Chân dung tướng lĩnh Quân khu 7 (1945-2020): Thượng tướng Nguyễn Minh Châu

(QK7 Online) – Đồng chí Nguyễn Minh Châu, sinh ngày 20-8-1921, trong một gia đình nông dân nghèo, giàu truyền thống yêu nước ở xã Thái Bình, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh. Đầu năm 1945, đồng chí tham gia rải truyền đơn tuyên truyền chống thực dân Pháp, phát xít Nhật tại địa phương và được cử làm trinh sát cướp vũ khí của địch ở Kho 6, Xóm Chiếu, bến cảng Lăng Tô (nay là Quận 4, Thành phố Hồ Chí Minh) để chuẩn bị khởi nghĩa. Ngày 1-8-1945, đồng chí nhập ngũ và tham gia cuộc biểu tình của nhân dân Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định, giành chính quyền (25-8-1945). Trước sự chống trả dữ dội của địch, đồng chí cùng đơn vị chiến đấu kiên cường, tiêu diệt địch, bắt tù binh và thu được nhiều vũ khí.

Thượng tướng Nguyễn Minh Châu.

Ngày 23-9-1945, không lâu sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, thực dân Pháp đã quay trở lại xâm lược nước ta. Ngay từ những ngày đầu quân Pháp nổ súng gây hấn, với các chức vụ: Trinh sát viên, Tiểu đội trưởng,Phân đội trưởng, Trung đội trưởng, đồng chí Nguyễn Minh Châu đã chỉ huy đơn vị đánh lui nhiều đợt tiến công của địch ở Sài Gòn, giữ cầu Thị Nghè, khu vực Hàng Xanh, Cầu Bông… Từ tháng 4-1946 đến tháng 3-1948, đồng chí đảm nhiệm các chức vụ: Phân đội trưởng, Đại đội trưởng, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 186, Trung đoàn 82. Dưới sự chỉ huy của đồng chí, đơn vị liên tục chiến đấu ở Hàm Thuận, Phan Thiết, Xuyên Mộc, Bà Rịa, giành nhiều thắng lợi quan trọng. Tháng 8-1949, đồng chí được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Từ tháng 4-1948 đến tháng 3-1953, đồng chí đảm nhiệm các chức vụ Trung đoàn phó Trung đoàn 812, Tỉnh đội trưởng Tỉnh đội Bình Thuận, Tỉnh ủy viên dự khuyết Tỉnh ủy Bình Thuận.

Trong suốt cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đồng chí Nguyễn Minh Châu đã lập nhiều chiến công xuất sắc. Nổi bật là trận tiêu diệt Binh đoàn 100 (GM 100)…, góp phần cùng quân và dân cả nước giành thắng lợi trong Chiến dịch Điện Biên Phủ (13-3-1954 – 7-5-1954), buộc thực dân Pháp phải ký Hiệp định Giơnevơ, rút quân về nước. Sau Hiệp định Giơnevơ, đồng chí tập kết ra miền Bắc. Từ tháng 6-1955 đến tháng 3-1957, đồng chí đảm nhiệm các cương vị: Trung đoàn trưởng Trung đoàn 108 và Trung đoàn 96, Liên khu 5.


Đồng chí Nguyễn Minh Châu, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 96 quán triệt nhiệm vụ cho đơn vị trước khi thực hiện nhiệm vụ. Ảnh: Tư liệu

Những năm từ 1957 đến 1959, đồng chí đảm nhiệm các cương vị Tham mưu trưởng, Tư lệnh phó Sư đoàn 305, Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 305. Năm 1961, đồng chí được cử đi học tại Trường Quân sự Trung Quốc. Hoàn thành khóa học, trở về nước, tháng 11-1962, đồng chí được bổ nhiệm Sư đoàn trưởng Sư đoàn 325, Quân khu 4.

Năm 1963, đế quốc Mỹ đẩy mạnh chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” ở miền Nam Việt Nam. Trước cảnh quê hương bị tàn phá, đồng bào bị bắt bớ, giam cầm, giết hại, đồng chí Nguyễn Minh Châu tình nguyện trở lại miền Nam chiến đấu. Từ tháng 4-1963 đến tháng 8-1969, với cương vị Tư lệnh Quân khu 6, Ủy viên Thường vụ Khu ủy Khu 6, đồng chí cùng tập thể Khu ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu, lãnh đạo, chỉ huy các đơn vị vượt qua muôn vàn khó khăn, liên tiếp giành những thắng lợi quan trọng.

