HOẠT ĐỘNG CÂU LẠC BỘ LIÊN THẾ HỆ TỰ GIÚP NHAU THEO QUYẾT ĐỊNH 1336/QĐ-TTG
Phần I: NỘI DUNG CHỦ YẾU TRONG QUYẾT ĐỊNH SỐ 1336/QĐ-TTG NGÀY 31/8/2020 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
I.GIỚI THIỆU CHUNG
1.Tìm hiểu mô hình Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau (CLBLTHTGN)
Việt Nam chính thức vào già hoá dân số từ năm 2011 là 1 trong 10 quốc gia có tốc độ già hoá dân số nhanh nhất thế giới. Việt Nam luôn xác định “Già hoá dân số” vừa là cơ hội vừa là thách thức đồng thời khẳng định Người cao tuổi là nguồn lực lao động giàu kinh nghiệm, có uy tín và trách nhiệm. Ngày 2/8/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành số 1533/QĐ-TTg và ngày 31/8/2020 ban hành quyết định số 1336/QĐ-TTg phê duyệt đề án nhân rộng mô hình CLBLTHTGN giai đoạn đến 2025. Với 8 mãng hoạt động, CLBLTHTGN là mô hình toàn diện trong chăm sóc, bảo vệ và phát huy vai trò NCT và sự tham gia của NCT trong bối cảnh già hoá dân số hiện nay ở nước ta.
Mô hình CLBLTHTGN đã được Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế và một số tổ chức trong nước và Quốc tế giới thiệu tại các diễn đàn khu vực Asean, Châu á và Quốc tế như một sáng kiến tốt của chính phủ Việt Nam, được tổ chức Y tế Thế giới đưa vào kế hoạch hành động khu vực về già hoá khoẻ mạnh như một điển hình tốt của Chính phủ Việt Nam. Đặc biệt mô hình CLBLTHTGN đã đạt giải nhất trong giải sáng kiến Vì một Châu á già hoá khoẻ mạnh lần thứ 1 vào tháng 7 năm 2020, do Viện nghiên cứu kinh tế Asean và Đông Nam á và Trung tâm giao lưu quốc tế Nhật Bản thực hiện dưới sự bảo trợ của sáng kiến sức khoẻ và Hạnh phúc Châu á của chính phủ Nhật Bản.
Định nghĩa về CLBLTHTGN là một tổ chức xã hội tự nguyện tại cộng đồng (chỉ thành lập ở ấp, tổ dân phố, khu phố) có khoảng 50-70 thành viên, từ nhiều lứa tuổi, hoàn cảnh trong đó phần lớn là NCT, phụ nữ, người có hoàn cảnh khó khăn về xã hội hoặc kinh tế, hoạt động với tinh thần tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau nhằm cải thiện chất lượng cuộc sống.
2.CLBLTHTGN được cụ thể trong chương trình và chính sách quốc gia
– Nghị quyết số 21/NQ-TƯ ngày 25/10/2017 Hội nghị lần thứ 6 Ban chấp hành trung ương Đảng khoá 12 về công tác dân số trong tình hình mới.
– Nghị quyết số 137/NQ-CP của chính phủ: Ban hành chương trình hành động của Chính phủ thực hiện nghị quyết số 21/NQ-TƯ ngày 25/10/2017 phân công Bộ LĐTBXH chịu trách nhiệm quản lý về mặt nhà nước trong nhân rộng CLBLTHTGN.
– Quyết định số 2156/QĐ-TTg phê duyệt chương trình hành động quốc gia về NCT giai đoạn 2021 – 2030 ngày 21/12/2021. Trong đó chỉ tiêu đến 2025 ít nhất 50% và đến năm 2030 ít nhất 80% xã, phường, thị trấn có mô hình CLBLTHTGN hoặc các mô hình CLB khác chăm sóc và phát huy vai trò NCT thu hút ít nhất 70% NCT trên địa bàn tham gia.-Quyết định số 1579/QGG-TTg ngày 13/10/2020 của Thủ tướng chính phủ phê duyệt chương trình chăm sóc sức khoẻ NCT đến năm 2030.Trong đó CLBLTHTGN được nhắc đến nhiều lần. Hướng đến mục tiêu năm 2030, 100% CLBLTHTGN trên toàn quốc có hoạt động chăm sóc sức khoẻ NCT. Cần lồng ghép các hoạt động chăm sóc sức khoẻ NCT thông qua CLBLTHTGN.
– Nghị quyết đại hội 6 Hội NCT Việt Nam.
II.QUYẾT ĐỊNH SỐ 1336/QĐ-TTG NGÀY 31/8/2020 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN NHÂN RỘNG MÔ HÌNH CLBLTHTGN GIAI ĐOẠN ĐẾN 2025.
1.Mục tiêu đề án 1336:
a) Phát huy hiệu quả của mô hình CLBLTHTGN nhằm duy trì và tiếp tục nhân rộng CLB, huy động sự tham gia của NCT, Hội NCT, các cấp, các ngành và cộng đồng để nâng cao chất lượng đời sống vật chất và tinh thần của NCT; chăm sóc sức khoẻ, xoá đói giảm nghèo, góp phần xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh và bảo vệ quyền lợi cho NCT.
b) Góp phần thực hiện chương trình hành động của Chính phủ theo nghị quyết số 137/NQ-CP ngày 31/12/2017 về thực hiện nghị quyết số 21-NQ/TƯ ngày 25/10/2027 Hội nghị lần thứ 6 BCHTW Đảng khoá 12 về công tác dân số trong tình hình mới và chương trình hành động quốc gia về NCT Việt Nam đến năm 2030.
2.Chỉ tiêu dề án 1336:
a) Chỉ tiêu về số lượng:
– Đến năm 2025 có ít nhất 95% các tỉnh, thành phố trong cả nước có CLBLTHTGN; có thêm ít nhất 3.000 CLB mới được thành lập với 150.000 thành viên, trong đó có hơn 100.000 NCT. Chú trọng việc nhân rộng CLBLTHTGN đối với các địa Bnf miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn.
– Duy trì, nâng cao chất lượng hoạt động và quản lý 100% CLB đã có ở giai đoạn 2016 – 2020 và CLB mới được xây dựng.
b) Chỉ tiêu về chất lượng:
– Các CLBLTHTGN bảo đảm chất lượng về cơ cấu, thành phần, ưu tiên người có hoàn cảnh khó khăn tham gia.
– Có ít nhất 70% CLBLTHTGN thực hiện đủ 8 mãng hoạt động, mọi thành viên được nâng cao sức khoẻ về thể chất, tinh thần, nâng cao nhận thức, kiến thức và bảo vệ quyền lợi.
