Hoa Nguyễn
Xu hướng già hóa dân số ngày càng trở nên phổ biến, trở thành vấn đề toàn cầu, đặt ra nhiều thách thức cũng như cơ hội đối với các quốc gia. Nhiều nước trên thế giới có những chính sách đối với người cao tuổi góp phần bảo đảm “già hóa thành công”, đồng thời giải quyết các vấn đề kinh tế – xã hội đặt ra từ xu hướng già hóa này.Thụy Điển là quốc gia có tỷ lệ người cao tuổi sống thọ nhất thế giới – 81,5 tuổi đối với nam và gần 84,9 tuổi đối với nữ. Hơn 5% dân số Thụy Điển ở độ tuổi từ 80 trở lên. Điều đó cho thấy chính sách chăm sóc người cao tuổi và an sinh xã hội ở Thụy Điển luôn được chính phủ nước này quan tâm.
An sinh xã hội Thụy Điển được phân bổ rộng rãi; mọi người dân, nhất là người cao tuổi, đều được hưởng các lợi ích và dịch vụ cơ bản với mức giá hợp lý và miễn phí. Một trong những mục đích của việc chăm sóc người cao tuổi ở Thụy Điển là giúp họ có cuộc sống bình thường, độc lập, không phụ thuộc. Việc chăm sóc người cao tuổi do nguồn thuế và sự trợ cấp của chính phủ.
Thụy Điển là quốc gia đầu tiên trên thế giới thông qua Đạo luật tiền lương hưu quốc gia từ năm 1913, bảo đảm cho mọi công dân từ 67 tuổi trở lên, và cũng là một trong số quốc gia tiên phong về cải cách hệ thống hưu trí công cộng dưới tác động của biến đổi nhân khẩu học.
Năm 1994, Quốc hội Thụy Điển thông qua hệ thống cải cách lương hưu, lựa chọn phương thức tư nhân hóa một phần để áp dụng vào năm 1999.
Đức là quốc gia “siêu già” khác, nơi có 1/5 dân số cao tuổi. Cũng như các nước khác, dân số già đang đặt ra những thách thức rất lớn đối với kinh tế – xã hội Đức, nhất là hệ thống an sinh xã hội.
Đối mặt với tình trạng dân số ngày càng già đi và nhiều người sống một mình, các báo cáo định kỳ cung cấp thông tin về hoàn cảnh sống của người cao tuổi. Trong đó, báo cáo của chính phủ về tình hình người cao tuổi được đặc biệt chú ý. Đây là căn cứ để từ đó Chính phủ có những chính sách cụ thể đối với người cao tuổi ở Đức.
Chính sách an sinh xã hội của Đức khá toàn diện, bao gồm lương hưu, bảo hiểm y tế và các dịch vụ xã hội nhằm cung cấp các dịch vụ, hỗ trợ toàn diện cho người cao tuổi. Hơn 90% số người già ở Đức sống trong viện dưỡng lão, bệnh viện hoặc khu chăm sóc chuyên biệt dành cho những người thu nhập thấp hoặc khuyết tật.
Những năm gần đây, Chính phủ Đức đưa ra một số chương trình, sáng kiến nhằm cải thiện, nâng cao chất lượng, điều kiện sống và phúc lợi cho người cao tuổi, với các phương pháp chăm sóc toàn diện, lấy con người làm trung tâm. Hơn nữa, các chương trình còn nhằm tạo môi trường cho người cao tuổi tích cực tham gia các hoạt động xã hội, giúp họ thoát khỏi nỗi sợ ám ảnh của sự cô đơn, bệnh tật và sự xa cách của xã hội ở tuổi xế chiều.
Người cao tuổi tập thể dục tại Thủ đô Tokyo, Nhật Bản_Ảnh: AFPỞ Nhật Bản, già hóa dân số không phải là vấn đề mới, tuy nhiên đất nước này đang đối mặt với tình trạng già hóa ngày càng trầm trọng do tuổi thọ của người dân tăng và tỷ lệ sinh giảm. Tốc độ già hóa nhanh chóng khiến Nhật Bản rơi vào tình trạng thiếu hụt lao động nghiêm trọng.
Một số dự báo cho rằng, đến năm 2030, Nhật Bản sẽ thiếu hơn 6 triệu lao động. Thực tế nghiệt ngã của dân số già khiến chi phí chăm sóc sức khỏe leo thang, tạo gánh nặng cho nền kinh tế; cùng với đó là những rạn nứt xã hội gia tăng…
Với tình hình người già chiếm đến 30% dân số Nhật Bản và vẫn còn tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới, bên cạnh tốc độ đô thị hóa gia tăng nhanh chóng cùng sự suy giảm tỷ lệ sinh, khiến việc chăm sóc người cao tuổi vốn là trách nhiệm thuộc về gia đình, dần được chuyển giao cho mạng lưới hỗ trợ xã hội từ những thập niên 80 – 90 của thế kỷ XX. Theo thời gian, mạng lưới hỗ trợ xã hội cũng gặp nhiều khó khăn do thiếu nhân lực, thiếu nguồn tài chính.
Một trong những bí quyết giúp Nhật Bản đối phó với các vấn đề phát sinh từ việc già hóa dân số, đó là thúc đẩy ngành công nghiệp robot chăm sóc người già – lĩnh vực đã trở thành một ngành xuất khẩu mới của Nhật Bản. Thiết bị kỹ thuật số phục vụ chăm sóc sức khỏe người cao tuổi giúp họ cải thiện chất lượng cuộc sống, giảm chi phí và tăng hiệu suất chăm sóc sức khỏe. Tuy nhiên, một số nhà phân tích cho rằng, việc tạo ra robot thay thế công việc chăm sóc người già chỉ là công việc đơn thuần mang tính máy móc. Điều mà người cao tuổi Nhật Bản mong muốn đó là được giao tiếp giữa con người với con người, điều mà robot không thể làm được. |
Để tháo gỡ vấn đề nan giải này, Chính phủ Nhật Bản đã có những cách tiếp cận đa hướng, đa chiều trong việc ban hành các chính sách đối với người cao tuổi, trong đó coi việc nâng tuổi nghỉ hưu là một trong những giải pháp tối ưu.