Tháng 7-1969, đồng chí được điều động lên đảm nhiệm chức vụ Tham mưu phó Bộ Chỉ huy Miền. Tháng 9-1972, đồng chí được bổ nhiệm Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Miền. Với cương vị Tham mưu trưởng, đồng chí cùng Bộ Tư lệnh đã làm tốt công tác tham mưu cho Quân ủy Miền và Trung ương Cục lãnh đạo cuộc kháng chiến, giành nhiều thắng lợi lớn. Tháng 4-1974, đồng chí được thăng quân hàm Thiếu tướng. Đầu năm 1975, Bộ Tư lệnh Quân giải phóng miền Nam quyết định thành lập Đoàn 232 (tương đương quân đoàn), trên cơ sở Sư đoàn bộ binh 5 và Sư đoàn 3 cùng các binh chủng phối thuộc tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh (26-4-1975 – 30-4-1975) do Thiếu tướng Nguyễn Minh Châu làm Tư lệnh. Các lực lượng của Đoàn 232 đánh chiếm Bộ Tư lệnh Biệt khu Thủ đô, Tổng nha cảnh sát, Bộ Tư lệnh Hải quân và một số mục tiêu khác, góp phần vào chiến công chung của quân và dân cả nước giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Tháng 5-1976, đồng chí Nguyễn Minh Châu nhận nhiệm vụ Phó Tư lệnh Quân khu 7. Đây là thời kỳ miền Nam mới được giải phóng, có rất nhiều vấn đề phức tạp cần giải quyết: Những tàn dư của chế độ cũ để lại, hệ thống mật thám địch cài cắm lại chống phá thành quả của cách mạng, các vấn đề về an sinh xã hội và đặc biệt là tình hình biên giới Tây Nam có nhiều diễn biến phức tạp… Trước tình hình đó, với nhãn quan của một nhà quân sự tài ba, từng trải, dày dạn kinh nghiệm trên chiến trường, tại hội trường Tỉnh ủy Tây Ninh (sáng ngày 17-12-1976), Thiếu tướng Nguyễn Minh Châu đã có bài phát biểu đầy tâm huyết và trách nhiệm. Trong đó, có dự cảm về tương lai, đồng chí nói: Là người đã trải qua chiến tranh, là người trực tiếp chỉ huy Quân đội trong chiến tranh, tôi linh cảm thấy mùi chiến tranh đang ngày càng đến rất gần với chúng ta. Sau khi đi kiểm tra thực tế ở một số đơn vị bộ đội, các đồn biên phòng, nhận thấy một số chỉ huy, chiến sĩ, cấp ủy, chính quyền địa phương còn chủ quan, mất cảnh giác…; tôi cũng yêu cầu lãnh đạo tỉnh Tây Ninh lưu tâm lãnh đạo, kiểm tra đôn đốc thực hiện nội dung những công việc nêu ra trên đây với trách nhiệm cao nhất, chuẩn bị cho cuộc chiến đấu sắp tới.

Thiếu tướng Nguyễn Minh Châu cũng nhận định, có khả năng địch sẽ tiến công nước ta vào cuối quý III năm 1977. Đồng chí dự đoán những hướng địch tiến công chủ yếu: Hướng Bắc Sa Mát, hướng Tây Bắc Bến Sỏi (Phước Tân), hướng Tây toàn bộ vùng Bến Cầu; trọng điểm là các xã Long Khánh, Long Thuận, Lợi Thuận. Đồng thời, dự báo: Khả năng chúng sẽ đánh vào dân, hòng gây tâm lý hoang mang, sợ hãi cho nhân dân ta sống dọc biên giới. Từ đó, đồng chí kiến nghị lãnh đạo tỉnh Tây Ninh nên có kế hoạch, phương án di rời nhân dân ở những khu vực nhạy cảm đến vùng an toàn hơn.

Đúng như những dự đoán của Thiếu tướng Nguyễn Minh Châu, ngày 21-8-1977, quân Khơme Đỏ tiến công dọc biên giới tỉnh Long An. Ngày 25-9-1977, chúng sử dụng Trung đoàn 155 (Sư đoàn 4) và Trung đoàn 183 (Sư đoàn 3), cùng 7 tiểu đoàn địa phương đồng loạt tiến công các chốt của ta trên tuyến biên giới thuộc ba huyện Tân Biên, Bến Cầu, Châu Thành (tỉnh Tây Ninh). Thực hiện chiến lược “đốt sạch, phá sạch, giết sạch”, chúng cướp lương thực, trâu, bò và tài sản của nhân dân ta.