– 100% CLBLTHTGN có quỹ tăng thu nhập và quỹ hoạt động do CLB tự quản lý theo quy chế do CLB ban hành.
3.Phạm vi đề án 1336:
a) Phạm vi: Đề án được triển khai tại tất cả các địa phương trong cả nước
b) Đối tượng được hưởng lợi: NCT, gia đình NCT, cộng đồng
4.Các hoạt động của đề án 1336:
a) Lập kế hoạch, triển khai đề án
b)Tập huấn kỹ thuật, tài liệu để nâng cao năng lực, hiệu quả thực hiện đề án
– Tập huấn ban đầu cho các địa phương chưa được tạp huấn trong giai đoạn 2016 – 2020; Đối tượng tập huấn: cán bộ Hội NCT và cán bộ liên quan, Ban chủ nhiệm CLBLTHTGN; Tạp huấn giảng viên cho các tỉnh, liên tỉnh; Xây dựng tài liệu tập huấn.
c) Xây dựng, quản lý và triển khai hoạt động CLBLTHTGN
– Xây dựng thành lập mới CLB, duy trì kiện toàn các CLB đã thành lập bảo đảm chỉ tiêu về số lượng và chất lượng.
– Chú trọng quản lý, triển khai 8 hoạt động theo quy định.
– Tổ chức tham quan mô hình, giao lưu, chia sẽ kinh nghiệm giữa các địa phương, các CLBLTHTGN nhằm nâng cao hiệu quả đề án.
– Tổ chức kiểm tra, giám sát, đánh giá, hỗ trợ kỹ thuật bổ sung cho CLB, bảo đảm chất lượng hoạt động và chỉ tiêu đề án.
d) Truyền thông nâng cao nhận thức.
– Tăng cường tuyên truyền đề án, hiệu quả hoạt động CLB góp phần nâng cao nhận thức các cấp chính quyền và cộng đồng về già hoá và ứng phó với già hoá dân số.
– Đẩy mạnh việc phối hợp với các cơ quan truyền thông tuyên truyền nâng cao nhận thức về tác động và hiệu quả của CLB.
– Xây dựng tài liệu truyền thông về đề án CLBLTHTGN, hỗ trợ địa phương thực hiện đề án.
e) Huy động nguồn lực từ tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tham gia nhân rộng và duy trì hoạt động CLBLTHTGN.
– Huy động nguồn lực từ các tổ chức chính trị, xã hội, các hội, xây dựng và hỗ trợ hoạt động của CLB.
– Cấp uỷ, chính quyền địa phương, Hội NCT các cấp huy động nguồn lực từ các quỹ, chương trình, dự án, vận động xã hội thành lập và hỗ trợ hoạt động CLB.
– Chính quyền địa phương, Hội NCT csc cấp tạo điều kiện cho CLBLTHTGN huy động nguồn lực, kinh phí cho xây dựng và hỗ trợ hoạt động CLBLTHTGN.
h) Sơ kết, tổng kết, đánh giá đề án.
5.Nguồn kinh phí
a) Ngân sách nhà nước
– Ngân sách nhà nước hỗ trợ để thực hiện các hoạt động sau: Lập kế hoạch, hướng dẫn thực hiện đề án; tạp huấn giảng viên và tạp huấn ban đầu cho các địa phương, xây dựng tài liệ hướng dẫn; tuyên truyền, kiểm tra giám sát việc xây dựng, nhân rộng mô hình và thực hiện tổng kết đề án. Việc hỗ trợ kinh phí thực hiện đề án theo phân cấp ngân sách nhà nước hiện hành.
– Huy động đóng góp từ các tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật.
– Huy động đóng góp từ nguồn xã hội hoá để nhân rộng và duy trì mô hình CLBLTHTGN.
– Phối hợp với các tổ chức, đoàn thể lồng ghép nguồn lực từ các chương trình, dự án, kế hoạch tại địa phương thực hiện đề án.
b) Huy động đóng góp từ các nguồn quỹ tại địa phương, từ Hội NCT, cộng đồng và thành viên CLBLTHTGN.
– Chính quyền các cấp chỉ đạo tạo cơ chế sử dụng nguồn lực từ nguồn quỹ an sinh xã hội, quỹ chăm sóc và phát huy vai trò NCT, quỹ tín dụng, các nguồn quỹ khác tại địa phương để hỗ trợ quỹ ban đầu và kinh phí hoạt động cho CLBLTHTGN.
– Huy động sự đóng góp của các thành viên CLBLTHTGN, Hội NCT và cộng đồng….để hỗ trợ quỹ ban đầu và kinh phí hoạt động cho CLBLTHTGN.
c) Huy động nguồn lực viện trợ, tài trợ hợp pháp từ các tổ chức quốc tế và nước ngoài.
6.Tổ chức thực hiện:
– Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành trực thuộc trung ương, cấp huyện, cấp xã: Xây dựng đề án/ kế hoạch nhân rộng mô hình CLBLTHTGN của địa phương thực hiện các nhiệm vụ của đề án; hàng năm hỗ trợ kinh phí trong dự toán thu chi thường xuyên theo phân cấp ngân sách nhà nước hiện hành trong khả năng cân đối của ngân sách nhà nước tại địa phương để thực hiện đề án/kế hoạch nhân rộng mô hình CLBLTHTGN; Hướng dẫn sử dụng nguồn quỹ hợp pháp như nguồn quỹ an sinh xã hội, quỹ chăm sóc và phát huy vai trò NCT, các nguồn quỹ khác tại địa phương, huy động nguồn lực từ xã hội hoá tại địa phương để thực hiện đề án; Triển khai các hoạt động của đề án như: Xây dựng mới, duy trì và kiện toàn CLBLTHTGN đã có, tạp huấn, tài liệu, quản lý, giám sát, sơ kết, tổng kết. Chú trọng công tác tuyên truyền, quảng bá về CLBLTHTGN để tạo sức lan toả về ý nghĩa to lớn của CLBLTHTGN, góp phần làm tốt công tác bảo vệ, chăm sóc, phát huy vai trò NCT và công tác văn hoá, văn nghệ TDTT đối với NCT.
7.Phương hướng, giải pháp nhân rộng số lượng và nâng cao chất lượng hoạt động CLBLTHTGN đối với các địa phương:
a) Các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan: Đề nghị các Sở, ban, ngành, đơn vị liên quan hàng năm lập kế hoach, giám sát, lồng ghép và các chương trình cụ thể thực hiện nhiệm vụ Thủ tướng giao tại đề án triển khai tại địa phương.
b) Hội NCT các tỉnh, thành phố và cấp huyện, xã.
