Singapore lâu nay đối mặt với tình trạng dân số già. Cùng với đó, chứng trầm cảm ở người cao tuổi trở thành một vấn đề nghiêm trọng nhưng chưa được đánh giá đúng mức.
Điều đáng lo ngại là biểu hiện trầm cảm ở người lớn tuổi không mấy rõ ràng.
![]() |
Trầm cảm ảnh hưởng đến 5,5% số người cao tuổi ở Singapore. Ảnh: iStock |
“Các triệu chứng của bệnh trầm cảm ở người cao tuổi dễ bị nhầm lẫn với quá trình lão hóa thông thường hoặc suy giảm nhận thức”, Phó giáo sư Ng Chong Jin của Bệnh viện Khoo Teck Puat cho hay.
Mới đây, Phó giáo sư Ng Chong Jin tiếp xúc với một bệnh nhân cao tuổi (giấu tên) bị nghi ngờ mắc chứng suy giảm trí nhớ. Gia đình mô tả bà hay quên, ít nói hơn trước, không tham gia vào các hoạt động bên ngoài. Nếu trước kia, bà thích ra ngoài đi bộ buổi sáng, đi chợ, tán gẫu với hàng xóm thì trong nửa năm qua, bà không còn muốn ra ngoài nữa. “Tôi không muốn ra ngoài. Tôi già rồi, đi lại cũng khó khăn, mà bạn bè tôi đều đã khuất xa. Dù sao thì cũng chẳng còn ai nhớ đến tôi nữa”, bà lão than thở.
Trong buổi tư vấn với các chuyên gia tâm lý, bà chợt bật khóc, bày tỏ sự bất mãn với cuộc sống và cảm giác cô đơn, cho rằng những người cao tuổi khác có cuộc sống tốt hơn mình. Sau khi đánh giá kỹ lưỡng, bà được chẩn đoán mắc chứng trầm cảm tuổi già.
Đây không phải là trường hợp cá biệt. Trầm cảm tuổi già thường không được chẩn đoán vì các triệu chứng như mệt mỏi, mất tập trung và rối loạn giấc ngủ dễ bị nhầm lẫn với tình trạng lão hóa bình thường hoặc bệnh lý thể chất. Hơn nữa, khi người cao tuổi dùng nhiều loại thuốc, một số loại thuốc có thể gây ra các triệu chứng giống như trầm cảm, làm phức tạp thêm việc chẩn đoán và điều trị.
Có nhiều nguyên nhân làm tăng nguy cơ mắc bệnh trầm cảm ở người lớn tuổi, như sự ra đi của người thân, bạn bè, việc nghỉ hưu, bệnh tật… khiến người lớn tuổi cảm thấy bất lực và bi quan, gây ra tâm trạng chán nản.
Các phương pháp trị liệu bao gồm việc thúc đẩy các hoạt động giao lưu xã hội, giúp người già duy trì kết nối với gia đình và bạn bè; chăm sóc sức khỏe tinh thần và thể chất người cao tuổi; giúp họ hình thành những thói quen vận động phù hợp và quan trọng hơn cả là lắng nghe một cách tích cực để người già sẵn sàng mở lòng chia sẻ cảm xúc, giúp họ vượt qua nỗi đau buồn và sự cô đơn.
HIỀN MINH