(KTSG) – Chênh lệch tuổi thọ trung bình giữa nam và nữ giới đến 10 năm.
Tuổi thọ trung bình hiện nay của người Việt Nam là 74,5 tuổi và cao hơn nhiều quốc gia vùng lãnh thổ khác có cùng mức thu nhập bình quân đầu người, theo số liệu mới nhất của Bộ Y tế và Quỹ Dân số Liên hiệp quốc (UNFPA). Tuy nhiên, Việt Nam chưa có kinh nghiệm thích ứng với già hóa dân số, trong bối cảnh còn nhiều hạn chế về nguồn lực đầu tư.
Báo cáo mới nhất của UNFPA cho thấy tuổi thọ trung bình của nam giới Việt Nam chỉ đạt 70 tuổi, tức họ chỉ sống được thêm 10 năm sau tuổi nghỉ hưu (tạm xem tuổi nghỉ hưu hiện nay là 60 tuổi). Và đây có thể là một chỉ dấu đáng lo ngại về vấn đề chăm sóc sức khỏe cho nam giới, đặc biệt là đối với thế hệ những người đã ra tuyến đầu trong chiến tranh và chịu những ảnh hưởng nhất định về sức khỏe, như mang nhiều di chứng, giảm tuổi thọ. Đó có thể bao gồm chất lượng sống, thời gian sống, và cả bệnh tật sau tuổi lao động. Cụ thể hơn, Báo cáo tình trạng dân số thế giới 2024(1) của UNFPA ghi tuổi thọ của nam giới dừng lại ở 70, còn nữ giới là 80 tuổi – sự chênh lệch cao nhất được thống kê trong hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trên thế giới chỉ có ba quốc gia có sự chênh lệch ở mức cao nhất tới 10 đơn vị tuổi này là Belarus, Ukraine (riêng số liệu của Ukraine được thống kê vào năm 2001). Như vậy, nói một cách ngắn gọn là phụ nữ Việt Nam sống thọ hơn nam giới… 10 năm.
Chỉ số tuổi thọ trung bình toàn thế giới là nam 71 và nữ 76. Nhìn rộng hơn trong báo cáo tổng quan, thống kê hiện tại cũng cho thấy trên thế giới tuyệt đại đa số nữ giới sống thọ hơn nam giới nhưng sự chênh lệch tuổi thọ trung bình lại không lớn như Việt Nam.
Liên quan đến việc cải thiện các chỉ số về tuổi thọ trung bình, trong một chuyên khảo năm 2021(2), UNFPA và Tổng cục Thống kê đề xuất: (i) cần xây dựng các gói dịch vụ về chăm sóc dài hạn cho người cao tuổi với giá cả phù hợp; (ii) từ kinh nghiệm thực tiễn của các nước khác trên thế giới và điều kiện thực tế của Việt Nam cần đảm bảo tài chính để chăm sóc người cao tuổi dài hạn bằng các công cụ bảo hiểm chăm sóc dài hạn nếu không sẽ không thể thích ứng với già hóa dân số nhanh như hiện nay; (iii) khoảng 8 triệu người cao tuổi đang sống ở nông thôn và có xu hướng tăng ở nông thôn nên cần kết hợp chăm sóc người cao tuổi tại nhà và cộng đồng, điều đó giảm bớt gánh nặng cho các thành viên trong các hộ gia đình.
Tuy nhiên, thống kê trên đây mang tính số liệu nhưng không dễ điều chỉnh như là yếu tố kỹ thuật. Tuổi thọ con người của quốc gia nói lên chất lượng sống cũng như phản ánh chính sách an sinh của quốc gia đó. Nhưng thực tế, những người sống thọ tại Việt Nam đang đối diện với những thách thức về tinh thần và vật chất. Và, không quá lời khi phát biểu của Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan trong cuộc hội thảo nhân Ngày dân số thế giới hôm 11-7 rằng Việt Nam chưa có kinh nghiệm thích ứng với dân số già, thiếu nguồn lực đầu tư và tài chính để cải thiện chất lượng và thời gian sống của người cao tuổi, nhất là nam giới.