– Hội NCT Tỉnh, huyện, xã bám sát các chỉ tiêu, kế hoạch đã được UBND phê duyệt, phối hợp các Sở, ngành, đơn vị liên quan triển khai thực hiện.
– Thường trực Hội NCT Tỉnh, huyện, xã chủ động, trực tiếp làm việc với các cấp uỷ Đảng, chính quyền để tăng cường sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tạo điều kiện đối với việc triển khai thực hiện đề án trong bố trí kinh phí hàng năm để tăng cường tạp huấn chuyên môn, nghiệp vụ, các hoạt động hỗ trợ truyền thông, chăm sóc sức khoẻ cũng như phát huy vai trò NCT tại địa phương.
– Kinh phí nguồn lực cho CLBLTHTGN: Phối hợp chặc chẽ với ngành LĐTB&XH, Nội vụ và các ngành có liên quan để tạo sức mạnh tổng hợp trong chỉ đạo, vận động nguồn lực triển khai bảo đảm chất lượng hoạt động CLB.
– Thành lập mới CLBLTHTGN: Không thành lập CLB dàn trãi, chọn những đơn vị có điều kiện thuận lợi, được sự quan tâm của cấp uỷ, chính quyền, cán bộ Hội có năng lực; có khả năng huy động nguồn lực để thành lập CLB; nhân dân hiểu, đồng tình cao; có cơ sở vật chất tối thiểu cho CLB hoạt động hiệu quả.
– Trước khi thành lập CLB, Ban chủ nhiệm phải được tạp huấn bài bản. Rà soát, kịp thời cũng cố kiện toàn ban chủ nhiệm. Lựa chọn thành viên theo đúng tiêu chí của CLB.
– Hội NCT Tỉnh, huyện hướng dẫn, kiểm tra các hoạt động CLB, tài chính để kịp thời chấn chỉnh hướng dẫn CLB tránh để sai sót, vi phạm.
– Tổ chức tham quan, học tập kinh nghiệm, giao lưu giũa các địa phương trong và ngoài tỉnh để nâng cao chất lượng hoạt động CLB.
– Định kỳ 6 tháng, hàng năm các cấp hội tổ chức sơ kết, đánh giá tình hình thực hiện đề án, công khai kết quả, mức đọ hoàn thành chỉ tiêu, kế hoach, biểu dương, động viên kịp thời các tập thể cá nhân làm tốt, hiệu quả.
– Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý thực hiện đề án: chia sẻ thông tin, thành lập nhóm zalo.
Phần II:
A.THÀNH LẬP VÀ QUẢN LÝ CÂU LẠC BỘ LIÊN THẾ HỆ TỰ GIÚP NHAU
Câu lạc bộ liên thề hệ tự giúp nhau ( CLBLTHTGN ) một mô hình đã được Hội Người cao tuổi Việt Nam chủ trì triển khai trước đây nhiều năm, để thực hiện mục tiêu nhân rộng CLBLTHTGN, ngày 02 tháng 8 năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định số 1533/QĐ-TTg phê duyệt đề án “ Nhân rộng mô hình CLBLTHTGN giai đoạn 2016 – 2020 “, để tiếp tục phát huy kết quả của đề án giai đoạn 2016 – 2020, ngày 31 tháng 8 năm 2020, Thủ tướng ban hành quyết định số 1336/QĐ-TTg về nhân rộng mô hình CLBLTHTGN giai đoạn đến năm 2025. Thủ tướng tiếp tục giao Trung ương Hội NCT Việt Nam chủ trì phối hợp với các bộ, ngành có liên quan hướng dẫn, đôn đốc, hỗ trợ các địa phương triển khai thực hiện.
I.GIỚI THIỆU CHUNG VỀ CÂU LẠC BỘ LIÊN THẾ HỆ TỰ GIÚP NHAU:
CLBLTHTGN là một tổ chức tự nguyện dựa vào cộng đồng, tự giúp nhau, giúp NCT nghèo, cận nghèo và khó khăn để cải thiện chất lượng sống.
Mục tiêu của CLBLTHTGN: Cụ thể nhằm cải thiện đời sống của thành viên; Tạo điều kiện để thành viên NCT phát huy vai trò và sự đóng góp trong chăm sóc sức khỏe, tăng thu nhập, hỗ trợ người khó khăn, đảm bảo quyền lợi và thúc đẩy phát triển ở địa phương.
Nguyên tắc hoạt động của CLBLTHTGN: Tự nguyện, tự quản; hoạt động theo quy chế của CLB; Dân chủ, bình đẩng, quyết định trên cơ sở đồng thuận và đa số; Đoàn kết, hợp tác, tương trợ.
II.TỔ CHỨC CỦA CLBLTHTGN:
Thành viên của CLB.LTHTGN: Mỗi CLB có từ 50 – 70 thành viên (CLBLTHTGN được thành lập ở ấp, khu phố hoặc 1 – 2 ấp, khu phố liền nhau).
Thành phần thành viên CLBLTHTGN: Bảo đảm 3 thành phần sau:
+ 60 – 70% thành viên là NCT (Tính từ 55 tuổi trở lên ) 30 – 40% dưới 55 tuổi).
+ 60 – 70% thành viên là phụ nữ (có thể 50%)
+ Ưu tiên chọn người nghèo, cận nghèo hoặc người có hoàn cảnh khó khăn Nên có 30 – 40% thành viên là người có điều kiện và có tấm lòng sẵn sàng giúp người khác.
Ban chủ nhiệm CLBLTHTGN: Ban chủ nhiệm gồm 5 ủy viên, các ủy viên được bầu lại 2 năm 1 lần.
1.Thành phần Ban chủ nhiệm: có 2 – 3 người trẻ dưới 55 tuổi, có từ 2 – 3 người là phụ nữ.
2.. Phân công trách nhiệm trong Ban chủ nhiệm:
+ Chủ nhiệm: Quản lý chung; nhân sự; tổ chức;quan hệ; hợp tác; kế hoạch; báo cáo; HĐ vận động nguồn lực.
+ Phó chủ nhiệm: phụ trách hoạt động tăng thu nhập (cho vay, quản lý quỹ TTN, truyền thông về TTN) HĐ bảo vệ quyền và lợi ích.
+ Uỷ viên 1: Phụ trách các hoạt động chăm sóc sức khỏe (Khám sức khỏe, thể dục dưỡng sinh, truyền thông về sức khỏe, bảo hiểm y tế) hoạt động truyền thông, hoạt động nâng cao đời sống tinh thần (văn nghệ, thăm hỏi, giao lưu).
