Chăm sóc người cao tuổi – cả xã hội chung tay

Ứng dụng điện thoại giúp người cao tuổi và gia đình theo dõi sức khỏe trực tuyến. (Ảnh: S-Health).
Ứng dụng điện thoại giúp người cao tuổi và gia đình theo dõi sức khỏe trực tuyến. (Ảnh: S-Health).
(PLVN) – Quá trình già hóa dân số đang diễn ra nhanh chóng, mang đến nhiều thách thức cho xã hội. Việc chăm sóc sức khỏe người cao tuổi không chỉ là trách nhiệm của từng cá nhân hay gia đình mà còn là trách nhiệm của toàn xã hội. Điều này mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp tư nhân tham gia vào việc cung cấp dịch vụ chăm sóc người cao tuổi.

Trách nhiệm chăm sóc là của toàn xã hội

Công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi (NCT) là một trong ba trụ cột của công tác NCT, bên cạnh công tác bảo vệ và phát huy vai trò của NCT. Đây đều là những chính sách lớn được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm. Theo đó, việc hiến định trong Hiến pháp, quy định trong các Luật, Nghị định và văn bản của Nhà nước là cơ sở pháp lý để các cấp chính quyền, các ngành, các cấp Hội NCT và toàn xã hội cùng chung tay làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe cho NCT.

Cụ thể, Hiến pháp 2013 quy định “NCT được Nhà nước, gia đình và xã hội tôn trọng, chăm sóc và phát huy vai trò trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Luật NCT 2009 dành một chương quy định về phụng dưỡng, chăm sóc NCT. Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 quy định: “Con có nghĩa vụ và quyền chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ, đặc biệt khi cha mẹ mất năng lực hành vi dân sự, ốm đau, già yếu, khuyết tật; trường hợp gia đình có nhiều con phải cùng nhau chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ”. Luật Bảo vệ chăm sóc sức khỏe nhân dân 1989 quy định: “NCT được ưu tiên khám, chữa bệnh, được tạo điều kiện thuận lợi để đóng góp cho xã hội phù hợp với sức khỏe của mình”.

Bên cạnh đó, nhiều chủ trương, chính sách ưu đãi dành cho NCT đã được ban hành trong những năm qua, thể hiện rất rõ quan điểm nhân văn, khoa học, tiến bộ của các nhà làm luật, nhà quản lý đối với công tác trợ giúp, chăm sóc NCT trong gia đình và cộng đồng. Đơn cử, Nghị định số 20/2021/NĐ-CP quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội, bao gồm cả NCT. Ngoài ra, Quyết định 544/QĐ-TTg ngày 25/4/2014 quy định lấy tháng 10 hàng năm là tháng hành động vì NCT nhằm nâng cao nhận thức của NCT về quyền lợi của mình và huy động cả cộng đồng chăm lo cho NCT; Quyết định số 2156/QĐ-TTg ngày 21/12/2021 phê duyệt Chương trình hành động quốc gia về NCT Việt Nam giai đoạn 2021 – 2030.

NCT là nguyên khí quốc gia, là nguồn lực vô giá với nhiều kinh nghiệm sống và nguồn tri thức vô tận. Họ đã dành tuổi trẻ, sức lực, tâm huyết đóng góp cho công cuộc xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước tạo nên nền tảng cho đất nước của ngày nay. Vì vậy, việc quan tâm chăm lo sức khỏe và đời sống vật chất, tinh thần của NCT vừa là trách nhiệm của thế hệ hiện tại đối với những bậc tiền bối, cũng vừa là quyền lợi của mỗi con người khi bước vào giai đoạn phát triển cuối đời. Trong bối cảnh xu hướng già hoá dân số nhanh, kéo theo nhiều vấn đề xã hội, hoạt động chăm sóc sức khỏe NCT còn cần được chú trọng hơn bao giờ hết nhằm bảo đảm tất cả NCT được hỗ trợ, đáp ứng đầy đủ các nhu cầu cơ bản hằng ngày, bao gồm cả việc tiếp cận các hệ thống dịch vụ y tế và chăm sóc xã hội (hỗ trợ pháp lý, tâm lý, chăm sóc tại nhà…) một cách dễ dàng.

