Chú trọng chăm sóc sức khỏe người cao tuổi

Người cao tuổi chiếm tỷ lệ đáng kể trong cơ cấu dân số và là một trong những nhóm người dễ tổn thương. Để chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, giúp nâng cao sức khỏe, tạo điều kiện thuận lợi để người cao tuổi tiếp tục cống hiến cho sự phát triển của đất nước, thời gian qua nhiều chính sách đã được triển khai hiệu quả.
Chú trọng chăm sóc sức khỏe người cao tuổi -0
Khám bệnh miễn phí cho người cao tuổi

Thường xuyên quan tâm, chăm sóc

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2019 với dân số 96,21 triệu người, số người cao tuổi đã đạt 11,41 triệu (chiếm 11,86% tổng dân số). Theo dự báo của Tổng cục Thống kê, dân số cao tuổi từ 60 tuổi trở lên sẽ đạt 17,28 triệu người (chiếm 16,53% dân số) vào năm 2029; 22,29 triệu người (chiếm 20,21% dân số) vào năm 2039. Đến năm 2069, số người từ 60 tuổi trở lên sẽ có 31,69 triệu người, chiếm 27,11% dân số. Vào năm 2036, dự báo tỷ lệ người từ 65 tuổi ở Việt Nam đạt 14,17% tổng dân số với gần 15,46 triệu người.

Theo thống kê, khoảng 95% người cao tuổi có bệnh, chủ yếu là bệnh mạn tính không lây truyền, đối với người cao tuổi, chăm sóc y tế là điều quan trọng nhất. Những năm qua, nước ta đã có nhiều chính sách thường xuyên quan tâm, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, giúp nâng cao sức khỏe, tạo điều kiện thuận lợi để người cao tuổi tiếp tục cống hiến cho sự phát triển của đất nước.

Theo đó, Chương trình chăm sóc sức khỏe người cao tuổi đến năm 2030 với mục tiêu chăm sóc, nâng cao sức khỏe người cao tuổi bảo đảm thích ứng với già hóa dân số, góp phần thực hiện thành công Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030 mà Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt, người cao tuổi được khám sức khỏe định kỳ ít nhất 1 lần/năm đạt 70%, được lập hồ sơ theo dõi quản lý sức khỏe đạt 95% năm 2025, 100% năm 2030; người cao tuổi được phát hiện, điều trị, quản lý các bệnh không lây nhiễm đạt 70% năm 2025, 90% năm 2030…

Để chuẩn bị cho già hóa dân số, Bộ Y tế đã xây dựng Đề án chăm sóc sức khỏe người cao tuổi giai đoạn 2017 – 2025, được triển khai trên toàn quốc. Đề án đã đề ra yêu cầu các cấp, các ngành quan tâm đến chính sách bảo hiểm y tế, dự báo chi phí chăm sóc sức khỏe trong tương lai đối với người cao tuổi; phân bổ nhân lực để thực hiện cung ứng dịch vụ dự phòng các bệnh mãn tính ở tuyến y tế cơ sở, trong cộng đồng…

Ngoài ra, từ năm 2018, Bộ Y tế đã đề nghị các Sở Y tế, các Bệnh viện trực thuộc Bộ và Y tế ngành thành lập khoa Lão và chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi. Tùy thuộc vào quy mô bệnh viện, quy mô giường bệnh của khoa Lão chiếm 10% tổng số giường bệnh kế hoạch của bệnh viện (tối thiểu từ 30 giường trở lên).

Bên cạnh đó, đào tạo, tập huấn chuyên môn cho người làm công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi ở các tuyến song song với củng cố, phát triển hệ thống cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, phòng chống dịch bệnh không lây nhiễm, khám chữa bệnh cho người cao tuổi; từng bước xây dựng mô hình chăm sóc sức khỏe dài hạn cho người cao tuổi.

Đầu tư cho chăm sóc sức khỏe người cao tuổi

Tại TP. Hồ Chí Minh, UBND Thành phố đã ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình chăm sóc sức khỏe người cao tuổi đến năm 2030 nhằm bảo đảm thích ứng với già hóa dân số, góp phần thực hiện thành công kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030.

Cụ thể, 100% cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp ban hành nghị quyết, kế hoạch, đầu tư ngân sách cho chăm sóc sức khỏe người cao tuổi vào năm 2025 và duy trì đến năm 2030. Người cao tuổi hoặc người thân trực tiếp chăm sóc biết thông tin về già hóa dân số, quyền được chăm sóc sức khỏe của người cao tuổi đạt 70% năm 2025 và 85% năm 2030; được khám sức khỏe định kỳ ít nhất 1 lần/năm đạt 70%, được lập hồ sơ theo dõi quản lý sức khỏe đạt 95% năm 2025 và 100% năm 2030; được phát hiện, điều trị, quản lý các bệnh không lây nhiễm đạt 70% năm 2025 và 90% năm 2030…

TP. Hồ Chí Minh đặt mục tiêu, tuổi thọ bình quân người cao tuổi đạt 76,8 tuổi vào năm 2025 và 77 tuổi vào năm 2030, trong đó thời gian sống khỏe mạnh đạt tối thiểu 67 năm vào năm 2025 và 68 tuổi vào năm 2030; phấn đấu duy trì và mở rộng hoạt động 144 câu lạc bộ người cao tuổi giúp người cao tuổi và 144 tổ tình nguyện viên chăm sóc người cao tuổi già yếu neo đơn tại cộng đồng ở 144 phường, xã, thị trấn trên địa bàn. 100% người cao tuổi khi bị bệnh được khám và điều trị vào năm 2025 và duy trì đến năm 2030; người cao tuổi cô đơn, bị bệnh nặng không thể đến khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được khám và điều trị tại nơi ở đạt 70% năm 2025 và 100% năm 2030.

Ngoài ra, bệnh viện, trừ bệnh viện chuyên khoa nhi có khoa lão và bệnh viện tuyến quận, huyện dành một số giường để điều trị người bệnh là người cao tuổi đạt 100% năm 2025 và duy trì đến năm 2030; số xã, phường, thị trấn đạt tiêu chí môi trường thân thiện với người cao tuổi đạt ít nhất 20% năm 2025 và 50% năm 2030…

Bảo Văn