+ Uỷ viên 2: Kế toán, phụ trách hoạt động tự giúp nhau, hỗ trợ cộng đồng, hậu cần.
+ Uỷ viên 3: Thủ quỷ, thư ký, sổ sách, phụ trách hoạt động tình nguyện viên chăm sóc tại nhà.
3.Cơ cấu tổ chức của CLBLTHTGN: Sau khi thành lập, BCN CLB cần thành lập các tổ, nhóm theo địa bàn, đồng thời thành lập các tổ chuyên môn theo hoạt động. Các nhóm,tổ sẽ bầu tổ trưởng, nhóm trưởng, cần thiết bầu, tổ, nhóm phó.
3.1. Thành lập các nhóm theo địa bàn: nhóm được thành lập theo tổ dân cư hoặc khu dân cư.
3.2. Thành lập các tổ chuyên môn: Mỗi tổ có 5-7 thành viên, có thể thành lập các tổ sau như tổ tăng thu nhập,, tổ chăm sóc sức khỏe, tổ tình nguyện viên chăm sóc tại nhà, tổ vận động nguồn lực, tổ văn nghệ, tổ thể dục dưỡng sinh.
III. CÁC BƯỚC THÀNH LẬP CLBLTHTGN:
Bước 1) Chọn địa điểm thành lập CLBLTHTGN: Câu lạc bộ thành lập theo ấp, khu phố, có cán bộ nhiệt tình, trách nhiệm, được chính quyền địa phương ủng hộ, được NCT ủng hộ.
Bước 2) Báo cáo cấp ủy, chính quyền: Hội NCT Xã, phường, thị trấn báo cáo chính quyền cấp xã cả ấp, khu phố về kế hoạch thành lập CLBLTHTGN.
Bước 3) Chuẩn bị về nhân sự và tổ chức CLBLTHTGN: Hội NCT huyện, thị, thành phố chị đạo Hội NCT cấp xã phối hợp chính quyền địa phương tiến hành dự kiến nhân sự cho Ban chủ nhiệm và lựa chọn thành viên.
+ Chuẩn bị Ban chủ nhiệm lâm thời: Lên danh sách dự kiến, vận động tham gia Ban chủ nhiệm lâm thời, thành lập BCN CLB lâm thời, phân công trong BCN, BCN lâm thời cùng hội NCT và các đoàn thể khác xem xét lựa chọn thành viên tham gia CLB, tạp huấn cho BCN CLB lâm thời nếu có điều kiện, BCN lâm thời chịu trách nhiệm dự thảo quy hoạt động CLBLTHTGN chế với sự hỗ trợ của Hội NCT và chính quyền ( theo mẩu ) trình ký quyết định thành lập CLBLTHTGN: Hội NCT trình UBND xã, phường, thị trấn ra quyết định thành lập CLBLTHTGN và giao cho Hội NCT chịu trách nhiệm quản lý trực tiếp CLB.
+ Lựa chọn thành viên CLBLTHTGN: Hội NCT, BCN lâm thời dự kiến thành viên tham gia, lập danh sách, tiếp xúc vận động gia nhập CLB, nếu họ đồng ý, hướng dẫ thành viên làm đơn gia nhập ( theo Mẩu ), lập danh sách báo cáo chính quyền địa phương. Họp trù bị với thành viên để lấy ý kiến và bầu BCN chính thức.
Bước 4) Ban hành quyết định thành lập CLBLTHTGN: Hội NCT và BCN tham mưu dự thảo quyết định trình UBND xã, phường, thị trấn ra quyết định (theo mẩu).
Bước 5) Tập huấn cho BCN CLB.
Bước 6) Hoàn thiện tổ chức: Lấy ý kiến thành viên về dự thảo quy chế hoạt động CLBLTHTGN; Thành lập các tổ, nhóm của CLB ; Mua trang thiết bị cần thiết cho CLB.
Bước 7) Tổ chức lễ ra mắt CLBLTHTGN: BCN và Hội NCT lên kế hoạch chi tiết về thời gian, thành phần, địa điểm, chương trình (có hướng dẫn riêng).
Bước 8) CLB triển khai các hoạt động thời gian đầu nên chọn những việc dễ làm trước, sau đó triển khai dần không nhất thiết phải triển khai 8 mãng hoạt động cùng 1 lúc.
HƯỚNG DẪN TỔ CHỨC LỄ RA MẮT CLBLTHTGN:
Theo các bước sau:
Lập kế hoạch: Sau khi có quyết định Hội NCT và BCN lên kế hoạch chi tiết về thời gian, địa điểm, chương trình lễ ra mắt. Sau đó báo cáo UBND xã, phường, thị trấn.
Mời đại biểu tham dự:
+ Cấp xã: Đảng ủy, UBND, MTTQ, Hôi NCT và các đoàn thể.
+ Cấp ấp: Bí thư, trưởng ấp, chi hội trưởng NCT, trưởng các đoàn thể.
+ Toàn bộ thành viên CLB.
+ Mời BĐD Hội NCT huyện, thị, thành phố.
Chương trình
– Văn nghệ
– Tuyên bố lý do, giới thiệu đại biểu
– Công bố quyết định thành lập CLBLTHTGN và công nhận
– BCN CLB ra mắt và phát biểu cam kết
– Thông qua quy chế CLB
– Một thành viên CLB phát biểu cảm tưởng
– Phát biểu lãnh đạo địa phương
– Chủ nhiệm CLB phát biểu tiếp thu ý kiến
– Bế mạc
IV.CÁC MẢNG HOẠT ĐỘNG CỦA CLBLTHTGN: Có 8 NỘI DUNG
Nội dung 1: Tăng thu nhập
– Chỉ tiêu 20 – 25 thành viên câu lạc bộ được vay vốn để sản xuất, kinh doanh.
– Qũy tăng thu nhập của CLBLTHTGN: Câu lạc bộ cần có quỹ tăng thu nhập để cho thành viên vay: Các nguồn hình thành quỹ tăng thu nhập: Từ nguồn hỗ trợ của chính quyền địa phương, từ quỹ chăm sóc và phát huy người cao tuổi; đóng góp của các thành viên CLB (cho vĩnh viễn hoặc cho mượn không lãi ); từ nguồn vận động (doanh nghiệp, cộng đồng, cá nhân) ; từ 50% lãi vốn vay hàng tháng của câu lạc bộ nhập vào; các quỹ khác…
– Mức vay trung bình 5 triệu/lần vay, có thể cao hơn nhưng không quá 10 triệu, thời hạn cho vay từ 6 đến 18 tháng; mức lãi hàng tháng không quá 1% tháng; 50% lãi thu được chuyển vào quỹ hoạt động để chi phí cho hoạt động câu lạc bộ, 50% số còn lại tăng nguồn để cho vay
– Hồ sơ quản lý thành viên vay vốn: gồm 6 loại: Giấy đề nghị vay vốn và phương án sử dụng;
Giấy biên nhận vay vốn; sổ thông tin thành viên; sổ theo dõi hoàn trả lãi, gốc; sổ theo dõi hoàn trả lãi, gốc (do thành viên vay vốn giữ); sổ theo dõi tiền mặt vay vốn.
