BTNO – Tiền thóc một tháng vài trăm ngàn đồng đối với người khác không lớn, nhưng với ông Nhi là phải chắt chiu, bóp bụng.
Người dân xung quanh đã quen với hình ảnh ông Nhi cho đàn bồ câu ăn mỗi ngày
Ông khẽ gọi tên vài con chim quen thuộc: “Dang cánh”, “Đại bàng”, “Bông”… Mấy con bồ câu này từng bị thương và được ông cứu rồi đặt tên. “Hung dữ”- tên của con chim bồ câu có bộ lông trắng muốt, dạn dĩ đậu hẳn trên tay của người đàn ông, rồi nhẹ nhàng nhặt nhạnh từng hạt thóc.
Một khung cảnh thực sự yên bình giữa lòng thành phố Tây Ninh vào sáng cuối tuần.
Người đàn ông ấy tên Lâm Nhi (ngụ xã Thanh Điền, huyện Châu Thành). Suốt 10 năm qua, ông chắt chiu đồng tiền sinh hoạt ít ỏi của mình, đều đặn cho đàn chim bồ câu ở công viên dưới chân cầu Thái Hoà ăn.
Chiếc xe ba bánh của ông Nhi dần trở nên quen thuộc với lũ bồ câu. Chỉ cần thấy bóng dáng ông thấp thoáng từ đầu đường, đàn chim vội bay ùa đến, đáp xuống, ríu rít bên cạnh. Tiếng “rù rù” của mấy con chim phát ra, biểu hiện chúng cảm giác thân thuộc với ông Nhi lắm.
“Hồi đầu mang thóc ra đây chỉ có vài con thôi, bây giờ đàn chim ngày một nhiều, có khi gần 200 con”- ông Nhi nói.
Ông kể, cho ăn riết rồi thấy thương, nhiều lúc thấy có con bị người ta bắn gãy cánh, què giò, nhìn mà xót. Những con chim được ông Nhi đặt tên, vắng mặt là ông biết liền. Cách ông gọi chúng đến ăn, la rầy con này không được tranh giành với con kia, nghe như dạy bảo con cháu trong nhà.
Mà hoàn cảnh ông Nhi cũng đâu khá giả gì, mấy năm còn lành lặn, ông đi đây đó sửa điện, kiếm tiền trang trải cuộc sống. Từ dạo bị tai biến đi đứng khó khăn, thu nhập cũng chỉ còn dựa vào căn nhà trọ cho thuê hơn 1 triệu đồng/tháng, người nhà góp thêm chút đỉnh để ông đắp đổi qua ngày.
“Bầu trời này mà thiếu vắng những cánh chim thì đáng tiếc lắm”
Ông Nhi phải chắt chiu chi phí sinh hoạt ít ỏi để mua thức ăn cho chim bồ câu.
Ấy vậy mà ông vẫn chịu khó chạy xe 3 bánh ra tận đây cho lũ chim ăn, đều đặn, không sót ngày nào. Tiền thóc một tháng vài trăm ngàn đồng đối với người khác không lớn, nhưng với ông Nhi là phải chắt chiu, bóp bụng.
“Nuôi riết rồi thấy mến, xem tụi nó như một phần không thể thiếu của cuộc sống. Kệ, mình bớt chút tiền ăn chứ sao bỏ được”- ông cười xuề xoà nói.
Việc cưu mang chim trời đem lại cho ông Nhi nhiều cảm xúc, cả chục năm gắn bó với đàn bồ câu này, ông nắm rõ quy luật sinh hoạt của chúng, số lượng đàn chim tăng giảm ông đều biết. Vui nhất là mỗi ngày ông nhìn thấy đàn bồ câu đầy đủ, khoẻ mạnh, còn mối lo là sợ một số người rình bắt chim.
Ông Nhi hy vọng có thể lan toả tình yêu động vật, để mọi người cùng nhau chăm sóc đàn chim.
Có lẽ đã quá quen với hình ảnh người đàn ông dáng liêu xiêu, quần ngắn, áo thun bạc màu, nhất là khuôn mặt sạm đen, hiền lành ngồi cho chim trời ăn, nên những người tập thể dục đi ngang vẫn hay vẫy tay chào hỏi. Những người lạ thì thích thú đứng nhìn, thi thoảng có vài người còn xin chụp hình “ké”.
“Bỏ tiền túi để mua thức ăn nuôi chim trời trong một quãng thời gian dài như vậy, chắc chắn ông phải là người có tâm, yêu động vật lắm mới làm được”- chị Bùi Thị Phượng, người dân ở gần đó bày tỏ.
Hơn chục năm qua, chưa ngày nào ông để đàn bồ câu phải đói. Ông nghĩ bản thân với lũ chim có thiện duyên nên chúng mới kéo đến đông như vậy. “Thôi thì chăm bẵm mấy con chim, đổi lại chúng sẽ khiến tâm mình bình an và cũng có thêm niềm vui trong cuộc sống”- ông Nhi chia sẻ.
Một con chim bồ câu bị dây quấn chân, ông Nhi đang theo dõi, tìm cách gỡ.
Lũ chim dạn dĩ khi ở cạnh ông Nhi.
Tay bốc nắm thức ăn rải xuống sân, thấy lũ chim mổ từng hạt thóc một cách tự nhiên, ngon lành, khuôn mặt ông Nhi lại ánh lên niềm vui sướng, mãn nguyện. Ông đưa tay ra, vài chú chim liền đậu xuống, ông vuốt ve chúng một cách trìu mến.
“Bầu trời này mà thiếu vắng những cánh chim thì đáng tiếc lắm”- ông Nhi nói. Ông bày tỏ mong ước của mình là có thể lan toả tình yêu động vật đến với mọi người, để cùng nhau chăm sóc đàn chim.
Lũ chim ăn xong bắt đầu tản ra, khi xe ông Nhi rời đi cũng là lúc đàn chim tung cánh bay rợp cả một góc trời.
Hoà Khang