Trước tình hình nghiêm trọng trên, Bộ Tư lệnh Quân khu 7 quyết định thành lập Sở Chỉ huy tiền phương, do Thiếu tướng, Phó Tư lệnh Quân khu Nguyễn Minh Châu làm Tư lệnh. Dưới sự chỉ huy của Tư lệnh Nguyễn Minh Châu, lực lượng vũ trang Quân khu 7 đã giải phóng thị trấn Snuôn, đẩy lùi địch về phía sau, tạo thuận lợi cho Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước của bạn ra đời tại vùng giải phóng Snuôn (2-12-1978).

Đáp lời kêu gọi của Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia, trong đội hình Quân tình nguyện Việt Nam, đồng chí Nguyễn Minh Châu chỉ huy các lực lượng vũ trang Quân khu 7 phối hợp chặt chẽ với lực lượng cách mạng bạn thực hành tổng tiến công, giải phóng hoàn toàn Campuchia (1-1979) cứu nhân dân Campuchia thoát họa diệt chủng.

Tháng 6-1981, đồng chí được thăng quân hàm Trung tướng. Những năm từ 1982 đến năm 1988, đồng chí đảm nhiệm chức vụ Tư lệnh Quân khu 7. Mặc dù giữ cương vị là người chỉ huy cao nhất của Quân khu, nhưng đồng chí vẫn luôn giản dị, mộc mạc và giữ vững bản lĩnh của người lính Cụ Hồ. Theo như lời kể của Thượng tướng Nguyễn Trọng Xuyên (nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng): Khi đã là Tư lệnh Quân khu 7, mỗi lần ra Bộ Quốc phòng họp, đồng chí Nguyễn Minh Châu đều mang theo thứ gì đó. Đến nhà khách, đồng chí gọi và cho một vài anh em mà đồng chí thấy còn nhiều khó khăn. Vì không thể gọi nhiều người một lúc, nên đồng chí chia thành nhiều lần, lần này cho người này, lần khác cho người khác. Người thì đồng chí cho mấy cân gạo, người thì cho gói lương khô…

Năm 1986, đồng chí được thăng quân hàm Thượng tướng. Tháng 1-1988, Thượng tướng Nguyễn Minh Châu được bổ nhiệm Phó Tổng Thanh tra Quân đội. Tháng 5-1988, đồng chí là Trưởng đại diện Bộ Quốc phòng nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam giúp Campuchia. Đến tháng 11-1992, đồng chí được nghỉ hưu theo chế độ.

Ngày 23-10-1999, đồng chí từ trần sau một thời gian lâm bệnh nặng. Gần 50 năm hoạt động cách mạng liên tục chiến đấu và công tác, trải qua 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ trên các chiến trường gian khổ và ác liệt nhất cực Nam Trung Bộ, miền Đông Nam Bộ và làm nhiệm vụ quốc tế, với các cương vị được giao, Thượng tướng Nguyễn Minh Châu luôn quán triệt đường lối chính trị, đường lối quân sự của Đảng, tổ chức thực hiện nghiêm túc các chỉ thị, nghị quyết, mệnh lệnh của cấp trên, tuyệt đối trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của nhân dân. Đối với đồng chí, đồng đội, đồng chí luôn có lòng tin, tình thương và trách nhiệm sau trước vẹn toàn. Đối với gia đình, đồng chí là người thủy chung, mẫu mực, là tấm gương sáng cho con cháu noi theo. Trong tâm khảm của nhiều lớp cán bộ, chiến sĩ không bao giờ phai mờ tấm gương anh Năm Ngà – người chỉ huy dũng cảm, kiên cường, táo bạo, mưu trí trong chiến đấu; nhiệt tình, hăng say, tận tụy trong công tác; có nghĩa, có tình với đồng đội. Công tác ở bất cứ đơn vị nào, vị trí nào, dù là chiến đấu ngoài mặt trận hay là người chỉ huy của Quân khu, của Bộ Quốc phòng, đồng chí cũng luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được mọi người tin yêu, quý mến.

Quá trình chiến đấu, công tác, cống hiến cho cách mạng, Quân đội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đồng chí Nguyễn Minh Châu được Đảng và Nhà nước tặng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Hồ Chí Minh; 5 Huân chương Quân công (3 hạng Nhất, 2 hạng Ba); Huân chương Quân công giải phóng hạng Ba; 5 Huân chương Chiến công (3 hạng Nhất, 1 hạng Nhì, 1 hạng Ba); 2 Huân chương Chiến công giải phóng hạng Nhì, Ba; Huân chương Chiến thắng hạng Nhì, cùng nhiều phần thưởng cao quý khác. Năm 2010, Thượng tướng Nguyễn Minh Châu được truy tặng danh hiệu cao quý “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”. Một con đường ở phường Phú Trung, quận Tân Phú, Thành phố Hồ Chí Minh được đặt tên là Nguyễn Minh Châu.

Hà Vi