(Các loại sổ nầy cần liên hệ chủ tịch Hội người cao tuổi xã, hay Ban đại diện hội người cao tuổi huyện đễ được hướng dẫn cụ thể).
Thành viên vay vốn cần cam kết sử dụng vốn vay đúng mục đích và hoàn trả gốc, lãi đấy đủ, đúng hạn; câu lạc bộ có trách nhiệm hỗ trợ cho các thành viên vay vốn như chia sẽ kinh nghiệm, tư vấn cách làm ăn, tổ chức truyền thông để phổ biến kỹ thuật , hay tổ chức tham quan, học tập mô hình làm ăn tốt…
Nội dung 2: Hoạt động chăm sóc sức khỏe (CSSK)
Hoạt động chăm sóc sức khỏe là tổ chức cho các thành viên tham gia các hoạt động nâng cao sức khỏe thể chất và tinh thần một cách thường xuyên, biết cách sống lành mạnh, an toàn nhằm nâng cao chất lượng sống trong giai đoạn tuổi già và tiền tuổi già.
Nội dung hoạt động CSSK: Khám sức khỏe định kỳ; Truyền thông về chăm sóc sức khỏe; Luyện tập thể dục, thể thao, dưỡng sinh; Vận động, hỗ trợ thành viên mua bảo hiểm y tế.
Khám sức khỏe định kỳ: Có hai hình thức khám sức khỏe định kỳ:
Một là: Mời chuyên gia y tế khám: Câu lạc bộ liên hệ trạm y tế, các cơ sở y tế tổ chức khám sức khỏe cho thành viên câu lạc bộ.
Hai là: Câu lạc bộ theo dõi huyết áp và cân nặng thường xuyên ít nhất 1 tháng 1 lần. Mỗi câu lạc bộ nên trang bị cân, máy đo huyết áp để tự cân, đo.
Truyền thông về chăm sóc sức khỏe: có hai hình thức truyền thông.
Một là Câu lạc bộ mời những người có chuyên môn về y tế đến phổ biến, tư vấn tại câu lạc bộ.
Hai là Câu lạc bộ tự truyền thông bằng cách sử dụng tài liệu, thông tin có nguồn gốc tin cậy về sức khỏe phổ biến cho các thành viên, khuyến khích các thành viên tự nghiên cứu trên mạng internet chọn lọc những thông tin tin cậy để tự chăm sóc và trao đổi cùng các thành viên trong câu lạc bộ.
Nội dung truyền thông về chăm sóc sức khỏe: như nâng cao kiến thức về cách phòng tránh, quản lý 1 số bệnh thường gặp ở NCT, đặc biệt các bệnh mãn tính/ không lây nhiễm, về dinh dưỡng, ăn uống, luyện tập hợp lý, vệ sinh cá nhân, cách sống lành mạnh…
Đảm bảo mỗi quý ít nhất có 1 buổi truyền thông.
Luyện tập thể dục, thể thao, dưỡng sinh: Khuyến khích các thành viên rèn luyện thân thể thường xuyên. Cách thức tổ chức luyện tập: cá nhân tự tập ở nhà hoặc tập cùng nhóm mỗi ngày, Nhóm tổ chức cho các thành viên gần nhà cùng tập với nhau.
Vận động, hỗ trợ thành viên mua bảo hiểm y tế: trên 90% thành viên có bảo hiểm y tế.
Sổ theo dõi sức khỏe thành viên câu lạc bộ: có 3 loại sổ: Sổ theo dõi khám sức khỏe định kỳ của thành viên ( mỗi thành viên 1 trang ); Sổ theo dõi cân nặng, huyết áp của thành viên; sổ theo dõi bảo hiểm y tế.
Nội dung 3: Hoạt động tự giúp nhau và hỗ trợ cộng đồng.
Hoạt động tự giúp nhau và hỗ trợ cộng đồng là hoạt động nhằm phát huy tinh thần tương thân, tương ái, đùm bộc lẫn nhau của câu lạc bộ khi gặp khó khăn và trong các trường hợp cần thiết.
Tự giúp nhau là hoạt động giúp đỡ, tương trợ lẫn nhau giữa các thành viên câu lạc bộ như giúp ngày công lao động, nhà tóc mái do thiên tai, thu hoạch mùa vụ, khi gia đình có hữu sự …
Hỗ trợ cộng đồng là hoạt động tham gia công tác xã hội ở địa phương như dọn vệ sinh làng xóm, trồng cây xanh, làm đường hoa …
Các hình thức giúp nhau và hỗ trợ cộng đồng: có thể bằng ngày công, bằng tiền mặt, hiện vật, bằng kỷ thuật, hỗ trợ pháp lý; hỗ trợ cộng đồng như dọn vệ sinh đường làng, ngõ xóm, làm đường hoa, trồng cây xanh 2 bên đường., tham gia xây dựng nông thôn mới, bảo vệ môi trường, văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao ….
Nội dung 4: Hoạt động bảo vệ quyền và lợi ích:
Hoạt động bảo vệ quyền và lợi ích là hoạt động nhằm giúp các thành viên của câu lạc bộ hiểu biết về quyền lợi của mình, giúp nhau tiếp cận, hưởng đầy đủ các quyền lợi đó. Hoạt động nầy cần phối hợp, hỗ trợ của Hội NCT và chính quyền địa phương.
Nội dung của hoạt động bảo vệ quyền và lợi ích: gồm 4 nội dung chính sau:
Tuyên truyền, phổ biến: CLB tổ chức truyền thông luật NCT, chế độ đối với NCT, đồng thời thu thập các ý kiến, kiến nghị của các thành viên để đề xuất với chính quyền, đoàn thể liên quan.
Rà soát, phát hiện, giám sát: CLB tổ chức rà soát việc thực hiện các chế độ, chính sách cho NCT, nếu có trường hợp thiệt thòi, báo cáo với cán bộ LĐTBXH , chính quyền và Hội NCT để giải quyết cho đối tượng hưởng đúng và đầy đủ.
