Tôi muốn nói đến “điểm nghẽn” của cái Thẻ đi xe bus (miễn phí) của công dân Thủ đô cao tuổi, được cấp lần đầu cách nay 5 năm, theo chỉ đạo của ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch Hà Nội lúc đó. Đến nay thì thẻ hết hạn, các vị cao tuổi lục tục đi đổi thẻ.
Thủ tục nhanh thôi, nhưng đường đến trụ sở “nhà thẻ” thì khá xa với đa số các cụ. Rồi còn phải xếp hàng chờ gọi tên. Rồi sờ túi lục xắc tìm các loại giấy tờ cần thiết. Rồi thứ có mang theo thứ quên ở nhà. Rồi lóng nga lóng ngóng với chiếc điện thoại thông minh con cháu sắm cho. Rồi ù ù cạc cạc với những thuật ngữ QR, VneID, password…
Nói chung là rất nhiêu khê khổ sở với nhiều cụ. Mà có cần thiết phải đổi Thẻ đi xe bus cho các cụ không? Người cao tuổi được cấp Thẻ miễn phí đi xe bus, ai hỏng hoặc mất thì phải làm lại, còn thì dùng đến khi chết thì thôi, tại sao lại phải đổi theo niên hạn? Đến như cái Căn cước công dân quan trọng hàng đầu, mà người từ 60 tuổi trở lên cũng được công an cấp vô thời hạn cơ mà?.
Vẫn biết “nhà thẻ” cần nắm được số người cao tuổi đi xe bus miễn phí để hằng năm làm kế hoạch phục vụ, hoạch toán kinh doanh… và các yêu cầu chuyên môn khác. Cơ mà những điều đó đều đã tích hợp trong “chip”, có thể nắm được nếu liên thông với ngành quản lý dân số bên công an.
Chắc là việc liên thông tra cứu này hơi phức tạp nên bèn bắt các cụ 5 năm đổi thẻ một lần cho tiện? Thế tức là đúng như TBT Tô Lâm vừa phát biểu: Quản không được thì cấm; hoặc là đẻ thêm thủ tục hành chính để… hành dân?.
Giá như lãnh đạo thành phố lắng nghe dư luận, rồi nhấc điện thoại là “nhà thẻ” giật mình vì sự tắc trách cửa quyền ngay. Được như thế, tức là lãnh đạo TP đã nêu gương tháo gỡ những “điểm nghẽn của điểm nghẽn”, bắt đầu từ chiếc thẻ bé tí, để Thủ đô ta khẩn trương tháo gỡ những “điểm nghẽn” lớn hơn.
Nhà văn Mai Nam Thắng