Từ năm 2013, chính phủ Nhật Bản đã linh hoạt điều chỉnh giới hạn nghỉ hưu lên 65 tuổi, nếu họ đủ sức khỏe và sẵn sàng tiếp tục làm việc. Ngoài ra, Chính phủ trợ cấp cho các doanh nghiệp tuyển dụng người lao động thông qua các trung tâm nhà nước về ổn định việc làm cũng như cho những doanh nghiệp có chế độ bảo đảm việc làm cho nhân viên ở độ tuổi 65.
Một số doanh nghiệp Nhật Bản có chế độ tuyển dụng lại công nhân với các hợp đồng mới, ở điều kiện làm việc và mức lương thấp hơn, khoảng 40 – 60%, sau khi họ bước sang tuổi 60. Thậm chí, một số doanh nghiệp cho phép công nhân được ở lại làm việc đến 80 tuổi, với quan điểm “không tận dụng người già là một sự lãng phí”.
Như vậy, việc khuyến khích người cao tuổi tham gia lao động góp phần giải quyết những khó khăn về phát triển kinh tế, chế độ an sinh xã hội, tạo ra “chất xúc tác” để kích thích nguồn lực tài nguyên giá trị này một cách bền vững, hiệu quả. Và về góc độ xã hội, điều này cũng tạo sự ổn định nhất định trong đời sống xã hội Nhật Bản.
Bên cạnh đó, Chính phủ Nhật Bản còn triển khai chính sách bảo hiểm chăm sóc sức khỏe toàn diện, dài hạn, qua đó người cao tuổi có thể lựa chọn các mô hình, chương trình bảo hiểm thích hợp khác nhau, như chăm sóc phòng ngừa và chăm sóc dài hạn.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), người cao tuổi phải từ 70 tuổi trở lên. Một số nước phát triển như Mỹ, Đức,… quy định người cao tuổi là từ 65 tuổi. Ở Việt Nam, Luật Người cao tuổi năm 2009 quy định người cao tuổi là công dân Việt Nam từ 60 tuổi trở lên. Như vậy, có thể thấy, tùy thuộc vào đặc thù, điều kiện của mỗi quốc gia, khu vực, quy định về người cao tuổi khác nhau, phụ thuộc vào trình độ phát triển kinh tế, chất lượng sống, mức sống, cũng như truyền thống văn hóa… |
Singapore cũng khuyến khích người lao động làm việc đến độ tuổi 60 – 70 không chỉ để giải quyết vấn đề kinh tế, mà còn đáp ứng được sức khỏe tinh thần, bảo đảm sự hòa nhập của người cao tuổi đối với xã hội, tận dụng được kỹ năng, tiềm năng, kinh nghiệm của họ, để họ có thể duy trì hoạt động tích cực và khỏe mạnh, tiếp tục đóng góp hữu ích cho xã hội.
Người cao tuổi tại Singapore_Ảnh: TLTrong bài phát biểu tại buổi lễ ra mắt cuốn sách “Lão hóa Singapore: Những vấn đề và thách thức phía trước” ngày 11-4-2023, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long nhấn mạnh 3 lĩnh vực chính mà chính phủ nước này cần giải quyết:
Thứ nhất, tăng độ tuổi nghỉ hưu và tái làm việc phù hợp với những thay đổi về nhân khẩu học. Nhiều người dân Singapore lớn tuổi muốn tiếp tục hoạt động, tiếp tục làm việc và đóng góp. Singapore đã nâng tuổi nghỉ hưu lên 63 và tuổi tái tuyển dụng lên 68. Đến năm 2030, dự kiến sẽ tăng lên 65 tuổi nghỉ hưu, tái làm việc cho đến khi 70 tuổi.
Điều này sẽ bảo đảm cho người cao tuổi có thể tiếp tục làm việc trong những năm hoàng kim của cuộc đời khi mà họ có khả năng và mong muốn được cống hiến phần đời còn lại.
Thứ hai, bảo đảm đủ chế độ lương hưu. Singapore thường xuyên cập nhật các chương trình Quỹ Phòng xa Trung ương để bảo đảm luôn phù hợp với mục đích, phù hợp với tuổi thọ ngày càng tăng và nhu cầu thay đổi, bảo đảm cho các thành viên thu nhập hằng tháng suốt đời.
Chương trình này đang hoạt động và mọi người dân bắt đầu nhận được khoản thanh toán từ Quỹ. Đồng thời, Chính phủ Singapore bổ sung cho Quỹ Phòng xa Trung ương các chương trình như Workfare để hỗ trợ bổ sung cho những người lao động có mức lương thấp và hỗ trợ cung cấp các khoản thanh toán bằng tiền mặt cho người cao tuổi có thu nhập thấp hoặc không có thu nhập trong những năm làm việc của họ.
Thứ ba, Singapore củng cố hệ thống chăm sóc sức khỏe của mình để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của dân số già. Với sáng kiến quốc gia Healthier SG nhằm quản lý sớm các vấn đề sức khỏe, Singapore đang chuyển hướng sang chăm sóc phòng ngừa nhằm giảm gánh nặng bệnh tật cho người dân Singapore, giúp giảm bớt gánh nặng cho hệ thống chăm sóc sức khỏe của đất nước này./.