Hướng dẫn, hỗ trợ: Đối với những người yếu thế khó tự mình làm thủ tục để hưởng các chính sách, CLB cử người phối hợp với cán bộ LĐTBXH, Hội NCT giúp làm thủ tục, để được hưỡng đầy đủ chế độ trợ giúp xã hội và chính sách khác như mừng thọ, trợ cấp xã hội, chính sách người có công …
Đóng góp ý kiến/ đề xuất cho địa phương về thực hiện quyền, chính sách của NCT và các vấn đề quan tâm.
Mỗi năm CLB tổ chức truyền thông ít nhất 2 lần về quyền và chế độ, chính sách của nhà nước, đồng thời phối hợp với Hội NCT tổ chức ít nhất 1 buổi trao đổi, đề xuất với đại diện chính quyền địa phương về các vấn đề quan tâm.
Nội dung 5: Hoạt động nâng cao nhận thức, kiến thức (Hoạt động truyền thông).
Hoạt động nâng cao nhận thức, kiến thức của Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau là hoạt động phổ biến cho thành viên câu lạc bộ các kiến thức về các lĩnh vực: sản xuất, kinh doanh, chăm sóc sức khỏe, an toàn thực phẩm, luật và các chính sách v.v…(Câu lạc bộ có thể tự truyền thông hoặc có thể phối hợp các đoàn thể, tổ dân phố, khu dân cư ở địa phương để tổ chức truyền thông).
Câu lạc bộ dựa vào nhu cầu của thành viên để xác dịnh nội dung ngắn, gọn, thiết thực. Mỗi tháng câu lạc bộ tổ chức truyền thông 1 lần thời gian từ 20-30 phút về các chủ đề như tăng thu nhập (kỷ thuật trồng trọt, chăn nuôi…), chăm sóc sức khỏe, luật pháp, chính sách, an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường, cũng có thể hướng dẫn bài thể dục dưỡng sinh…
Có 2 hình thức truyền thông chính là mời chuyên gia nói chuyện, hoặc tự truyền thông bằng cách sử dụng tài liệu thông tin có nguồn gốc tin cậy.
Nội dung 6: Hoạt động chăm sóc đời sống tinh thần thông qua văn hóa, văn nghệ, thăm hỏi, giao lưu.
Hoạt động chăm sóc đời sống tinh thần của câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau là tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thăm hỏi trong câu lạc bộ và giao lưu với các câu lạc bộ khác hoặc đoàn thể khác. Câu lạc bộ nên thành lập tổ văn nghệ để làm nồng cốt (từ 5-7 người)
Mục đích hoạt động chăm sóc đời sống tinh thần nhằm giúp các thành viên có cuộc sống vui vẻ, tạo cơ hội cho họ quan tâm thăm hỏi và giao lưu với nhau, nhằm nâng cao đời sống tinh thần của các thành viên câu lạc bộ.
Nội dung 7: Hoạt động vận động nguồn lực:
Hoạt động vận động nguồn lực của câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau là vận động sự hỗ trợ/ ủng hộ từ cộng đồng, cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức … để câu lạc bộ có thêm nguồn lực hoạt động và thực hiện hỗ trợ cộng đồng. Đễ thực hiện vận động nguồn lực, câu lạc bộ xây dựng sổ Tấm lòng vàng để ghi các thông tin về các nhu cầu cần hỗ trợ và kết quả vận động được.
Mục đích của vận động nguồn lực có 2 mục đích chính là tăng nguồn quỹ của câu lạc bộ và hỗ trợ câu lạc bộ thực hiện các hoạt động như khám sức khỏe, may đồng phục, trang phục văn nghệ, thăm hỏi…; Thực hiện hỗ trợ cộng đồng, chăm sóc người cao tuổi và người khó khăn trong câu lạc bộ.
Các bước triển khai vận động nguồn lực:
– Bước 1: Thông qua chủ trương: câu lạc bộ trao đổi với Hội Người cao tuổi để báo cáo và thông qua chủ trương vận động nguồn lực với ủy ban nhân dân xã (có thể với chính quyền ấp, khu phố, chi hội NCT). Đề nghị Hội NCT, chính quyền hỗ trợ vận động nguồn lực.
– Bước 2: Thảo luận trong câu lạc bộ: Thông tin và thống nhất trong ban chủ nhiệm và toàn thể câu lạc bộ; thành lập tổ vận động. lên kế hoạch vận động; Xác định nhu cầu vận động như hỗ trợ cho quỹ tăng thu nhập, nhu cầu trang thiết bị cho câu lạc bộ, giúp đỡ các thành viên thật sự khó khăn cần sự giúp đỡ.
– Bước 3: Xây dựng sỗ tấm lòng vàng, dùng sổ tấm lòng vàng để vận động, ủng hộ/ tài trợ.
– Bước 4: Thực hiện nhập quỹ câu lạc bộ hoặc giúp đỡ.
– Bước 5: Báo cáo kết quả cho câu lạc bộ, Hội NCT và chính quyền.
Phương pháp tìm kiếm sự ủng hộ, hỗ trợ trong vận động nguồn lực: Trước khi vận động, cần xác định nhu cầu của việc vận động, đồng thời cần xác định rõ các nhà tài trợ và các biện pháp vận động phù hợp. Câu lạc bộ cần báo cáo, thông qua chủ trương để có sự ủng hộ của Đảng ủy, chính quyền cùng bàn biện pháp vận động các doanh nghiệp, nhà hảo tâm trên địa bàn.
Có thể áp dụng một số hình thức vận động nguồn lực sau:
+ Câu lạc bộ kêu gọi đóng góp từ các thành viên và gia đình có kinh tế khá, chính quyền địa phương hỗ trợ.
+ Câu lạc bộ kêu gọi đóng góp từ các tổ chức, cá nhân trong các dịp ra mắt câu lạc bộ mới thành lập, dịp kỷ niệm ngày NCT, các dịp lễ, hội nghị…
+ Dùng sổ vàng đi gặp gỡ các nhà tài trợ.
Đặc biệt câu lạc bộ không chỉ vận động bằng tiền mà còn vận động ủng hộ bằng hiện vật, công sức, kiến thức, tạo điều kiện …ví dụ như doang nghiệp có thể ủng hộ bằng phân bón, cán bộ y tế khám sức khỏe, truyền thông về chăm sóc sức khỏe, khuyến nông hướng dẫn kỷ thuật trồng trọt, chăn nuôi, xây dựng mô hình, văn hóa thông tin giúp tuyên truyền về câu lạc bộ, khám chữa bệnh, tặng quà …. Câu lạc bộ cần giữ liên lạc với các nhà tài trợ, nên có những hình thức cám ơn họ.
