Nhà nước về chăm sóc NCT để báo cáo với cơ quan chức năng xem xét, giải quyết: Tình hình thực hiện trợ cấp xã hội (TCXH) và bảo trợ xã hội (BTXH) đối với NCT tại cộng đồng, trọng tâm giám sát các nội dung sau:
+ Số NCT từ 60-79 tuổi đủ tiêu chuẩn TCXH nhưng chưa được hưởng.
+ Số NCT từ đủ 80 tuổi trở lên đủ tiêu chuẩn BTXH nhưng chưa được hưởng.
+ Số NCT từ đủ 80 tuổi trở lên chưa có thẻ BHYT.
+ Số NCT chưa được khám định kì và lập hồ sơ quản lý sức khỏe/tổng số NCT.
3.Về chúc thọ, mừng thọ và tổ chức tang lễ – Tổ chức chúc thọ, mừng thọ tại địa phương: kinh phí, quà tặng theo quy định của Nhà nước và của địa phương. – Tổ chức tang lễ cho NCT: Việc phối hợp giữa chính quyền với Hội NCT trong tổ chức tang lễ và việc thực hiện chế độ chính sách với NCT (hỗ trợ chi phí mai táng cho NCT và mai táng cho NCT cô đơn, không nơi nương tựa…) theo quy định của Nhà nước và địa phương.
IV.PHƯƠNG PHÁP KIỂM TRA, GIÁM SÁT:
1.Ban Kiểm tra tham mưu cho Ban Chấp hành Hội NCT cơ sở xây dựng kế hoạch kiểm tra toàn diện hoặc kiểm tra chuyên đề đối với hoạt động của các chi hội hoặc một số chi hội khi có yêu cầu và tổ chức thực hiện.
2.Ban Kiểm tra tham mưu cho Ban Chấp hành Hội NCT cơ sở xây dựng chương trình giám sát việc thực hiện các chính sách của Nhà nước đối với NCT trong phạm vi địa phương. Ban Chấp hành Hội NCT cơ sở báo cáo UBND cấp xã xin chủ trương giám sát những vấn đề thật cần thiết. Khi có chủ trương phối hợp với các Ban ngành, đoàn thể liên quan để thực hiện. Khi có những vấn đề có nhiều NCT quan tâm, bức xúc, Ban Kiểm tra nghiên cứu và đề xuất BCH Hội NCT cơ sở báo cáo UBND cấp xã quyết định thành lập Tổ Giám sát chuyên đề ( gồm 5-7 thành viên: một số uỷ viên Ban Chấp hành, Uỷ viên Ban Kiểm tra, Chi hội trưởng và đại diện các Hội Phụ nữ, Cựu Chiến binh… có liên quan tham gia). Ban Kiểm tra chuẩn bị kế hoạch hoạt động của Tổ Giám sát (mục đích, nội dung, phạm vi giám sát); theo dõi tổng hợp và chuẩn bị dự thảo báo cáo kết quả kiểm tra, giám sát của Tổ Giám sát.
3.Ban Chấp hành Hội, Ban Kiểm tra Hội NCT cơ sở tổng hợp ý kiến phản ảnh kiến nghị của các chi hội, tổ hội, các đơn thư khiếu nại, tố cáo, phản ảnh của tổ chức, cá nhân gửi đến, những vấn đề có liên quan đến việc thực hiện chính sách đối với NCT để báo cáo với các cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết.
4.Định kì mỗi năm/ lần, Ban Kiểm tra báo cáo kết quả kiểm tra với Hội NCT cơ sở và tham mưu cho Ban Chấp hành Hội NCT cơ sở báo cáo kết quả giám sát và các kiến nghị của Hội NCT gửi Đảng uỷ, HĐND, UBND, UBMTTQ cấp xã và Hội NCT cấp huyện..
V.TRÁCH NHIỆM CỦA HỘI NCT CẤP TỈNH, CẤP HUYỆN:
Căn cứ tình hình thực tế của địa phương, Hội NCT cấp tỉnh hướng dẫn các Hội NCT cơ sở thực hiện chương trình kiểm tra, giám sát. Khi có vấn đề thật cần thiết, Hội NCT cấp huyện có thể tổ chức kiểm tra, giám sát thực tế một số cơ sở, báo cáo kết quả gửi HĐND, UBND, UBMTTQ cấp huyện và gửi Hội NCT cấp tỉnh. Hội NCT cấp tỉnh tổng hợp báo cáo kết quả kiểm tra, giám sát chung của tỉnh gửi HĐND, UBND, UBMTTQ tỉnh và TW Hội NCT Việt Nam.