Thông tin được PGS.TS.BS Nguyễn Văn Tân – Trưởng Bộ môn Lão khoa, Khoa Y, Trường đại học Y dược TPHCM đưa ra tại Hội thảo khoa học “Già hóa dân số và chính sách nhằm thích ứng với già hóa dân số tại TPHCM” do Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM tổ chức sáng 11/12.
Cũng theo PGS.TS.BS Nguyễn Văn Tân, hiện tượng già hóa dân số mặc dù là kết quả tích cực của những tiến bộ trong y học nhưng cũng đặt ra nhiều vấn đề phức tạp về kinh tế, xã hội và đặc biệt là chăm sóc sức khỏe.
Tuổi thọ trung bình ở Việt Nam tăng nhanh đáng kể trong những năm qua. Năm 1993, tuổi thọ trung bình đạt 65,5 tuổi; năm 2023, con số này đã tăng lên 74,5 tuổi (tăng gần 10 tuổi sau 10 năm), vượt qua nhiều quốc gia có thu nhập bình quân đầu người tương tự. Thực tế, Việt Nam thuộc nhóm quốc gia có thu nhập bình quân đầu người thấp, nhưng tỉ lệ dân số từ 60 tuổi trở lên đã bắt đầu tăng nhanh. Điều này tạo ra hiện tượng “chưa giàu đã già”.
PGS.TS.BS Nguyễn Văn Tân nhấn mạnh: “Dù tuổi thọ trung bình được kéo dài nhưng chất lượng cuộc sống trong những năm tuổi già vẫn là vấn đề đáng lo ngại khi nhiều người rơi vào tình trạng “sống lâu nhưng không khỏe”. Sự chuyển dịch mô hình bệnh tật từ các bệnh nhiễm trùng sang bệnh không lây nhiễm mạn tính, nguy cơ tàn tật tăng cao theo tuổi tác… càng làm tăng thêm gánh nặng cho cá nhân, gia đình và hệ thống y tế.
Để giải quyết vấn đề này, cần có các chính sách toàn diện, nâng cao chất lượng hệ thống y tế và tập trung vào việc thúc đẩy lão hóa khỏe mạnh nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững trong bối cảnh chuyển đổi nhân khẩu học của Việt Nam”.
Nhã Chân