Nội dung 8: Hoạt động chăm sóc tại nhà dựa vào tình nguyện viên:
Hoạt động chăm sóc tại nhà dựa vào tình nguyện viên là hoạt động của các tình nguyện viên của Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau chăm sóc thường xuyên cho những người cao tuổi cô đơn, ốm đau nặng hoặc người có hoàn cảnh khó khăn, Các tình nguyện viên chăm sóc các đối tượng ngay tại nhà của họ.
Để thực hiện hoạt động chăm sóc tại nhà dựa vào tình nguyện viên CLBLTHTGN thành lập tổ tình nguyện viên (gồm 5-7 người).
Đối tượng được tình nguyện viên chăm sóc tại nhà: NCT cô đơn không nơi nương tựa; NCT ốm đau lâu ngày sức khỏe sút kém; các gia đình có người bị ảnh hưởng chất độc da cam, người khuyết tật, người có bệnh hiểm nghèo…
Tiêu chí chọn tình nguyện viên: có thể là thành viên câu lạc bộ, có thể người ngoài câu lạc bộ, không phân biệt tuổi tác.
Công việc của tình nguyện viên chăm sóc tại nhà: Để chăm sóc tại nhà TNV có thể thực hiện một hoặc 1 số công việc sau: Kết bạn, trò chuyện, tâm sự với người được chăm sóc; Gíup vệ sinh cá nhân; Gíup tập thể dục, xoa bóp, bấm nguyệt, cho uống thuốc;Gíup đưa đi khám bệnh, phổ biến cách tự chăm sóc; Giúp dỡ làm việc nhà; Gíup làm các công việc đồng áng, vườn tược, chăn nuôi; Gíup hòa nhập xã hội như thăm hàng xóm, tham gia các hoạt động tại cộng đồng, Gíup tư vấn, làm thủ tục pháp lý…
Thường thì 1 tình nguyện viên giúp chăm sóc 1 người, Nếu người được chăm sóc bị bệnh nặng hoặc cần chăm sóc, giúp đỡ liên tục thì có thể phân công nhiều tình nguyện viên chăm sóc.
Nội dung của hoạt động chăm sóc đời sống tinh thần: định kỳ tổ chức các hoạt động ca, múa, hát, khiêu vũ, trò chơi… tại các buổi họp câu lạc bộ hoặc tham gia biểu diễn tại địa phương và giao lưu với các câu lạc bộ khác; Tổ chức thăm hỏi, chia sẽ với các thành viên khi ốm đau hoặc gia đình thành viên khi có hữu sự; Câu lạc bộ nên tổ chức giao lưu văn nghệ, thể thao vối các câu lạc bộ khác hoặc tổ chức giải trí, du lịch để nâng cao đời sống tinh thần cho các thành viên.
SỔ SÁCH VÀ GHI CHÉP TÌNH HÌNH CỦA CÂU LẠC BỘ LIÊN THẾ HỆ TỰ GIÚP NHAU:
Việc ghi chép tình hình các thành viên, kết quả các hoạt động đã làm, các khoản thu, chi v.v.. trên sổ sách sẽ giúp BCN quản lý chặt chẽ, bảo đảm tính minh bạch và các thành viên CLB cũng nắm được. Các sổ sách lưu lại ít nhất 2 năm.
Hệ thống sổ sách quản lý CLB và nhân sự: Do BCN và thư ký chịu trách nhiệm.
+ Quy chế CLBLTHTGN
+ Quyết định thành lập CLBLTHTGN
+ Sổ danh sách thành viên CLBLTHTGN
+ Đơn xin gia nhập CLB
+ Biên bản sinh hoạt tháng của CLBLTHTGN
+ Báo cáo kết quả hoạt động 6 tháng của CLBLTHTGN
Sổ sách quản lý hoạt động: Các ủy viên BCN/ tổ trưởng phụ trách các hoạt động chịu trách nhiệm.
Mỗi hoạt động đều có sổ theo dõi, cụ thể như sau:
Hoạt động tăng thu nhập
+ Giấy đề nghị vay vốn kiêm phương án sử dụng (CLB giữ)
+ Giấy biên nhận vay vốn (CLB giữ)
+ Sổ thông tin thành viên vay vốn (CLB giữ)
+ Sổ theo dõi hoàn trả gốc, lãi (CLB giữ)
+ Sổ theo dõi hoàn trả gốc, lãi của thành viên vay vốn (TV vay vốn giữ)
+ Sổ theo dõi tiền mặt vay vốn (CLB giữ)
Hoạt động chăm sóc sức khỏe (CLB giữ)
+ Sổ theo dõi khám sức khỏe định kỳ của thành viên (mỗi thành viên 1 trang)
+ Sổ theo dõi huyết áp và cân nặng của các thành viên CLB
+ Sổ theo dõi bảo hiểm y tế của các thành viên CLB
Hoạt động chăm sóc tại nhà dựa vào tình nguyện viên
+ Sổ theo dõi công việc của tình nguyện viên (TNV giữ)
+ Sổ theo dõi tình nguyện viên và người được chăm sóc tại nhà (CLB giữ)
Hoạt động bảo vệ quyền và lợi ích
+ Sổ theo dõi hoạt động bảo vệ quyền và lợi ích (CLB giữ)
Sổ sách quản lý tài chính: Kế toán, thủ quỹ và quản lý chịu trách nhiệm
+ Sổ tiền mặt dành cho kế toán
+ Sổ tiền mặt dành cho thủ quỹ
(Các loại sổ này có phụ lục kèm theo trong tài liệu thành lập và quản lý CLBLTHTGN do TWHNCT phát hành năm 2022).
HƯỚNG DẪN SINH HOẠT CÂU LẠC BỘ LIÊN THẾ HỆ TỰ GIÚP NHAU:
CLBLTHTGN tiến hành sinh hoạt 1 tháng 1 lần, một buổi sinh hoạt tối đa không quá 120 phút.
Chương trình 1 buổi sinh hoạt CLB gồm 6 phần sau:
Phần 1: Khởi động: (25-30 phút) gồm:
Thể dục dưỡng sinh (cả CLB)
Văn nghệ
Điểm danh (theo nhóm); giới thiệu đại biểu; chúc mừng sinh nhật cho các thành viên có sinh nhật trong tháng; thông qua chương trình buổi sinh hoạt.
Phần 2: Báo cáo hoạt động tháng trước (25-30).