Thực tế đó đòi hỏi cần có các chính sách và chương trình ứng phó kịp thời với vấn đề già hoá dân số, trên cơ sở tôn trọng quyền chứ không phải gánh nặng trong quá trình phát triển bền vững. Đáng nói, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra mục tiêu đến năm 2030 “bảo đảm 100% NCT có thẻ bảo hiểm y tế; được quản lý sức khỏe, khám, chữa bệnh, chăm sóc tại gia đình, cộng đồng, cơ sở chăm sóc tập trung”. Như vậy, bên cạnh nỗ lực của các cơ quan chức năng, điều quan trọng là cần tăng cường phát huy vai trò của toàn xã hội trong công tác chăm sóc NCT nhằm phát triển hệ thống chăm sóc toàn diện, bao gồm cả chăm sóc tập trung và chăm sóc cộng đồng.

Khuyến khích cộng đồng, doanh nghiệp tham gia

Xã hội hóa chăm sóc sức khỏe NCT giúp họ nhận được sự chăm sóc toàn diện hơn. (Ảnh minh họa - Nguồn: CIH)
Xã hội hóa chăm sóc sức khỏe NCT giúp họ nhận được sự chăm sóc toàn diện hơn. (Ảnh minh họa – Nguồn: CIH)

Việc phát huy vai trò cộng đồng trong chăm sóc NCT không chỉ giải quyết hiệu quả các vấn đề liên quan đến già hóa dân số mà còn bảo đảm lợi ích và an sinh xã hội cho NCT. Hướng đi này phù hợp với văn hóa cộng đồng, truyền thống tôn trọng người già và điều kiện vật chất hiện tại của Việt Nam, đồng thời giúp giảm bớt gánh nặng cho gia đình và hệ thống y tế. Thực tế, chăm sóc sức khỏe tại cộng đồng có sự tham gia của nhiều chuyên gia y tế và xã hội, tạo nên sự hỗ trợ và hợp tác chặt chẽ. Phương pháp này giúp nâng cao sức khỏe tổng thể của NCT thông qua các dịch vụ y tế và xã hội kết hợp, từ đó hình thành các hình thức chăm sóc cá nhân hóa hơn. Việc chăm sóc tại nhà, dù giúp giảm bớt gánh nặng cho người chăm sóc và mang lại sự thoải mái cho NCT, nhưng lại đòi hỏi nguồn lực và chi phí lớn. So với các phương thức khác, chăm sóc sức khỏe tại cộng đồng không chỉ đa dạng và hiệu quả, mà còn giúp NCT cảm thấy gần gũi, gắn bó hơn, đồng thời giảm bớt chi phí và áp lực cho gia đình cũng như hệ thống y tế. Điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh quá tải bệnh nhân cao tuổi.

Bên cạnh đó, khu vực tư nhân có vai trò quan trọng trong hệ thống chăm sóc, bảo đảm NCT được chăm sóc chu đáo và toàn diện. Các doanh nghiệp tư nhân mang đến giải pháp sáng tạo, cải thiện chất lượng dịch vụ và ứng dụng công nghệ số giúp theo dõi sức khỏe hiệu quả, thuận lợi cho chăm sóc từ xa, góp phần giảm bớt gánh nặng cho hệ thống y tế công, đồng thời tạo ra nhiều lựa chọn cho NCT và gia đình họ. Một trong những cách thức rõ ràng nhất mà khu vực tư nhân đóng góp là thông qua việc xây dựng và vận hành các cơ sở dưỡng lão ngoài công lập. Các doanh nghiệp tư nhân đầu tư vào việc tạo ra môi trường sống thoải mái, an toàn và chăm sóc chuyên nghiệp cho NCT. Điển hình, Làng Dưỡng Lão Bình Mỹ (TP HCM) là mô hình cơ sở dưỡng lão tư nhân cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe toàn diện cho NCT, bao gồm dịch vụ chăm sóc y tế, dinh dưỡng và các hoạt động giải trí, giúp NCT duy trì sức khỏe và tinh thần lạc quan.

Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp tư nhân cũng đã bắt đầu cung cấp dịch vụ chăm sóc tại nhà, giúp NCT có thể nhận được sự chăm sóc cần thiết mà không cần rời khỏi nhà mình, với các gói dịch vụ rất đa dạng, từ chăm sóc y tế cơ bản, hỗ trợ sinh hoạt hàng ngày đến chăm sóc đặc biệt cho các bệnh nhân mắc bệnh mãn tính. Hơn nữa, công nghệ số đang ngày càng được ứng dụng rộng rãi trong việc chăm sóc sức khỏe NCT, giúp theo dõi và quản lý sức khỏe một cách hiệu quả. Chẳng hạn như ứng dụng S-Health cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe từ xa, cho phép NCT và gia đình theo dõi sức khỏe hàng ngày, đặt lịch khám bệnh và nhận tư vấn y tế trực tuyến, giúp giảm thiểu việc di chuyển và tiết kiệm thời gian.

Do vậy, nhiều ý kiến cho rằng Chính phủ cần xây dựng và triển khai các chính sách hỗ trợ cộng đồng và tư nhân tham gia chăm sóc NCT hiệu quả. Đơn cử, các chính sách khuyến khích phát triển các cơ sở dưỡng lão ngoài công lập giúp giảm áp lực lên hệ thống y tế công cộng và cung cấp cho NCT nhiều dịch vụ đa dạng, chất lượng cao hơn. Các ưu đãi về thuế, hỗ trợ tài chính và tạo môi trường pháp lý thuận lợi cũng rất quan trọng, đặc biệt khi các doanh nghiệp đang được khuyến khích và hỗ trợ ứng dụng công nghệ số nhiều hơn trong mọi mặt của bộ máy vận hành. Ngoài ra, các chương trình, chiến lược nâng cao nhận thức cộng đồng về vai trò và quyền lợi của NCT cũng giúp họ nhận được sự chăm sóc tốt hơn và phát huy vai trò trong xã hội. Các nhóm dễ bị tổn thương như dân tộc thiểu số, người khuyết tật và nạn nhân của bạo lực gia đình đều được chú trọng, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan nhà nước và các tổ chức phi lợi nhuận, doanh nghiệp tư nhân. Bởi vậy, việc ban hành Chiến lược quốc gia về công tác NCT cũng rất cần thiết để xây dựng hệ sinh thái hỗ trợ NCT trong bối cảnh phát triển mới. Chiến lược này sẽ giúp định hướng rõ ràng các chính sách và chương trình hành động, bảo đảm chăm sóc toàn diện và bền vững cho NCT.

Việc xã hội hóa chăm sóc NCT là một trong những giải pháp toàn diện để đối phó với xu hướng già hoá dân số, bảo đảm NCT được sống vui, khỏe và hạnh phúc trong môi trường an toàn và thân thiện. Kinh nghiệm quốc tế cũng cho thấy sự cần thiết của việc thu hút, tận dụng và phát huy vai trò của toàn xã hội trong công tác chăm sóc sức khỏe NCT. Các chính sách và biện pháp cụ thể có thể kể tới phát triển hệ thống chăm sóc sức khỏe cộng đồng, tăng cường hoạt động của các tổ chức xã hội, phát triển dịch vụ chăm sóc liên tục, xây dựng nguồn lực xã hội, xác định tiêu chuẩn chất lượng, và phát triển hệ thống bảo hiểm chăm sóc dài hạn.