Các ủy viên Ban chủ nhiệm phụ trách các mảng hoạt động (hoặc các tổ trưởng) lần lượt báo cáo tóm tắt về tình hình, kết quả hoạt động mình phụ trách. Khi các ủy viên báo cáo xong, chủ nhiệm có thể tóm tắt và kết luận.
Báo cáo về các hoạt động của CLB: Gồm các báo cáo như tăng thu nhập; chăm sóc sức khỏe; tự giúp nhau- hỗ trợ cộng đồng; Chăm sóc tại nhà dựa vào tình nguyện viên; bảo vệ quyền và lợi ích; Vận động nguồn lực; thăm hỏi thành viên, giao lưu…
Báo cáo về tình hình thu chi tài chính: Báo cáo tài chính là yêu cầu bắt buộc trong buổi sinh hoạt, thông thường báo cáo tài chính sẽ được báo cáo sau cùng. Khi báo cáo, BCN nên ghi các số liệu thu chi chính và số tiền tồn của các quỹ trên bảng trắng hoặc giấy A0 đễ các thành viên dễ hiểu.
Phần 3: Thảo luận về các hoạt động (20 phút): Thảo luận về 2 nội dung:
Các thành viên góp ý về các báo cáo, nêu ý kiến bổ sung, đề xuất về báo cáo và các hoạt động của CLB.
Thảo luận về tự giúp nhau và hỗ trợ cộng đồng.
Giải lao (10 phút)
Phần 4: Truyền thông nâng cao nhận thức: (20-30 phút) CLB mời chuyên gia nói chuyện, phổ biến kiến thức, hoặc CLB tự truyền thông (dựa vào tài liệu có nguồn gốc tin cậy).
Phần 5: Bàn kế hoạch tháng sau (10 phút): BCN đề xuất về các hoạt động định làm trong tháng tới và lấy ý kiến các thành viên.
Phần 6: Kết thúc sinh hoạt (10 phút): Thông qua biên bản, chủ nhiệm kết luận.
HƯỚNG DẪN CHẤM ĐIỂM XẾP LOẠI CÂU LẠC BỘ LIÊN THẾ HỆ TỰ GIÚP NHAU.
Cách xếp loại CLBLTHTGN theo công văn số 73/HNCT-BĐN ngày 13/3 2023 của Ban Đối Ngoại Trung ương Hội NCT Việt Nam như sau:
A.Cơ cấu tổ chức, thành phần: tổng cộng 27 điểm gồm:
– Số thành viên CLB: 5 điểm (CLB có từ 50-70 thành viên đạt tối đa 5 điểm, có từ 45-49 hoặc trên 70 thành viên đạt 4 điểm, có từ 40-44 thành viên đạt 3 điểm, từ 35-39 thành viên 2 điểm, ít hơn 35 thành viên 1 điểm).
– % thành viên CLB là nữ: 3 điểm (có từ 60-70% thành viên là nữ đạt 3 điểm, có từ 50-59% hoặc từ 71-80% thành viên là nữ 2 điểm, ít hơn 50% hoặc trên 80% thành viên là nữ 1 điểm).
– % thành viên CLB là người cao tuổi: 3 điểm (có từ 60-70% thành viên là NCT đạt 3 điểm, có từ 50-59% hoặc từ 71-80% thành viên là NCT 2 điểm, ít hơn 50% hoặc trên 80% thành viên là NCT 1 điểm).
– Ban chủ nhiệm CLB: 2 điểm (BCN đủ 5 người 2 điểm, BCN ít hơn hoặc nhiều hơn 5 người 1 điểm).
– Ban chủ nhiệm CLB có 2-3 thành viên là nữ: 3 điểm (Ban chủ nhiệm CLB có 2-3 thành viên là nữ 3 điểm, có 1 hoặc 4 thành viên là nữ 2 điểm, không có nữ hoặc 5 thành viên là nữ 1 điểm).
Chủ nhiệm; kế toán, thủ quỷ là 3 người riêng biệt: 1 điểm (Chủ nhiệm; kế toán, thủ quỹ là 3 người riêng biệt 1 điểm, Chủ nhiệm; kế toán, thủ quỷ không phân định rõ, kiêm nhiệm 0 điểm )
CLB có quy chế hoạt động: 1 điểm ( có quy chế 1 điểm, không có quy chế 0 điểm )
CLB có chia nhóm, tổ: 2 điểm (CLB có chia nhóm theo địa bàn và tổ theo chuyên môn 2 điểm, CLB mới chia nhóm, tổ 1 điểm, CLB không chia nhóm, tổ 0 điểm )
Đóng phí thành viên: 4 điểm ( 90% thành viên trở lên đóng phí 4 điểm, 80-89 % thành viên trở lên đóng phí 3 điểm,70-79% thành viên trở lên đóng phí 2 điểm, dưới 70% 1 điểm )
Sinh hoạt CLB: 3 điểm (CLB sinh hoạt hàng tháng 3 điểm, 2 tháng sinh hoạt 1 lần 2 điểm, 3 tháng sinh hoạt 1 lần 1 điểm, 4 tháng trở lên sinh hoạt không có điểm).
B.Hoạt động Câu lạc bộ: 13 điểm
Số hoạt động của CLB: 5 điểm ( CLB có vận hành 8 mảng hoạt động 5 điểm, CLB có vận hành 6-7 mảng hoạt động 4 điểm, CLB có vận hành 5 mảng hoạt động 3 điểm, CLB có vận hành 3-4 mảng hoạt động 2 điểm, CLB có vận hành 2 mảng hoạt động 1 điểm, CLB có 0-1 mảng hoạt động 0 điểm )
Số tiền quỹ tăng thu nhập của CLB: 5 điểm (CLB có trên 50 triệu 5 điểm, CLB có từ 30-49 triệu 4 điểm, CLB có từ 20-29 triệu 3 điểm, có từ 10-19 triệu 2 điểm, từ 5-9 triệu 1 điểm, dưới 5 triệu không tính điểm.
Hệ thống sổ sách ghi chép đầy đủ, rõ ràng: 3 điểm (có hệ thống sổ sách ghi chép định kỳ, rõ ràng 3 điểm, có hệ thống sổ sách nhưng chưa ghi chép định kỳ, rõ ràng 2 điểm, có hệ thống sổ sách ghi chép chưa đạt 1 điểm.
C.Cách xếp loại
Tổng điểm: 40 điểm
Loại A từ 35 điểm đến 40 điểm
Loại B từ 25 điểm đến 34 điểm
Loại C từ 20 điểm đến 24 điểm
Loại D dưới 20 điểm